Từ năm 2008 đến nay cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông tại Bắc Ninh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh có sự đổi mới, chuyển hướng chú trọng tiếp cận các thị trường lớn, tập trung thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các dự án của Samsung có tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Lũy kế đến hết tháng 6/2023, các KCN Bắc Ninh đã thu hút 1.869 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 24,469 tỷ USD, trong đó có 1.284 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,145 tỷ USD; 585 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,324 tỷ USD.
Về
cơ cấu vùng lãnh thổ hiện có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN
Bắc Ninh, trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều
nhất với 595 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng
13,8 tỷ USD, chiếm khoảng 64% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN; tiếp theo
là Nhật Bản 79 dự án, vốn 1,34 tỷ USD; Đài Loan và các quốc gia khác.
Hầu hết các dự án FDI thu hút vào các KCN đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này. Trong đó có các dự án của các tập đoàn lớn, có thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và thế giới như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek… Các dự án đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất (bao gồm cả chuyển giao công nghệ) của các dự án FDI trong giai đoạn này chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án.
Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh.
Khu công nghiệp Yên Phong, nơi thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu toàn cầu, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh
Các KCN Bắc Ninh hiện có 1.210 dự án đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định (trên 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh).
Các KCN tập trung hiện đang sử dụng 296.869 lao động, trong đó lao động địa phương là 84.366 người (28,4%), lao động nữ là 160.753 người (54,5%), lao động nước ngoài 7.297 người (2,64%). Các KCN Bắc Ninh có số lượng lao động luôn đứng nhất miền Bắc với thu nhập bình quân chung của người lao động trong các khu công nghiệp Bắc Ninh là 8.300.000 đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động gián tiếp: 9.589.000 đồng/người/tháng; Thu nhập bình quân của lao động trực tiếp là 8.750.000 đồng/người/tháng.
Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh; góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế và hội nhập với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.