10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC KCN BẮC NINH: THÀNH TỰU VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
14:51 08/12/2010
Để đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đối với quá trình 10 năm xây dựng và phát triển các KCN Bắc Ninh, nhân dịp chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Ban quản lý các KCN Bắc Ninh khoá II, nhiệm kỳ 2010 – 2015; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh tiến hành tổng kết quá trình:

"10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC KCN BẮC NINH: THÀNH TỰU VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA"

- ThS. Vũ Đức Quyết Trưởng ban BQL các KCN Bắc Ninh

- ThS. Nguyễn Chí Đào Chánh thanh tra BQL các KCN Bắc Ninh

Ngay sau khi tái lập tỉnh, một trong các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội là tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề, vừa và nhỏ... Việc xây dựng và phát triển các KCN là một trong các giải pháp quan trọng đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH tỉnh Bắc Ninh và được triển khai thực hiện theo các Nghị quyết của Tỉnh uỷ (Nghị quyết 04/NQ/TU ngày 25/5/1998; Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 03/02/2000; Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 04/5/2001; Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 29/5/2006); Nghị quyết số 80/2007/NQ-HĐND16 ngày 18/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Đề án quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015, định hướng đến 2020 và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ nhất định.

Trong 10 năm qua, ban đầu KCN Tiên Sơn khởi công xây dựng tháng 12/2000 với diện tích giai đoạn I: 134ha, đến nay có 09 KCN đầu tư xây dựng hạ tầng, đi vào hoạt động và triển khai thực hiện các dự án SXKD, dịch vụ. Mỗi KCN đã trở thành hạt nhân quan trọng trong việc thu hút dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần phát kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình CNH, HĐH. Việc phát triển các KCN cũng thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư, dịch vụ, phát triển công nghiệp phụ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn. Những thành tựu cơ bản được thể hiện trên các mặt sau:

a/ Về quy mô hoạt động KCN:

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng các KCN:

Nếu trong 5 năm (2000 – 2005) mới có 03 KCN được quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động (Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Quế Võ) với tổng diện tích quy hoạch là 1.160,98ha. Thì giai đoạn 2006 - 2009 đã hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 15 KCN, tổng diện tích 7.525ha (KCN 6.541ha và Khu đô thị 984ha); có thêm 06 KCN đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng (Yên Phong I; VSIP Bắc Ninh; Yên Phong II; Thuận Thành III; Quế Võ II; Nam Sơn - Hạp Lĩnh). Luỹ kế đến hết năm 2009 có 15 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích đất quy hoạch 5.958,31ha, chiếm 91% diện tích được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 09 KCN đang triển khai đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch có thể cho thuê đạt 42,53%, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thu hồi cho thuê đạt 60,22%.

Việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã tham gia vào việc phân bố, điều chỉnh lại không gian kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện rõ nhất là thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết như: Giao thông vận tải, điện, viễn thông… và tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực phía Bắc sông Đuống (phát triển công nghiệp và dịch vụ) và phía Nam sông Đuống (phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá cao sản).

Việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN theo đúng trình tự, tạo mặt bằng có hạ tầng tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Luỹ kế đến hết năm 2009 đã cấp phép 13 dự án đầu tư hạ tầng KCN với tổng vốn đăng ký 708,3 tr.USD, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện đạt trên 50%. Đặc biệt đã thu hút được một số Chủ đầu tư hạ tầng KCN lớn, có năng lực, kinh nghiệm, khả năng làm tốt công tác tiếp cận và đàm phán với các nhà đầu tư lớn như: VSIP Bắc Ninh (Singapore), Kinh Bắc City, Viglacera Land; Đã thiết lập mô hình KCN gắn với đô thị nhằm phát huy lợi thế, tạo hình ảnh riêng biệt và diện mạo KCN hiện đại, góp phần hình thành chuỗi không gian kinh tế, đô thị trên địa bàn tỉnh, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội.

- Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư:

Trong 5 năm (2000 – 2005) thu hút được 151 dự án với tổng vốn đăng ký 601,7 tr.USD, thuê 392,34ha đất công nghiệp, đạt 1,53 tr.USD/ha và 3,98 tr.USD/dự án; hình thức vốn đầu tư chủ yếu dự án trong nước chiếm 70,86% tổng vốn đăng ký (119 dự án với tổng vốn đăng ký 426,33 tr.USD) vào lĩnh vực cơ khí; vật liệu xây dựng; chế biến nông sản thực phẩm... Thì giai đoạn 2006-2009 thu hút được 234 dự án với tổng vốn đăng ký 2.379,04 tr.USD, thuê 517,36 ha đất công nghiệp, đạt 4,6 tr.USD/ha và 10,17 tr.USD/dự án; hình thức vốn đầu tư chủ yếu dự án nước ngoài chiếm 82,58% tổng vốn đăng ký (134 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.964,81 tr.USD) vào lĩnh vực điện tử, viễn thông; cơ khí, chế tạo với trình độ công nghệ tiến tiến. Luỹ kế đến hết năm 2009 thu hút được 385 dự án với tổng vốn đăng ký 2.980,73 tr.USD, thuê 907,7ha đất công nghiệp, đạt 3,27 tr.USD/ha và 7,74 tr.USD/dự án; hình thức vốn đầu tư chủ dự án nước ngoài chiếm 71,79% tổng vốn đăng ký (166 dự án với tổng vốn đăng ký 2.140,15 tr.USD), riêng lĩnh vực điện tử chiếm 51,8% tổng vốn đăng ký.

