Thu hút đầu tư nước ngoài - Câu chuyện thành công của Bắc Ninh
11:48 24/09/2020
Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, ngày nay, hòa nhịp cùng với quá trình toàn cầu hóa, Bắc Ninh đang chuyển mình bứt phá, được đánh giá như một biểu tượng của đổi mới và năng động với tốc độ phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Với những quyết sách quan trọng phù hợp, Bắc Ninh đón những tập đoàn kinh tế toàn cầu hội tụ, đầu tư, dựng nghiệp, viết nên câu chuyện thành công của từng doanh nghiệp và của cả Bắc Ninh.
Thành phố Bắc Ninh được trang hoàng cờ hoa rực rỡ chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Trong nắng thu vàng, từng đoàn xe nối nhau lăn bánh xuống nút giao cao tốc Bắc Ninh - Nội Bài vào KCN Yên Phong. Ra đời sau KCN Tiên Sơn, Quế Võ, nhưng KCN Yên Phong được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, để từ cánh đồng lúa ngày nào nay đã trở thành một KCN bề thế, với sự hiện diện của thương hiệu toàn cầu Samsung. Cùng tham quan KCN, ngoài cánh phóng viên còn có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản… và sự đón tiếp chân thành, trọng thị của lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các KCN, đại diện KCN Yên Phong đã xóa tan khoảng cách chủ, khách, tất cả trở nên chân tình sau những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt.
KCN Yên Phong ra đời với mục tiêu nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là KCN thu hút vốn đầu tư cao nhất cả nước với gần 11 tỷ USD, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là gần 130, trong đó doanh nghiệp FDI khoảng hơn 100 dự án. Đồng thời cũng là một trong những KCN có hiệu quả sử dụng đất/tổng vốn đầu tư cao của cả nước. Tại đây Tập đoàn Samsung có 3 dự án lớn đó là: Samsung điện tử (SEV) vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; SDIV- nhà máy sản xuất pin, vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; Samsung Display (SDV) vốn đầu tư 6,5 tỷ USD.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ: Hơn 1 thập kỷ có mặt trên quê hương Quan họ, Tập đoàn Samsung luôn tự hào về quyết định lịch sử của mình. Con số gần chục tỷ USD được đầu tư vào KCN Yên Phong chính là một thước đo giá trị, chứng tỏ chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư của Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả, khẳng định môi trường đầu tư và sự thân thiện tạo niềm tin của chính quyền, nhân dân địa phương đối với Samsung nói riêng và các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh nói chung. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi nhận thấy là chính quyền Bắc Ninh đã và đang có rất nhiều các hoạt động tích cực để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Đáp lại sự quan tâm đó, để nâng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm và hỗ trợ địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng, Samsung Việt Nam chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng tại Bắc Ninh giúp họ nâng cao năng lực thông qua quá trình tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ. Mới đây nhất là việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên (giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam) về Chương trình hỗ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh là một minh chứng sống động thể hiện triết lý đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại những nơi Samsung có hoạt động kinh doanh. Thông qua chương trình này giúp Samsung có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy trong suốt 50 năm hoạt động của mình đến với các doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa để có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung, mà còn nhiều công ty đa quốc gia khác. Không dừng lại ở đó, Samsung luôn cố gắng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử mà cả các ngành thực phẩm, dịch vụ, hậu cần (logistics) có cơ hội hợp tác với Samsung và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, luôn sát cánh cùng sự phát triển của Bắc Ninh.
Khi đến tìm hiểu kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN Bắc Ninh, ông Yuliot, Giám đốc Điều tiết đầu tư, Ban điều phối đầu tư Cộng hòa Indonesia (BKPM) bày tỏ sự ấn tượng trước thành tựu phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư FDI của Bắc Ninh, một tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng lại thu hút được nhiều dự án tỷ USD. Qua trực tiếp tìm hiểu về công tác quy hoạch phát triển các KCN; quy trình về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; phương thức đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN; các chính sách ưu đãi doanh nghiệp… BKPM mong muốn được quan hệ hợp tác với Bắc Ninh nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của hai bên trong hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài.
