Sản xuất sợi thủy tinh quang tại Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh (Công ty CP thiết bị Bưu điện) KCN VSIP (ảnh chụp tháng 1-2020).
Những tháng đầu năm, dịch COVID-19 lan rộng, tác động đến toàn xã hội gây khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và nhiệm vụ NSNN nói riêng. Song, các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Tiêu biểu như: ngành Thuế tập trung rà soát, nắm lại đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, đẩy mạnh kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp… bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời; ngành Hải quan tăng cường kiểm tra sau thông quan; phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các doanh nghiệp (DN) và người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm nghĩa vụ tài chính…
Quý I-2020, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.184 tỷ đồng, bằng 31% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa chiếm gần 82,2%, nhiều khoản thu đạt ở mức cao như: thu từ khu vực DN nhà nước do địa phương quản lý đạt 40%; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35%; phí và lệ phí đạt 39%; thu tiền sử dụng đất đạt 43%... Tổng chi ngân sách địa phương ước 6.987 tỷ đồng, bằng 36% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 37%, chi thường xuyên đạt 27%.
Theo ông Ngô Tân Phượng, Giám đốc Sở Tài chính, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN và người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là những DN liên quan đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, EU… Nếu dịch tiếp tục kéo dài đến quý II, III, dự báo số thu sẽ giảm đáng kể so với dự toán HĐND tỉnh giao. Trong khi đó, phát sinh một số khoản chi ngân sách: phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo kịch bản từ cấp độ 1 đến cấp độ 5 dự kiến tổng kinh phí 1.407 tỷ đồng; hỗ trợ an sinh xã hội 288 tỷ đồng…
Để bảo đảm nguồn chi ngân sách phát sinh và thực hiện các giải pháp của Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kiểm soát lạm phát… đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, ngành. Sở Tài Chính tham mưu UBND tỉnh sớm triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, gói hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19. Cục Thuế, Hải quan tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ thu ngân sách; tăng cường các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan để chống thất thu. Các ngành phối hợp rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng phương án hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế, bảo đảm hoạt động xuất, nhập khẩu trở lại bình thường…
Cùng với đó, tỉnh sẽ điều hành linh hoạt các khoản chi phục vụ công tác phòng, chống dịch từ nguồn kinh phí dự phòng ngân sách, nguồn thu hồi dự toán chi thường xuyên, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản chưa phân bổ và một số nguồn khác. Trường hợp dịch có diễn biến phức tạp, cần tập trung thêm nguồn lực sẽ áp dụng các biện pháp tiết kiệm 5% chi thường xuyên còn lại (không bao gồm các khoản lương và có tính chất lương) của 8 tháng còn lại năm 2020 đối với các đơn vị sử dụng ngân sách; cắt giảm, giãn hoãn một số nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu và nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chính sách an sinh xã hội.