BÁO CÁO TỔNG KẾT 20 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC KCN BẮC NINH
15:29 28/08/2018
Kính thưa: các đồng chí đại biểu đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh! Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý! Thưa toàn thể hội nghị! Bắc Ninh là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Bắc Ninh có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng về đất đai và con người, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng. Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH tỉnh Bắc Ninh là tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngày 25/8/1998, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 152/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các KCN tập trung của tỉnh trên cơ sở Nghị định số 36/1997/NĐ-CP ngày 24/4/1997, đến năm 2008 thực hiện theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể được quy định tại Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 09/5/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Hiện Ban Quản lý các KCN có tổng số 10 phòng, đơn vị trực thuộc với 93 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ban cũng đang xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Trong 20 năm qua, với sự ủng hộ và hướng dẫn kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; dưới sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thành một tập thể vững mạnh với nhiều thành tích đáng ghi nhận, tự hào, thể hiện cụ thể trên các mặt công tác sau:

1. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong các KCN được thực hiện theo đúng trình tự, quy định và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Tháng 12/2000, KCN Tiên Sơn - KCN tập trung đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh lập Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 định hướng đến năm 2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20/8/2014. Theo đó, Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung với tổng diện tích quy hoạch 6.397,68ha. Có 11 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định thành lập (gồm 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN). 10 KCN đã đi vào hoạt động (diện tích quy hoạch xây dựng KCN thực tế đã thực hiện 3.681,94ha; diện tích đất công nghiệp cho thuê 2.609,4ha). Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 63,61%, trên diện tích đất thu hồi 87,96%. Vốn đầu tư hạ tầng đăng ký 2.811.08 triệu USD (dự án FDI với vốn đăng ký 2.738,4 triệu USD, dự án trong nước với vốn đăng ký 72,65 triệu USD).

Trật tự xây dựng trong các KCN ngày một đi vào nề nếp. Việc quy hoạch và xây dựng các KCN Bắc Ninh hợp lý kết hợp với công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết một cách chặt chẽ, bài bản đã góp phần vào thành công trong việc thu hút đầu tư vào các KCN. Với việc thiết lập mô hình KCN, đô thị đã góp phần hình thành các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và kiến tạo bộ mặt nông thôn mới. Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN với hạ tầng xã hội (hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, các dịch vụ như ngân hàng bảo hiểm,...), đảm bảo cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội. Góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong tỉnh, là cơ sở để Bắc Ninh hội nhập và phát triển một cách bền vững.

2. Các KCN thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022

Những năm đầu xây dựng KCN, tiến hành trải thảm đỏ để thu hút đầu tư. nên chủ yếu là những dự án nhỏ, dự án trong nước, có quy mô vốn thấp, tập trung chủ yếu vào các ngành: chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng cao cấp; Riêng công nghiệp điện tử chỉ có 2 dự án Công ty Canon chiếm 14% tổng số vốn đầu tư vào các KCN Bắc Ninh (130 triệu USD/896 triệu USD). Giai đoạn này suất đầu tư chỉ là 1-2 triệu USD/ha và khoảng 3 triệu USD/dự án.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác xúc tiến, thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn lớn, có thương hiệu nổi tiếng đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào các KCN Bắc Ninh. Lũy kế đến hết tháng 7/2018, các KCN Bắc Ninh đã thu hút 1.278 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 17,43 tỷ USD, trong đó có 848 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,4 tỷ USD; 430 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,03 tỷ USD. Các dự án đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất (bao gồm cả chuyển giao công nghệ) của các dự án FDI trong giai đoạn này chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh.

Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh trong 20 năm qua khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, hiện đại; xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sức mạnh lan tỏa, hình thành KCN chuyên ngành và ngành công nghiệp hỗ trợ. Góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (riêng năm 2017, Bắc Ninh là địa phương đứng thứ hai về thu hút vốn FDI). Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

3. Hoạt động của các doanh nghiệp KCN phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Các KCN Bắc Ninh hiện có 887 dự án đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn (chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh); Giá trị xuất khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định (trên 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh). Riêng năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN (không tính công ty ĐTPTHT) đạt 664.674 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 28,4 tỷ USD; Giá trị nhập khẩu 23,5 tỷ USD; Nộp ngân sách đạt 8.700 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 500.000 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 19 tỷ USD; Giá trị nhập khẩu 11 tỷ USD; Nộp ngân sách đạt 6.000 tỷ đồng. Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh; Góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.

