Một hệ sinh thái đầu tư, phát triển đã hình thành. Với sự năng động, linh hoạt trong chỉ đạo, Bắc Ninh ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; đưa cán bộ đi nghiên cứu, học tập mô hình trong và nước ngoài; quy hoạch các KCN tập trung, cụm công nghiệp làng nghề; khẩn trương giải phóng mặt bằng giao đất sạch nhanh nhất cho nhà đầu tư... Đặc biệt việc tỉnh chọn lựa các nhà đầu tư hạ tầng KCN có tiềm lực, kinh nghiệm như Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc để từ KCN Tiên Sơn (2000), rồi đến Quế Võ, Đại Đồng-Hoàn Sơn, Yên Phong I, VSIP... được hình thành, hiện hữu như một minh chứng sống động về một quyết tâm chính trị mang tầm chiến lược được cả tỉnh tập trung cao độ và phát huy mọi nguồn lực để thực hiện.
Cầu Bình Than nối hai huyện Quế Võ - Gia Bình được đầu tư xây dựng tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ.
Định hướng phát triển công nghiệp đã mang đến nguồn sinh khí mới cho Bắc Ninh khởi sắc, phát triển. Từ những bước đi bài bản trong công tác quy hoạch, đến quá trình chỉ đạo và thực hiện, các KCN hiện không chỉ là một bộ phận riêng biệt với súc hút lớn từ các dự án FDI mà tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối với hạ tầng ngoài hàng rào KCN, vừa phục vụ nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai nhanh dự án, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, phục vụ tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính những điều đó trở thành chất men xúc tác để các nhà đầu tư lựa chọn Bắc Ninh là điểm đến lý tưởng.
Khởi đầu là dự án Kính nổi Việt-Nhật (KCN Quế Võ) với 100 triệu USD (1997), đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho hơn 1.700 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 22 tỷ USD. Chất lượng các dự án nâng cao, suất đầu tư tính trên số dự án khoảng 12,90 triệu USD/dự án; suất đầu tư tính trên diện tích đất đã cho thuê khoảng 10,00 triệu USD/ha. |
Vừa phát huy nội lực, vừa chớp thời cơ hội nhập, Bắc Ninh nhanh chóng trở thành “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư lớn, thương hiệu mạnh hàng đầu thế giới. Công ty Canon mở rộng đầu tư, Tập đoàn Hồng Hải vào KCN Quế Võ, các doanh nghiệp FDI khác cũng lần lượt góp mặt; các KCN VSIP, Yên Phong... hoàn thiện hạ tầng đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài. Sự kiện năm 2007, khi Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với số vốn đăng ký ban đầu 670 triệu USD tại KCN Yên Phong mở ra thế và lực cho nền công nghiệp hiện đại, kết nối sâu sắc hơn vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc với thế giới trong chuỗi liên kết giá trị toàn cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Trung tâm logistics thông minh tại khu công nghiệp Yên Phong II-A với Công ty Cổ phần hạ tầng Western Pacific và Yoshida Kaiun Co., Ltd.
Tiếp sau đó là SEV II, SEV III, rồi đến Microsoft, Samsung Display… lần lượt hiện hữu tại các KCN, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu. Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, trong buổi công bố kết quả kinh doanh năm 2021 khẳng định: “Samsung không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam do đại dịch COVID-19. Chúng tôi thực sự hài lòng khi chọn Bắc Ninh là điểm đầu tư, vì nơi đây không chỉ sở hữu cơ sở hạ tầng KCN hiện đại, giao thông thuận lợi mà còn có nguồn nhân lực ưu tú, dồi dào. Trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo tỉnh luôn giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất.
Nhiều nhà đầu tư khác khi đến với Bắc Ninh đều có chung cảm nghĩ, nhận xét như ông Choi Joo Ho.
Thành công lớn nhất của Bắc Ninh thu hút được các dự án đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh trong châu lục và trên thế giới, xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo lập KCN chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ, trở thành địa phương nhiều năm liền (từ 2011- 2021) đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào KCN. Từ hạt nhân các KCN đã hình thành các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng xã hội phát triển.
