Bài 1: Không đơn độc vượt đại dịch
Dịch COVID-19 làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy thoái của doanh nghiệp (DN) nhất là DN nhỏ và vừa. Các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp và phụ trợ, tài chính-ngân hàng-bảo hiểm… bị ảnh hưởng nặng nề, không ít DN đã bị đóng cửa, hoạt động cầm chừng, nhiều lao động bị giãn việc, mất việc làm, giảm thu nhập. Trước yêu cầu thực tiễn, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 với nhiều chính sách hỗ trợ giúp DN không đơn độc trong hành trình vượt đại dịch COVID-19.
Hàng loạt biện pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ được thể hiện qua chủ trương triển khai các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực như: Gói hỗ trợ về tiền tệ khoảng 300 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ về tài khóa 180 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ giá điện 12 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông 15 nghìn tỷ đồng… Đối với các DN sẽ được thụ hưởng các chính sách về vốn, tín dụng, bảo hiểm, thuế và nhiều chính sách khác như: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; chỉ xử phạt vi phạm hành chính DN nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ ngày 31-12-2019 trở về trước; được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng …
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn-Yên Phong hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị gia hạn tiền thuế.
Trước hết là gói hỗ trợ tiền tệ được nâng từ 250 nghìn tỷ đồng lên khoảng 300 nghìn tỷ đồng sẽ được các ngân hàng tung ra cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Những DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được xem xét cho vay mới từ gói tín dụng này nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, mới đây Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có động thái mạnh mẽ giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VNĐ tại các ngân hàng giảm chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm chỉ còn 5%/năm và tái chiết khấu còn 3,5%...
Trên tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến ngày 23-4, toàn ngành Ngân hàng tỉnh đã hỗ trợ gần 720 khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng dư nợ 5.079,1 tỷ đồng. Các khách hàng được hưởng chính sách ưu đãi chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; giáo dục, đào tạo. Để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục thống kê, rà soát các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm nguồn vốn được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đối với gói hỗ trợ về tài khóa, ngay từ ngày đầu tháng 3, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT - QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trên tinh thần đó, Sở Tài chính có Công văn phối hợp với Cục Thuế triển khai rà soát đối tượng thực hiện. Dự kiến gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 1.770 tỷ đồng.
Cùng với thuế, bảo hiểm cũng là một gánh nặng đối với các DN, đặc biệt trong bối cảnh nhiều DN gần như đang rơi vào tình trạng “ngủ đông” do dịch bệnh gây ra. Để san sẻ gánh nặng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 797/LĐTBXH-BHXH ngày 9-3-2020; BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17-3-2020 hướng dẫn về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thời gian tạm dừng đến hết tháng 6 -2020. Sau đó, nếu dịch vẫn chưa thuyên giảm và DN có đề nghị thì vẫn được xem xét, giải quyết tạm dừng đóng đến tháng 12 -2020. Đặc biệt, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các DN (nếu DN không có dấu hiệu vi phạm)…
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã ký ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất của các DN; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, từ đó có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để đẩy mạnh hoạt động sản xuất; đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và các DN sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Cục Hải quan bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, đơn vị liên quan, các địa phương có phương án hỗ trợ DN tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài…
Với những chính sách ưu việt được triển khai kịp thời đã giúp nhiều DN phần nào tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, tạo đà phát triển khi dịch bệnh kết thú
Mặc dù Chính phủ và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những vướng mắc, hạn chế, nên rất cần sự chung tay giải quyết để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận được sự hỗ trợ này.
Dù Chính phủ và các Bộ, ngành rất quyết liệt trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nhưng trong thực tế còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời để các doanh nghiệp sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ. Theo đánh giá của nhiều DN, các gói hỗ trợ về tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội (BHXH)… được xem như một giải pháp hữu hiệu giúp DN trụ vững và vực dậy sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở cách tiếp cận. Đối với gói tín dụng hiện đang nằm ở quyền tự quyết của các ngân hàng thương mại, trong khi các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp luôn phải chịu sức ép về kết quả kinh doanh, lợi nhuận..., Hiện nay nhiều ngân hàng đã xác định đồng hành, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, chấp nhận giảm doanh thu, lợi nhuận thông qua việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ... song các ngân hàng vẫn phải bảo đảm mục tiêu cốt lõi là chất lượng an toàn tín dụng, duy trì sự lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng phải tính toán rất chi tiết về khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp yếu hoặc không chứng minh được khả năng trả nợ thì không thể tiếp cận được. Một số DN cần vốn phải vay khoản mới để trả cho khoản cũ tới hạn, nhưng sản xuất trì trệ, DN không đủ tài sản bảo đảm thì không thể vay được. Để đủ điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ, DN cần chứng minh đủ điều kiện, cung cấp đủ thủ tục như: Phải làm báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, phải chứng minh được thanh khoản; DN muốn giãn nợ phải có xác nhận, chứng minh thiệt hại, báo cáo, xác nhận tồn kho… Hơn nữa, gói hỗ trợ tín dụng 300 nghìn tỷ đồng là gói cho vay mới với mức lãi suất thấp, nhưng trên thực tế, nhiều DN đã phải hoạt động cầm chừng, dừng hoạt động không phải vì thiếu vốn mà vì nhu cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, nên cho dù lãi suất thấp, các DN cũng rất khó “hấp thụ” được dòng tín dụng mới này.
Dây chuyền sản xuất bánh ngọt của Công ty TNHH thực phẩm ORION Vina (KCN Yên Phong).
Ông Mẫn Văn Khắc, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi (CCN Đông Thọ, Yên Phong) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất nhôm và gia công thêm sản phẩm phụ tùng của xe máy, ô tô cung cấp cho các DN trong và ngoài nước. Nhưng hơn 1 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, DN phải tạm ngừng sản xuất vì một số đối tác lớn như: Honda, Toyota, LG… phải đóng cửa vì thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Trong khoảng thời gian nghỉ, Công ty vẫn phải trả lương công nhân ở mức lương tối thiểu, chịu lãi ngân hàng, tiền đóng bảo hiểm, tiền điện… ước hơn 1 tỷ đồng/tháng chưa tính khấu hao tài sản. Hiện nay, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mặc dù Công ty cũng bị ảnh hưởng nhiều nhưng không đủ điều kiện được hưởng các chính sách hỗ trợ mà đơn vị cần. Trong khi đó có gói hỗ trợ được hưởng thì chưa sát với nhu cầu DN. Ví như gói hỗ trợ về gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế GTGT, tiền thuê đất được hưởng nhưng hiện DN đã ngừng hoạt động không có doanh thu; tiền thuê đất thì DN đã trả hết 1 lần. Với gói tín dụng, DN đang ngừng hoạt động nên không có nhu cầu vay mới, trong khi đó ngân hàng chỉ thực hiện giảm lãi suất cho vay với các khoản vay mới, chưa giảm khoản vay cũ…”.
Theo ông Đỗ Huy Trung, Giám đốc Công ty TNHH Trí Đức (CCN Xuân Lâm, Thuận Thành) chuyên may gia công hàng xuất khẩu chủ yếu cho các nước Châu Âu và Mỹ thì từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, Công ty liên tiếp gặp khó khăn hết đầu vào lại đến đầu ra. Một số đơn hàng vẫn giữ lại nhưng lại đòi hạ giá 20% và đến tháng 6 mới nhận hàng, thanh toán tiền. Vì thế, doanh thu của Công ty giảm hơn 20% so với những tháng trước đó, lợi nhuận hầu như không có. Công ty cố gắng cầm cự tạo việc làm và giữ chân người lao động. Hiện Công ty có 300 công nhân, mỗi tháng phải chi gần 3 tỷ đồng tiền lương, bảo hiểm, tiền điện, ăn trưa cho công nhân… Nhưng nếu tình hình dịch bệnh không kết thúc trong quý II thì Công ty phải cho công nhân tạm thời nghỉ việc và huy động các kênh khác để trả lương tối thiểu nhằm giữ chân người lao động.
