Nhà máy sữa Vinamilk (KCN Tiên Sơn) duy trì sản xuất ổn định.
Công nghiệp tăng trưởng trong đại dịch
Xác định phải thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe nhân dân, vừa sản xuất bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt, sáng tạo, có tính đột phá, nhất là việc chặn dịch từ cộng đồng vào các KCN và ngược lại từ KCN ra cộng đồng. Đến thời điểm này có thể khẳng định, Bắc Ninh kiểm soát, khống chế dịch COVID-19, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu đầu tháng 6 các KCN chỉ có 400 doanh nghiệp hoạt động, đến ngày 13- 6 tăng lên 799 doanh nghiệp và đến hết ngày 27-6, toàn tỉnh có 960/1.200 doanh nghiệp trong các KCN hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng công suất hoạt động khoảng 60%. Tổng số lao động nghỉ làm do ảnh hưởng của dịch và thực hiện giãn cách khoảng 65.000 lao động.
Để duy trì hoạt động của các KCN- thành trì sản xuất công nghiệp của tỉnh, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế; tổ chức xét nghiệm, test nhanh COVID tại chỗ, thực hiện lộ trình tiêm vắc-xin cho công nhân lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xấu nhất xảy ra theo phương châm: Phải tổ chức sản xuất trong điều kiện bị phong tỏa. Theo đó, bố trí cho người lao động ở lại doanh nghiệp, vừa bảo đảm hiệu suất công việc vừa an toàn phòng, chống dịch. Phát huy hiệu quả hoạt động của nhóm Zalo “Nhóm thông tin COVID các KCN Bắc Ninh” với 1.000 thành viên, qua đó kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành các doanh nghiệp thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch an toàn vừa tổ chức sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Thiết lập hệ thống Zoom Meeting để thực hiện họp online và offline với tất cả các doanh nghiệp trong KCN hoặc họp với từng nhóm doanh nghiệp, từng KCN để kịp thời triển khai các chỉ đạo và lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh nhất.
40 Tổ công tác liên ngành của tỉnh từ ngày 1-6 đến ngày 18- 6, kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại 732 doanh nghiệp theo các tiêu chí tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27-5-2020 và Thông báo số 56/TB-UBND ngày 26-5-2021 về việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy. Hướng dẫn, đánh giá, phân loại các nhóm nguy cơ lây nhiễm COVID trong doanh nghiệp để có phương án khoanh vùng dập dịch, bảo đảm các điều kiện an toàn cho sản xuất. Doanh nghiệp đạt chỉ số thành phần an toàn cao nhất mới được phép hoạt động.
Hầu hết các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo xây dựng phương án, kế hoạch và tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch của tỉnh; bố trí chỗ ở tạm thời cho người lao động trong khu vực nhà máy hoặc trưng dụng các trường học, thuê nhà nghỉ làm chỗ ở tạm cho công nhân và quản lý chặt chẽ, có xe riêng đưa đón đi làm và trở về nơi ở tuân thủ các quy định phòng, chống dịch…Một số doanh nghiệp lúng túng trong các khâu vận hành sản xuất gắn với phòng dịch, các Tổ Công tác hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các nút thắt và yêu cầu tuân thủ bảo đảm “6 An” đó là: An toàn sản xuất; an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn COVID-19; an toàn thực phẩm; an ninh trật tự; an tâm sản xuất.
Sau gần 2 tháng “chiến đấu” với dịch COVID-19, đến nay, tỉnh Bắc Ninh cơ bản khống chế được dịch, nhiều địa phương qua 21 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới; nhiều địa bàn đã và đang dỡ bỏ cách ly, giảm dần mức độ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19. Trong trạng thái bình thường mới, tỉnh đang tìm mọi biện pháp khả thi đưa công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc trên tinh thần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp chống dịch như xét nghiệm đủ 2 lần âm tính, ở lại tỉnh Bắc Ninh, không được tự do đi, về, nhằm bảo đảm đủ nhân lực vận hành sản xuất. Dự kiến số doanh nghiêp tiếp tục hoạt động trong thời gian tới tăng thêm khoảng 200 doanh nghiệp.
