PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA
14:48 27/06/2018

Thạc sỹ Bùi Hoàng Mai

Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh.

 

I. MỘT SỐ DỰ BÁO VỀ YẾU TỐ TOÀN CẦU HÓA THỜI GIAN TỚI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 

1. Khoa học công nghệ: Phân tích của Ủy ban tình báo quốc gia Hoa Kỳ NIC cho thấy, các vấn đề lớn nhất của thế giới trong thời gian từ nay tới năm 2030 là: Vấn đề năng lượng; Vấn đề lương thực; Vấn đề nước; Vấn đề lao động và việc làm v.v… Đứng trước các vấn đề này, các nước sẽ có những chuyển biến khác nhau. Ngay Trung Quốc cũng có nguy cơ sụp đổi nếu không chuyển đổi kịp thời, trong khi có nhiều khả năng Ấn Độ tiếp tục vươn lên. Nhưng dù sao, sau 20 năm tới, Trung Quốc vẫn là thế lực tranh chấp trực tiếp với Hoa Kỳ và đứng đầu Châu Á. Cuộc cách mạng KHCN lần thứ tư tiếp tục diễn ra sôi động và tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của thế giới, mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng mới. Đồng thời, sự phân hóa cũng tiếp tục diễn ra, gây mầm mống xung đột và tranh chấp lãnh thổ. Trong 15 năm tới, cách mạng KHCN sẽ diến tiến mạnh mẽ, mang lại bước đột phá mới cho sự phát triển nhân loại. Sự phát triển của KHCN sẽ diễn ra các tác động nhiều chiều tới năng suất lao động và cả phong cách, lối sống, các kiểu cách kinh doanh uyển chuyển… Khi nói tới các khan hiếm về lương thực, năng lượng, nước sạch và các vấn đề khác, nhờ KHCN tiến bộ, có thể có những cách xử lý uyển chuyển hơn, thậm chí mang tính đột phá hơn (như năng suất cây trồng, vật nuôi và khai thác các dạng năng lượng mới, sử dụng tiết kiệm nước và tái sử dụng…). Kinh nghiệm các nước tiên tiến muốn có đột phá về KHCN thì cần đầu tư công và tư ngày càng nhiều vào KHCN, nhất là đổi mới công nghệ, chiếm 3-4% GDP và cao hơn nữa. Cùng với giáo dục hiện đại sẽ làm chuyển biến nền tàng của KHCN, với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông ICT. Trong những năm tới, nếu Việt nam không tạo được chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục, khoa học, đổi mới công nghệ và đổi mới thể chế thì khả năng tụt hậu của Việt Nam sẽ rất lớn.

2. Về kinh tế: Sự phát triển tổng hòa của kinh tế thế giới vẫn diễn ra với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng. Về tăng trưởng kinh tế: Các phân tích của NIC (Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ) chỉ ra: Kinh nghiệm của 02 thế kỷ đã qua và triển vọng đến năm 2030 cho thấy nền kinh tế các nước Anh (1820-1870), Hoa Kỳ (1900-1950), Nhật Bản (1950-1980), Trung Quốc (2000-2020) và Ấn Độ (2010-2030) tăng trưởng trung bình cao nhất 6% và thấp nhất 1%, với dân số đô thị hóa bắt đầu vượt 50%... Như vậy, Anh Quốc tăng gấp đôi GDP phải mất 155 năm, Hoa Kỳ mất thời gian ít hơn, nhưng Nhật Bản hay Hàn Quốc còn ít hơn nữa, chỉ khoảng 20-30 năm…

