Doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, thưởng Tết 2023 sẽ thế nào?
14:55 13/12/2022
Mức thưởng Tết năm 2023 được các chuyên gia dự báo phổ biến vẫn là một tháng lương, khó có đột biến so với các năm. Với những doanh nghiệp khó khăn, việc để có thưởng Tết sẽ là một nỗ lực rất lớn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi thời điểm cuối năm ngày càng cận kề, câu chuyện thưởng Tết bao nhiêu luôn là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm. Theo dự báo của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường lao động bị xáo trộn, việc thưởng Tết sẽ là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp.

NỖ LỰC ĐỂ CÓ THƯỞNG TẾT

Dệt may là một trong số những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi sự sụt giảm đơn hàng trong thời điểm cuối năm, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Vì lẽ đó, bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội thừa nhận, dưới tác động của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng nên dự báo mức thưởng Tết của các doanh nghiệp dệt may năm nay sẽ rất khó khăn, vì vậy không thể đòi hỏi thu nhập hay mức thưởng cao được.

“Với các doanh nghiệp dệt may lớn, có truyền thống sẽ cố gắng giữ mức thưởng Tết bằng năm ngoái để giữ chân lao động, còn những đơn vị khó khăn chỉ đảm bảo không nợ lương đã là rất cố gắng trong bối cảnh hiện nay”, bà Hồng thông tin.

Để hỗ trợ người lao động khó khăn, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Hà Nội cho biết, trước mắt Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã có kế hoạch chăm lo, theo đó chi mức hỗ trợ trực tiếp tối đa cho 10% số lao động. Công đoàn Dệt may Hà Nội có khoảng 20.000 lao động, như vậy sẽ có 2.000 lao động được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, với mức hỗ trợ hạn chế từ công đoàn cấp trên thì về phía công đoàn ngành Dệt may Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ theo nguồn của đơn vị để hỗ trợ thêm như tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về quê ăn Tết miễn phí. Hiện nay đơn vị này đang thống kê nhu cầu của người lao động, tùy theo lịch nghỉ của các doanh nghiệp, dự kiến sẽ tổ chức 3 tuyến xe chính đưa người lao động các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về quê.

Khó khăn về đơn hàng cũng là thực tế được ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam chia sẻ đang diễn ra tại doanh nghiệp này. Theo ông Long, hiện các đơn hàng vẫn chạy đều nhưng sản lượng chỉ bằng khoảng 70 - 80% so với với trước đây, vì vậy công ty dự kiến sẽ thưởng Tết khoảng 1,5 tháng tiền lương cho người lao động.

Trong khi đó, ông Cheng Ming Chun, Quản lý cao cấp, Công ty Inventec Appliances Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội, cho biết, năm nay công ty mẹ sẽ thưởng Tết cho người lao động từ 1 – 10  tháng lương tùy vào vị trí và kết quả hoàn thành công việc.

Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, do mới đi vào hoạt động từ năm 2022 nên tình hình sản xuất kinh doanh chưa thực sự ổn định, vì vậy dự kiến mức thưởng sẽ từ 1 – 3 tháng lương căn cứ theo mức lương của người lao động (10 – 30 triệu đồng dành cho các vị trí quản lý), ngoài ra công ty sẽ có chế độ thưởng quý cho nhân viên xuất sắc.

THƯỞNG TẾT PHỔ BIẾN CÓ THỂ MỘT THÁNG LƯƠNG  

Trong bối cảnh cuối năm nay nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân dự báo việc thưởng Tết có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng co kéo để có thưởng Tết cho người lao động ít nhất là 1 tháng lương cơ bản, còn những công ty thuộc ngành nghề khác thì mức thưởng Tết vẫn bình thường như mọi năm.

Với những doanh nghiệp quá khó khăn, phải cho người lao động nghỉ việc, ông Huân cho rằng các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau, căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế để bàn các chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động.

Người lao động tìm việc cuối năm. Ảnh - Nhật Dương. 
Người lao động tìm việc cuối năm. Ảnh - Nhật Dương. 

Nhiều năm theo dõi lĩnh vực việc làm, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, thực tế hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn có mức thưởng xứng đáng để động viên người lao động khi cuối năm. Ông Trung dự báo năm nay mức thưởng Tết có thể cao hơn so với năm trước. Bởi lẽ, bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, vẫn có những doanh nghiệp, nhóm ngành phát triển, có lợi nhuận cao hơn thì chắc chắn thưởng Tết sẽ cao hơn năm trước.

Theo ông Trung, tiền thưởng dịp cuối năm rất nhân văn vì hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động, song tùy vào điều kiện thực tế, từng doanh nghiệp sẽ có mức thưởng phù hợp.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thừa nhận, mỗi khi xuân về Tết đến, vấn đề luôn được người lao động quan tâm là chế độ thưởng Tết. Tuy nhiên, tiền thưởng Tết còn phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Mặc dù pháp luật không quy định thưởng Tết là bắt buộc, nhưng từ nhiều năm nay đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với người lao động. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị thưởng Tết.

“Cũng như mọi năm, tôi thấy rằng năm nay ý thức trách nhiệm của người lao động trong việc chuẩn bị thưởng Tết đã đi vào nề nếp. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn sẽ duy trì ít nhất tháng lương thứ 13, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã đưa nội dung này vào thỏa ước lao động và các quy chế nội bộ. Tuy nhiên, đúng thời điểm hiện nay, có một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút, họ không còn đảm bảo được việc làm và tiền để trả lương. Vì vậy, việc thưởng Tết chắc chắn sẽ rất khó khăn”, ông Quảng nhận định.

Song theo ông Quảng, thống kê của tổ chức công đoàn đến nay chỉ có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Điều đáng mừng là hiện một số doanh nghiệp lớn cũng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp giúp giải quyết việc làm, thậm chí có những khoản tiền hỗ trợ nhất định để đảm bảo tất cả người lao động đều có Tết sum vầy đầm ấm an lành.

Trước những lo ngại khó khăn về lương, thưởng sẽ có nguy cơ làm phát sinh tranh chấp lao động, ông Quảng thừa nhận, thời điểm cuối năm dễ xảy ra những vấn đề bất ổn trong quan hệ lao động liên quan đến doanh nghiệp nợ lương và chế độ tiền thưởng không thỏa đáng.

Trước tình hình đó, công đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình thưởng Tết, trả lương và các chính sách khác của doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp nợ lương.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng sẽ tham gia tích cực vào việc xây dựng các quy chế thưởng cho người lao động. “Pháp luật quy định tiền thưởng do người sử dụng thưởng cho người lao động, nhưng thưởng phải xây dựng quy chế, công bố công khai cho người lao động biết. Việc thưởng Tết cũng nhằm động viên người lao động, làm sao việc thưởng trở thành động lực để họ làm việc tốt hơn, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

https://vneconomy.vn
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks
Tỷ giá ngoại tệ