Nếu như số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN sau 15 năm xây dựng và phát triển các KCN là 144.740 người, thì chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 2013 đến nay), con số này đã tăng gần gấp đôi, lên 282.000 lao động; Trong đó lao động nữ chiếm 65%; lao động địa phương chiếm 26%; lao động nước ngoài khoảng 1,42% tổng số lao động. Thu nhập bình quân của lao động gián tiếp 6,8 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của người lao động trực tiếp 5,7 triệu đồng/người/tháng.

4. Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước sau đầu tư như:

- Thường xuyên rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư/doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp KCN, nhất là các vấn đề về cấp điện, cấp nước, thuê đất, ưu đãi đầu tư,... Tính đến hết tháng 7/2018, Ban quản lý đã rà soát, tiến hành chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi 194 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 831,7 triệu USD. 

- Tham mưu UBND tỉnh ký Biên bản uỷ quyền cho Ban v/v thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ký Quy chế phối hợp về quản lý Nhà nước về lao động trong các KCN. Hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về lao động. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật về lao động. Phối hợp với Công đoàn các KCN Bắc Ninh phát triển các tổ chức Công đoàn cơ sở của các Doanh nghiệp KCN, giám sát việc thực hiện Thoả ước lao động giữa Chủ doanh nghiệp và người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sử dụng lao động. Tổ chức công đoàn cơ sở - cầu nối giữa người lao động với chủ doanh nghiệp phát triển mạnh tại các KCN. Số lượng ban đầu gồm 05 Công đoàn cơ sở  với 1.725 đoàn viên công đoàn. Hiện 95% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Tính đến nay có tổng số 483 công đoàn cơ sở tại các KCN với 113.991 đoàn viên. Công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân lao động và chủ doanh nghiệp, thực hiện công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ và ổn định trong các doanh nghiệp KCN.

- Ban đã xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường trong KCN với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện quan trắc tổng thể về môi trường đối với các KCN và doanh nghiệp KCN Bắc Ninh, hướng dẫn, thẩm định và phối hợp thẩm định báo cáo ĐTM của các doanh nghiệp KCN. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong tỉnh và với các công ty đầu tư phát triển hạ tầng KCN thực hiện tuyên truyền pháp luật về môi trường trong KCN, tiến hành giải quyết các vướng mắc về xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp KCN. Chủ trì, tham gia kiểm tra, giám sát về môi trường trong các KCN Bắc Ninh. Hiện 7/10 KCN đang hoạt động có nhà máy cung cấp nước sạch hoàn chỉnh. 9/10 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 1 KCN đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công xây dựng. Có 8 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã lắp đặt trạm quan trắc tự động.

- Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm, Ban Quản lý các KCN thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động trong KCN không để tồn đọng kéo dài. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cán bộ công chức, viên chức. Minh bạch hoá các quy trình, thủ tục hành chính, phát huy tốt hoạt động của bộ phận "một cửa". Ban thanh tra nhân dân thường xuyên giám sát, kiểm tra đảm bảo sớm phát hiện biểu hiện tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với nhiều Sở, Ban, ngành trong tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra liên quan đến các KCN.

- Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh (ký và thực hiện Quy chế phối hợp từ năm 2002), công an huyện, thị, thành phố, các đồn công an KCN và các công ty hạ tầng KCN đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn trong các KCN, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp KCN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác PCCC theo quy định.