Xem xét phương án quản lý công nhân bằng đồng hồ gắn chip
Bắc Ninh là trung tâm công nghiệp của cả nước, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, viễn thông, việc kết nối trong chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp tại Bắc Ninh với các doanh nghiệp trong và nước ngoài rất lớn. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan cao nếu không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời. Vì vậy, các biện pháp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch của tỉnh tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Hạn chế lớn nhất hiện nay chính là làm thế nào để quản lý hiệu quả việc đi lại, ăn ở của công nhân để tránh dịch bệnh lây lan khi mà các khu trọ đã chuyển sang thực hiện theo Chỉ thị 15, 19. Một số doanh nghiệp lớn như Samsung, Foxcon, Canon có ký túc xá cho người lao động nhưng công suất đáp ứng chỉ được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở của người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp không có ký túc xá, người lao động phải tự thuê nhà trọ ở trong các địa phương lân cận, mật độ cao, khó giám sát. Nhiều lao động nhập cư là người dân tộc thiểu số, có tâm lý sợ mất việc làm, sợ không có lương nếu phải cách ly nên đã khai báo y tế không trung thực, rất khó quản lý. Việc triển khai xét nghiệm sàng lọc bắt buộc hàng tuần cho người lao động cũng gặp khó khăn, do cùng một lúc các doanh nghiệp đều thực hiện dẫn đến quá tải. Các doanh nghiệp có số lượng lao động ít thì khó khăn trong việc mời đơn vị xét nghiệm đến Công ty, nếu đi lại đến nơi xét nghiệm tập trung lại đối diện với nguy cơ lây nhiễm chéo. Chi phí xét nghiệm cũng là gánh nặng cho mỗi doanh nghiệp. Tiến độ kiểm tra của Tổ công tác không đạt kế hoạch do phát sinh nhiều vấn đề mới, nhiều nội dung phải kiểm tra, giám sát, có những nội dung nằm ngoài quy định của pháp luật, khiến các doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động nhưng chưa kiểm tra nên chậm đi vào sản xuất, cần có sự chủ động, tích cực hơn nữa của lực lượng liên ngành…
Trước thực tế đó, tỉnh yêu cầu ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm “làm sạch” các khu trọ, gắn trách nhiệm quản lý cho người đứng đầu chính quyền sở tại. Yêu cầu công nhân phải thực hiện giãn cách theo quy định riêng nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc với các nguồn lây bệnh. Ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN thực hiện tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp trong KCN và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp ngoài KCN (nếu không bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch). Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, đi liền với công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN; xác định mức độ nguy cơ của từng khu vực để triển khai phương án cho công nhân làm việc, sinh hoạt tại nhà máy theo đợt; bảo đảm các điều kiện để công nhân có thể lưu trú tại nhà máy, bảo đảm an toàn sản xuất.
6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong KCN tạo giá trị sản xuất 549.455 tỷ đồng tăng 11% so cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 16,211 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu đạt 11,675 tỷ USD, tăng 28%; nộp ngân sách nhà nước 5.179 tỷ đồng, tăng 24%... Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh vào các KCN của Bắc Ninh trong 6 tháng qua là 601,68 triệu USD (FDI 440,95 triệu USD; trong nước là 3.696,88 tỷ đồng tương đương 160,73 triệu USD). |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn, để viết tiếp những thành công trong cuộc chiến này, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tiễn là sản xuất trong điều kiện có dịch, xác định trạng thái bình thường mới không chỉ là nhất thời mà là một quá trình, từ đó chủ động xây dựng kịch bản để khôi phục kinh tế, Trong đó, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; triển khai tiêm vắc- xin cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp về các chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng dịch bệnh…Cùng với việc tiếp tục đưa công nhân trở lại nhà máy làm việc, tỉnh sẽ tăng cường kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch trong các KCN. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch bệnh, bởi số lượng người lao động làm việc trong các KCN rất lớn, nên việc quản lý cơ học về lâu dài sẽ rất khó khăn. Vì thế, tỉnh đang xem xét tới phương án quản lý người lao động bằng đồng hồ gắn chip để định vị. Qua đồng hồ, nếu công nhân đi sai lịch trình, doanh nghiệp sẽ phát hiện được. Đây là việc làm khó nhưng khó thì vẫn phải làm để bảo đảm an toàn chống dịch trong sản xuất.