Chỉ số PCI do VCCI và
USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005. Trong nhiều năm qua, PCI đã trở thành tiếng
nói của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. PCI đã trở thành
công cụ hữu ích để điều hành kinh tế ở cấp tỉnh và thành phố. Báo cáo PCI 2020 đo lường chất lượng điều hành kinh tế
của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của
các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân; Báo
cáo này được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp,
trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành
phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại
22 địa phương tại Việt Nam.
Năm 2020 Chỉ số PCI tỉnh Bắc Ninh đạt 66,74 điểm, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành
phố, giảm 6 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt. Tỉnh Bắc Ninh
có 4 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2019 là: Gia nhập thị trường, tăng
0,16 điểm; Chi phí thời gian, tăng 1,19 điểm; Chi phí không chính thức, tăng
0,45 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 0,13 điểm. Trong khi đó có 6 chỉ
số giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai, giảm 0,48 điểm; Tính minh bạch, giảm 1,68
điểm; Cạnh tranh bình đẳng, giảm 1,05 điểm; Tính năng động, giảm 0,79 điểm; Đào
tạo lao động, giảm 0,21 điểm; Thiết chế pháp lý, giảm 0,96 điểm.
Theo bảng
xếp hạng Chỉ số PCI, tỉnh Quảng Ninh năm thứ tư liên tiếp đứng vị trí số 1 trên
bảng xếp hạng PCI với 75,09 điểm.
Điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế
cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động
tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an
ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải
cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.