Ảnh minh họa.
Triển khai nhiều giải pháp phát triển công nghiệp
Ngay từ khi tái lập, Bắc Ninh đã xác định phát triển kinh tế phải lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính, Bắc Ninh đã hoạch định và triển khai các nhóm chính sách, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những chính sách ưu đãi đầu tư chung của Nhà nước đối với nhà đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ riêng theo từng lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Hằng năm, UBND tỉnh thực hiện công tác quy hoạch, thẩm định phê duyệt quy hoạch chung và chi tiết các KCN trên địa bàn; xây dựng quy hoạch tổng thể về các KCN làm cơ sở để xây dựng quy hoạch sử dụng đất trình Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch các KCN gắn với quy hoạch các khu dân cư và dịch vụ với mục tiêu hình thành thực thể kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, tạo sự phát triển bền vững, hòa nhập với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong thực hiện chính sách phát triển công nghiệp, Bắc Ninh luôn chú trọng điều chỉnh cơ cấu ngành nhằm hiện đại hóa công nghệ, phát triển các lĩnh vực có hiệu quả và tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xây dựng cải cách quy trình thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; ban hành chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp; thành lập Ban quản lý các KCN, trung tâm khuyến công, khuyến nông; triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một đầu mối” tại các sở, ban, ngành và UBND các cấp; thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh; tổ chức hội nghị chuyên đề với các nhà đầu tư, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp; xây dựng trang điện tử (website) của tỉnh và các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội, các chính sách...
Điện thoại thông minh là sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. (Ảnh chụp tại Tổ hợp Samsung).
Đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước
Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.398 ha; có 10 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 91,2% diện tích đất đã thu hồi; quy hoạch 35 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.101,7 ha, trong đó, 31 cụm được thành lập, 21 cụm đã đi vào hoạt động.
Nếu như năm 1997, giá trị sản xuất (giá hiện hành) công nghiệp mới đạt 646 tỷ đồng, xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng, năm 2000 tăng lên 2.747 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 1997, đến năm 2010 giá trị sản xuất đã đạt 110.699 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần năm 2000 và gấp 171 lần năm 1997.
Trong giai đoạn 2011-2021, SEV tiếp tục điều chỉnh tăng vốn lên 2,5 tỷ USD và có thêm nhà máy thứ hai là SDV tạo thành Tổ hợp Samsung quy mô lớn của thế giới, đã tạo ra “kỳ tích” cho tỉnh, đưa Bắc Ninh có tên trên bản đồ thế giới về sản xuất hàng điện tử. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp (chỉ chiếm 3,6% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước và xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, đến năm 2021 đã tăng lên 1.500 nghìn tỷ đồng, gấp 13,5 lần năm 2010 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng từ 48% năm 2010 lên 76% năm 2021.
Điểm nổi bật trong phát triển công nghiệp là Bắc Ninh đã có sự lựa chọn đúng đắn khi xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để vươn ra thế giới đó là ưu tiên ngành công nghiệp điện tử sử dụng công nghệ cao. Đây là một trong những đột phá chiến lược mang lại hiệu quả kinh tế so với một số tỉnh - vốn được coi là trung tâm công nghiệp của cả nước, như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương,...
Với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn đầu tư vào các ngành công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, có dây chuyền sản xuất lớn đã làm thay đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điện thoại thông minh là sản phẩm mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 và là sản phẩm chính từ năm 2015 của Tổ hợp Samsung Bắc Ninh và trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Góp phần đưa Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần trở thành công xưởng sản xuất và lắp ráp linh kiện cho các sản phẩm điện tử của nhiều hãng lớn trên thế giới như Samsung, LG, Canon, Toshiba…
Nhiều doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho doanh nghiệp FDI.
Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết
Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm và từng bước tạo được điểm nhấn bứt phá, hình thành sự liên kết, kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu; các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu, cụm công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đã từng bước tạo được nền tảng vững chắc và khẳng định vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế cho ngành công nghiệp.
Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các nhà đầu tư, dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; công nghiệp trong nước được quan tâm, tháo gỡ khó khăn với các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng xanh, bền vững.
Hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ cao
Định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Rà soát, đánh giá thực trạng và định hướng bố trí không gian, nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp, tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nhóm ngành điện tử, phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Quan tâm và tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tạo động lực cho phát triển kinh tế; tiếp tục thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Ưu tiên các dự án vệ tinh trong chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm, các dự án điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm, đồ uống.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chế tạo, rút ngắn khoảng cách trình độ công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị.