Kinh tế phục hồi nhanh nhờ nhiều giải pháp đồng bộ
09:45 15/04/2022
Bước vào năm 2022, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá… Cùng với tốc độ tiêm vắc-xin nhanh, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo nền tảng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ ngay trong quý I. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,63%, kỳ vọng đà tăng trưởng tiếp tục phát huy trong quý II và cả năm 2022.

Sản phẩm linh kiện điện tử tăng 72,1% trong tháng 3.

 

Tỉnh điều chỉnh các giải pháp chống dịch COVID-19 phù hợp, cho phép mở lại các hoạt động kinh tế trước đó bị hạn chế. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 11/NQ của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế. Các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất phù hợp, hỗ trợ lãi suất 2% một số ngành, lĩnh vực... tạo bước đệm cho doanh nghiệp sử dụng tối đa nguồn lực khôi phục sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Khu vực ngoài Nhà nước và FDI khôi phục nhanh, nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 78,03%; dịch vụ 16,03%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 2,61%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,34%. So với cùng kỳ, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 0,79%; dịch vụ tăng 0,24%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,5%.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế đó là ngành công nghiệp, các doanh nghiệp đã chung vai gánh vác hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời kiên trì chống dịch, giữ chân  người lao động, bám trụ với sản xuất với nhiều hình thức sáng tạo trong việc thực  hiện “mục tiêu kép”, kiến tạo giải pháp phát triển kinh tế trong điều kiện “bình  thường mới”. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,79%, đây là mức tăng cao hơn trung bình chung trong 5 năm qua, tăng cao nhất 4 năm gần đây và vượt so với kế hoạch của tỉnh đã đề ra. Xuất khẩu tăng trở lại, cán cân thương mại xuất siêu đạt 700 triệu USD.
Hiện nay, các doanh trong tỉnh tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong tình hình mới và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, hoàn tất đơn hàng đã ký kết. Toàn tỉnh có 634 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 6.054 tỷ đồng, tăng 1,9% về số doanh nghiệp và tăng 8,6% về tổng vốn đăng ký bổ sung; 389 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 31%) ở tất cả các lĩnh vực. Tổng  số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý cao hơn gấp 1,78 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và giải thể, tạo nền tảng cho tăng trưởng sản xuất ngay trong quý II và giai đoạn tiếp theo.
Hoạt động thương mại dịch vụ và tiêu dùng ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Với cách ứng phó linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch nên có mức tăng trưởng khá cao của nhiều ngành dịch vụ…. Tính chung khu vực dịch vụ đạt mức tăng 10,56%, đóng góp 1,78 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp mặc dù diễn ra trong điều kiện rét đậm, rét hại, nhưng ngành Nông nghiệp kịp thời chỉ đạo các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Chăn nuôi duy trì ổn định, sản lượng thịt gia súc gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; lâm nghiệp tập trung thực hiện tốt việc chăm sóc và bảo vệ rừng. Sản xuất thủy sản nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường. Giá các loại cá thương phẩm tiêu thụ ổn định và có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ…
Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức
tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn. Ở trong nước, dịch COVID-19, rủi ro lạm phát, nợ xấu, thiên tai, biến đổi khí hậu luôn tiềm ẩn nguy cơ. Trong tỉnh, dịch COVID-19 tăng nhanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tiêm vắc-xin COVID19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi và tiêm phòng vắc-xin mũi 4 cho người lớn chưa được triển khai, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… Do vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19”; Nghị quyết 11/NQ-CP về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa; Chỉ thị số 01/CT-UBND về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các chỉ thị, văn bản, chính sách tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời khẩn trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất hàng hóa, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, phát triển các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời theo biến động của kinh tế trong nước và thế giới, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra.

baobacninh.com.vn
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks
Tỷ giá ngoại tệ