I. Quan họ Bắc Ninh
Kinh Bắc xưa, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, không những chỉ tự hào về truyền thống anh hùng của một miền phên dậu phía bắc Thăng Long, mà còn tự hào về một miền quê hương có nền văn hiến đã lâu.
Quan họ, một hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian, biểu hiện sâu sắc những ước mơ cao đẹp, chân chính về con người, về cuộc đời, biểu hiện những nét đẹp đẽ về cốt cách, phong độ và tài năng sáng tạo tuyệt vời của người quan họ trong nhiều thế kỷ qua.
Cứ mỗi độ xuân về, người quan họ lại rộn rã tưng bừng với tấm lòng xuân, tiếng hát xuân, trảy hội làng trên xóm dưới, đón bạn kết nghĩa của mình để ca một canh suốt sáng, cho vui dân, vui xóm, vui bầu, vui bạn. Những bài ca mượt mà xúc động yêu thương, những tiếng nói ngọt ngào trân trọng, những cử chỉ thanh nhã, những bộ quần áo tươi sáng, nền nã, những ân sâu nghĩa nặng quy tụ hài hòa cùng mùa xuân của đất trời, tạo nên mùa xuân quan họ. Ngày 30/9/2009 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố Quan họ Bắc Ninh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Người ơi người ở đừng về (Quan họ Bắc Ninh)
1. Lời bài hát
Người ơi! Người ở đừng về, Người ơi! Người ở đừng về,
Người về em vần (í i ì i), (Có mấy) khóc (ì í i ì) thầm
Đôi (í a) bên (là bên sống như) vạt áọ
(Mà này cũng có a ướt đầm), Ướt đầm như mưa
Người ơi! Người ở đừng về, Người về em vẫn
(í i ì i có mấy) trông theo,
Trông (ư ư) nước (tình chung mà như) nước chảy,
(Mà này cũng có a) trông bèo (trông bèo à) bèo trôi.
Người ơi! Người ở đừng về. Người về, em nhắn (í i ì i)
(Có mấy) tái (i) hồi, yêu (ă) Em (thời em mong anh)
gìn giữ (mà này chẳng có ă) đứng ngồi (đứng ngồi) với aị
Người ơi! Người ở đừng về. Người ơi! Người ở đừng về.
2. Lời bài thơ
Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo,
Trông nước nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người ơi người ở đừng về
Người về em nhắn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai
Người ơi người ở đừng về.
II. Lễ hội
Các lễ hội tiêu biểu ở Bắc Ninh
STT |
Tên Lễ Hội, |
Địa điểm |
Nội Dung |
1 |
Lễ Chùa Phật Tích-Mùng 4 tháng Giêng |
Xã Phật Tích, huyện Tiên Du |
Thờ phật Quan Âm và Lý Thánh Tôn. Hành hương, cầu yên, cầu phúc |
2 |
Hội Pháo Đồng Kỵ -Mùng 4 tháng Giêng |
Xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn |
Thờ Thiên Cương Đế đời Hùng Vương thứ VI dẹp giặc Xích quỷ. Cầu yên, đấu vật. |
3 |
Hội Chấp- Mùng 4 tháng Giêng |
Xã Hoà Long, huyện Yên Phong |
Thờ Trươmg Hống, Trương Hát. Có hát Quan họ, kéo co. |
4 |
Hội Nga Hoàng -Mùng 7 tháng Giêng |
Xã Yên Giả, huyện Quế Võ |
Thờ Linh Sơn, Mị Nương. Tế lễ, tục nam giới chen nữ giới. |
5 |
Hội chùa Tam Sơn- Mùng 8-12 tháng Giêng |
Xã Tam Sơn, Từ Sơn |
Thờ Phật. Có múa rối nước, cờ bói, chọi gà, đập niêu, hát Quan họ |
6 |
Hội Bồ Sơn - Mùng 9 tháng Giêng |
Xã Khắc Niệm |
Hội làng Quan họ |
7 |
Hội Lim (Hội Quan họ) - 13-15 tháng Giêng |
Xã Vân Tương, Tiên Du |
Hát Quan họ, kéo co, cờ người, đu tiên, đấu vật, chọi gà, thi dệt vải... |
8 |
Hội Đền Bà Chúa Kho - 14 tháng Giêng |
Làng Cô Mễ, xã Vũ Ninh, Bắc Ninh |
Thờ Bà Chúa Kho, hành hương, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc |
9 |
Hội Diềm (Hội Quan họ) |
Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, huyện Yên Phong |
Thờ Thành Tam Giang, Đức bà Nam Hải Đại Vương, Hát Quan họ, thi cướp cầu. |
10 |
Hội Chùa Tổ 18-23 tháng Giêng |
Xã Thái Bảo |
Lễ trò: Đọc kinh, rước oản, dâng hương, thi làm oản, thi vật, đua thuyền, thi dệt vải |
11 |
Hội Phù Lưu - Mùng 8 tháng 3 âm lịch |
Xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn |
Thờ Đức thánh Tam Giang. Hát cửa đình, hát Quan họ, thi cờ tướng, đấu vật |
12 |
Hội Đình Đình Bảng 12-16 tháng 3 âm lịch |
Xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn |
Thờ núi, thần nước, thần trồng trọt và 6 nhân thần có công dựng lại làng sau cuộc tàn phá của quân Minh Lễ Hội: Tế thần, đấu vật, chọi gà |
13 |
Hội Đền Đô 14-17 tháng 3 âm lịch |
Xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn |
Thờ 8 vị vua Lý (1009-1225) Lễ Hội: Lễ Đăng quang, lễ dâng hương, rước bát kiệu. Có múa rồng, thả chim câu, đấu vật, chọi gà, hát quan họ |
14 |
Hội Khám Mùng 7 tháng 4 âm lịch |
Xã Gia Đông, huyện Thuận Thành |
Thờ 3 Đức Thành Hoàng, Lễ Hội rước Lạc Long Quân về đình. Cầu mưa thuận gió hoà, có đấu vật, chọi gà, cờ tướng |
15 |
Hội Chùa Dâu 8 tháng 4 âm lịch |
Xã Thanh Khương, Thuận Thành |
Thờ Bà Dâu (Pháp Vân) Lễ: Rước lớn về chùa Tổ. Dâng hương, cầu kinh |
III. Đến Đô
Đền Đô - Còn còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ XI (1030) trên khu đất phía Đông Nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh ngày nay). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về).Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.
Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt Đền được mở rộng nhất vào thế kỷ XVII (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu "Nội công ngoại quốc", xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.
Năm 1952, Đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của nhân dân Đình Bảng và tấm lòng công đức của nhân dân thập phương, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m2), nhà chuyền Bồng (80m2), nhà Kiệu (130m2), nhà để Ngựa (130m2), Thuỷ đình, Phương đình... Căn cứ vào các dấu tích, các nguồn tài liệu và các hạng mục công trình đã được dựng lại cho phép chúng ta hình dung tổng thể kiến trúc di tích Đền Đô như sau:
Đền Đô có diện tích 31.250m2, gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là Điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà Để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình...Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.
Khu vực nội thành có diện tích 4.320m2, bố trí theo kiểu "Nội công ngoại quốc" bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (Hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.
Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- Nơi đặt ngai và bài vị thờ Tám vị vua Nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao uốn cong mềm mại ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu...tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo.
Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (đền thờ Lý Chiêu Hoàng)
Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca
“ Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”
Di tích lịch sử văn hoá Đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn Hoá thông tin - Thể thao và Du lịch.
ĐỀN ĐÔ-QUÊ HƯƠNG CỦA 8 TRIỀU VUA NHÀ LÝ
Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh- vùng Kinh Bắc (xưa là Hương Diên Uẩn- Châu Cổ Pháp) mới thực sự là vùng đất được coi là "Địa linh nhân kiệt" đích thực. Lý Công Uẩn - ông vua anh minh, văn võ song toàn, đã dựng nghiệp nhà Lý, trị vì đất nước qua 8 triều vua với gần 216 năm (1009-1225), đặt tên nước là Đại Việt, lập nên kinh đô Thăng Long. Qua gần 100 năm Thăng Long xưa và Hà Nội nay, hôm nay đã trở thành một thủ đô anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; "Thành phố vì hòa bình" duy nhất ở vùng Đông Nam Châu Á, do tổ chức UNESCO phong tặng.
Đình Bảng- Từ Sơn - Bắc Ninh, vùng văn hóa đã nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp từ xưa, cách thủ đô Hà Nội và thị xã Bắc Ninh gần 20 km, trên đường quốc lộ 1A, 1B. Khu vực đền Đô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (Thế kỷ XI). Đền Đô thờ tám vị Vua nhà Lý. Ông vua đầu tiên là Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ 1009 -1028). Sau đó là các triều vua tiếp theo: Lý Thái Tông (1028 -1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông ( 1072 - 1128); Lý Thần Tông ( 1128 -1138); Lý Anh Tông ( 1138 -1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210); Lý Huệ Tông ( 1210 - 1224).
Lý Thái Tổ lập ra triều Lý và rời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào mùa thu năm Tuất 1010. Lý Thành Tông ( đời vua thứ ba của triều Lý) - đặt ra quốc hiệu Việt Nam là Đại Việt (có ý ngang hàng với nhà nước Đại Tống - Trung Quốc). Năm 1070 lập ra Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, một trong số ít quốc gia có trường Đại học lớn nhất thế giới. Lý Nhân Tông (đời vua thứ tư) của nhà Lý, một vị vua xuất chúng, đặc biệt là cả 8 triều vua đều mất và mai táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức, hương Cổ Pháp, cách Đền Đô không xa.
Khu di tích đền Đô có diện tích 31.250m2, với trên 20 hạng mục công trình gồm: đền thờ, nhà tiền tế, hương đình, nhà bia, nhà để kiệu, nhà để ngựa thờ, cửa Rồng, thủy đình, văn chỉ, võ chỉ... nhà thủy đình đền Đô xưa đã được ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng, nhưng cũng chính nhà Thủy Đình ấy lại bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn cùng với quần thể kiến trúc đền Đô vào năm 1952 trong một trận càn quét "đốt sạch, phá sạch".
Đến thăm quê hương nhà Lý còn được chiêm ngưỡng phong cảnh đồng quê tiêu biểu vùng Kinh Bắc, thăm các di tích lịch sử - văn hóa như chùa Cổ Pháp, chùa Kim Đài là một trung tâm phật giáo vào thế kỷ VIII và đình làng Đình Bảng - một tác phẩm kiến trúc độc đáo được xây dựng đầu thế kỷ XVIII; tháp Lý Thánh Tăng tưởng niệm người cha nuôi của vua Lý Thái Tổ; thăm Thọ lăng Thiên Đức, một khu lăng khiêm tốn giản dị - nơi yên nghỉ của các đời vua nhà Lý...
