Lĩnh vực công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. (Ảnh: Dây chuyền tiện CNC tại Công ty Smart Tech Vina, KCN VSIP).
Nhận định thách thức
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi. Trong nước do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến các ngành, lĩnh vực, các địa phương trọng điểm có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế. Trong công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thận trọng khi hạ dự báo GDP Việt Nam từ mức 6,7% (đưa ra hồi tháng 4) xuống còn 5,8%. Nguyên nhân tới từ việc triển khai tiêm chủng chưa như kỳ vọng và áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước, gây ảnh hưởng đến lưu thông thương mại, hạn chế các hoạt động kinh tế. Cũng điều chỉnh mức dự báo, song Ngân hàng Standard Chartered-một tập đoàn quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng có những dự báo lạc quan khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,7% được đưa ra trước đó. Trong bối cảnh chung như vậy, với một nền kinh tế có độ mở lớn, tỉnh Bắc Ninh sẽ chịu tác động động mạnh, khó lường, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, do giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao.
Tuy vậy cơ hội của những tháng cuối năm vẫn còn có rất lớn. Nền kinh tế của tỉnh có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt. Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thời gian vừa qua, doanh nghiệp nội địa đã ứng dụng công nghệ thông tin và đi bước rất dài trong chuyển đổi số để thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời chủ động đổi mới, cải tiến đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để gia nhập vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
Thực hiện các giải pháp khả thi
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua và dự báo diễn biến tình hình thời gian tới, các ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp khả thi nhằm khôi phục kinh tế. Trước hết là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các chính sách tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay phục vụ kinh doanh. Tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để hỗ trợ phù hợp, đẩy mạnh xuất khẩu. Bảo đảm lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân thông suốt nội tỉnh và liên tỉnh, không để ách tắc. Phát huy lợi thế của tỉnh, tích cực cải thiện, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút dòng vốn FDI có hàm lượng cao về khoa học, công nghệ, thân thiện môi trường, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh.Tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh trái phép, thao túng giá trái quy định của pháp luật. Điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất nông nghiệp, bảo đảm điều kiện tạo thuận lợi, thông suốt cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản nhất là những khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội. Chủ động ứng phó các tình huống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, không để bị động bất ngờ.
Bên cạnh những giải pháp hiệu quả kiểm soát tốt dịch bệnh, cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cao hơn để thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách. Đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện dự án, khẩn trương giải ngân số vốn được phân bổ, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn theo yêu cầu trước ngày 31-1-2022. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.