KCN Yên Phong thu hút gần 11 tỷ USD vốn đầu tư.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hanwha Techwin Security Việt Nam Chun Doo Hwan cho biết: Sau khi khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn đã quyết định chọn Bắc Ninh để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mạch điện tử, chất bán dẫn, các loại chíp điện tử, camera màn hình, chuột, máy quét thẻ, camera an ninh, máy chính xác…Dự án của Hanwha đầu tư tại KCN Quế Võ (mở rộng) trên quy mô 6 ha, vốn đầu tư đăng ký ban đầu 100 triệu USD, công suất 4 triệu sản phẩm/năm. Nhưng với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Công ty được cấp giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn lần 1, nâng tổng số vốn đầu tư của Công ty hiện nay lên 200 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn đầu tư tại Việt Nam.
Vận động trong dòng chảy hội nhập, những năm qua Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào địa bàn. Với những quyết sách quan trọng mà trong đó xác định việc quy hoạch xây dựng và phát triển các KCN là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương. Từ một tỉnh thuần nông Bắc Ninh đã trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nơi hội tụ các “anh tài” của ngành công nghiệp toàn cầu. Với sự hiện hữu 10 KCN tập trung, thu hút 1602 dự án, tổng vốn đầu tư lên tới 19,8 tỷ USD (đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI). Trong đó, có 1.331 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung ở một số nước, như: Hàn Quốc 1.205 dự án, Trung Quốc 112 dự án, Nhật Bản 86 dự án… Mặc dù tình hình thế giới cũng như trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, song giai đoạn 2016-2020 Bắc Ninh vẫn là địa phương trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư. Và thành công nhất chính là thu hút được các dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đã tạo thương hiệu, chất “xúc tác” hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác về với tỉnh. Kết quả này đã đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước. 5 năm qua, Bắc Ninh thu hút 816 dự án (hơn tổng số dự án từ khi tách tỉnh đến năm 2015), với số vốn đăng ký 8,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn được triển khai như: Dự án mở rộng sản xuất của Công ty TNHH Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD, Công ty TNHH Misumi, Hana Micron, Intops, CrucialTec, AAC Technology… FDI là nguồn vốn quan trọng, góp phần giải quyết thiếu hụt về vốn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn này trở thành “cú hích” để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.
Cùng với Tập đoàn Samsung còn có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới là hạt nhân của các KCN khác như: Canon, Foxconn, Sembcop, Suntory-PepsiCo…là minh chứng cho những cho những nỗ lực đổi mới, năng động tiếp nhận cái mới, loại bỏ những thứ không phù hợp, lỗi thời. Ví như, KCN Quế Võ I thu hút 337 dự án FDI và 80 dự án trong nước, tổng vố đầu tư hơn 2,6 tỷ USD; KCN VSIP thu hút hơn 110 dự án, tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD; KCN Tiên Sơn thu hút hơn 150 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,46 tỷ USD… Sản phẩm ngành công nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước mà còn tăng khối lượng và chủng loại sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể để tiếp tục đầu tư phát triển. Sự tham gia sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại các KCN đã đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn của cả nước. Năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 1.066 nghìn tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần năm 2015, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 11,2%/năm và đóng góp 5,3% trong 6,6% tăng trưởng GRDP. Công nghiệp chế biến, chế tạo từng bước tiếp cận và ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tăng từ 61,7% (năm 2015) lên 86% (năm 2020). Công nghiệp hỗ trợ phát triển tích cực, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2 cho doanh nghiệp FDI và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để không ngừng tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bắc Ninh tiếp tục chú trọng và tập trung cải thiện môi trường đầu tư theo hướng có lợi cho nhà đầu tư nhưng phù hợp với quy định hiện hành của luật pháp. Với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, theo định hướng “2 ít, 3 cao”, tỉnh ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm hạn chế thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhà đầu tư có quy mô nhỏ, vốn thấp, thuộc các địa bàn có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng của địa phương.
Bằng khả năng lãnh đạo sáng suốt với tầm nhìn tương lai, Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu nổi bật, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tạo nên một hình mẫu điển hình về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và chính các tập đoàn đa quốc gia đã truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đến Bắc Ninh để viết nên câu chuyện thành công của doanh nghiệp, thành công của Bắc Ninh hôm nay. Cũng chính các nhà đầu tư đã chung tay, góp sức để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với phương châm bắt nguồn từ con người và vì con người.
baobacninh.com.vn