Lễ hội đền Đô được tổ chức rất trọng thể vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15/3 năm Tuất - 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng gìn giữ. Lễ hội đền Đô được nhân dân cả nước hưởng ứng, nhiều khách nước ngoài cũng đến dự và để lại những ấn tượng tốt đẹp.
Đình Bảng còn là quê hương có truyền thống cách mạng. Hội nghị Trung ương, hội nghị Thường vụ Ban chấp hành Trung ương cũng từng họp tại làng Đình Bảng - một trong những nơi họp bí mật, cận kề với cơ quan đầu não của thực dân Pháp để quyết định vận mệnh của đất nước vào năm 1945. Sau khi nhà nước Việt Nam độc lập (9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm quê hương nhà Lý.
Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, quê hương của các vị vua triều Lý và là một vùng quê trù phú, có truyền thống cách mạng sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách.
IV. Chùa Dâu
" Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trong thấy tháp Chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu"
Câu ca dao như tiếng gọi về nguồn, tới thăm xứ sở của Phật giáo Đất Việt. Chùa Dâu có các tên chữ Cổ Châu Tự, Thiền Định Tự, Diên Ứng Tự và Pháp Vân Tự còn tên Dâu là cách gọi quen thuộc và gần gũi theo tên địa phương. Chùa toạ lạc trên một khu đất rộng thuộc làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Dâu là ngôi chùa đầu tiên, cổ nhất của Việt Nam, Chùa được khởi dựng từ thế kỷ II – III sau Công nguyên, thời kỳ này Sỹ Nhiếp đang quyền Thái Thú quận Giao Châu (187-226) cho xây dựng Chùa Dâu và toà thành Luy Lâu. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo lớn nổi tiếng trong và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ IV, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.
Vào thế kỷ XIV, Chùa được Ông Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng với qui mô lớn. Thời Lê, Nguyễn tiếp tục được trùng tu. Năm 2003 chùa Dâu được tu sửa, song qui mô nghệ thuật điêu khắc của chùa hiện nay chủ yếu mang kiến trúc niên đại thời Trần.
Khách thăm chùa có thể ngắm toàn cảnh từ xa vào gần nhờ bãi đất rộng trước cổng chùa. Xưa kia Tam quan được xây ở đây, phía cuối bãi là dòng sông Dâu chảy ngang và có chiếc cầu 9 nhịp bắc qua. Hai bên là hai dãi ao dài. Tất cả tạo cho cảnh chùa thêm bề thế, thoáng mát.
Kiến trúc chùa Chính theo kiểu "nội công ngoại quốc" gồm Tiền Đường, Thượng điện, hai bên là hai dãy hành lang chạy dài, phía trước là dãy nhà ngang chín gian, giữa sân là Tháp Hoà Phong 3 tầng cao khoảng 17m ( tương truyền trước kia tháp cao 9 tầng) và các công trình khác.
Tháp Hoà Phong được xây dựng bằng gạch mộc hình vuông, mỗi cạnh hơn 3m, dày khoảng 0,55m, gạch chín già như sành, mầu sẫm lại, mạch vữa dày thẳng, mặt trước của tầng 2 có gắn biển đá " Hoà Phong Tháp" được khắc vào mùa thu năm 1737 (Lần trùng tu gần nhất – Năm 2003) .Trong lòng tháp treo một quả chuông lớn bằng đồng đúc năm 1793 và chiếc Khánh đồng đúc năm Minh Mệnh 18 (1817). Ngoài ra Chùa còn có hệ thống các Pho tượng quí như Tượng Pháp Vân cao 2,85 m, được tạc bằng gỗ toạ lạc trên toà sen; Tượng Phật Thạch Quang - Một khối đá hình ống, đầu tròn có nấc, đường kính đáy 24 cm, một phía cao 26cm, một phía cao 23cm, tượng đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng; Tượng Kim đồng, Ngọc nữ ...tất cả đều gắn với các truyền thuyết của vùng, của chùa...tín ngưỡng của cư dân Việt. Chùa được nhà nước xếp hạng cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 313/VH/VP ngày 28/4/1962.
V. Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích (Phật Tích tự 佛跡寺) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa.
Tục truyền
Ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, xã Phật Tích đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ân Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước (trung tâm Dâu – Luy Lâu). Và nhà sư Ân Độ Khâu-đà-la đã về đây dựng chùa và truyền đạo. Nhưng phải đến đời Lý (1010¬1225) thì chùa Phật Tích mới được xây dựng với qui mô lớn. Chùa Phật Tích được triều Lý ưu ái đặc biệt bởi nó nằm trong vùng văn hóa lâu đời của xứ Kinh Bắc, quê hương của vua Lý.
Lịch sử hình thành và phát triển
Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, làng đổi tên là Phật Tích và dời cả lên trên sườn núi.
Trải qua thời gian, chùa Phật Tích bị tàn phá nặng nề. Vào thời Lê, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn và đổi tên là Vạn Phúc tự.
