Quy hoạch và xây dựng các KCN Bắc Ninh, thúc đẩy liên kết
07:07 15/11/2010

(Bài tham luận tại Đại hội Đảng bộ Ban quản lý các KCN Bắc Ninh năm 2010) 

            Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập. Công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh với cơ sở, nền móng còn yếu, nhỏ bé chưa là nhân tố “đầu tầu” làm động lực phát triển.

Trước tình hình đó, để thực hiện CNH, HĐH thì việc phát triển các Khu công nghiệp được coi là giải pháp hàng đầu, là động lực đầu tầu. Với định hướng đó, Tỉnh uỷ đã có các Nghị quyết chỉ đạo chuyên đề về xây dựng, phát triển Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp- TTCN, phát triển kinh tế theo hướng kinh tế công nghiệp.

Kế thừa kinh nghiệm ở các tỉnh đi trước (Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc…); đồng thời, nhìn thấy những nhược điểm từ việc xây dựng Khu công nghiệp không gắn với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công tác bảo vệ môi trường sẽ dẫn tới thiếu tính bền vững trong phát triển.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp và kinh tế-xã hội của tỉnh. Các Khu công nghiệp đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trên hai con số và trở thành nhân tố quyết định quá trình CNH, HĐH của tỉnh. Biểu hiện rõ nhất là việc hoàn thành quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 15 Khu công nghiệp, tổng diện tích 7.525 ha (Khu công nghiệp 6.541 ha và Khu đô thị 984 ha), đã thúc đẩy liên kết hạ tầng kỹ thuật, góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực phía Bắc sông Đuống và phía Nam sông Đuống.

Quy hoạch và xây dựng các Khu công nghiệp Bắc Ninh góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế thể hiện trong việc phân bố các Khu công nghiệp, đa số tập trung ở vùng phía Bắc sông Đuống (12 Khu), tập trung xung quanh tỉnh lỵ và khu vực thuận tiện về giao thông, cơ sở hạ tầng sẵn có. Nó đảm bảo hấp thu và phát huy lợi thế tập trung tạo ra lợi thế vượt trội hơn so với các vùng miền khác trong tỉnh, hấp dẫn thu hút đầu tư tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ. Các Khu công nghiệp phía Bắc sông Đuống quy hoạch và xây dựng nhằm kêu gọi và xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn, mà trọng tâm là ngành công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, chế biến công nghệ cao; thu hút nhiều lao động có kỹ thuật cao. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng đô thị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ kết nối với mạng lưới các Khu công nghiệp xây dựng mô hình Đô thị công nghiệp trong tương lai.

Khu vực phía Nam Sông Đuống có điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá cao sản. Để khắc phục sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, Bắc Ninh đã quy hoạch xây dựng một số Khu công nghiệp phía Nam sông Đuống (03 Khu) phục vụ chủ yếu để làm đòn bẩy kích thích và hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Các Khu công nghiệp phía Nam sông Đuống quy hoạch và xây dựng nhằm kêu gọi ngành công nghiệp chế biến nông sản, vật liệu xây dựng; thu hút nhiều lao động có kỹ thuật trung bình và thấp. Từng bước đô thị hoá, chỉnh trang đô thị hoá nông thôn, kiến tạo bộ mặt nông thôn mới.

Để có được sự liên kết hạ tầng, góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế công tác quy hoạch các Khu công nghiệp Bắc Ninh luôn được đi trước một bước, lựa chọn các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch; xác định những dự án ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng tạo lập ngành công nghiệp mũi nhọn với một số nhà sản xuất chính có thương hiệu khu vực và toàn cầu, thiết lập hệ thống công nghiệp phụ trợ, trước hết là công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, sau là vật liệu mới, chế biến công nghệ cao. Đồng thời, quy hoạch mang tính tổng thể, các Khu công nghiệp gắn liền với Khu đô thị, dịch vụ đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài hàng rào Khu công nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững của các Khu công nghiệp.

