Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 1 vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1 năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Về cơ cấu nền kinh tế quý 1/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tuy nhiên bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý 1 năm 2022 đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.
Sản xuất công nghiệp trong quý 1 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý 1 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.
GDP quý 1 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1/2021 và quý 1/2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách giảm 23,6%; luân chuyển hành khách giảm 15,8% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,2%, luân chuyển hàng hóa tăng 8,8%; khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1%.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ. Tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý 1 năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021.
Tính chung quý 1, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.