Ngành công nghiệp điện tử đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ dữ liệu phân tích trên cho thấy, nguồn nhân lực của tỉnh nói chung và trong các KCN nói riêng đang trong tình trạng chưa ổn định, vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đối với nhân lực có trình độ Cao đẳng, Đại học và trên Đại học, đa số sinh viên khi tốt nghiệp chỉ nặng về lý thuyết, khả năng sáng tạo còn hạn chế, thiếu kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp, kỹ năng làm việc nhóm chưa cao… nên tiếp cận công việc chậm. Nguồn nhân lực “sơ cấp”, lao động phổ thông, đây là bộ phận chủ yếu từ lao động nông nghiệp chuyển sang, chưa qua đào tạo, còn mang nặng thói quen và tập quán sinh hoạt nông thôn, kỷ luật lao động lỏng lẻo, tính tuân thủ yếu và phần lớn không biết ngoại ngữ… Với thời gian đào tạo rất ngắn (do doanh nghiệp tự đào tạo sau khi tuyển dụng), một số lượng nhỏ trở thành lành nghề, số còn lại chưa hội tụ đủ điều kiện để trở thành nhân lực có chất lượng.
Bắc Ninh đang hướng đến thu hút các ngành kỹ thuật cao, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực tại các KCN đó là: Có trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thực hiện công việc theo nhiều cấp độ khác nhau, kỹ năng làm việc nhóm, tính tuân thủ, kỷ luật; biết ngoại ngữ, ít nhất bảo đảm các kỹ năng giao tiếp cơ bản. Cần hiểu biết tin học, ứng dụng công nghệ trong công việc để đáp ứng quá trình CNH-HĐH.
Theo ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các KCN tỉnh): Để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển trong các KCN cần bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực trong tỉnh như: Hỗ trợ người học nghề ở trình độ cao, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động địa phương có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao. Đây được coi là nhân tố không những sẽ chủ động được nguồn lao động tại địa phương mà còn nâng cao được chất lượng tuyển dụng và sử dụng lao động của mỗi doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để hàng năm tuyển chọn những sinh viên ưu tú cử đi nước ngoài đào tạo với cam kết quay về phục vụ doanh nghiệp (điển hình như sự hợp tác giữa Goertek với Trường Cao đẳng Nghề Bắc Ninh; Samsung với Đại học Bách khoa Hà Nội, Foxconn với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội...). Việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh ngiệp và các trường không chỉ giúp xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ cao, làm chủ công nghệ, phục vụ sản xuất, mà còn góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, điện tử, bán dẫn của cả nước và khu vực trong những năm tới.
Triển khai thực hiện tích cực, nhất quán các chính sách khuyến khích thu hút tài năng, nhất là đội ngũ trí thức trẻ. Cùng với việc thu hút nguồn lực chất lượng cao trong nước, cần có chính sách thu hút và huy động đội ngũ trí thức Việt kiều, du học sinh về nước làm việc. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mọi yêu cầu từng vị trí việc làm của doanh nghiệp, cần đi cùng với cải cách hệ thống giáo dục - đào tạo, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề. Đẩy mạnh hình thức xã hội hóa giáo dục, huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao. Thiết lập và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ để người lao động coi doanh nghiệp thực sự là ngôi nhà thứ 2, doanh nghiệp coi người lao động là tài sản nguồn lực phát triển doanh nghiệp.
Do nhân lực đa dạng, một bộ phận người địa phương ít được đào tạo, nên vấn đề tuyên truyền để người lao động hiểu việc đang làm, sắp làm phải giác ngộ sâu sắc yêu cầu khắt khe về lao động chất lượng cao là điều cần thiết. Thấy rõ những tiêu chí về thể lực, trí lực, tác phong, ý thức mà doanh nghiệp KCN đòi hỏi, tiêu chuẩn hóa các yêu cầu về ngành nghề. Hàng năm, dựa trên kế hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng KCN, các cấp, ngành, địa phương sớm thông tin để nhân dân biết, giúp người lao động chuẩn bị và có ý thức tự hoàn thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu sử dụng nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.