Nhưng rồi vẻ huy hoàng và sự thịnh vượng của chùa Phật Tích cũng chỉ tồn tại sau đó được gần 300 năm. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ và chùa bị tàn phá, hư hỏng nhiều. Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A di đà bằng đá quý giá. Tháng 4 năm 1962, Nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử – văn hóa. Sau đó nhân dân trồng phía sau chùa một khu rừng với trên một vạn cây thông và cây bạch đàn, và trồng ở trước cửa chùa vườn cây ăn quả. Cho tới nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ, và 7 gian nhà thờ Mẫu.
Cảnh quan và kiến trúc
Chùa Phật Tích, một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cho đến nay vẫn còn giữ được nhiều di vật cổ quý giá.Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60 m, rộng khoảng 33 m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật.
Ba cấp nền chùa: Chùa được kiến trúc theo kiểu Nội công ngoại quốc (giống với lối kiến trúc tại chùa Bổ Đà, một ngôi chùa nổi tiếng khác ở xứ Kinh Bắc), sân chùa là cả một vườn hoa mẫu đơn rực rỡ. Bên phải chùa là Miếu thờ Đức chúa tức bà Trần Thị Ngọc Am là đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này nên có câu đối “Đệ nhất cung tần quy Phật địa. Thập tam đình vũ thứ tiên hương”. Bên trái chùa chính là nhà tổ đệ nhất thờ Chuyết chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất tại đây năm 1644 thọ 55 tuổi; hiện nay chùa còn giữ được pho tượng của Chuyết công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền.
Bậc nền thứ hai là nơi có các kiến trúc cổ ngày nay không còn được thấy. Khi đào xuống nền ngôi chùa này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật điêu khắc thời nhà Lý và nền móng của một ngôi tháp gạch hình vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m.
Nền thứ ba cao nhất, có Long Trì (Ao Rồng) là một cái ao hình chữ nhật, đã cạn nước.
Bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao 1,87 m, một tác phẩm điêu khắc đặc sắc của nền mỹ thuật nước nhà nói chung và nghệ thuật tạc tượng nói riêng. Tượng người chim đánh trống, một nhân vật thần thoại, thể hiện ước mơ thoát tục và khát vọng vươn tới của con người. Đặc biệt, phía trước chùa Phật Tích có một hàng thú 10 con: tê giác, trâu, voi, sư tử, ngựa… to lớn. Tất cả các di vật cổ bằng đá nói trên đều là những tác phẩm nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân dựng chùa buổi đầu tiên với những nét rất đặc trưng cho thời Lý.
Khu Bảo Tháp: Sau sân nền có 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17.Ngọn tháp lớn nhất là Tháp Phổ Quang, cao 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn.
Điêu khắc đá: Nhiều tác phẩm điêu khắc thời nhà Lý còn được giữ tại chùa cho đến nay. Ngay ở bậc thềm thứ hai, có 10 tượng thú bằng đá cao 10 m, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa, mỗi loại hai con, nằm trên bệ hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn.
Quan trọng nhất là pho tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh ngồi thiền định trên tòa sen, tính theo mét hệ cao 1,86 m; thêm phần bệ thì đạt 2,69 m. Trên bệ và trong những cánh sen, có những hình rồng và hoa lá, một nét đặc trưng của mỹ thuật thời Lý.
Ở chùa còn có những di vật thời Lý khác như đá ốp tường, đấu kê…trên đó chạm khắc các hình Kim Cương, Hộ Pháp, thần điểu, các nhạc công, vũ nữ v.v…
Lễ Hội
Lễ hội Khán hoa mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh, tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm theo ngôi chùa Phật Tích cùng với câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.
Lễ hội chùa Phật Tích thường được tổ chức trong ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là mồng 4. Từ ngày khai hội (mồng 3 tết), rất đông du khách đã kéo về chùa Phật Tích để lễ Phật, cầu bình an. Hàng vạn người có mặt tại đây đã khiến các lối lên chùa, tháp chuông, Đại phật tượng A di đà chật cứng.
VI. Đền Bà Chúa Kho
Trên vùng quê Kinh Bắc cổ kính và văn hiến có không ít những đền thờ thần mẫu linh thiêng, huyền diệu, một trong số đó là đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ – một làng ven chân núi kho, nằm bên bờ sông Cầu thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh.
Bà Chúa Kho không thấy lưu danh trong sử sách hay bia đá nên không ai hay nguồn gốc, tên họ của bà. Tuy nhiên, hình ảnh Bà Chúa Kho lại được truyền tụng trong dân gian Kinh Bắc và trong sự ngưỡng mộ tôn thờ của dân làng tại đền làng Cô Mễ.
Tương truyền, Bà Chúa Kho là người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076), có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Đồng. Giúp mọi người khai khẩn đất đai nông nghiệp...Sau này bà trở thành một vị hoàng hậu (tương truyền vào thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương, bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng.
Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có Chiếu phong cho bà là Phúc Thần, nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia.
Đền Bà Chúa kho nhìn về hướng Nam, phía trước đền là dải đồng trũng, uốn khúc theo triền núi bên dòng sông Cầu, quanh năm nước đầy tạo ra như một hồ lớn – gọi tên là Đồng Trầm (Hiện đã có Quy hoạch xây dựng Khu Du lịch). Đền có kiến trúc của thời Lê, được bố trí theo chiều dọc, chạy từ chân lên sườn núi kho. Cổng tam quan là công trình mở đầu cho cụm kiến trúc này, các công trình kiến trúc chính của Đền bao gồm sân đền, hai dải vũ, toà tiền tế, công đệ nhị và hậu cung, tất cả tạo thành một thể thống nhất, uy nghi.