5. Một số nội dung khác

- Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai hiệu quả các hoạt động dịch vụ trong và ngoài KCN; Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý, điều hành; Thực hiện các đề tài khoa học liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp KCN Bắc Ninh và các đề tài có tính ứng dụng cao trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua hàng năm; Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan tích cực học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quá trình xây dựng và phát triển các KCN Bắc Ninh đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như:

Thu hút đầu tư nói chung và FDI nói riêng hiện đang tập trung tại một số KCN đã phát triển, các KCN mới hình thành chưa thu hút được nhiều hoặc chưa thu hút được đầu tư dẫn đến sự phát triển không đồng đều của các KCN và các địa phương có KCN. Các kênh xúc tiến đầu tư chưa được đa dạng, chất lượng chưa cao; Mối liên kết kinh tế còn trong phạm vi hẹp, các doanh nghiệp FDI chưa thực sự là đòn bảy thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp địa phương. Công tác ban hành pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực thi nhiệm vụ; Chế tài về chế độ báo cáo của doanh nghiệp KCN chưa đủ mạnh, gây khó khăn trong việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp KCN. Việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với KCN theo Quyết định của UBND tỉnh có lúc còn hạn chế, dẫn đến tình trạng Ban quản lý khó nắm bắt, theo dõi được hoạt động của các doanh nghiệp KCN trong một số lĩnh vực. Hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc còn gặp khó khăn như: thị phần bị chia nhỏ do có nhiều nhà cung ứng dịch vụ; ...

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị!

Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của các KCN, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh tập trung thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, tài chính, tiền lương, công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ,... cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan.

2. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Duy trì hoạt động hiệu quả của bộ phận "một cửa" tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Duy trì vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO TCVN 9001:2008 tiến tới nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.

3. Tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư vào KCN. Tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, chủ động trong thực hiện công tác xúc tiến đầu tư. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hình thức và xác định lĩnh vực mũi nhọn để thực hiện xúc tiến đầu tư.

4. Chỉ đạo các công ty đầu tư phát triển hạ tầng KCN đẩy nhanh việc đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN. Chú trọng công tác quản lý quy hoạch và xây dựng. Thường xuyên rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp KCN thực hiện đúng các quy định về quy hoạch và xây dựng.

5. Thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KCN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu từng năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp. Rà soát các dự án sau cấp phép đầu tư và kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các trường hợp cần thiết.

6. Tăng cường công tác quản lý môi trường trong các KCN; Chỉ đạo triển khai đồng bộ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, công trình xử lý rác thải công nghiệp; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường. Tăng cường giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong KCN. Phấn đấu 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

7. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra đối với doanh nghiệp KCN, tránh chồng chéo và đảm bảo hiệu quả. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của các Bộ ngành Trung ương và của tỉnh.

8. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động. Phối hợp phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp KCN. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các KCN.

9. Chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, PCCC trong các KCN. Tham gia xây dựng mô hình KCN an toàn về an ninh trật tự, mô hình KCN điển hình tiên tiến đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

10. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua tại cơ quan và trong các KCN. Góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN. Đồng thời, thực hiện thắng lợi các nội dung giao ước thi đua đã ký kết giữa các đơn vị thành viên trong Khối thi đua hàng năm. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thành viên trong Khối thi đua QLNN về KTKT và Khối thi đua Ban quản lý các KCN, KKT các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

11. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện lối sống, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề hàng năm gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua. Phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong cơ quan và các doanh nghiệp KCN nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân hăng hái thi đua, lao động.

12. Chỉ đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ trong và ngoài KCN. Duy trì thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và các công tác khác nhằm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vững mạnh xuất sắc, các KCN ngày càng phát triển bền vững. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị!

Trải qua 20 năm từ khi thành lập đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh dần được hoàn thiện và vận hành hiệu quả, đội ngũ cán bộ ngày càng lớn mạnh. Trong quá trình hoạt động, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã hai lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, liên tục các năm được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, tập thể Ban đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Đồng thời, nhiều đơn vị trực thuộc và nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức cơ quan được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương và khen thưởng. Bên cạnh những thành tích về chuyên môn, các hoạt động trên các lĩnh vực về Đảng, đoàn thể cũng được quan tâm sâu sát. Đảng bộ Ban Quản lý hiện có 7 chi bộ với 69 đảng viên, là hạt nhân của khối đoàn kết, nhiều năm liền đạt tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh luôn đạt danh hiệu tập thể xuất sắc.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị!

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, trong những năm tiếp theo, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua.

Xin trân trọng cảm ơn./.


Trên đây là báo cáo tóm tắt tại Hội nghị, tham khảo Báo cáo đầy đủ tại đây

Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng ban Ban quản lý các KCN Bắc Ninh
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks
Tỷ giá ngoại tệ