Ngày 18/10/2024 tại tỉnh Gia Lai, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam đã tổ chức thành công Hội nghị giao ban Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2024 với chủ đề chủ đề: “Những bất cập trong quy định giữa các luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT, KCNC; sự cần thiết phải xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế”. Ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai đăng cai tổ chức Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam (Câu lạc bộ); ông Nguyễn Như Trình, Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ; ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Quảng Ninh, cùng đại diện Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc; 34 thành viên Câu lạc bộ đến từ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam (bao gồm Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào đến Cà Mau); các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.
Chung tay phát triển KCN, KCX, KCNC, KKT
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam trân trọng cảm ơn đại diện đến từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự Hội nghị, đồng thời gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các đại biểu và toàn thể Hội nghị. Hội nghị giao ban Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam là một hoạt động thường xuyên đã diễn ra đến nay là lần thứ X. Hội nghị là cơ hội để các Ban Quản lý gặp gỡ, tổng kết, đánh giá hoạt động quản lý nhà nước của các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh phía Nam nói chung, cũng như hoạt động của Câu lạc bộ nói riêng; trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT các tỉnh thành phố phía Nam và những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật liên quan, đặc biệt là công tác xây dựng Luật KCN, KKT.
Để Hội nghị đạt được kết quả cao như kỳ vọng, ông Nguyễn Trí Phương mong muốn các thành viên Câu lạc bộ cần tập trung làm rõ một số nội dung chính, đó là:
Một là, tập trung trao đổi, thảo luận để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước tại các KCN, KKT; triển khai những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng Luật KCN, KKT; tăng cường sự tham gia đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan.
Ba là, giới thiệu, bầu bổ sung Ban Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ 2023-2025; bầu Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ 2023-2025 và Phó Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ 2023-2025.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển KCN, KKT
Báo cáo kết quả hoạt động của Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam trong nhiệm kỳ 2023-2024, ông Nguyễn Xuân Thưởng, Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai cho biết: Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Ban chủ nhiệm và các thành viên Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị, chủ đầu tư hạ tầng KCN, KCX, KKT, KCNC và các nhà đầu tư thứ cấp, trong các năm 2023, 2024, các thành viên Câu lạc bộ đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT, KCNC, cũng như công tác quản lý dự án đầu tư sau khi cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhìn chung, các dự án trong KCN, KCX, KKT, KCNC duy trì hoạt động ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề mới, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập trung bình khá, từng bước nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Một số kết quả chủ yếu đạt được là:
Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, kinh doanh trong KCN, KCX, KKT, KCNC
Hiện nay, số KCN theo quy hoạch được duyệt của các tỉnh, thành phố phía Nam là 317 KCN/426 KCN của cả nước, 10 KKT cửa khẩu/26 KKT cửa khẩu của cả nước, 8 KKT ven biển/19 KKT ven biển của cả nước với diện tích được quy hoạch là 534.092 ha.
Tính đến hết năm 2023, tổng số dự án đã cấp vào các KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam là trên 16.500 dự án. Trong đó, năm 2023 số dự án cấp mới là: 602 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là khoảng: 111.341 tỷ đồng và 2.295 triệu USD; số dự án điều chỉnh là: 801 dự án với tổng số vốn tăng thêm là khoảng 181.209 tỷ đồng và 2.758 triệu USD.
Năm 2023, các doanh nghiệp trong KCN, KKT phía Nam đã đạt được một số kết quả trong sản xuất kinh doanh như sau: Doanh thu đạt khoảng: 793.318 tỷ đồng và 82.912 triệu USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng: 130.470 triệu USD; nộp ngân sách đạt khoảng: 65.425 tỷ đồng và 4.718 triệu USD; thu hút khoảng 2,4 triệu lao động làm việc trong các KCN, KKT.
Phát huy vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Đẩy mạnh cải cách hành chính: Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và trong quá trình giải quyết TTHC của cơ quan, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các Trung tâm phục vụ hành chính công để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC liên quan trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tăng cường quản lý đầu tư: Các Ban Quản lý đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố rà soát việc thực hiện lập quy hoạch các KCN đến năm 2030; đề xuất điều chỉnh, mở rộng, thành lập mới các KCN khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy, khả năng thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và KCN.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, KCX, KKT, KCNC đang xây dựng, chậm tiến độ và kịp thời làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng để xác định khó khăn, nguyên nhân để đề xuất biện pháp giải quyết.
Tăng cường giám sát việc đầu tư xây dựng các KCN, KCX, KKT, KCNC đảm bảo đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tuân thủ quy hoạch phân khu, chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố biện pháp xử lý đối với các KCN, KCX, KKT, KCNC gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc không đảm bảo điều kiện phát triển hoặc không có khả năng triển khai do nhà đầu tư không có năng lực.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư thứ cấp trong KCN, KCX, KKT, KCNC, nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả sử dụng đất; tăng cường hỗ trợ việc triển khai các dự án quy mô lớn trong KCN, KCX, KKT, KCNC để tạo động lực phát triển cho KCN, KCX, KKT, KCNC; tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp xử lý dứt điểm các dự án đầu tư đã ngừng hoạt động trong thời gian dài, không thể khắc phục, hoạt động trở lại để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư khác.