VII. Làng gốm Phù Lãng
Làng Phù Lãng (Thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ Tỉnh Bắc Ninh), cách thị xã Bắc Ninh khoảng 10km và cách sông Lục đầu khoảng 4km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại.
Địa danh Phù Lãng có thể có từ cuối thời Trần đầu thời Lê. Vào thời kỳ này, Phù Lãng có 3 thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn. Phù Lãng được trong và ngoài nước biết đến với nghề gốm truyền thống.
Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc-Hà Bắc thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, Ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này dược truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung.
Tháng 12/1996, khảo sát bãi gốm cổ ở đầu làng An Trạch, đã phát hiện những mảnh gốm thời Trần, một số lò gốm cổ trên đường từ cuối thôn Phấn Trung sang An Trạch. Điều đó chứng tỏ nhận định trước đây cho rằng nghề gốm Phù Lãng có từ thời Trần là có cơ sở.
Nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng là đất sét có mầu hồng nhạt ở làng Thống Vát, Cung Kiệm (xã Việt Thống), sau khi mua, đất được trở về Phù Lãng bằng thuyền lớn. Qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công.
Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng xưa là chum vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu sành...Ngày nay với những bàn tay tài hoa và nhiệt huyết nghề gốm, muốn khôi phục và gìn giữ nghề truyền thống của làng các nghệ nhân thế hệ mới như nghệ nhân Vũ Hữu Nhung - với cái tên quen gọi Gốm Nhung, nghệ nhân Thiều với tên quen thuộc Gốm Thiều đã và đang "thổi hồn" vào đất, sáng tạo và phát triển những tinh hoa của nghề gốm với nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn, ... các nghệ nhân đã tạo ra được nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như Tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm gốp tường, lư hương...đã và đang được du khách, doanh nhân, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, đón nhận .
Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn mầu da lươn trông thanh nhã và bền đẹp (Nay mầu sắc trang trí đã được tạo mẫu phong phú như mầu trắng, mầu đỏ, mầu đen... được chế từ chất liệu tự nhiên) trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Cũng như nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm), và Thổ Hà (Bắc Giang), phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay có 3 người (thường là phụ nữ), trong đó một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay và một người chạy ngoài. Người vần bàn xoay đồng thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn).
Người chạy ngoài trông nom đánh dát đất, mang sản phẩm ra phơi khi đã chuốt xong. Đối với sản phẩm nhỏ, cần phải có hai người tạo sản phẩm: Một người chuốt và một người vần bàn. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành chúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết dạn nứt thì được vá lại bằng đất mịn và nát.
Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành " bạc hàng" (chuyển mầu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm được tráng một lớp men lên, tạo mầu sắc. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc) hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù xa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định, rồi chế thành một chất lỏng. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có mầu trắng đục. Sản xuất men là cả bí quyết kỹ thuật người thợ thủ công ngày xưa giữ kín.
Sau khi được tráng men và tạo mầu, phơi khô, sản phẩm được xếp thành từng chồng và đưa vào lò nung. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò.
VIII. Làng tranh Đông Hồ
Tranh Ðông Hồ có từ thời Lê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc (cũ). Ngày xưa chợ tranh họp 5 phiên trong tháng duy nhất của năm – tháng chạp vào các ngày 6,11,16,21,26. Chợ chỉ họp và bán tranh sau khi các gia đình đã sửa lễ cúng thánh:
"Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh..."
Ở cái làng nghèo mà hào hoa như làng tranh Đông Hồ trước đây thường truyền nhau câu ca "Làng Mái có lịch có lề - Có sông tắm mát, có nghề làm tranh" và "Lịch sử cũng thể Đông Hồ". Không khí sầm uất vào cữ một chạp, các thuyền từ xứ Đôn xứ Đoài ghé bến "ăn tranh". Người làng tranh trước ở ngoài đê vào mùa vụ làm tranh cũng phải một sương hai nắng tất bật khuya sớm. Thôi thì chỗ này rậm rịch tiếng chày giã điệp, chỗ nọ dỡ ván in tranh cọ rửa lau chùi sạch sẽ. Khói đốt than lá tre ẩn hiện la đà trên các ngọn cây. Làng Đông Hồ ruộng đất ít, từ cụ già đến con trẻ đều mê và nghiện trà đặc. Thuốc lào Tiên Lãng và chè móc câu Thái Nguyên là thứ không thể thiếu được trong các đêm làm tranh. Tiếng rít thuốc lào sòng sọc nghe vui tai, nước trà đặc sánh, làm cho đầu óc minh mẫn, tỉnh táo khiến cho nét vẽ, màu vẻ thêm sống động, có hồn có vía. Tranh đẹp hay không đẹp đều chỉ nhất loạt giữ giá một, người sành chơi có thể tuỳ ý lựa chọn. Không khí Tết chộn rộn không chỉ ở cảnh kẻ bán người mua tấp nập, mà cả bởi vẻ rực rỡ, sắc màu tươi rói của những bộ tứ bình, Thạch Sanh, những gà, lợn,mèo,chuột,ngựa...
