Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Sự ra đời, phát triển các KCN là tất yếu, vừa là giải pháp lớn, vừa là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trên hai con số và trở thành nhân tố quyết định quá trình CNH, HĐH.
Biểu hiện rõ nhất là việc hoàn thành quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 15 KCN, tổng diện tích 7.525 ha (KCN 6.541 ha và Khu đô thị 984 ha), 14/15 KCN đã và đang triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết; 6 KCN đi vào hoạt động; 2 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 12 Chủ đầu tư hạ tầng KCN và 360 dự án SXKD với tổng vốn đăng ký 2,86 tỷ USD (154 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,08 tỷ USD). Đến nay có 186 dự án đi vào hoạt động, giá trị SXCN 9 tháng đầu năm 2009 đạt 12.614 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 701,0 tr.USD, tạo việc làm 39.437 lao động (52,6% lao động địa phương). Theo tốc độ tăng bình quân đến năm 2010 giá trị SXCN chiếm 65¸70% giá trị SXCN toàn tỉnh, giá trị xuất khẩu chiếm 85¸90% toàn tỉnh, các KCN đã khẳng định vị trí, vai trò quyết định sự phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh trong những năm tới.
Tuy nhiên, sự phát triển các KCN đã và đang phát sinh nhiều hoạt động phức tạp, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước sau đầu tư, trước hết là công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong KCN, vì:
- Hoạt động các KCN phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, với hình thức đầu tư đa dạng và phức tạp, nhiều loại hình doanh nghiệp đan xen.
- Các hoạt động kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật… trong thời kỳ hội nhập phát sinh rất đa dạng, nhiều hình thức, khó nhận biết, nhất là trong KCN. Cùng với việc phát triển KCN kéo theo hoạt động an ninh kinh tế - trật tự xã hội trong và vùng phụ cận KCN diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt các hoạt động về đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động… cần phải giám sát, kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật; đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN.
Công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong KCN luôn được quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên, nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, phức tạp:
- Công tác thanh tra chủ yếu là thanh tra chuyên ngành của các sở, ban ngành phối hợp với Ban quản lý các KCN. Nội dung thanh tra tập trung lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, lao động… Thời gian thanh tra được rút ngắn đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, mỗi nội dung được thực hiện 01 lần/năm theo quy định pháp luật.
- Công tác kiểm tra được Ban quản lý các KCN chủ động thực hiện theo nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện kiểm tra những nội dung chưa được phân cấp hoặc uỷ quyền trong việc quản lý nhà nước đối với các KCN. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN; Việc thực hiện mục tiêu đầu tư, vốn đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án; Việc chấp hành thủ tục về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh…
Các đợt kiểm tra được thực hiện theo chương trình, kế hoạch, nội dung kiểm tra cụ thể đến doanh nghiệp KCN. Thông qua công tác kiểm tra đã kiến nghị những giải pháp tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong triển khai dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định pháp luật.
Tuy công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện theo quy định, thủ tục và thời gian được tổ chức hợp lý đảm bảo hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp nhưng vẫn còn nảy sinh một số bất cập gây ảnh hưởng đến hoạt động và tạo bức xúc cho doanh nghiệp:
- Công tác kiểm tra, thanh tra của các ngành còn độc lập nhau ngay từ khâu xây dựng kế hoạch không có sự phối hợp với Ban quản lý; Kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau khi phê duyệt mới gửi đến Ban quản lý để phối hợp thực hiện nên trùng lặp về đối tượng, thời gian, nội dung kiểm tra, thanh tra và gây khó khăn cho doanh nghiệp về tổng hợp thông tin báo cáo.
- Các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện công tác kiểm tra theo chỉ đạo của các ngành và UBND các huyện không có sự phối hợp với Ban quản lý dẫn đến mật độ công tác kiểm tra đối với doanh nghiệp trong kỳ quá nhiều; đặc biệt là doanh nghiệp FDI rất khó khăn trong việc bố trí tiếp đoàn kiểm tra.
- Doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện kết luận sau thanh tra. Do các ngành còn buông lỏng đôn đốc doanh nghiệp hoặc đôn đốc yêu cầu Ban quản lý chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện các kết luận sau thanh tra. Hiện vẫn chưa có hướng dẫn về tổ chức hoạt động Thanh tra Ban quản lý các KCN, nên Ban quản lý chưa thể xử phạt vi phạm hành chính, muốn xử phạt phải thông qua cơ quan thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền, đã hạn chế vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động Doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu phát triển các KCN Bắc Ninh theo hướng nhanh, ổn định và bền vững; thời gian tới cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong KCN với một số kiến nghị chủ yếu sau:
- Phải có hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Thanh tra Ban quản lý các KCN làm cơ sở pháp lý để Thanh tra Ban quản lý hoạt động đầy đủ chức năng, nhiệm vụ một cách độc lập, có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo uỷ quyền của các Bộ, ngành chức năng, UBND tỉnh là các chế tài xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Ban quản lý nhằm nâng cao hiệu lực thi hành.
- Cần có sự chỉ đạo thống nhất và tạo lập cơ chế phối hợp giữa các ngành, UBND các huyện với Ban quản lý các KCN, trong đó phân công đầu mối rõ ràng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra tránh trùng lặp, theo dõi và cập nhật kịp thời kết quả xử lý sau kiểm tra, thanh tra.
- Công tác thanh tra được thực hiện trên cơ sở kết quả công tác kiểm tra, giám sát. Qua công tác kiểm tra, giám sát tiến hành phân loại đối tượng để tiến hành thanh tra theo nội dung cụ thể hoặc thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp KCN. Do vậy, phải nghiêm túc thực hiện các quy định về quy trình, thời gian, nội dung thanh tra theo đúng quy định pháp luật./.
ThS. Nguyễn Chí Đào