Chú trọng quản lý quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường: Đến nay, nhiều Ban Quản lý đã được ủy quyền thực hiện, giải quyết các TTHC về các lĩnh quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động như: tổ chức thực hiện phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN, KCX, KKT, KCNC, cấp phép xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trong KCN, KCX, KKT, KCNC. Bên cạnh đó là thực hiện theo phân cấp ủy quyền xác nhận người lao động nước ngoài, cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu tại KCN, KCX, KKT, KCNC trên cơ sở ủy quyền của Bộ Công Thương.
Công tác quy hoạch các KCN, KCX, KKT, KCNC tương đối phù hợp với quy hoạch hạ tầng xã hội. Thời gian qua, Ban Quản lý và các cấp, các ngành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, KCX, KKT, KCNC đã quan tâm, chú trọng và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT, KCNC. Các KCN, KCX, KKT, KCNC đã góp phần hạn chế việc phân tán cơ sở sản xuất công nghiệp, thực hiện tập trung sản xuất, di dời cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nội đô vào trong KCN, KCX, KKT, KCNC. Do đó, công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với công tác xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải.
Một số đơn vị đã được phân cấp ủy quyền hoặc ủy quyền một phần trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: Nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; tổ chức, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trong KCN, KCX, KKT, KCNC.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, doanh nghiệp, lao động: Thời gian qua, các Ban Quản lý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách phúc lợi cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tới các doanh nghiệp và người lao động KCN, KCX, KKT, KCNC để tạo đà khuyến khích doanh nghiệp và người lao động hăng say phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất.
Các công tác khác: Các thành viên Câu lạc bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong thực hiện tốt công an ninh trật tự, tác phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho các doanh nghiệp; thường xuyên tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan. Nhìn chung, trong các năm vừa qua trên địa bàn các KCN, KCX, KKT, KCNC của các tỉnh, thành phố phía Nam không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự lớn, cũng như không xảy ra vụ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh lao động, ngộ độc thực phẩm lớn nào trong các KCN, KCX, KKT, KCNC. Đến nay, số lao động trong KCN, KKT, KCX, KCNC bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, số lao động có việc làm gia tăng và thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện.
Cần thiết xây dựng Luật KCN, KKT
Thông qua các báo cáo tham luận và phát biểu của các thành viên Câu lạc bộ tại Hội nghị, các Ban Quản lý đã chia sẻ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, cụ thể.
Theo các thành viên câu lạc bộ, công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT mang tính đặc thù cao, là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất chi phối hoạt động đó mới dừng lại ở các Nghị định; do chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý KCN, KKT vẫn trong tình trạng bị một số luật chuyên ngành chi phối, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách dành cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, tại một số địa phương còn hạn chế; phụ thuộc vào nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội do nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn.
Mặt khác, một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nguyên nhân chính là do vị trí địa kinh tế không thuận lợi, thiếu quỹ đất sạch...
Cùng với đó, các chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan liên tục thay đổi, tính ổn định không cao, còn tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, cơ hội và hiệu quả của các dự án đầu tư; một số Ban Quản lý chưa được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường...; còn tình trạng một số dự án triển khai chậm tiến độ, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, do gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, gây lãng phí đất đai, hạ tầng KCN, KCX, KKT, KCNC. Một số doanh nghiệp chỉ chú trọng công tác sản xuất kinh doanh, không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm..., cũng như chế độ thống kê, báo cáo định kỳ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước mà theo quy định các doanh nghiệp này không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) để sản xuất ngày càng gia tăng, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước về việc thực hiện quy hoạch KCN, khó kiểm soát về mục tiêu, quy mô, hiệu quả đầu tư, cũng như việc chấp hành quy định của pháp luật liên quan của các doanh nghiệp đi thuê nhà xưởng.
Nhiều doanh nghiệp FDI là đối tác hoặc là một công ty trong tập đoàn lớn, đa quốc gia nên công tác quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn.
Nguồn lao động qua đào tạo còn thiếu, ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp KCN, KCX, KKT, KCNC. Tình trạng khan hiếm lao động phổ thông khi các dự án lớn, sử dụng nhiều lao động đi vào hoạt động thường xuyên xảy ra.