Năm 1997 toàn tỉnh có 8 đô thị trong đó 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đến nay có 9 đô thị trong đó 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 2 đô thị loại IV (Quế Võ và Thuận Thành) và 5 đô thị loại V (nâng cấp Nhân Thắng là loại V). Hiện tại Bắc Ninh đang hoàn thiện hồ sơ các huyện Thuận Thành, Quế Võ trở thành thị xã; tăng tỷ lệ đô thị hóa từ 9% năm 1997 lên 38% năm 2021. Diện mạo Bắc Ninh với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, thể hiện hình ảnh của một đô thị “Năng động - Hiện đại - Phát triển”. |
Nhiều công sức và trí tuệ kế thừa, tiếp nối, Bắc Ninh hôm nay đang phát triển với đầy đủ tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Trong một không gian kinh tế thuận lợi, môi trường đầu tư an toàn, chính sách sau đầu tư hấp dẫn, mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư đã đưa Bắc Ninh đạt nhiều chỉ tiêu trong top đầu toàn quốc. Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 16,7%, cao hơn nhiều so với mức 7% bình quân chung cả nước. Trong đó, khu vực CN-XD khẳng định vai trò đầu tàu với tốc độ tăng đạt 21,2%, khu vực dịch vụ tăng 16,4%; khu vực nông nghiệp tăng 2,6%. Vượt qua dịch Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng lên 79,3%. Với tốc độ này, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Năm 1997, thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 198 tỷ đồng, không đáp ứng được nhu cầu chi, ngân sách Trung ương phải hỗ trợ. Từ năm 2011 Bắc Ninh là tỉnh thứ 13 tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương (7%/năm); năm 2015, số thu nội địa đã vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 33,26 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997 |
Từ các KCN tạo ra những sản phẩm điện tử hiện đại nhất thế giới như Smart phone; máy tính bảng; note PC; máy in, diện thoại thông minh, màn hình LCD, modul... đưa vùng quê Quan họ trở thành “Trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn nhất cả nước”, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại quốc tế và chuyển dịch sang hướng xuất siêu. Đến nay, Bắc Ninh với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước như giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đứng thứ nhất; Quy mô GRDP xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5; thu hút vốn FDI xếp thứ 7; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế đối ngoại là điểm sáng trong thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, với việc thu hút vốn đầu tư từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử, đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương. Năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh mới đạt 20,4 triệu USD, chỉ bằng 0,2%/tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Từ năm 2010, với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI thuộc ngành điện tử đã đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh đóng góp quan trọng cho cả nước. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đứng thứ nhất cả nước.
Năm 1997, Bắc Ninh chỉ có có 5 chi nhánh ngân hàng cấp 1 và 11 Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động. Đến năm 2021 đã phát triển 165 đầu mối ngân hàng và tổ chức tín dụng (trong đó 37 chi nhánh ngân hàng, 26 Quỹ Tín dụng và 1 tổ chức tài chính vi mô) với hơn 1.000 điểm giao dịch được phân bổ khắp toàn tỉnh, góp phần cung cấp vốn tín dụng cho các cơ sở kinh tế trong tỉnh mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Công nghiệp phát triển dẫn dắt các ngành, nghề dịch vụ tiện ích. Tại các vùng nông thôn khi công nghiệp về xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ phục vụ công nhân; ở thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và các khu đô thị hình thành nhiều tuyến phố phục vụ các chuyên gia, người lao động nước ngoài. Đường Nguyễn Đăng Đạo (thành phố Bắc Ninh) trở thành phố ngân hàng, nơi đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển, mở rộng sản xuất.
Kinh tế phát triển, nhiều chính sách của tỉnh đi trước và được mở rộng đối tượng thụ hưởng có mức trợ cấp cao hơn so với quy định chung của cả nước như: Trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi; hỗ trợ trẻ em mổ tim bẩm sinh, chương trình Sữa học đường... Có thể khẳng định, những năm qua, Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, với sự vào cuộc của toàn xã hội cho công tác an sinh, phúc lợi xã hội.
Việc làm và thu nhập của người lao động tăng, an sinh xã hội được đảm bảo đưa mức sống dân cư được cải thiện rõ rệt. Năm 1997, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu đạt 238 nghìn đồng/tháng, năm 2021 tăng lên 5.890 nghìn đồng/tháng, gấp 24,7 lần năm 1997; khoảng cách giàu- nghèo được rút ngắn qua các năm.
Trong 25 năm, toàn tỉnh đã tặng gần 40 nghìn sổ tiết kiệm, xây gần 800 nhà tình nghĩa; hỗ trợ xây dựng 4.380 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 151 tỷ đồng và 5.500 căn nhà cho hộ đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 270 tỷ đồng. Ủng hộ Quỹ Vì người nghèo hàng chục tỷ đồng mỗi năm góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 10,35% năm 1997 (theo tiêu chí giai đoạn 1997-2000) xuống còn 1,15% năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều). |
Bắc Ninh hôm nay được xác định là một cực tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cả về quy mô và tốc độ. Những kết quả được tích lũy ở giai đoạn này là kết quả của chủ trương đúng, Nghị quyết trúng của Đảng bộ tỉnh. Đó cũng là cơ sở, nền tảng và động lực cho sự phát triển cân đối các trụ cột kinh tế, chuẩn bị cho Bắc Ninh tiến vào cơ cấu của nền kinh tế sáng tạo (kinh tế tri thức) trong tương lai.