Ông Trung cho biết: “Chính phủ và tỉnh đang triển khai rất nhiều gói hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng hiện tại, DN mới được giảm lãi suất ở mức 0,5%/ năm ở gói vay mới, các khoản vay cũ chưa được giảm. Gói hỗ trợ về thuế thì vì đặc thù may gia công xuất, nhập khẩu nên không có thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân cũng không đáng kể. Chính sách tạm ngừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, DN cũng không tiếp cận được vì quy định số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) mới được hưởng. Thành thử, đóng BHXH thì khó khăn, sa thải nhân viên thì không đành. Rõ ràng có chính sách rất hấp dẫn, nhưng ràng buộc nhiều điều kiện nên DN chưa thể tiếp cận…”.
Không chỉ các DN nhỏ mà các DN lớn có tiềm lực như Công ty gỗ mỹ nghệ Đức Thắng ở Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn), Tổng Công ty may Đáp Cầu, phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh)… cũng trong tình trạng gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động từ dịch COVID-19. Hiện những DN này đều phải cắt giảm một số ngày làm, giờ làm, thậm chí cho công nhân nghỉ việc luân phiên, doanh thu giảm tới 50%, nhưng vẫn đang gồng mình đóng BHXH và chi trả lương bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Tổng Công ty Đáp Cầu vẫn nỗ lực tạo việc làm cho người lao động.
Các DN đều mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm chung tay giải quyết nhằm hỗ trợ kịp thời cho danh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Các DN có chung kiến nghị: Với chính sách về BHXH, cho phép DN tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất theo số nhân viên bị ngừng việc thực tế; tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đến cuối năm 2020 và không bị tính lãi chậm nộp; miễn nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ lương trong năm 2020 thay vì quy định hiện nay là: 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc hoặc chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có 1 tiêu chí hay thước đo cụ thể, hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai (vì hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngưng... đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai), nên việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm.
Đối với các chính sách tín dụng, các DN mong muốn các Ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng, cần đẩy nhanh cơ cấu lại nợ, kể cả nợ gốc và nợ lãi. Cần chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó xác định cụ thể nhu cầu từng nhóm khách hàng để có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thông qua những gói sản phẩm, chương trình giảm lãi suất... giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về chính sách miễn giảm phí thanh toán, hiện một số tổ chức tín dụng đã giảm phí thanh toán đối với các khoản thanh toán nước ngoài, nhưng các khoản thanh toán, chuyển tiền trong nước chưa được giảm cho DN. Vì vậy, các DN mong muốn các tổ chức tín dụng cùng thống nhất, triển khai các chính sách mà Ngân hàng nhà nước đã ban hành, không phân biệt nhóm nợ, loại hình của DN. Trong trường hợp DN bị cách ly hoàn toàn, đề nghị các khoản nợ tại ngân hàng của DN trong thời gian cách ly không bị tính lãi và không tính thời gian vào thời hạn cho vay. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ mới chỉ áp dụng đối với khoản vay bằng VNĐ, chưa áp dụng cho các khoản vay bằng USD, trong khi đối với các DN xuất khẩu, nhu cầu vay vốn bằng USD rất nhiều, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ nên các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ đối với đồng USD cho các DN xuất, nhập khẩu tương tự như các chính sách hỗ trợ bằng VNĐ…
Các chính sách hỗ trợ DN và người dân của Chính phủ là gói hỗ trợ lớn nhất kích thích nền kinh tế. Để dòng chảy kinh doanh được khai thông trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội, thì việc sớm tìm ra các giải pháp xóa bỏ khoảng cách giúp DN được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu việt của Chính phủ, nhanh chóng khôi phục sản xuất, sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến mới “hậu COVID”- đó là đẩy lùi suy thoái, tái khởi động và phục hồi nền kinh tế là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.