Việc xây dựng các khu nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân lao động trong các KCN, KCX, KKT, KCNC và các dịch vụ hỗ trợ cơ bản như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí... còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân, chưa có cơ chế rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Đề xuất kiến nghị tháo gỡ “rào cản”, thúc đẩy phát triển KCN, KCX, KCNC, KKT
Thông qua các báo cáo tham luận, các bài trình bày, trao đổi, chia sẻ của các thành viên Câu lạc bộ và các đại biểu tại Hội nghị, Hội nghị đã thống nhất đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương một số nội dung sau:
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương
Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm xây dựng Luật về KKT, KCN để khẳng định vị thế pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước hiện nay (đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...) để khẳng định vị thế pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KCN, KKT.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có hướng dẫn về thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng dữ liệu chéo, dữ liệu liên thông về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt cho các tỉnh, thành phố khi triển khai lập Quy hoạch các KCN, KKT và thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX, khu chức năng trong KKT, nhằm hạn chế việc Thủ tướng Chính phủ phải cho ý kiến nhiều lần đối với cùng một nội dung.
Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng quy định, hướng dẫn áp dụng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động KCN, KKT.
Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các chế tài đủ mạnh để xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý sau đầu tư tại các KCN, KKT. Hướng dẫn việc phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý các KKT, KCN và bố trí bổ sung nhân lực, biên chế đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong các chính sách pháp luật đã ban hành và đang có hiệu lực.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch về triển khai thu hút lao động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.
UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC và bố trí bổ sung nhân lực, biên chế đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong các chính sách pháp luật đã ban hành và đang có hiệu lực.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Cầu nối hữu hiệu giữa Ban Quản lý KCN, KKT với Chính phủ và các bộ, ngành chức năng
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm của các thành viên Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian vừa qua, đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác xây dựng và phát triển các KCN, KKT phía Nam. Qua đó, đóng góp tích cưc và hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên Câu lạc bộ đã triển khai các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước hết sức đa dạng, phong phú; nổi bật nhất là hoạt động động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam. Qua đó, Câu lạc bộ đã kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền đến Vụ Quản lý các Khu kinh tế để Vụ tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời có kiến nghị, đề xuất đến các bộ, ngành liên quan và địa phương điều chỉnh và xây dựng các chính sách phát triển KCN, KKT.
Phó Vụ trưởng Trần Quốc Trung mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp tích cực hơn nữa của các thành viên Câu lạc bộ, hoạt động của Câu lạc bộ cần mở rộng và đi vào chiều sâu hơn nữa để tăng cường sự chia sẻ và sự ủng hộ, có “tiếng nói” của các bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng đã giải đáp các nội dung liên quan đến các vướng mắc của các Ban Quản lý hiện nay trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở và các chính sách liên quan; đồng thời nhấn mạnh các Ban Quản lý cần nghiên cứu rõ nội dung đến ưu đãi sử dụng đất đai liên quan đến việc xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân trong KCN.
Thông tin thêm về Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Đầu tư công, pháp luật về đấu thầu, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy…, ông Trung đề nghị câu lạc bộ cần nghiên cữu rõ các nội dung này để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc gửi Vụ Quản lý các khu kinh tế.
Ông Quốc Trung chia sẻ, các nội dung liên quan đến kiến nghị của hội viên đã được nêu trong Báo cáo, Vụ Quản lý các khu kinh tế ghi nhận và sẽ có kiến nghị, phản ánh đến các bộ, ngành chức năng liên quan, đồng thời mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa cho công tác xây dựng Luật KCN, KKT để Vụ Quản lý Khu kinh tế tổng hợp trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm căn cứ pháp lý đưa vào các nội dung đề xuất xây dựng Luật. Hiện tại đề xuất xây dựng Luật KCN, KKT đã được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp các nội dung liên quan để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ.
Vê nhiệm vụ cụ thể của Câu lạc bộ, ông Trung đề nghị Câu lạc bộ cần triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, Câu lạc bộ cần tổ chức nhiều hơn các sinh hoạt mang tính chuyên đề với các nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý nhà nước (quy hoạch, môi trường, đầu tư...).
Thứ hai, đề xuất phát triển các mô hình KCN mới như: KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, Khu Thương mại mậu dịch tự do..., để các địa phương khác học tập áp dụng, góp phần phát triển các KCN bền vững cho tương lai (các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã triển khai thực hiện thànhh công).
Thứ ba, tăng cường liên hệ chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương như: thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương liên quan đến lĩnh vực quản lý KCN, KKT, mời họ tham dự các hội nghị, hội thảo do các Ban Quản lý tổ chức để phản ánh những khó khăn, vướng mắc và tạo sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng thuận với các Ban Quản lý.
Thứ tư, cần tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về quản lý và phát triển KCN, KKT; đề xuất các nội dung xây dựng Luật KCN, KKT; bổ sung thêm các ý kiến của các hội viên phản ánh các khó khăn, vướng mắc để tổng hợp gửi cho Vụ Quản lý các Khu kinh tế và các bộ, ngành Trung ương.