Phóng viên: Tăng trưởng xanh là bước đi mới nhằm tái cơ cấu kinh tế hiệu quả hơn, Tiến sĩ cho biết ý nghĩa thực tế trong chuyển sang sản xuất xanh đối với các cam kết của Chính phủ?
TS. Nguyễn Phương Bắc: Chủ chương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ ban hành từ năm 2012 thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, do doanh nghiệp chưa nhận thấy được lợi ích thực tế mang tính lâu dài nhằm chuyển hướng đáp ứng nhu cầu của thế giới. Trong khi đó những tiêu chí về đầu tư xanh, doanh nghiệp xanh, công nghệ xanh và định chế tài chính chưa rõ ràng, vì vậy quá trình thực hiện rất hạn chế.
Để khắc phục những trở ngại đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1-10- 2021 Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Đặc biệt tháng 10-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) (COP 26) tại Đan Mạch với cam kết mới: Việt Nam đã khuyến khích các nước nâng mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính, cam kết chấm dứt sử dụng than trong các nhà máy điện và tham gia nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nạn phá rừng, phấn đấu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để chuyển đổi các mô hình kinh tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tại COP 26, các quốc gia tham gia kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực tài chính 100 tỷ USD mỗi năm để giải quyết các bài toán về thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính về 0 đến năm 2050. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam tiếp cận và triển khai các chương trình dự án liên quan đến BĐKH. Để tiếp cận được sự hỗ trợ của quốc tế, bao gồm cả tài chính và công nghệ, Việt Nam xây dựng và minh bạch hóa các tiêu chí xanh trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất xanh, hướng tới tiêu dùng xanh, mạng lưới tư vấn xanh gắn với chuyển đổi số. Tuyên truyền để các doanh nghiệp hướng tới thực hiện tiêu chí doanh nghiệp xanh, thân thiện môi trường và cộng đồng, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ người lao động, không tổn hại nguồn vốn tự nhiên. Tuy nhiên, trở thành doanh nghiệp xanh không phải là sự thay đổi một lần mà là nỗ lực thường xuyên cần sự học hỏi và cải thiện không ngừng.
Tiêu dùng xanh đang là xu hướng phổ biến.
Phóng viên: Tăng trưởng xanh là cơ hội rất lớn để mở ra cho nền kinh tế Việt Nam thu hút đầu tư và nâng cấp công nghệ, Tiến sĩ cho biết ở Bắc Ninh đã có động thái gì?
TS. Nguyễn Phương Bắc: Tỉnh Bắc Ninh được biết đến như địa chỉ hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Canon, foxconn,… tiếp nối hình ảnh là một tỉnh có kinh tế làng nghề phát triển. Tuy nhiên kinh tế Bắc Ninh có sự phân tầng rõ rệt giữa các khu công nghiệp hội tụ các nhà máy FDI hiện đại và khu vực làng nghề có nhiều ô nhiễm, sức cạnh tranh hiện tại bị suy giảm rõ rệt, điển hình là sản xuất ở làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm; thép Đa Hội, nhôm Văn Môn, bún Khắc Niệm,… Mô hình phát triển kinh tế làng nghề không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, đồng thời kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.
Để giải quyết bài toán này, tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã đưa ra định hướng, gắn tăng trưởng xanh với đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh ở địa phương, xây dựng thành phố thông minh, sinh thái. Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, thông minh; là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử; trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Những nội dung đó đã hàm chứa một phần nâng cấp công nghệ và chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh. Gần đây Bắc Ninh đang có những chuyển biến rõ ràng hơn như: Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với xu hướng phát triển mới của tỉnh, thể hiện trong nội dung của Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với quan điểm xanh như là trụ cột để nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế hiện đại, bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo, hình thành đô thị xanh, nông thôn sinh thái, thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Đặc biệt tỉnh triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải phát năng lượng và có tác động lớn đến nhận thức và triển khai cuộc sống xanh ở địa phương. Dự án ICD Tân cảng Quế Võ, đáp ứng vận tải cho các khu công nghiệp giảm 15% chi phí vận tải và giảm phát thải 30% khí CO2… Đây thực sự là sự khởi đầu của dự án logistics xanh rất quan trọng của tỉnh.
Phóng viên: Theo Tiến sĩ, để tận dụng cơ hội chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần phải làm gì?
TS. Nguyễn Phương Bắc: Để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững và hành trình tiến tới mức phát thải carbon bằng 0 yêu cầu sự nỗ lực và hành động của tất cả chúng ta. Hiện nay thế giới đã có tiêu chí rõ ràng về doanh nghiệp xanh, dự án đầu tư xanh, từ đó có thể vay vốn tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh, đây là công cụ tài chính rất có lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi, nhất là những doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận với chuỗi cung ứng và thị trường thế giới. Trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, được xem là một kênh huy động vốn quan trọng. Tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững.
Các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, để đầu tư vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên hoặc các hoạt động kinh doanh vì môi trường khác. Hoặc thay đổi công nghệ, giảm khí thải nhà kính, đề cao trách nhiệm xã hội, sản xuất các dòng sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Chính sách đã có, nhiều ngân hàng như VietinBank, BIDV, Agribank hay một số ngân hàng TMCP như HDBank, VPBank… đã thúc đẩy tín dụng xanh, được đánh giá là có những chương trình hiệu quả, đóng góp nổi bật trong cung ứng tín dụng xanh cho nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các cơ hội từ những định chế tài chính xanh để đầu tư vào những ngành, hàng đang và sẽ là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!