TS.
Trần Văn Tuý - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc NinhBắc Ninh có vị trí địa lý rất thuận lợi: cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 30km; có hệ thống đường cao tốc nối Bắc Ninh với sân bay Quốc tế Nội Bài (40km), với cảng biển Hải Phòng và cảng biển Quảng Ninh 110km, với cửa khẩu Lạng Sơn-Trung Quốc 115Km, có trục đường sắt xuyên Việt chạy qua Bắc Ninh đi Lạng Sơn và Trung Quốc; mạng đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình nối Bắc Ninh với hệ thống cảng sông và cảng biển của vùng. Đây là những yếu tố địa - kinh tế rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu của Bắc Ninh với các trọng điểm kinh tế trong nước, trong khu vực và quốc tế. Bắc ninh có diện tích trên 822 km2, dân số trên 1 triệu người với gần 600.000 lao động. Nguồn lao động của Bắc Ninh tương đối trẻ, lực lượng lao động đã qua đào tạo chiếm 31,5%, với truyền thống vùng đất hiếu học và khoa bảng, người lao động Bắc Ninh có khả năng tiếp nhận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh ngày càng được cải thiện. Hệ thống giao thông rộng khắp với các tuyến đường bộ, đường sông, đường sắt tạo thành hệ thống liên hoàn, thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế đối nội và đối ngoại. Hệ thống cấp điện được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là cho các Khu công nghiệp tập trung. Hệ thống cấp nước đáp ứng đủ yêu cầu cho sinh hoạt và sản xuất trong thành phố, thị xã, thị trấn và các Khu, cụm công nghiệp. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển đồng bộ và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với mạng lưới và thiết bị hiện đại, có khả năng cung cấp những dịch vụ viễn thông, dịch vụ chuyển phát nhanh đi quốc tế và trong nước với nhiều hình thức khác nhau đáp ứng mọi yêu cầu của nhà đầu tư.
Hệ thống tài chính ngân hàng và bảo hiểm hoàn thiện và đồng bộ đáp ứng yêu cầu thanh toán liên ngân hàng, thanh toán quốc tế, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Nhiều hãng bảo hiểm nổi tiếng như AIA, Prudentials, Bảo Việt, Bảo Minh…, các ngân hàng thương mại và nhiều công ty tư vấn tài chính, bảo hiểm nước ngoài cũng có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Bắc Ninh. Hệ thống thương mại, dịch vụ ngày càng được mở rộng, kết cấu hạ tầng thương mại từng bước được củng cố và phát triển, đặc biệt là hệ thống chợ, siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh theo ngành hàng và mô hình chuỗi đã được mở tại Bắc Ninh.
Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Tỉnh tăng nhanh kinh phí cho công tác quy hoạch; chỉ đạo quản lý và định hướng quy hoạch. Đến nay, đã có 15 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích 7.525 ha (KCN 6.541 ha và Khu đô thị 984 ha); trong đó: 04 KCN đã đi vào hoạt động (Tiên Sơn, Quế Võ I, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Yên Phong I), 03 KCN mới khởi công xây dựng (VSIP, Quế Võ II, IGS), 03 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang chuẩn bị khởi công (KCN Thuận Thành II, KCN Yên Phong II, KCN Quế Võ III). Đến 2020, với 15 Khu công nghiệp (trong đó có 4 khu xây dựng theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ), góp phần hình thành chuỗi không gian kinh tế, đô thị trên địa bàn tỉnh và kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng thủ đô Hà Nội.
Sau hơn 10 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa kinh tế - văn hoá – xã hội của Bắc Ninh thực sự khởi sắc và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Kinh tế tăng trưởng cao, tổng sản phẩm GDP tăng bình quân hàng năm 13,9% trong thời kỳ 2001-2005, trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,2%, công nghiệp - xây dựng tăng 20,3%, dịch vụ tăng 14,9%, năm 2008 GDP tăng 16,2%. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 680 USD, năm 2008 là 1.166 USD là năm đầu tiên cao hơn mức bình quân của các nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, theo hướng tích cực trong từng khu vực, từng địa phương và các thành phần kinh tế: tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 38% năm 2000 xuống 15,3% năm 2008; tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ tăng từ 62% lên 84,7% năm 2008. Các thành phần và lĩnh vực kinh tế đều phát triển tạo lập tính phát triển tương đối vững chắc của kinh tế tỉnh Bắc Ninh; các ngành công nghiệp điện tử, cơ khí, công nghiệp chế biến, công nghệ cao đã và đang đầu tư vào các KCN. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được nâng cao, năm 2007 xếp thứ 22, năm 2008 lên thứ 16 và là ba tỉnh có chỉ số cao nhất các tỉnh phía Bắc.
