II. Thực trạng và giải pháp phát triển các KCN gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội
1. Thực trạng
Xuất phát từ định hướng phát triển các KCN bền vững, trong những năm qua, việc phát triển các KCN Bắc Ninh luôn gắn liền với việc phát triển văn hóa, xã hội tại địa phương cũng như nâng cao đời sống, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động ở các KCN là mục tiêu hướng tới của Đảng, Nhà nước và hệ thống công đoàn nhiều năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng thiết chế văn hóa tại các KCN đang gặp những rào cản lớn, khiến việc biến chủ trương, nghị quyết của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân thành hiện thực rất khó khăn.
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo đời sống tinh thần công nhân, đã quan tâm phối hợp với công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các giải thể thao, văn nghệ cho công nhân. Tổ chức công đoàn tỉnh đã quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, được đông đảo công nhân hưởng ứng tham gia, qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết trong doanh nghiệp và cải thiện sân chơi văn hóa, tinh thần cho công nhân sau giờ làm việc. Tuy nhiên, việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động vẫn còn những khoảng trống và rào cản lớn:
Thứ nhất, các khu công nghiệp chưa có thiết chế văn hóa, thể thao, nhà trẻ phục vụ người lao động. Tất cả mọi hoạt động văn hóa, thể thao chung khu công nghiệp và phần lớn mọi hoạt động thể thao trong nội bộ doanh nghiệp phải đi thuê, mượn. Nhiều cuộc thi văn nghệ trong KCN được tổ chức ngoài trời, trên đường giao thông nội bộ khu công nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn giao thông, an ninh trật tự khu công nghiệp.
Thứ hai, do khó khăn trong việc bố trí địa điểm tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa công nhân nên nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ ý định về các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Chính vì vậy, số lượng tổ chức các cuộc sinh hoạt văn hóa, hoạt động thể thao trong nội bộ doanh nghiệp và tổ chức chung toàn KCN chưa nhiều, chưa thường xuyên. Tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân chưa cao. Ngoài ra, do áp lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động. Chính do phải đi thuê địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nên rất khó khăn cho việc tham gia đầy đủ của công nhân lao động. Tại một số doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp rất đồng tình, phấn khởi khi công đoàn tổ chức các phong trào cho công nhân sau giờ làm việc nhưng không có địa điểm tổ chức.
Thứ ba, nhiều người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí. Đời sống vật chất của công nhân còn nhiều khó khăn, tác động cản trở công nhân lao động tham gia các hoạt động văn hóa. Do ít có thời gian để thụ hưởng hoạt động văn hóa, thể thao nên dẫn tới nhu cầu và mức hưởng thụ về văn hóa của công nhân dần trở nên nghèo nàn, thụ động, thậm chí lệch chuẩn. Ngoài ra, bên cạnh hoạt động văn hóa, thể thao dành cho công nhân, điều cần hết sức lưu ý là vấn đề giải pháp bố trí cho con công nhân khu công nghiệp đi học. Hiện nay đa phần công nhân khu công nghiệp là lao động trẻ, trong độ tuổi lập gia đình và sinh con cái. Nhiều công nhân đã lựa chọn giải pháp tạm thời như nhờ ông, bà, bố mẹ từ quê xuống trông giữ em bé hoặc gửi con ở các điểm trông giữ trẻ tư.
Về thực trạng xây dựng thiết chế công đoàn: Hiện tại tỉnh Bắc Ninh đã và đang xây dựng 02 Khu thiết thế công đoàn (KCN Yên Phong và KCN Quế Võ), song tiến độ còn chậm, số lượng ít. Dự án đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại KCN Yên Phong có diện tích 5ha, tổng kinh phí đầu tư gần 400 tỷ đồng, chủ đầu tư là Tổng LĐLĐ Việt Nam. Sắp tới là dự án thiết chế công đoàn tại KCN Quế Võ sẽ được triển khai tiếp. Các thiết chế bao gồm: Nhà ở công nhân, nhà trẻ, nhà văn hóa, siêu thị Công đoàn, các công trình văn hóa, thể thao…
Việc xây dựng thiết chế Công đoàn tại các KCN góp phần chăm lo tốt hơn nữa đời sống tinh thần, văn hóa cho công nhân lao động, nhất là đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, giúp công nhân yên tâm làm việc lâu dài tại Khu công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
2. Giải pháp
Từ thực tiễn phát triển các KCN trong những năm qua, góp phần nâng cao đời sống, tinh thần cho người lao động, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế công đoàn như: Nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, siêu thị Công đoàn, các công trình văn hóa, thể thao, giải trí…
- Thống kê số lao động nữ theo độ tuổi, đã kết hôn, đang nuôi con nhỏ… qua đó nắm được nhu cầu về xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trường học trong KCN. Mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho các bà mẹ đang mang thai và nuôi con nhỏ kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
- Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Chú trọng cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
III. Định hướng phát triển các KCN gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội
Trong giai đoạn tới, các KCN cần xây dựng và phát triển theo một số định hướng cơ bản sau:
- Nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Xây dựng, triển khai quy hoạch KCN gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch nhà ở và quy hoạch ngành.
- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào đảm bảo tiện nghi, tiện ích công cộng, thiết chế văn hóa phục vụ cho người lao động trong KCN. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở công nhân KCN, đồn công an, trung tâm y tế, nhà trẻ mẫu giáo, trường học…
- Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Chú trọng cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngọ Xuân Hoài-Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Doanh nghiệp