Samsung ra mắt sản phẩm mới từ cuối tháng 9 được thị trường đón nhận nên doanh thu tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, tình hình cải thiện chưa được bao lâu thì đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh không chỉ Tập đoàn Samsung mà của toàn ngành công nghiệp trong tỉnh. Khó khăn trong lưu thông ảnh hưởng đến sản xuất, việc người dân hạn chế chi tiêu để khắc phục hậu quả dịch bệnh để lại cũng tác động lớn đến sức mua của thị trường quốc tế nói chung, thị trường điện tử tiêu dùng nói riêng.
Trong quý I sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng từ cuối năm 2019 nên giá trị đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi tháng đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Sang đến quý II, do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, từ tháng 4 giá trị sản xuất công nghiệp giảm mạnh, tháng 4 chỉ đạt hơn 71 nghìn tỷ đồng, tháng 5 đạt 75,2 nghìn tỷ đồng, tháng 6 đạt 98,4 nghìn tỷ đồng (bình quân mỗi tháng trong quý II chỉ đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng).
Với nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Bắc Ninh thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn. Giảm thuế, phí, lệ phí, giảm thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, ước tính số thuế được gia hạn khoảng 2.440 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm hơn 230 tỷ đồng, tạo điều kiện để sản xuất công nghiệp trong tỉnh tăng trưởng trở lại từ đầu quý III, bình quân mỗi tháng đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Samsung điện tử (SEV) là đơn vị chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp tỉnh, doanh thu thấp nhất rơi vào tháng 4 chỉ đạt 713 triệu USD, nhưng bắt đầu tăng mạnh lên từ tháng 7 với kết quả đạt 1,484 tỷ USD, tháng 8 là 2,073 tỷ USD, tháng 9 hơn 2,5 tỷ USD (do ra mắt bộ đôi sản phẩm mới Galaxy Note 20 và Note 20 Ultra 5G, máy tính bảng Galaxy Tab S7 và Tab S7+, tai nghe không dây Galaxy Buds Live, đồng hồ Galaxy Watch 3… được thị trường đón nhận tích cực).
Đối với Công ty Samsung màn hình (SDV) các tháng trong quý I giá trị xuất khẩu bình quân xấp xỉ từ 1,14 đến 1,2 tỷ USD, nhưng sang đến tháng 4 giảm xuống chỉ còn 758 triệu USD, giá trị thấp nhất rơi vào tháng 5 đạt 705 triệu USD. Nhưng bắt đầu tăng mạnh trở lại từ tháng 7 khi nhu cầu về màn hình của các đối tác là SEV, Apple tăng cao để tung sản phẩm mới vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Do vậy, doanh thu xuất khẩu tháng 8 của SDV đạt gần 1,25 tỷ USD.
Qua 9 tháng, trong các KCN tập trung có 175 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động đến nay là 1.000 dự án và mang lại giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 850 nghìn tỷ đồng. Các sản phẩm quan trọng đều có mức sản xuất tăng dần so với giữa năm như: Linh kiện điện tử, đồng hồ thông minh… Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng tương ứng so với cùng kỳ từ 6,8% đến 9,1%.
Cùng với việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp, tỉnh tích cực chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội “vàng” đón làn sóng đầu tư mới những dòng vốn FDI chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, thực hiện tốt cơ chế “4 tại chỗ” trong đăng ký kinh doanh. Nhờ vậy, trong 9 tháng các KCN Bắc Ninh thu hút 85 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 409,59 triệu USD (65 dự án FDI, vốn 317,97 triệu USD; 20 dự án trong nước vốn 91,62 triệu USD). Cấp 325 lượt giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 269 lượt dự án FDI và 56 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh trong 9 tháng là 768,14 triệu USD.
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp giảm từ cuối quý I do tác động từ đại dịch COVID-19 làm các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, nhưng với sự nỗ lực, hỗ trợ, kích cầu, tạo điều kiện của Chính phủ và của tỉnh, sản xuất kinh doanh của Tổ hợp Samsung và các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp cũng như giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh ở giai đoạn cuối năm bù lại phần thiếu hụt trong quý II. Với nền tảng ấy, kỳ vọng sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ vượt qua “đại dịch” lấy lại đà tăng trưởng đạt kế hoạch năm 2020 là giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.139,8 nghìn tỷ đồng.