PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP BẮC NINH
11:26 26/11/2021
Với vị trí địa lý thuận lợi, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính không ngừng được cải cách, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận của nhân dân, Bắc Ninh đã và đang là điểm đến đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trong đó có nhiều Công ty, Tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu toàn cầu như Samsung, Canon, Foxconn, Goertek, Hanwha… đến đầu tư. Sự phát triển công nghiệp nói chung, các KCN nói riêng đã đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và về GTSXCN. Phát triển công nghiệp trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển tinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Theo thống kê (năm 2020), toàn tỉnh hiện có trên 400 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (chiếm 87%) và chiếm 78% giá trị sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động, trong đó khối doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động.

Mặc dù vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa tương xứng với tiềm năng. Nhìn lại quá trình phát triển CNHT nói chung, khối doanh nghiệp sản xuất CNHT có vốn đầu tư trong nước tại Bắc Ninh trong những năm qua còn nhiều hạn chế: số lượng ít, đa số có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu; GTSXCN của ngành CNHT tuy có tăng trưởng cao trong những năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong GTSXCN toàn ngành; năng lực đầu tư của các nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế (trong số hơn 100 nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung thì chỉ có hơn 10 doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp - chủ yếu cung cấp bao bì, khuôn nhựa). Nguyên nhân của thực trạng trên thì có nhiều, nhưng có thể nêu một số nguyên nhân sau: các ưu đãi của Chính phủ chưa đủ hấp dẫn; ví dụ: các ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuế, về đất đai, nguồn nhân lực…; chưa có quy hoạch cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghiệp hỗ trợ; chưa chỉ ra được ngành, lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên phát triển; doanh nghiệp trong nước chưa chủ động đầu tư…

Nhận thức được vai trò của sự phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với sự thúc đẩy quá trình CNH-HĐH theo hướng bền vững. Chính phủ đã ưu tiên phát triển CNHT và nó được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam với tỷ trọng chiếm trên 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2020. Với mục tiêu đó, Chính phủ đang triển khai 03 nhóm giải pháp để khuyến khích phát triển CNHT đó là: (1) Xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (2) Xây dựng môi trường, hạ tầng kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư, sản xuất linh kiện, bán thành phẩm. Nâng cao mối liên kết hợp tác và tạo môi trường chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; (3) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình Hội thảo, Diễn đàn nhà máy FDI làm cầu nối, việc hợp tác chuyển giao công nghệ với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản….

Để phát triển CNHT trong thời gian tới Bắc Ninh cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Khâu đột phá để phát triển ngành này phải được thực hiện trên cơ sở Văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp Bắc Ninh và Quyết định số 396/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ định hướng quy hoạch trên, Bắc Ninh cần quy hoạch cơ sở hạ tầng cho phù hợp với phát triển CNHT; Đầu tư có trọng điểm về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực... vào các ngành lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên phát triển.

Hai là, tăng cường công tác hỗ trợ của địa phương đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

UBND tỉnh cần thành lập một bộ phận, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi việc triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối với các Công ty, Tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Goertek … sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa góp phần chuỗi cung cấp sản phẩm toàn cầu..

Ba là, khuyến khích các nhà đầu tư trong tỉnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn đóng trên địa bàn. Tỉnh cần coi đây là một mục tiêu quan trọng, cần được sự quan tâm đúng mức và phải có những chính sách khuyến khích đủ mạnh để CNHT phát triển. Việc đổi mới các chính sách ưu đãi đặc thù dành cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ là hết sức cần thiết như:

- Về chính sách đất đai; phí sử dụng hạ tầng; hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất.

- Các doanh nghiệp phụ trợ thường có quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đất ít. Do vậy, phải Quy hoạch khu công nghiệp phụ trợ với diện tích các module thuê đất nhỏ từ 300m2 đến 5.000 m2/lô; hoặc Chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN hỗ trợ nghiên cứu xây dựng nhà xưởng có diện tích nhỏ sẵn sàng cho các doanh nghiệp phụ trợ thuê lại để sản xuất. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng KCN phụ trợ này bằng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ kết nối hạ tầng ngoài hàng rào KCN để các KCN này có giá thuê đất phù hợp với thị thường.

- Về chính sách tín dụng: Tỉnh cần khuyến khích các ngân hàng thương mại dành sự ưu tiên nhất định về lãi suất và hạn mức tín dụng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hỗ trợ, nhất là trong trường hợp các doanh nghiệp này đầu tư hiện đại hóa máy móc, thiết bị hay sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu cung cấp cho các doanh nghiệp khác.

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được gặp gỡ trao đổi, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hợp tác với các Bộ, ngành TW, các tổ chức trong nước và quốc tế (VCCI; JICA, KOTRA,...) dưới các hình thức như: Ngày hội FDI, Hội chợ, Hội thảo về xúc tiến đầu tư và thương mại...

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Muốn đặt ra mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh và hoạt động có hiệu quả trong tương lai thì vấn đề căn bản nhất đặt ra là đó phải là một ngành công nghiệp có thiết bị, công nghệ tiến tiến, hiện đại. Để thực hiện được điều này, ngành giáo dục và các ngành có liên quan phải đào tạo cho được những kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại; mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề và đào tạo trong nước và các trường đại học, dạy nghề có uy tín trên thế giới; liên kết đào tào giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Đồng thời, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, từ các trường đại học cho đến các trường nghề để từng bước nâng cao chất lượng của những người lao động. Ngoài ra, Nhà nước cũng dành một phần ngân sách thỏa đáng để cử người đi đào tạo ở những quốc gia có truyền thống mạnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh  trong những năm tiếp theo.

Năm là, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước với nhau cũng như giữa các DN trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. Sở Công Thương và các sở ngành liên quan cần phối hợp với các DN có nhu cầu về các sản phẩm hỗ trợ cũng như các DN có khả năng sản xuất những sản phẩm này để liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm hỗ trợ. Thông qua đó làm cầu nối cho các DN trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Đây là cách thức rất hiệu quả mà các DN trong tỉnh có thể thông qua đó có thể tạo thêm bạn hàng mới, mở rộng thị trường, tiếp cận được các công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm hỗ trợ của mình. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài có thể giảm được chi phí nhập khẩu qua đó giảm được giá thành sản phẩm và cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài.

Phát triển ngành CNHT là rất khó khăn và phức tạp. Một mình doanh nghiệp tự thực hiện sẽ rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương về cơ chế chính sách và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư. Bên cạnh đó các doanh nhân Bắc Ninh nói riêng, trong nước nói chung thấy rằng đây là cơ hội để tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu, trong môi trường hội nhập có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, nhưng sẽ hứa hẹn những kết quả tốt, góp phần đưa Bắc Ninh phát triển bền vững./.

Hoàng Thị Thu Hải
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks
Tỷ giá ngoại tệ