Những sự kiện đang và sẽ diễn ra trong những năm tới phản ánh xu hướng “phân chia” lại quyền lực của thế giới, kể cả về kinh tế: Các nước “đi sau” như Trung Quốc đang muốn mở rộng hơn thị trường và tầm ảnh hưởng của mình đang muốn có những thu xếp mới để lan tỏa ản hưởng sang cả châu Phi, châu Mỹ Latinh, cũng như độc chiếm Biển Đông. Hoa Kỳ dù đang có sự “sa sút” tương đối nhưng trong 15 năm tới vẫn là lực lượng dẫn đầu thế giới, dù tầm ảnh hưởng đang giảm sút tương đối. Quan hệ Mỹ - Trung và đối tác thứ ba đang tác động rất nhiều đến chính sách của các nước, kể cả Việt Nam. Con đường phát triển tiến bộ xã hội, theo hướng XHCN có vẻ đang bị lu mờ cho các xã hội đi nhanh trên con đường dân chủ hóa, tạo ra các liên minh mới.

3. Môi trường: Nguy cơ ô nhiễm môi trường đã được cảnh báo từ những năm 70 của thế kỷ XX và được Chính phủ các nước rất quan tâm. Nhưng các giải pháp chống đỡ chưa đạt tới đồng thuận do sự phát triển mang tính “ích kỷ” của các nước.

Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta, nhất là đất nước có vùng ven biển dài mấy nghìn km. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa chưa đúng cũng đang và sẽ để lại những di hại to lớn. Các chính sách tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (PTBV) chủ yếu còn nằm trên chủ trương mà chưa thành hành động cụ thể của Nhà nước và doanh nghiệp, nên các tác động trái chiều còn lớn. Theo dự báo năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong dài hạn, tình trạng BĐKH toàn cầu sẽ tác động đến việc nâng cao mức mưa đến 10%, nâng cao nhiệt độ có thể tới 2-3 độ C, và nước biển có thể dâng cao đến 1 mét, và làm cho nhiều vùng trồng cây lương thực của Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập. Tình trạng phá rừng gây nên chất lượng rừng rất yếu kém, dù danh nghĩa tỷ lệ che phủ có thể đạt trên 40% diện tích cả nước. Việc sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm…. cũng chưa có những chuyển biến mạnh mẽ. Điều đáng quan tâm là các tác động của BĐKH này đã và đang tác động đến sự phát triển của thế giới và Việt Nam. Hơn thế, Việt Nam còn là hạ nguồn của nhiều lưu vực sông (sông Đà, sông Hồng, sông Cửu Long,…) có thể sẽ bị tác động phức tạp hơn dưới tác động của thượng nguồn. Chẳng hạn khi nước biển dâng, mà thiếu nước ở thượng nguồn thì xâm nhập nặm còn đi vào sâu hơn và nặng hơn.

4. Xã hội: Sự phát triển xã hội đang gặp những thách thức lớn do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra nhanh chóng sẽ làm cho các vấn đề xã hội sẽ càng trở nên gay gắt hơn, như di chuyển lao động qua biên giới cùng với buôn bán và di chuyển vốn, sẽ làm cho các vấn đề xã hội ngày càng mang tính chất khu vực và toàn cầu, với các nhân tố tác động đan xen với nhau. Tác động của toàn cầu hóa và BĐKH ngày càng mang tính khu vực và toàn cầu, làm thay đổi lối sống của con người.

Theo đà hiện nay, tình trạng phân hóa hai đầu còn rất lớn, trong khi các biện pháp phát triển tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân nói chung còn yếu kém, làm cho các tác động xã hội trái chiều ngày càng nặng nề. Các cảnh báo của Ngân hàng thế giới và các tổ chức khác cũng khó được chặn lại do chưa chọn được phương thức tăng trưởng cho mọi người. Dưới tác động tổng hợp của BĐKH toàn cầu và những bất ổn trong và ngoài nước, kể cả về lương thực, năng lượng và môi trường… sẽ làm cho người nghèo dễ bị tổng thương hơn. Trong khi đó, do các hạn chế về vốn và kỹ năng kinh doanh, những người nghèo cũng khó có thể tận dụng được cơ hội để tạo nên sự phát triển đồng đều, nhất là 4-5% người nghèo nhất và có nhiều khó khăn, kể cả thiểu năng về kinh doanh.

Các nhân tố xã hội cũng tác động mạnh hơn, nhiều chiều hơn trong bối cảnh hội nhập. Chẳng hạn, theo các cam kết hội nhập cộng đồng ASEAN, sẽ có hội nhập về văn hóa xã hội. Trong điều kiện từ 2015, sự di chuyển khá “tự do” của các lực lượng lao động có tay nghề (như đang thấy khi lao động Trung Quốc ngày càng sang Việt Nam nhiều hơn), sẽ làm hình thành các khu dân cư nhiều nước, nhiều nền văn hóa ở Việt Nam. Nguy cơ ít được nói tới là không ít lao động có tay nghề của Việt Nam, kể cả các nhà khoa học sẽ “bị chảy máu” ra nước ngoài. Do đó, các kho khăn về thiếu lao động có tay nghề càng trở nên phức tạp.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Từ thực trạng những vấn đề đặt ra thời gian qua và một số dự báo cơ bản về kinh tế - xã hội - môi trường trên thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, bài viết xin đưa ra một số kiến nghị sau đây để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay:

1. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhấn mạnh tính bền vững và hiệu quả: Để vượt qua được mức chuẩn về thu nhập bình quân đầu người, một mối quan ngại nhất cho việc Việt Nam có trở thành nước công nghiệp hay không, điều quan trọng là chúng ta vẫn cần phải thực hiện chiến lược tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên không giống như giai đoạn trước, tăng trưởng nhanh trong giai đoạn này phải gắn liền với tính hiệu quả và khả năng duy trì trong dài hạn. Theo đó, chúng ta cần hướng tới một mô hình tăng trưởng mới, mô hình phải được thực hiện trong giai đoạn dài, đó là: mô hình tăng trưởng bền vững, hiệu quả và vì con người, dựa trên cở sở khai thác và sử dụng tốt nhất các lợi thế cạnh tranh quốc tế, bằng các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu, vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh, trong một môi trường thể chế có tính trách nhiệm và minh bạch cao.

Mô hình tăng trưởng tổng quát giai đoạn 2011-2030 hàm chứa ba yếu tố cơ bản: (i) Mục tiêu cần đạt được của quá trình tăng trưởng kinh tế là: bền vững, hiệu quả và vì con người; (ii) Động lực tăng trưởng chính là các lợi thế cạnh tranh quốc tế(iii) Phương thức thực hiện: dựa trên các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu và trên nền một cơ chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh trong một môi trường thể chế trách nhiệm và minh bạch cao. Lộ trình thực hiện là:  

- Giai đoạn 1: Chuẩn bị (tạo dựng và bắt đầu vận hành) các điều kiện để thực hiện mô hình tăng trưởng tổng quát, dựa trên việc khắc phục những hạn chế của mô hình tăng trưởng hiện tại và tạo ra được những điểm cầu nối tích cực cho thực hiện mục tiêu cuối cùng của mô hình tăng trưởng tổng quát đặt ra. Theo đó, trong giai đoạn này, hai nhiệm vụ cơ bản đặt ra phải hoàn thành: Nâng cao hiệu quả các yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng, trong đó tập trung vào điểm chính là nâng cao hiệu suất sử dụng vốn và năng suất lao động; Tạo dựng tốt các lợi thế cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát triển các ngành mũi nhọn và các vùng động.

- Giai đoạn 2: Đạt tới mục tiêu cuối cùng của mô hình tăng trưởng là bền vững, hiệu quả và vì con người, trên cơ sở: Ttập trung đầu tư vốn là lao động theo chiều sâu trên phạm vi toàn nền kinh tế; Phát huy lợi thế của cơ cấu kinh tế mở hiện đại, được hoàn thiện theo các lợi thế cạnh tranh ngành sản phẩm và vùng động lực được phát triển trong giai đoạn 2011-2020; Vận hành thông suốt cơ chế kinh tế thị trường và gắn chặt quá trình tăng trưởng với thực hiện tiến bộ xã hội cho con người. Để thực hiện được mục tiêu này, có 2 nhiệm vụ chính cần thực hiện: Chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế; Hoàn thiện và khai thác tốt các lợi thế cạnh tranh đã tạo dựng từ các sản phẩm mũi nhọn và vùng động lực tăng trưởng.

