
Có mặt từ 7 giờ sáng tại khu vực bỏ phiếu khu phố Lũng Giang, thị trấn Lim (huyện Tiên Du), tổ công tác thực hiện nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã đang tất bật đón tiếp, hướng dẫn cử tri đến bỏ phiếu. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện, cử tri thị trấn Lim cũng luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, chủ động, trách nhiệm trong các kỳ bầu cử bằng việc tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình ngay từ đầu giờ sáng. Đến 8h30phút, đã có 65% cử tri đến bỏ phiếu, dự kiến hoàn thành trước 14 giờ cùng ngày.
Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh năm 2025, huyện Tiên Du có 14 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, thành 5 xã mới. Trong đó, thị trấn Lim cùng với các xã Nội Duệ, Phú Lâm sáp nhập thành xã Tiên Du. Nghiên cứu kỹ 2 Đề án cũng như phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong huyện, ông Nguyễn Khoa Cư (79 tuổi), cán bộ hưu trí, cử tri khu phố Lũng Giang cho biết: “Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới của đất nước, của dân tộc, phù hợp với xu thế chung của thế giới thì việc thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Bắc Ninh là hết sức cần thiết, bảo đảm chính quyền 2 cấp hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương, tin tưởng vào tầm nhìn, sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương. Sau sáp nhập sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh Bắc Ninh (mới) phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, tiếp tục thu hút đầu tư và phát triển kinh tế mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, vẫn giữ được những chính sách đặc thù, ưu việt của tỉnh để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là các chính sách về văn hóa, thể thao; về giáo dục và đào tạo; về y tế… Tôi cũng rất phấn khởi khi nơi đặt trụ sở làm việc của xã Tiên Du (mới) sẽ là trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Tiên Du hiện nay và tin tưởng sau khi sáp nhập, ĐVHC mới sẽ nhanh chóng ổn định bộ máy, vận hành hiệu quả, tạo động lực to lớn thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển lan tỏa đồng đều giữa các địa phương khác trên địa bàn tỉnh”.

Trước khi sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh có 121 ĐVHC cấp xã (gồm 50 phường, 5 thị trấn và 66 xã). Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Bắc Ninh còn tổng số 41 ĐVHC cấp xã mới (phường, xã), trong đó có 20 phường, 21 xã; giảm 80 ĐVHC cấp xã (bằng 66,11%), gồm: 44 xã, 31 phường và 5 thị trấn. Tổng số trụ sở công của 121 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 1005 trụ sở (trong đó: HĐND - UBND 148 trụ sở; Trường học 720 trụ sở; Y tế 137 trụ sở). Tổng số trụ sở công sẽ tiếp tục được sử dụng: 890 trụ sở. Tổng số trụ sở công sử dựng phương án khác: 33 trụ sở. Tổng số trụ sở công dôi dư: 82 trụ sở. |
Đối với thị xã Thuận Thành, sau khi sáp nhập sẽ có 6 phường, gồm: phường Thuận Thành, Mão Điền, Trạm Lộ, Trí Quả, Song Liễu và Ninh Xá. Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, thị xã thành lập 9 Tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy làm Tổ trưởng và 109 Tổ công tác cấp xã với tổng số hơn 1.000 thành viên. Tổ chức thống kê, rà soát, lập danh sách hơn 46.700 cử tri đại diện cho các hộ trên toàn địa bàn thị xã để niêm yết tại các khu vực bỏ phiếu. Qua nắm bắt tư tưởng, nhân dân trên địa bàn thị xã phấn khởi, cơ bản đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Tính đến 9 giờ sáng nay, thị xã có hơn 33.000 cử tri đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ hơn 72%.
Tại Nhà văn hóa khu phố Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) sáng nay, không khí diễn ra nghiêm túc, khẩn trương khi đông đảo cử tri đại diện gia đình đến tham gia đóng góp ý kiến về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã và hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Công tác tổ chức được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình. Danh sách cử tri được niêm yết công khai, hòm phiếu đặt tại vị trí thuận tiện, các tài liệu hướng dẫn, biểu mẫu được chuẩn bị đầy đủ. Thành viên tổ lấy ý kiến được phân công nhiệm vụ cụ thể, sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ông Đặng Đình Công, Trưởng khu phố Phú Mẫn cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, xã, khu phố chủ động tuyên truyền từ sớm qua hệ thống loa truyền thanh, đồng thời lồng ghép nội dung vào các cuộc họp chi bộ để cán bộ, đảng viên nắm rõ, làm nòng cốt trong công tác vận động nhân dân. Qua nắm bắt tình hình, đến nay người dân trên địa bàn cơ bản đồng thuận”. Ông Đặng Đình Tuấn (cử tri khu phố Phú Mẫn) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Việc hợp nhất hai tỉnh cũng như việc sắp xếp lại ĐVHC cấp xã tại địa phương không những mở rộng không gian, tinh giản biên chế, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế kinh tế của từng địa phương.”
Đến kiểm tra tại điểm lấy ý kiến cử tri ở khu phố Phú Mẫn, thị trấn Chờ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã và hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhấn mạnh việc sắp xếp ĐVHC là bước đi quan trọng, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đồng thời tạo dư địa để huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phục vụ người dân tốt hơn. Đề nghị các địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích lâu dài của việc sắp xếp ĐVHC, từ đó phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa “ý Đảng - lòng dân”.
Việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh và các ĐVHC là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là cuộc cách mạng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Hi vọng, với sự đồng thuận, nhất trí cao của cử tri và nhân dân, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân giữ vững an ninh, quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.