Có thể nói, cái đặc biệt của tranh Ðông Hồ là ở chỗ đó. Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Huế ... không thể có sắc màu muôn hồng ngàn tía của tranh Ðông Hồ, cũng không thể có nền giấy điệp quyến rũ đó. Người sành tranh Ðông Hồ chính bởi chất dân gian chứa đựng trong tờ tranh nền giấy điệp trắng ngà, lướt nhẹ lượt hoà vàng hay vàng đỏ, không khỏi chạnh lòng nhớ tranh Ðông Hồ ngày xưa.
Người dân làng Hồ chuyên sản xuất tranh nhưng chẳng bao giờ treo trong nhà mà đem bán hoặc cho thiên hạ hết. Người làng ra Hà Nội sinh sống làm ăn tập trung quanh chợ Đồng Xuân làm lại nghề lâu rồi và do đó quen gọi là phố Hàng Mã. Mà cũng chỉ làm hàng mã thật chứ tịnh không thấy sản xuất tranh như ở làng Đông Hồ. Nghề làm tranh trong làng rất được trọng vọng; ai có hoa tay, có thú chơi cầm, kỳ, thi, họa đều được mọi người vị nể (cũng là theo cái thú tao nhã của nhà nho xưa). Làng tranh cũng trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Các cụ nghệ nhân trong làng kể lại: Hồi Pháp thuộc, người ở nhà Bác Cổ thỉnh thoảng lại đánh xe ô tô về mua tranh, thậm chí mua cả bản khắc tranh nữa! Nhà cụ Lử có bản khắc tranh gà rất quý đưa đi đóng cửa chuồng gà, người Pháp phát hiện ra hỏi mua cụ bán liền. Nghĩ mà tiếc đứt ruột! Lại còn nhớ cái thuở Tây càn, dân làng Hồ chạy loạn, binh lửa chiến tranh liên miên và cái khí hậu ẩm ướt khắc nghiệt của thiên nhiên miền Bắc, ván khắc tranh bị hỏng và thất lạc khá nhiều.
Bản gốc tranh Đánh ghen, Gà đại cát, lợn ăn lá dày... cũng không còn nữa. Sau ngày Hòa Bình lập lại thấy trên báo Pháp có in tranh dân gian làng Hồ, Chính phủ ta phải liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp xin cho khắc lại ván tranh để bảo tồn. Tranh Đông Hồ có một dạo lên đến điểm "cực thịnh", đã từng sáng giá trong các triển lãm nghệ thuật lớn ở các nước trên thế giới với nét vẽ nhuần nhụy, tươi tắn như hồn người đất Việt. Bà con Việt kiều khi về nước cũng phải tìm mua bằng được những "bức tranh làng Hồ và cô Tố Nữ dáng quê hương, để khi ở xa quê trong sương mù Luân Đôn hay cái giá lạnh của Pa-ri hoa lệ, cảm thấy ấm lòng ở chốn tha hương"
Thực trạng của làng tranh bây giờ ra sao? Cũng khó tìm ra được lời giải đáp cụ thể nếu Nhà nước không đứng ra đầu tư và tiêu thụ. Có một dạo Xuhasaba (Hà Nội) nhận đặt và xuất khẩu với số lượng tranh lớn cũng làm nức lòng người dân nơi đây vì giá thành tranh không đắt lắm. Nhu cầu vài năm gần đây thay đổi, cứ mạnh ai nấy làm. Người làng tranh bây giờ nảy sinh tâm lý: ai đặt thì làm, nhiều khi với số lượng tranh quá ít cũng không muốn làm. Thi thoảng lắm cũng có nơi về làng tranh đặt vài nghìn tờ, không sản xuất được thường xuyên nên cũng khó tổ chức sản xuất tranh được đều đặn trong năm, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm tranh. Các nghệ nhân như cụ Thúc, ông Sâm, ông Lăng... có tay nghề cao và kinh nghiệm, đều mắt mỏi tay run hoặc dần dần khuất núi cả. Lại nhớ đến ông Lý Lăng -Ông là nghệ nhân vẽ mẫu tranh nổi tiếng làng Đông Hồ theo kinh nghiệm. Nghĩa là vừa làm vừa học... Cứ bắt chước, cứ học hỏi dần. Nhà này nhờ vẽ mẫu tranh này, nhà khác gọi giúp mẫu tranh khác... Cũng là tình xóm giềng, ông chẳng tiếc sức, tiếc công! Ngoài việc sáng tác mẫu tranh, ông còn truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho lớp trẻ học hỏi. Chẳng hiểu bây giờ còn bao nhiêu người cụ đã truyền nghề cho, "trụ lại" được với nghề trước thử thách của cơ chế thị trường khắc nghiệt, nhất là đối với một dòng tranh như dòng tranh Đông Hồ...
