Với quy mô sản xuất lớn và tập
trung, các KCN thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng khí nhà kính và ô nhiễm
môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp. Do đó, việc chuyển đổi xanh là
yêu cầu bắt buộc để bảo đảm phát triển bền vững. Mô hình KCN sinh thái đang
được áp dụng thí điểm tại một số địa phương với những kết quả bước đầu, đang
được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Cùng với việc chuyển đổi
các KCN sinh thái thì việc thành lập các KCN sinh thái mới ngay từ đầu với
những cam kết mạnh mẽ hơn về chiến lược phát triển bền vững đang được Chính phủ
khuyến khích thực hiện và nhà đầu tư hạ tầng KCN đón nhận trong lập quy hoạch
và định hướng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Chuyển đổi xanh sang mô hình các KCN sẽ giúp phát triển công nghiệp ở Bắc Ninh đáp ứng những mục tiêu: Phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của địa phương; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, trong việc lựa chọn KCN xanh để đầu tư; góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải carbon bằng không vào năm 2050; theo kịp xu hướng quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh các KCN đặc biệt là phát triển KCN sinh thái gặp không ít thách thức, từ vấn đề tái sử dụng chất thải, nước thải để thực hiện cộng sinh công nghiệp, đến khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính và ưu đãi. Đặc biệt, mô hình KCN sinh thái cũng yêu cầu mức đầu tư lớn hơn và cam kết vững chắc từ các nhà đầu tư hạ tầng. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích và giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai mô hình KCN sinh thái một cách hiệu quả và bền vững.
Theo Quyết định số
13/2024/QĐTTg ngày 13-8-2024 của Thủ tướng ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở
phát thải khí thải phải thực hiện kiểm kê nhà kính, năm 2024 tỉnh Bắc Ninh có
130 cơ sở, tăng 43 doanh nghiệp so với năm 2022, trong đó tại các KCN có 99
doanh nghiệp, tăng 28 doanh nghiệp so với năm 2022. Thống kê cho thấy số lượng
cơ sở, doanh nghiệp phát thải khí thải phải kiểm kê tăng lên, chủ yếu là các
doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phần lớn nằm trong các KCN.
Theo các chuyên gia kinh tế, các KCN ở Bắc Ninh cơ bản đáp ứng nhiều tiêu chí của KCN sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP, đặc biệt là trong việc cung cấp dịch vụ cơ bản, chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố cần cải thiện, như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu hao phí sản xuất ở các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình. Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, ngày 17-10-2023 tỉnh Bắc Ninh ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, nêu rõ quan điểm: “Tăng trưởng xanh là cơ hội mới trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi thích ứng với xu hướng đầu tư. Đây là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, dựa trên các kịch bản phát thải nhà kính theo từng giai đoạn hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn vào năm 2050”. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, Bắc Ninh phải chuyển đổi và phát triển các KCN gắn với chuyển đổi xanh, tăng cường sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, phát triển và tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc sinh học và năng lượng tái tạo (điện mặt trời, biomass), áp dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích, kinh tế - xã hội, tăng cường bảo vệ môi trường, trên cơ sở khai thác tốt các lợi thế tiềm năng địa phương và phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp trong các KCN tăng cường hoạt động cộng sinh công nghiệp và triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn.