Với lợi thế về hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối trong tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các vùng lân cận, Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút đầu tư trong nước vào các dự án mới nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh. Theo số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh, từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 12-2024, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn trên địa bàn tỉnh khoảng 16.456 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cấp mới 49 dự án (tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 13.597 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần), cấp điều chỉnh 107 dự án, trong đó có 30 dự án tăng vốn 2.859 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã cấp đăng ký 1.600 dự án đầu tư còn hiệu lực tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 274.445 tỷ đồng.
Cùng với việc đầu tư vốn vào dự án mới thì môi trường kinh doanh của Bắc Ninh cũng từng bước cải thiện để DN lựa chọn làm nơi đặt địa điểm đăng ký kinh doanh. Trong 11 tháng qua, toàn tỉnh có 3.517 doanh nghiệp (tăng 10,1%) thành lập mới với tổng vốn 35.476 tỷ đồng (tăng 9,8%) và 1.141 đơn vị trực thuộc. Cùng với đó, toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 17%). Như vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường là gần 4.500 doanh nghiệp, tăng 11,6%, bằng 198% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (doanh nghiệp rút lui là 2.272 doanh nghiệp). Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 19.777 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn 387.727 tỷ đồng và 6.253 đơn vị trực thuộc.
Theo các doanh nghiệp, hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đây là điều mà nhiều DN trong và ngoài nước chờ đợi. Từ Quy hoạch tỉnh, doanh nghiệp có thể xác định từng khu vực với các loại hình dự án, diện tích đất đai, giao thông kết nối để lựa chọn đầu tư phù hợp. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư một số lĩnh vực trọng điểm như: dự án bất động sản về nhà ở, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp…
Thời gian tới, với những cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để cùng đồng hành với nhà đầu tư, chắc chắn, Bắc Ninh sẽ tiếp tục là điểm đến an toàn, phát triển của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đặt biệt, thông tin UBND tỉnh đang tích cực đôn đốc ý kiến thẩm định Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) do Vingroup đề xuất cùng 2 dự án Khu đô thị mới, du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn do Sun Group đề xuất, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung, khẩn trương thực hiện đang được nhiều nhà đầy tư quan tâm. Trong đó, nổi bật là Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP đề xuất với tổng vốn dự kiến hơn 44.500 tỷ đồng, hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 10 năm. Chắc chắn đây sẽ là nguồn vốn “mồi” để Bắc Ninh thu hút thêm nhiều dự án, vốn đầu tư trong nước, góp phần đưa tỉnh ngày thêm phát triển.
Tin rằng, với dư địa phát triển lớn và những cố gắng vượt bậc trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành sát cánh cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng, Bắc Ninh sẽ tiếp tục trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong nước.