Dẫu người làng tranh có làm tranh đi nữa cũng phải chạy theo thị trường, nghĩa là khi pha màu chủ yếu là bột goát để giá thành được rẻ... Còn đâu như thủa nào tranh làng Hồ giữ nguyên được sắc màu tươi tắn, nhuần nhụy của các màu lấy từ... cây vườn, nội cỏ! Họa chăng tranh làng Hồ còn giữ được sắc thái tự nhiên (theo nguyên nghĩa của từ này) chỉ còn được chiêm ngưỡng ở Viện bảo tàng và các sưu tập tư nhân mà thôi! Mà sức sống của tranh dân gian này chủ yếu phản ánh tâm tư nguyện vọng của người lao động. "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", một nhà thơ xứ Bắc đã từng viết như thế.
hỉ cần vài tờ tranh cuộn lại bên cạnh nải quả cúng tổ tiên và dán treo trên vách nứa tường tre cũng làm nhẹ nhõm thư thái lòng người khi tết đến và nguôi đi nỗi nhọc nhằn cấy hái trên đồng ruộng! Đấy là chưa kể những khu du lịch ở khắp đất nước ta nếu tiêu thụ được cũng là có dịp để giới thiệu cho bạn bè năm châu thấy cái hay, cái đẹp của tranh dân gian, phần nào góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên cơ sở tìm về cội nguồn dân tộc.
IX. Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ
Khác với làng nghề Hương Mạc, Đồng Kỵ vào nghề sau nhưng được bù lại là lợi thế cạnh tranh của địa điểm mua bán, sự nhạy bén thương mại và có đội ngũ thợ có tay nghề cao được tập hợp từ các làng nghề khác đã giúp làng nghề Đồng Kỵ phát triển một cách mạnh mẽ.
Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn hiện có khoảng 1.700 hộ và gần 100 Công ty, doanh nghiệp tư nhân, HTX sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, thu nhập chiếm tới 70% thu nhập của toàn xã. Năm 2002 sản xuất gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ cho thu nhập gần 120 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Sự phát triển của làng nghề trong những năm gần đây thật đáng mừng. Du khách về đây sẽ bị cuốn hút bởi những sản phẩm mỹ nghệ phong phú về chủng loại, mẫu mã, hình khối, đẹp về sự tinh xảo qua các đường chạm khảm của nghệ nhân. Qua giá trị sử dụng cao, các sản phẩm còn cho thấy những ý nghĩa sâu sắc về nội dung mà các nghệ nhân đã cô đọng qua các hình khối, đường nét chạm khảm. Sản phẩm đều được gắn với đời thường, có sản phẩm tạo ra ý nghĩa tâm linh....tất cả tạo nên sự hứng khởi, cuốn hút đến lạ lùng. Các sản phẩm chính là tủ, sập, giường, đôn hoa, tượng thần tài, hộp trang sức, tranh, ảnh gỗ...nhìn chung các đề tài mà các nghệ nhân thường chọn có xuất xứ từ những kho truyện cổ của Việt Nam, Trung Quốc.
Đến với làng nghề Đồng Kỵ, Quý khách sẽ tận mắt xem các nghệ nhân làm từng công đoạn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ, đục thô, chạm tinh xảo hay tạo hình, khảm trai... tất cả đều dày công và làm việc với tinh thần tập trung cao Mỗi sản phẩm đều kết tinh những giá trị lao động, văn hoá cao của người thợ. Có những sản phẩm làm ra chỉ mất vài giờ, có sản phẩm mất vài ngày, tài tuần và có sản phẩm sau vài tháng mới được hoàn thành. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ giờ đã trở nên nổi tiếng tiêu thụ khắp toàn quốc và xuất khẩu sang nhiều quốc gia Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Đức, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật Bản, các nước khu vực ASEAN.
X. Hội Lim
" Quai thao nâng dải lụa đào
Trầu têm cánh phượng em vào hội Lim"
Cách Hà Nội 25km về phía Bắc, hội Lim được mở vào dịp đầu xuân - 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trung tâm diễn ra Lễ hội là khu di tích núi Lim thuộc xã Lũng Giang thị Trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, đây là Lễ hội truyền thống đặc sắc và riêng có của quê hương Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.
Hội Lim theo lời các cụ cao niên trong làng thì cách đây 300 năm trước đã bắt đầu diễn ra, ban đầu đó là hình thức kết hợp giữa hội chạ của 6 xã thuộc Tổng Nội Duệ (Nội Duệ, Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và giáo phường Tiên Du) và hội chùa Hồng Ân (chùa Lim) vào ngày rằm tháng Tám.
Hơn 40 năm sau, vào cuối thế kỷ VXIII, Nguyễn Đình Diễn người làng Đình Cả (Nội Duệ) làm Trấn thủ Thanh Hoá, tước hiệu Hiếu Trung Hầu có công đối với quê hương như cung cấp ruộng và cung tiến tiền để sửa chữa đình, chùa, mở mang tập tục và chuyển hội Đình hàng Tổng vào ngày rằm tháng Tám sang ngày rằm tháng Giêng. Kế đó là Bà Mụ Ả, người tu hành và trụ trì tại chùa Hồng Ân (lúc đó chỉ là một Am nhỏ), Bà đã bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Ân dành cho việc xây dựng chùa và vườn chùa và cũng đặt ruộng, đặt tiền cho 6 xã làm hương hoả cho chùa, Bà yêu cầu hàng Tổng cứ 3 năm cho mở hội chùa, hội chạ một lần vào 13 tháng Giêng.
Ngoài 80 tuổi, Bà Mụ Ả lên giàn tự thiêu về nơi cực lạc, từ đó dân ở sáu xã giữ lệ hương khói thờ bà Mụ Ả, tướng quân Phạm Bân, Hiếu Trung Hầu. Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng dân làng tổ chức Lễ hội tưởng nhớ những người đã có công với cộng đồng dân cư nơi đây.
