Mấy năm gần
đây, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước
lớn ngày càng gay gắt; lạm phát tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ,
tài khoá và hậu quả của đại dịch COVID-19… dẫn đến suy giảm tăng trưởng
kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực
đang hiện hữu… Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ những yếu
tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế bên trong ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh
vực. Đặc biệt, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho
sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Bắc Ninh
là tỉnh có nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế sâu rộng, phụ thuộc nhiều vào nền
kinh tế trên thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng
thời với những khó khăn trong nước, nên có nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến
quá trình phát triển. Song được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương
Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; sự đoàn kết, thống nhất,
quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh
nghiệp và nhân dân, tỉnh Bắc Ninh triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về
hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, góp phần
quan trọng vào sự nghiệp phát triển toàn diện các lĩnh vực trong tiến trình hội
nhập kinh tế quốc tế.
Riêng năm
2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 6,03% so với năm 2023. Hoạt
động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước
tăng 10,5%; thu ngân sách Nhà nước ước tăng 13,92%; tổng nguồn vốn huy động ước
tăng 10,4%…
Hoạt động
đối ngoại, hợp tác với các địa phương, đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao
vị thế của tỉnh: Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh tăng cường thực hiện xúc
tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại nhiều quốc gia; tổ chức tiếp
và làm việc với Đoàn công tác các nước, các doanh nghiệp nước ngoài thăm và tìm
hiểu cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh… Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 2,9% về số dự
án cấp mới, tăng 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Thông qua
hội nhập quốc tế, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh không ngừng được tăng lên
và luôn đứng trong tốp đầu cả nước, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng
trưởng GRDP của tỉnh. Năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất,
nhập khẩu nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh vẫn ước đạt 75,9 tỷ
USD, tăng 1% so với năm trước…
Bên cạnh
những mặt đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn những hạn
chế, tồn tại như: Các Hiệp định được ký kết theo đó các yêu cầu, quy định của
các quốc gia ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn, làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận
thị trường quốc tế của các mặt hàng. Công tác thông tin tuyên truyền kiến thức
về hội nhập kinh tế quốc tế được quan tâm, xong mức độ còn hạn chế, chưa được
thường xuyên, liên tục; hình thức, cách thức tuyên truyền chưa đổi mới, hiệu quả
chưa cao. Trình độ tay nghề của người lao động chưa đồng đều, ý thức kỷ luật
lao động chưa cao dẫn đến năng suất thấp chưa đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng
cao của doanh nghiệp FDI…
Thời gian
tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, quá
trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Trong khi đó, Việt
Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO,
tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức
sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Đây vừa là cơ hội vừa là thách
thức đối với sự phát triển của Bắc Ninh.
Để nâng
cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế hơn nữa, các ngành chức năng của tỉnh tiếp
tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của
Chính phủ, của tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ giải quyết khó khăn cho
doanh nghiệp; xúc tiến thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm
cải thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR của tỉnh. Kêu
gọi sự chung tay góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác phát triển
khác cho phát triển sản xuất, liên kết và tiêu thụ hàng hóa. Thu hút đầu tư có
chọn lọc, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng lực pháp lý và nhận
thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác hội nhập kinh tế quốc
tế trong các lĩnh vực, nhất là việc phân tích, định hướng và dự báo những vấn đề
phát sinh trong Hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của
cả xã hội, nhất là của doanh nghiệp đối với các thỏa thuận quốc tế, những cơ hội,
thách thức, yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các hiệp định thương
mại tự do thế hệ mới…