Các KCN Bắc Ninh tuổi 20
09:33 23/08/2018
Ví như đời người, tuổi 20 đầy cảm xúc, nghĩ suy, cái tuổi vừa đủ sâu lắng để ngoái nhìn, cũng vừa đủ niềm tin để mạnh bước khám phá sự mênh mông của cuộc sống. Đối với một vùng đất phát triển năng động như Bắc Ninh, 20 năm cũng đủ để thẩm định, đánh giá những kết tinh giá trị mà trong đó không thể thiếu vai trò của các KCN Bắc Ninh với tuổi 20 đang tràn trề sức sống, đang minh chứng cho những quyết sách đúng và định hình cho một tương lai mới sáng lạn hơn.

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại nhà máy SEV.

20 năm trôi qua, từ một tỉnh thuần nông Bắc Ninh đã trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nơi hội tụ các “anh tài” của ngành công nghiệp toàn cầu. Còn nhớ trong bộn bề công việc của thời gian sau tái lập, các nhà lãnh đạo tỉnh và nhân dân Bắc Ninh đồng lòng, quyết tâm cải tổ, đổi mới chính mình bằng những quyết sách quan trọng mà trong đó xác định việc quy hoạch xây dựng và phát triển các KCN là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 152/1998/QĐ-TTg ngày 25-8-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, phát huy lợi thế về địa kinh tế, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Bắc Ninh nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 12-2000, KCN Tiên Sơn - KCN tập trung đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Từ đó, công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong các KCN được thực hiện theo đúng trình tự, quy định, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh tham mưu với UBND tỉnh lập Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 định hướng đến năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20-8-2014. Theo đó, đến nay, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, có 10 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 63,61%, trên diện tích đất thu hồi đạt 87,96%, tổng vốn đầu tư hạ tầng đăng ký hơn 2,811 tỷ USD.

Những năm đầu xây dựng KCN, tiến hành trải thảm đỏ để thu hút đầu tư, nên chủ yếu là những dự án nhỏ, quy mô vốn thấp, tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng cao cấp. Riêng công nghiệp điện tử chỉ có 2 dự án của Canon chiếm 14% tổng số vốn đầu tư vào các KCN Bắc Ninh (130 triệu USD/896 triệu USD). Giai đoạn này suất đầu tư chỉ là 1-2 triệu USD/ha và khoảng 3 triệu USD/dự án. Từ năm 2007 trở lại đây, các KCN Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Số lượng và chất lượng các dự án, nhất là dự án FDI tăng mạnh, tỷ suất đầu tư đạt khoảng 13,07 triệu USD/dự án và khoảng 9,03 triệu USD/ha. Cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông. Giai đoạn 2014-2018 các KCN Bắc Ninh thu hút số dự án lần lượt bằng 153%, 193% và số vốn đầu tư đăng ký lần lượt bằng 237%, 431% so với giai đoạn 2009-2013 và giai đoạn 10 năm (1998-2008). Đến tháng 7-2018, các KCN Bắc Ninh đã thu hút 1.278 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17,43 tỷ USD, trong đó có 848 dự án FDI tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 15,4 tỷ USD; 430 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,03 tỷ USD. Về cơ cấu vùng lãnh thổ, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN Bắc Ninh, trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất (499 dự án, vốn 11,6 tỷ USD), thứ hai là Nhật Bản (79 dự án, vốn 1,34 tỷ USD), tiếp đến là Đài Loan… Tỷ trọng vốn FDI ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các KCN, các dự án đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó có dự án của các tập đoàn lớn như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Công ty TNHH FUSHAN TECHNOLOGY (đổi tên từ Microsoft Mobile)… Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh. Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của Bắc Ninh trong 20 năm qua khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sức mạnh lan tỏa, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp điện thoại di động của Fushan Technology tại KCN VSIP.

Các KCN Bắc Ninh hiện có 887 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 282 nghìn lao động, thu nhập bình quân của lao động gián tiếp 6,8 triệu đồng/người/tháng và lao động trực tiếp 5,7 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN (không tính các công ty hạ tầng) đạt 664.674 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 28,4 tỷ USD; Nhập khẩu 23,5 tỷ USD; Nộp ngân sách đạt 8.700 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 500.000 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 19 tỷ USD; Giá trị nhập khẩu 11 tỷ USD (tính theo giá hiện hành); Nộp ngân sách đạt 6.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp KCN chiếm hơn 70% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. Qua đó, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của Bắc Ninh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập nhà máy Samsung tại Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất đạt kết quả rất đáng khích lệ. Qua đó, đưa Bắc Ninh vươn lên trở thành trung tâm hội tụ những dự án FDI lớn, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Với minh chứng thành công của Samsung Electronics Việt Nam, Bắc Ninh sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương đi đầu về phát triển điện tử và các ngành công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, thu hút được ngày càng nhiều hơn  các tập đoàn đa quốc gia.
KCN Bắc Ninh tuổi 20 đã vạch ra con đường phát triển thật rõ ràng, đó chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, trở thành nhân tố cốt lõi tạo ra giá trị công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, tạo cơ sở cho sự phát triển nhiều ngành nghề, đồng thời tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, có giá trị lâu dài. Sau chặng đường 20 năm với nhiều thành tựu quan trọng tạo nền móng vững chắc cho Bắc Ninh hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại khi không gian địa lý dường như đã đô thị hóa gần hết, khi đất đai không còn là động lực chính của tăng trưởng nữa, là lúc nội lực trong mỗi thành phần kinh tế, trong mỗi con người trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, để công nghiệp phát triển thật vững chắc tự tin bước lên “con tàu 4.0”, để Bắc Ninh sớm hoàn thành khát vọng xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố thông minh.

Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Công ty Tân Phát Đăng ký kết nối làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Tỷ giá ngoại tệ