Cũng như các lễ hội khác, Hội Lim gồm hai phần : Lễ và Hội. Mở đầu là tục rước Chạ vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, đây là một đám rước quy mô của sáu làng thuộc Tổng Nội Duệ hợp lại từ các ngả về đình, chùa trên núi Lim. Đám rước được nghi thức hoá, tạo nên vẻ hùng tráng, rực rỡ muôn mầu, đứng xa hàng trăm mét ta đã nghe thấy "trống rong cờ mở" nét mặt rạng rỡ của người người về xem hội. Cả đám rước ánh lên rực rỡ của cờ hoa, của trang phục, các lộng, kiệu sơn son thiếp vàng .v.v. tất cả hợp lại tạo một quang cảnh trọn vẹn về con người, thẩm mỹ, đạo đức, thể hiện việc ứng xử chu đáo với những người có công với cộng đồng dân cư. Sau phần rước, tế Chạ trang nghiêm tôn kính, phần hội diễn ra sôi động muôn mầu với âm vang của tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng hát, những trò chơi, nghệ thuật dân gian…
Đến với Hội Lim du khách được chứng kiến và có thể trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn như thi chọi gà, đấu vật, dệt vải, đu tiên, đấu cờ người…
Du khách đến với Hội Lim xem cờ cũng là dịp thưởng thức trí tuệ của người Kinh Bắc và nét đẹp duyên dáng của các thiếu nữ Kinh Bắc khi được chọn đóng quân cờ (32 thanh nữ đẹp nhất làng).
"Quân cờ là lượt thanh tân
Bao ngày tập luyện ra quân hội này"
Chia tay với những ván cờ hấp dẫn, du khách đến với cuộc thi dệt vải, dệt lụa của các làng trong vùng với khung cửi truyền thống, du khách sẽ bị lôi cuốn bởi sự khéo léo mềm mại của các thanh nữ khi đưa thoi, tư thế ngồi dệt đẹp nhất và đặc biệt vừa dệt vừa hát dân ca Quan họ. Sở dĩ có thi dệt vải trong hội Lim bởi vùng Nội Duệ cầu Lim chính là vùng có truyền thống dệt vải lâu đời và hàng năm thi dệt vải trong ngày hội đã trở thành truyền thống.
Đến với hội Lim, náo nức nhất, hẫp dẫn nhất không thể không nhắc tới sinh hoạt Quan họ trong ngày hội. Quan họ được xem là dân ca đặc sắc nhất không chỉ riêng vùng Quan họ mà phạm vi đã lan toả rộng khắp trong và ngoài nước. Quan họ không chỉ nổi tiếng về lời ca trữ tình nồng nàn, tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống của hơn 200 làn điệu khác nhau mà còn đọng lại ở quý khách đó là cách thể hiện, cách chơi thanh lịch, ấm áp tình người Quan họ.Nói về Quan họ, Quí khách được thưởng thức một giá trị tổng thể về truyền thống nghệ thuật của một vùng văn hóa từ lời ăn tiếng nói hàng ngày cho đến lối ứng xử trong ngày hội " người quan họ" đều từ tốn, phong nhã. Người Quan họ đều là các "Liền anh, Liền chị" và bao giờ cũng xưng là "Liền em". Dù thân tình mấy lệ chơi Quan họ cũng giữ ở mức tình bạn - ở những người đã có gia đình, giữ cho suốt đời.
Mỗi làng, mỗi xã chọn cho mình một cách, một lối chơi Quan họ riêng. Vùng Nội Duệ - Cầu Lim là sự kết tinh những đặc sắc của các làn điệu mà các làng khác mang đến dự thi hàng năm, tổng hoà thành đặc trưng riêng của Quan họ. Có lẽ vì thế mà khi nhắc tới Quan họ là nói tới hội Lim. Về với hội Lim du khách thực sự bị cuốn hút và hoà vào giọng hát êm ả, mượt mà đầy chất trữ tình của các liền anh, liền chị Quan họ, các liền anh trong trang phục áo the khăn xếp, ô lục, các liền chị với áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao gặp gỡ nhau theo lời hẹn ước hội Xuân năm trước rằng "Đến hẹn lại lên". Quan họ đón tiếp nhau nồng hậu, nói với nhau những lời văn nho nhã, lịch lãm, thiết đãi những món ăn đặc sản vùng quê và hát những làn điệu dân ca Quan họ có trạng thái, cung bậc, tình cảm như thương nhau, yêu quí nhau, lo lắng, nhớ nhung, hẹn ước, nhắn nhủ nhau giữ vẹn lòng thuỷ trung, trân trọng ân nghĩa người với người:
" Hôm nay sum họp trúc mai
Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm"
Chính tấm lòng chân thật, hiếu khách của người Quan họ đã để lại trong lòng du khách nhiều kỷ niệm:
" Em đi khắp bốn phương trời
Không đâu lịch sự bằng người ở đây"
Và dẫu có
"Tháng ba đi hội Phủ Giầy
Vui thì vui thật chẳng tầy ở đây"
Cuộc đối đáp giữa đôi bên Quan họ trong canh hát tưởng như không thể dứt bởi Quan họ dùng dằng chẳng muốn chia ly, canh hát kéo dài thâu đêm suốt sáng. Chia tay với Hội Lim du khách không khổi xốn xang trước tấm lòng của người Quan họ và ghi nhận lời hẹn mời "Đến hẹn lại lên".