Hết tháng 11 các KCN Bắc Ninh sử dụng hơn 308 nghìn lao động, trong đó lao động địa phương chiếm 27,6%, lao động nữ 55,69%, lao động nước ngoài 2,067%. So với năm 2021 thì tổng số lao động trong các KCN giảm hơn 29 nghìn người. Nguyên nhân của việc giảm lao động là do nền kinh tế trên thế giới suy giảm; cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, sức mua của người tiêu dùng giảm, tổng cầu giảm dẫn đến các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng nên phải cắt giảm việc làm của người lao động. Nhóm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là Samsung điện tử và các công ty vệ tinh của Samsung mảng sản xuất, gia công linh kiện điện thoại… Theo báo cáo nhanh tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong doanh nghiệp KCN Bắc Ninh dịp cuối năm, từ ngày 12 đến 16-12, có 3 doanh nghiệp là Canon chi nhánh Quế Võ; Công ty TNHH DRP Việt Nam; Công ty TNHH MYS Group cắt giảm 295 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Điều này cho thấy, trong khi nhiều KCN trên cả nước số lao động bị cắt giảm xảy ra mạnh vào dịp cuối năm, nhưng tại Bắc Ninh hiện tượng này không nhiều (xảy ra đều ở tất cả các tháng trong năm).
Công ty TNHH Intops Việt Nam năm 2023 phấn đấu tăng thu nhập bình quân cho người lao động lên 25%.
Do những nguyên nhân khách quan dẫn đến nhiều công ty phải cắt giảm lao động cho phù hợp với tình hình thực tiễn và năng lực của doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và giữ chân người lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh thúc đẩy thực hiện các chính sách lao động trong KCN. Vấn đề giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến tình hình lao động, cũng như các thủ tục hành chính được thực hiện bài bản, hợp lý. Theo đó, trong năm 2022, Ban đăng ký nội quy lao động cho 91 lượt doanh nghiệp; tiếp nhận thông báo về việc làm thêm từ 200h-300h/năm của 126 doanh nghiệp; chấp thuận kế hoạch sử dụng lao động là người nước ngoài (theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh) cho 1.246 lượt doanh nghiệp…Phối hợp các đơn vị hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền chính sách về chính sách tiền lương, BHXH,... đôn đốc các doanh nghiệp KCN thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động, nhất là lao động nước ngoài và việc thực hiện nội quy lao động, ký thỏa ước lao động tập thể. Trực tiếp giải quyết các vụ việc đình công, lãn công, góp phần bảo đảm ổn định trật tự tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn chính sách lao động, cải thiện mối quan hệ lao động hài hòa. Trong năm 2022 chỉ xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam, Công ty TNHH Năng lượng mặt trời Dehui Việt Nam, Công ty TNHH SR HANOI DAEDONG, Công ty TNHH Intop Việt Nam, Công ty TNHH pin năng lượng Daihui. Người lao động kiến nghị một số yêu cầu: Nhà để xe, phụ cấp, nâng cao chất lượng bữa ăn ca… Công đoàn các KCN xuống làm việc với doanh nghiệp, ngay sau đó người lao động trở lại làm việc bình thường.
Dù vậy, nhận định chung của ngành chức năng là các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước những lo ngại này, ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh) cho rằng: Thời điểm cuối năm dễ xảy ra những vấn đề bất ổn trong quan hệ lao động liên quan đến doanh nghiệp nợ lương và chế độ tiền thưởng không thỏa đáng. Trước tình hình đó, Ban Quản lý các KCN phối hợp với Liên Đoàn lao động tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình thưởng Tết, trả lương và các chính sách khác của doanh nghiệp tránh tình trạng doanh nghiệp nợ lương. Tham gia tích cực vào việc xây dựng các quy chế thưởng cho người lao động và công bố công khai cho người lao động biết. Việc thưởng Tết cũng nhằm động viên người lao động, làm sao việc thưởng trở thành động lực để họ làm việc tốt hơn, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp