Doanh nghiệp thích ứng với sản xuất và chống dịch trong trạng thái mới
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện những chủ trương của tỉnh về giải pháp vừa sản xuất, vừa cách ly, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina (KCN Quế Võ) đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh và ngành chức năng. Xử lý đúng quy trình thông tin dịch bệnh; xác định người tiếp xúc kịp thời, mở rộng phạm vi cách ly để tránh rủi ro; bố trí nơi ăn, ở tại nhà máy cho hơn 2.290 lao động…
Ông Zhang Jian Hua, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina cho biết: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nên sản xuất của doanh nghiệp được duy trì ở những dây chuyền trọng điểm. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất của Công ty bị tiết giảm, nên giá trị xuất nhập khẩu tháng 5 giảm 20%, tháng 6 giảm 70% so với tháng 4. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn bảo đảm các chế độ cho người lao động như trả tiền lương cho toàn bộ công nhân viên nghỉ việc tại nhà, chi trả chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2…với tổng số tiền chi cho công tác chống dịch lên tới 188 tỷ đồng. Đồng hành cùng chính quyền dập dịch, Công ty ủng hộ tỉnh Bắc Ninh 2,5 tỷ đồng, 700 bộ quần áo chống dịch cho cán bộ, nhân viên y tế và ủng hộ Quỹ vắc-xin của tỉnh số tiền 500 triệu đồng.
Đến nay, công nhân viên lao động của công ty trở lại làm việc đạt gần 100% với hơn 24.000 lao động, số đơn hàng bắt đầu tăng lên. Tuy đã trở về với trạng thái “bình thường mới” nhưng quy trình kiểm soát dịch bệnh tại Công ty cũng được tiến hành chặt chẽ. 100% người lao động đến làm việc đều được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đặc biệt, doanh nghiệp ký cam kết với toàn bộ nhân viên chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi lưu trú. Định kỳ, mỗi tuần tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 20% người lao động.
Nhờ chủ trương cho người lao động lưu trú và làm việc tại nhà máy đã giúp Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Bắc Ninh (KCN VSIP) bảo toàn nguồn nhân lực duy trì tốt hoạt động sản xuất, với sản lượng đạt khoảng 90% so với khi chưa có dịch, đáp ứng được nhu cầu của các đối tác. Đến nay, bước sang giai đoạn mới, Công ty đã tổ chức cho 100% người lao động trở lại làm việc nhưng công tác phòng dịch được kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây. Bên cạnh duy trì hoạt động của Tổ An toàn COVID trong để quản lý tình hình sức khỏe người lao động, Công ty thường xuyên test nhanh SARS-CoV-2 định kỳ cho tối thiểu 20% người lao động. Đối với những lái xe và các đối tác, khi đến đơn vị được test nhanh COVID-19 và được bố trí khu làm việc riêng...
100% công nhân của Công ty TNHH Quốc tế Bright (KCN Thuận Thành) trở lại nhà máy làm việc.
Trong thời gian hơn 15 ngày đưa công nhân vào nhà máy ở, tỉnh đã triển khai xét nghiệm toàn bộ các khu dân cư có đông công nhân ở để làm “sạch” các khu nhà trọ, đón công nhân trở lại từ ngày 20-6 (trở về trạng thái bình thường mới). Việc quản lý công nhân, người lao động tại nơi cư trú được tất cả các doanh nghiệp triển khai chặt chẽ. Mỗi người đều được ký cam kết đi theo lộ trình từ nhà máy đến nơi lưu trú, hạn chế tối đa ra khỏi nhà trọ và sau 21 giờ không ai được ra ngoài khi không cần thiết. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lan, công nhân Công ty Cổ phần sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (Bắc Ninh) cho biết: Nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, mỗi ngày toàn bộ lao động trong nhà máy đều đến trước giờ làm việc 30 phút để kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế. Mỗi người đều ký cam kết lịch trình đi lại từ phòng trọ đến công ty và từ công ty về nhà trọ nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời gian này, chị chỉ mua những đồ dùng thiết yếu, chấp hành nghiêm chỉnh quy định không ra ngoài sau 21 giờ.
Đánh giá về ý thức của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, ông Bùi Hoàng Mai khẳng định, các doanh nghiệp trong KCN cơ bản tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Sau dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp đã có sự chuyển hóa từ “bị yêu cầu” các biện pháp sang chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ mình; có kỹ năng, chủ động phân tích tình hình ở địa phương, các tỉnh khác để từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp tạo thành “hàng rào thép” ngăn dịch lây lan. Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp, tỉnh đã ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động. Đến nay, đã có khoảng 150.000 liều thuốc được tiêm cho công nhân. Nhờ vậy, mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh nhưng giá trị sản xuất của các KCN trong 6 tháng đầu năm đạt 549.455 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, nộp ngân sách nhà nước 5179 tỷ đồng, tăng 33% so cùng kỳ.
Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực thực hiện “mục tiêu kép”
Quán triệt quan điểm lấy người dân làm trung tâm, “mục tiêu kép” làm hành động, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh bạn, Bắc Ninh đã kiểm soát thành công đợt dịch này, làm nên một “điển hình” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, trong các KCN đã có 302.000 lao động của hơn 1.040 doanh nghiệp đi làm trở lại làm việc và thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh. Thu nhập bình quân của lao động gián tiếp 9,5 triệu đồng /người/tháng, thu nhập bình quân của lao động trực tiếp 8 triệu đồng /người/tháng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động và dự kiến tăng năng suất sản xuất để bù đắp sản lượng hao hụt trong thời gian dịch bệnh và đón đầu xu hướng với nhịp sản xuất, tăng trưởng mới.
Dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản của Công ty TNHH Nutreco (KCN Đại Đồng- Hoàn Sơn).
Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động tốt, ngày 15-6 Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh ban hành quyết định Số: 208 /QĐ-BCĐ về Quy định tạm thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Ngày 23-6, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa lao động về địa phương phải lập danh sách và khai báo với chính quyền địa phương kèm kết quả xét nghiệm. Ngày 29-6 của UBND tỉnh ra Thông báo số 64/TB- UBND về triển khai các biện pháp chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhà máy/doanh nghiệp, yêu cầu, hàng tuần các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm tối thiểu 20% tổng số lao động đi làm tại nhà máy. Đồng ý cho người lao động được phép đi/về hàng ngày từ ngày 30-6-2021 (có xe đưa đón tập trung, không sử dụng phương tiện cá nhân; các chuyên gia, lãnh đạo công ty được phép đi xe riêng) giữa các địa phương/tỉnh/thành phố nơi mình đang cư trú (không áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg) đến làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và ngược lại (đối với người lao động đến từ tỉnh Bắc Giang và các tỉnh/thành có dịch khác. Ngày 12-7, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Quế Võ tổ chức diễn tập phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp. Với giả định xuất hiện các ca F0 trong doanh nghiệp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để xử lý các tình huống xảy ra.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể người dân, cộng đồng doanh nghiệp đề cao tinh thần phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống dịch xảy ra. Kiểm soát tốt công nhân trong nhà máy và khu lưu trú. Riêng công nhân ở khu vực gần nhà máy, yêu cầu các công ty phân luồng, giám sát hành trình di chuyển của công nhân đi làm và về nơi lưu trú; động viên doanh nghiệp bố trí cho công nhân ăn 3 bữa tại công ty. Chỉ đạo các doanh nghiệp siết chặt quản lý lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc của công nhân. Trường hợp có liên quan đến các địa phương đang có dịch (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,…) phải thực hiện điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các ngành, địa phương: phải hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch trong cộng đồng, trong doanh nghiệp. Rà soát lại việc gì còn thiếu sót, còn tồn tại, còn lỗ hổng phải khắc phục ngay, đề phòng dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Tỉnh thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống COVID và phục hồi sản xuất kinh doanh. Yêu cầu cơ quan Thuế triển khai Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021, về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thời gian và chi phí giải quyết công việc; nâng cao điểm số và thứ hạng các chỉ số về quản trị địa phương. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.