Cùng với việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá – xã hội cũng có bước phát triển khá: Cơ sở vật chất dạy và học được tăng cường với 89,9% phòng học được kiên cố, cao tầng và 212 phòng máy vi tính. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2002, quy mô đào tạo các cấp, các ngành học được mở rộng; chất lượng giáo dục trọng điểm và đại trà được nâng lên. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện tốt, có 88% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, với 100% số xã có bác sỹ. Các hoạt động văn hoá quần chúng được tổ chức thường xuyên, góp phần giáo dục truyền thống giữ gìn bản sắc dân tộc của vùng quê Kinh Bắc và từng bước nâng cao phát triển văn hoá tiên tiến. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, các môn thể thao truyền thống được duy trì và phát triển. Các chương trình đào tạo, giải quyết việc làm được đẩy mạnh. Đời sống các tầng lớp nhân dân được ổn định và từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 còn 7,72%. Bộ mặt đô thị và nông thôn trong tỉnh ngày càng đổi mới.
Trong hơn 10 năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh đã khẳng định được vị trí của mình và trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động: giai đoạn 2001-2005, vốn FDI chiếm 5 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 2006 - 2008 chiếm 16,6%; tỷ lệ đóng góp của khu vực này trong GDP ngày càng tăng, năm 2001 chiếm 7,5%, năm 2008 chiếm 14%; năm 2001 kim ngạch xuất khẩu chiếm 0,2%, năm 2008 chiếm 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; thu ngân sách năm 2001 đạt 47 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu ngân sách trên địa bàn (tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2001 là 439 tỷ đồng), năm 2008 thu 205 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng thu ngân sách trên địa bàn (tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2008 là 2.394 tỷ đồng); các dự án FDI đã thu hút tạo việc làm cho hơn 28.000 lao động của Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Bắc Ninh cơ bản là tỉnh công nghiệp, cần tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Hoạt động đầu tư nước ngoài phải gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, lấy hiệu quả kinh tế, xã hội làm tiêu chuẩn hàng đầu, kết hợp chặt chẽ với an ninh- quốc phòng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến hết tháng 12/2008, Bắc Ninh đã thu hút được 177 dự án FDI (trong KCN 140 dự án, ngoài KCN 37 dự án) và 12 chi nhánh, văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký là 2.387 triệu USD (trong KCN 1.918 triệu USD, ngoài KCN 469 triệu USD), vốn thực hiện 1.459 triệu USD (trong KCN 1.195 triệu USD, ngoài KCN 264 triệu USD), ( riêng năm 2008 thu hút được 60 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.337 triệu USD); đã có 15 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bắc Ninh; thu hút các nhà đầu tư lớn có uy tín trên trường quốc tế, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Foxcon (Đài Loan), Mapletree (Singapo), ABB (Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ).
Để tiếp tục phát huy vai trò của khu vực này, trong thời gian tới Bắc Ninh xác định một số định hướng thu hút FDI vào tỉnh như sau:
Định hướng ngành:
Định hướng vùng:
Định hướng đối tác:
Thúc đẩy và hỗ trợ các dự án của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu, Hoa Kỳ… hiện đang trong quá trình đàm phán hoặc hình thành dự án cũng như giải quyết tốt các vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bắc Ninh.
Với một vị trí thuận lợi và những đổi mới trong việc tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xúc tiến đầu tư, cùng với việc thực hiện tốt cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”, đơn giản, thông thoáng. Bắc Ninh đang trở thành một điểm hẹn lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.Chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs). Việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia được khuyến khích cả hai hướng: Một là thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu. Hai là tạo điều kiện để một số TNCs xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Nhằm tranh thủ nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của các tập đoàn đa quốc gia, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Khuyến khích các dự án đầu tư vào các huyện: Gia Bình, Lương Tài và Thuận Thành, nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện thuần nông, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn. Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu; tạo việc làm cho người lao động; phát triển công nghiệp phụ trợ; các dự án sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Các ngành khuyến khích đầu tư: công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học…, chú trọng công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Khuyến khích thu hút vào ngành công nghiệp phụ trợ, ngành du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo; dịch vụ giải trí, các dự án đầu tư công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao, dự án đầu tư công nghệ chế biến thực phẩm…Nhằm thu hút các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu ngân sách lớn, giải quyết lao động của địa phương, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, khai thác tiềm năng của địa phương, tạo điều kiện và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh phát triển.