2. Gắn tăng trưởng với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội: Kiến nghị này nhằm hướng quá trình công nghiệp hóa gắn với PTBV về mặt xã hội. Để thực hiện được nội dung trên, bên cạnh các giải pháp, chính sách chúng ta vẫn làm, chúng tôi kiến nghị: Phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải được xem như là lựa chọn ưu tiên trong giai đoạn trước mắt. Với xuất phát điểm là một nền kinh tế nông nghiệp có nhiều tiềm năng và lợi thế với hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn và tham gia sản xuất nông nghiệp, do đó nông nghiệp, nông thôn là nền tảng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế đã chứng minh trong giai đoạn khủng hoảng và suy thoái kinh tế vừa qua, trong khi các khu vực công nghiệp và dịch vụ đều bị ảnh hưởng dẫn tới suy giảm tốc độ tăng trưởng, chỉ duy nhất khu vực nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, làm bệ đỡ cho nền kinh tế không bị rơi sâu vào khủng hoảng. Thêm vào đó, phần lớn người nghèo ở Việt Nam hiện nay ở khu vực nông thôn và chính cách thức thực thiện mô hình tăng trưởng cũng khiến bất bình đẳng trong khu vực nông thôn gia tăng nhanh nhất, do đó tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH là phù hợp để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng với tiến bộ và công bằng xã hội nhằm hướng tới đáp ứng tiêu chí xã hội của một nước công nghiệp. 

3. Thực hiện mô hình phát triển xanh là con đường tốt nhất gắn thực hiện tăng trưởng kinh tế với ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu: Xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh CNH và PTBV, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế và ứng phó với các tác động của BĐKH toàn cầu đồng thời nắm bắt cơ hội đang mở ra từ xu hướng và mối quan tâm toàn cầu đối với kinh tế xanh, chúng tôi kiến nghị: Việt Nam cần hướng phát triển theo mô hình phát triển xanh; xác định phát triển xanh là một nội dung quan trọng, là nền tảng và động lực của định hướng Chiến lược CNH đất nước, là định hướng để điều chỉnh các chiến lược và quy hoạch phát triển các địa phương, các ngành và lĩnh vực liên quan”. Để thực hiện được định hướng phát triển xanh, cần có những định hướng cụ thể sau đây:

- Xây dựng chiến lược phân bổ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, du lịch và nguồn nước nhằm củng cố và phát huy lợi thế “vốn tự nhiên” của các tài nguyên có thể tái tạo, phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế xanh do Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đề xuất; tập trung xây dựng và đầu tư vào những dự án trọng điểm theo hướng cơ chế phát triển sạch trong các lĩnh vực này.

- Xây dựng các địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế xanh tại các vùng miền núi và trung du phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, các giá trị cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái, đảm bảo an ninh nguồn nước, cung cấp nơi cư trú và duy trì văn hóa bản địa, kiểm soát thiên tai như lũ lụt, lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai, đáp ứng yêu cầu ứng phó với những nguy cơ của BĐKH.

- Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, các-bon thấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng góp phần hạn chế mức độ "nâu" của nền kinh tế.

- Phát triển ngành dịch vụ môi trường và ngành công nghiệp tái chế nhằm giải quyết hậu quả về môi trường do các khu vực kinh tế "nâu" gây ra, góp phần tạo nên tăng trưởng kinh tế và việc làm. Phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sinh học, sinh khối, địa nhiệt, v.v. 

Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks
Tỷ giá ngoại tệ