Từ nhận thức, việc quy hoạch các Khu công nghiệp sẽ là nhân tố kích thích sự phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hệ thống hạ tầng xã hội khác ngoài hàng rào, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Bắc Ninh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, đồng thời để làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch và quản lý phát triển công nghiệp, các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan. Vận dụng sáng tạo trong việc khai thác các lợi thế, tiềm năng sẵn có của tỉnh như có vị trí tiếp giáp và cách Thủ đô Hà Nội 30km; cách sân bay Quốc tế Nội Bài 45km; cách cảng biển Hải Phòng 110km; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm - tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; gần các khu, cụm công nghiệp lớn của vùng trọng điểm Bắc bộ; có các tuyến trục giao thông lớn, quan trọng chạy qua nối liền với các trung tâm kinh tế, văn hoá và thương mại của phía Bắc như: đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 18, Quốc lộ 38, đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc. Đề án đã thể hiện được việc thúc đẩy liên kết hạ tầng kỹ thuật ở chỗ vị trí các Khu công nghiệp đều nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch vùng lãnh thổ và quy hoạch chuỗi Khu công nghiệp, đô thị dọc theo các tuyến đường giao thông huyết mạch Quốc gia như tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 18, Quốc lộ 38; theo đó, hệ thống các tuyến đường giao thông Tỉnh lộ được quy hoạch đầu tư xây dựng nối các Khu công nghiệp, Khu đô thị thành mạng lưới giao thông khép kín, liên hoàn như các tuyến đường Tỉnh lộ: 295, 295B, 286, 271, Đại Đồng - Cống Bịu...đặc biệt là nhiều nút giao liên thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 18 được đầu tư xây dựng tạo lợi thế cho các Khu công nghiệp; do đó, đã cơ bản bảo đảm được sự gắn kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài hàng rào Khu công nghiệp về giao thông. Đây cũng là thành công bước đầu của Bắc Ninh về sự gắn kết này. Hơn nữa, các Khu công nghiệp đã khẳng định vai trò rất quan trọng tác động và ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển các Khu đô thị của tỉnh Bắc Ninh. Chính hạt nhân từ các Khu công nghiệp đã hình thành các khu đô thị mới, cùng các công trình hạ tầng xã hội đã đưa mạng lưới đô thị của tỉnh ngày càng mở rộng và phát triển. Cụ thể là năm 2008, tỉnh lỵ Bắc Ninh đã được công nhận trở thành đô thị loại 3, bên cạnh đó nhiều Khu đô thị mới đã được đưa vào quy hoạch theo mô hình gắn kết các Khu công nghiệp với khu đô thị và khu dịch vụ như các Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ: VSIP, Đại Kim, Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Yên Phong II…và một số Khu đô thị mới, thị trấn, thị tứ, trung tâm xã cũng được  thiết lập và phê duyệt làm cơ sở phát triển CNH, HĐH nông thôn. Để đảm bảo nhu cầu cung cấp điện cho các Khu công nghiệp Bắc Ninh, quy hoạch mạng lưới điện của tỉnh thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung bao gồm hệ thống đường 220KV, 110KV và các Trạm biến áp 220KV, 110KV....Mạng lưới cung cấp nước sạch cho các Khu công nghiệp và Khu đô thị được tỉnh chú trọng đầu tư, nhiều nhà máy cấp nước sạch được xây dựng trên khắp địa bàn tỉnh. Hệ thống hạ tầng viễn thông được Tập đoàn Viễn thông Việt Nam, Viettel đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng cũng được kéo theo cùng với việc xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp. Việc đầu tư cho môi trường được quan tâm do các bãi rác tập trung vốn đã chật hẹp, hết công suất và chưa có bãi chôn lấp xử lý chất thải rắn, độc hại nay Khu xử lý rác thải hiện đại đã được đầu tư tại huyện Quế Võ với diện tích hơn 40 ha. Các dịch vụ khác trong Khu công nghiệp như Ngân hàng, Hải quan, bảo hiểm...được hình thành ở hầu hết các Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Về đảm bảo an ninh trật tự cho các Khu công nghiệp tỉnh quan tâm cho thành lập các Trạm công an Khu công nghiệp. Ngoài ra, hạ tầng xã hội được đầu tư theo tiến độ quy hoạch và xây dựng các Khu công nghiệp như: Trường học, bệnh viện, nhà ở, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, văn hoá, thể thao…

Việc quy hoạch và xây dựng các Khu công nghiệp Bắc Ninh hợp lý, đúng hướng đã góp phần vào thành công về kinh tế và xã hội đáng kể, tính đến tháng 12/2010 có 191 dự án đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 đạt 64.996 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1.004 triệu USD, tạo việc làm cho 41.323 lao động. Theo tốc độ tăng bình quân, đến năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp các Khu công nghiệp chiếm 65-70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giá trị xuất khẩu chiếm 85-90% khẳng định vị trí, vai trò quyết định sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong những năm tới. Bên cạnh những thành công về kinh tế, các Khu công nghiệp còn tham gia, đóng góp tích cực vào tổ chức đời sống xã hội. Với việc thiết lập mô hình Khu công nghiệp, đô thị đã góp phần hình thành các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và kiến tạo bộ mặt nông thôn mới. Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thúc đẩy hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà ở, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, văn hoá, thể thao…đảm bảo cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội. Góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong tỉnh là cơ sở để Bắc Ninh hội nhập và phát triển một cách bền vững.

                                                                                                      Nguyễn Đức Long

Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Công ty Tân Phát Đăng ký kết nối làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Tỷ giá ngoại tệ