Tổng cục Thuế đề ra mục tiêu đảm bảo tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định số 1308/QĐ-TCT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-BTC ngày 8/6/2023 của Bộ Tài chính về việc ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính năm 2023.
Tại kế hoạch này, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không còn phù hợp.
Các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế hoàn thành tích hợp các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của đơn vị lên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế. Trong đó, Cổng Dịch vụ công và Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện kết nối được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công và Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế; 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện kết nối, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
"Đảm bảo đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020, theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ".
Quyết định số 1308/QĐ-TCT.
"Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Các hệ thống thông tin của Tổng cục Thuế có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại", Tổng cục Thuế nêu rõ.
Song song với đó, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1652/QĐ-TCT ngày 23/11/2021 của Tổng cục Thuế, Quyết định số 1865/QĐ-BTC của Bộ Tài chính phê duyệt Đề án đổi mới việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa Bộ Tài chính và Quyết định số 1866/QĐ-BTC ngày 13/9/2022 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai, vận hành hoạt động bộ phận một cửa của các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế đảm bảo ổn định; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo 100% đúng hạn cho cá nhân, tổ chức; nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành thuế.
Tổng cục Thuế cũng sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để đạt được những mục tiêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thuế triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cả hai phương diện, đó là tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế phát sinh; qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành thuế.
Quyết định số 1162/QĐ-BTC của Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Nửa đầu năm 2023, ngành thuế xử lý trên 9 triệu hồ sơ của 901,8 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%); nộp vào ngân sách nhà nước trên 435,6 nghìn tỷ đồng và 4,8 triệu USD tiền thuế của 893,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế điện tử (đạt tỷ lệ 99,06%) thông qua 57 ngân hàng thương mại.
Số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý đạt hơn 4,2 tỷ hóa đơn; đã có 21,4 nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; đã có 54 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh thực hiện thủ tục hải quan điện tử, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực kho bạc cũng đạt mức dịch vụ công toàn trình, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia...