Hành trình và không gian cất cánh
11:24 05/01/2022
Lịch sử phát triển của một vùng đất không chỉ là bước đi tự nhiên, một hành trình, mà trong quá trình đó, bồi đắp niềm tin và động lực, trở thành sự lớn mạnh, bệ phóng để cất cánh. 25 năm qua, Bắc Ninh không chỉ tăng trưởng quy mô kinh tế, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi xã hội theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa, kỳ tích của bước chân “Phù Đổng” đã cất cánh bay trong tiếng ca Quan họ.

Hệ thống thiết bị hiện đại tại nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung tại KCN Yên Phong.     Ảnh: trần Uyên

 

Trong xu hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay cho thấy, phát triển vùng, lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng quốc gia. Sự phát triển của các địa phương nhằm khai thác lợi thế so sánh để đem đến lợi ích của người dân, nhưng các địa phương có thuận lợi về vị trí địa lý cũng cần nỗ lực để tạo ra cực tăng trưởng của khu vực hoặc quốc gia. Quá trình này cho phép một tỉnh có thể phát huy lợi thế so sánh, kiến tạo năng lực cạnh tranh để thu hút và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn. Một chiến lược phát triển địa phương như vậy đòi hỏi tầm nhìn và quyết tâm hành động rõ ràng của đội ngũ cán bộ, trong đó có vai trò quyết định của các nhà lãnh đạo cao nhất ở địa phương.
Đối với Bắc Ninh, 25 năm qua, các chủ trương và giải pháp của tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Bắc Ninh đã tranh thủ thời cơ của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác lợi thế của một tỉnh liền kề Thủ đô Hà Nội, trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, với hệ thống giao thông thuận lợi, trình độ dân trí cao, người lao động cần cù, năng động, có truyền thống làm kinh tế giỏi, Bắc Ninh đã đi một hành trình hiệu quả và mở ra không gian phát triển mới.
Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh - Bắc Ninh vẫn là tỉnh thuần nông, đóng góp không đáng kể vào GDP cả nước. Nhờ định hướng đúng, với sự năng động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nên quy mô kinh tế đã tạo bước đột phá. Giai đoạn 1997-2010 là những năm định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các KCN tập trung, củng cố các CCN, làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ,... nhằm xây dựng nền tảng. Đến năm 2010, quy mô GRDP đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, gấp 19,2 lần năm 1997, chiếm 1,8% GDP cả nước; xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và ở nhóm trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Giai đoạn 2011-2021, với sự gia tăng vốn đầu tư FDI, tạo đà để Bắc Ninh “tăng tốc”. Đến năm 2021, quy mô GRDP tăng lên 227,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 6 lần năm 2010 và gấp 113 lần năm 1997; chiếm 3,4% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong ngành Nông nghiệp.    Ảnh: Thái Uyên

 

Mặc dù dân số cũng tăng cao, nhưng GRDP bình quân đầu người vẫn gia tăng và xếp thứ hạng cao trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 1997 mới đạt 196 USD, thấp hơn mức 361 USD  của cả nước. Năm 2010 tăng lên 1.866 USD/người, cao hơn mức 1.273 USD bình quân cả nước; và năm 2021 ước đạt 6.740 USD, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (sau Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh).
Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 16,7%/năm, cao hơn mức 7% bình quân chung cả nước. Khu vực CN-XD chiếm tỷ trọng lớn nhất: 77,3% và khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ nhất với 2,7%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm là: 20% (sụt giảm chút ít do tác động của dịch COVID-19). Với tốc độ, quy mô và cơ cấu kinh tế, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước qua từng năm cũng như cả chặng đường 1/4 thế kỷ đã qua.
Bắc Ninh hiện nay đang hướng vào một điểm uốn tăng trưởng mới, mang tính chất chuyển biến về không gian kinh tế đô thị và phát triển hạ tầng các khu vực chức năng Vùng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Chính sách vượt trội ở Bắc Ninh chính là biến Bắc Ninh trở thành các trung tâm tăng trưởng với tư cách chức năng của vùng, phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với hình thành trung tâm thương mại, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu triển khai, công nghệ bán dẫn, công nghiệp thông tin, trí tuệ nhân tạo. Điều đó đòi hỏi tái cơ cấu chiến lược với những khát vọng cao và biến đổi giá trị xã hội để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển. Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn với nhiều cơ hội mới trong phát triển, nhưng hiện tại ở nấc thang cao hơn, do đó quá trình đổi mới cần sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, từ tính đồng thuận có được bởi lối sống, văn hóa truyền thống Kinh Bắc, nhưng đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng cần chuyển đổi tư duy, nhận thức, để tiếp cận với cách thức làm việc mới, tinh thông và chuyên nghiệp hơn, để quá trình tiệm tiến trở thành những tọa độ tăng trưởng đột phá, động lực cho không gian cất cánh.

TS.Nguyễn Phương Bắc
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế -xã hội tỉnh)

baobacninh.com.vn
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh
Tỷ giá ngoại tệ