11 tháng, giải ngân vốn FDI bất ngờ cao nhất 5 năm
10:43 30/11/2022
Trái ngược với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 11 tháng, vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây...

Số liệu kinh tế 11 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

So với mức giảm 5,4% của cùng kỳ tháng 10/2022, vốn FDI có sự cải thiện khi nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy các thủ tục đăng ký dự án. Nhờ vậy, vốn đăng ký cấp mới có sự phục hồi rõ nét khi tăng 14,9% về số dự án (1.812 dự án) và giảm 18% về vốn đăng ký (11,52 tỷ USD), thấp hơn đáng kể khi so với mức giảm 23,7% trong 10 tháng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính hai dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái, là Dự án Điện LNG Long An I và II với số vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II với số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Tổng tổng vốn FDI đăng ký mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí “quán quân” trong thu hút FDI với số vốn đăng ký đạt 6,52 tỷ USD, chiếm 56,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 18,2%; các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 25,2%.

11 tháng, giải ngân vốn FDI bất ngờ cao nhất 5 năm - Ảnh 1

Cùng với vốn đăng ký mới, trong 11 tháng có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,76 tỷ USD, chiếm 13,1%; các ngành còn lại đạt 4,29 tỷ USD, chiếm 20,4%.

Trong khi đó, bất ngờ đảo chiều, sau 11 tháng, tổng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm 7% so với cùng kỳ, đạt gần 4,08 tỷ USD. Số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ đạt 3.298 lượt, giảm 4,8% so với cùng kỳ.

Trái ngược với vốn đăng ký, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỷ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 7,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 7,3%.

Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Đăng ký kết nối làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh Công ty Tân Phát
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Tỷ giá ngoại tệ