Các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo liên kết giữa các thành phần, loại hình sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế. Trong đó chú trọng tạo đột phá phát triển thương mại - dịch vụ. Tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm và hàng năm. Ưu tiên nguồn vốn triển khai nhiều đề án, chương trình, dự án quy mô lớn với tính chất liên kết vùng, có sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 6,01%, năm 2022 đạt 5,22% qua đó đưa kinh tế Bắc Ninh tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và của cả nước. Cùng với đó, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; coi trọng phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực có ưu thế. Bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút, hỗ trợ, cam kết mạnh mẽ và sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải quyết kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, đến nay toàn tỉnh có 1.908 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 24,2 tỷ USD (xếp thứ 7 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài). Đầu tư trong nước có gần 1.540 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 254,3 nghìn tỷ đồng; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng qua các năm luôn trong top đầu cả nước. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế. Đầu tư xây dựng các đơn vị cấp xã đáp ứng tiêu chí của phường, các phường của thị xã, thành phố đáp ứng tiêu chí của phường của quận; thành lập thị xã Thuận Thành và Quế Võ nâng cao tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh, đáp ứng dần các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương. Phát triển hệ thống hệ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hoàn thiện, nâng cao và đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I…
Thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp duy trì động
lực chính.
Sau nửa kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Bắc Ninh đã thu được những kết quả quan trọng. Các chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tạo niềm tin và phát huy hiệu quả, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ trong năm 2021 và 2022 phục hồi nhanh. Trong số 22 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, có 3/22 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, 10/22 chỉ tiêu dự kiến đến năm 2025 đạt và vượt mục tiêu Đại hội. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu Đại hội bao gồm: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,34% (mục tiêu hơn 55%); Tỷ lệ hộ nghèo 0,94% (mục tiêu đến năm 2025 còn dưới 1%); Tỷ lệ chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý tại KCN đã đi vào hoạt động hiện đạt 100%. Các chỉ tiêu dự kiến đến năm 2025 đạt và vượt mục tiêu Đại hội, gồm: Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 37,7 tỷ USD; nhập khẩu đạt 33,2 tỷ USD; Phấn đấu có ít nhất 2 huyện và 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (dự kiến vượt kế hoạch: có 2 huyện và 33,3% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 57,7% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao); Tỷ lệ các CCN và các làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 40-50%; Tỷ lệ hệ thống xử lý nước thải tập trung ở đô thị loại IV trở lên đạt 80%…
Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, 6 tháng đầu năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu chững lại và dần suy giảm, nhất là ngành công nghiệp. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và thương mại còn thiếu ổn định, phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu của ngành điện tử, năm 2021, 2022 lần lượt tăng 9,9% và 6,9%, nhưng đến 6 tháng đầu năm 2023 giảm 17,56%. Điều này tác động tới một số chỉ tiêu khó hoàn thành mục tiêu Đại hội gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025; GRDP bình quân đầu người năm 2022; Thu nhập bình quân đầu người năm 2025; Tổng thu và tổng chi ngân sách địa phương năm 2025; Tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP giai đoạn 2021-2025…
Thực tế trên cho thấy vấn đề đặt ra nửa nhiệm kỳ còn lại đó là: Tiếp tục giữ nguyên các chỉ tiêu đã hoàn thành và nhóm chỉ tiêu dự kiến đến năm 2025 đạt và vượt mục tiêu Đại hội. Nghiên cứu, triển khai các đề án khoa học để tính toán cụ thể với những chỉ tiêu chưa có phương án thu thập, tổng hợp và tính toán. Với các chỉ tiêu khó hoàn thành mục tiêu, một mặt vẫn phấn đấu đạt mức cao nhất có thể, nhưng cần xem xét điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phát huy tối đa lợi thế so sánh của tỉnh, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển. Thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp để duy trì động lực chính, phục hồi đà tăng trưởng nhằm khôi phục mức cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tập trung đầu tư vào một số các lĩnh vực dịch vụ nhiều tiềm năng, tính bền vững cao; lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng nhằm tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả 3 giải pháp đột phá tạo động lực mới trong phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.