Kết quả cho thấy có bước phát triển vượt bậc cả về hình thức, quy mô và chất lượng dự án, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước, tạo nguồn vốn đầu tư quan trọng đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có bước điều chỉnh, kết hợp thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đảm bảo sự hỗ trợ, tương tác, thúc đẩy phát triển các KCN nhanh, bền vững. Các dự án đầu tư trong nước chủ yếu ưu tiên thu hút giai đoạn đầu xây dựng các KCN, quy mô vừa và nhỏ vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, chế biến nông sản thực phẩm... góp phần giải quyết các vấn đề về việc làm, thu hút lao động địa phương thu hồi đất phát triển KCN và tạo tiền đề thu hút dự án FDI giai đoạn sau.

Mặt khác, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng xây dựng hình ảnh đặc trưng cho các KCN. Mỗi KCN được bố trí một vài tập đoàn đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thương hiệu khu vực và toàn cầu để kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập KCN chuyên ngành, cụm công nghiệp phụ trợ (Cụm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản) để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho KCN. Đã có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh, các dự án FDI lớn gần đây chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, cơ khí chính xác của các tập đoàn đa quốc gia như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), ABB (Thuỵ Điển)... đã tạo ra hình ảnh riêng biệt cho các KCN Bắc Ninh. Đồng thời là cơ sở để Bắc Ninh xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn trong thời gian tới, mà trọng tâm là ngành công nghiệp điện tử.

b/ Về hiệu quả hoạt động KCN:

- Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp KCN:

Nếu trong 5 năm (2000 – 2005) mới có 55 dự án đi vào hoạt động (42 dự án đầu tư trong nước, 13 dự án đầu tư nước ngoài); Thì giai đoạn 2006-2009 có 136 dự án đi vào hoạt động (79 dự án đầu tư trong nước, 57 dự án đầu tư nước ngoài); Luỹ kế đến hết năm 2009 có 191 dự án đi vào hoạt động (105 dự án đầu tư trong nước, 86 dự án đầu tư nước ngoài).

Các doanh nghiệp đi vào hoạt động đã đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục và trên hai con số của tỉnh. Nếu năm 2005, giá trị SXCN đạt 1.800 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 19,1 tr.USD, nộp ngân sách 51 tỷ đồng; Thì đến năm 2009, giá trị SXCN đạt 19.421 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1.004 tr.USD, nộp ngân sách 800 tỷ đồng, riêng dự án FDI vào lĩnh vực điện tử chiếm 75% giá trị SXCN và 66% giá trị xuất khẩu. Tỷ trọng đóng góp của KCN vào giá trị SXCN toàn tỉnh ước tính tăng dần từ 19% năm 2006 lên 38% năm 2009, giá trị xuất khẩu năm 2009 chiếm trên 80% toàn tỉnh.

Các dự án giai đoạn 2000 – 2005, thời kỳ đầu xây dựng các KCN, quan tâm nhiều đến số lượng dự án đầu tư, chưa có điều kiện để lựa chọn dự án đầu tư tốt, chủ yếu dự án trong nước áp dụng công nghệ trung bình thấp, quy mô nhỏ, năng lực thấp, dẫn đến giá trị sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao. Giai đoạn 2006 – 2009, các dự án đi vào hoạt động có sự đầu tư lớn về công nghệ sản xuất, đặc biệt các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, quy mô đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), ABB (Thuỵ Điển)... vào các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông... tạo ra sự đột phá về giá trị SXCN, xuất khẩu, sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao.

Với các tiền đề trên là cơ sở khẳng định khả năng hình thành và phát triển nghành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới, trọng tâm là ngành công nghiệp điện tử. Theo tốc độ tăng bình quân, đến năm 2010 giá trị SXCN chiếm 45÷50%, giá trị xuất khẩu chiếm 85÷90% toàn tỉnh, các KCN từng bước khẳng định vị trí, vai trò chủ yếu quyết định sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong những năm tới.

- Thu hút lao động và giải quyết việc làm:

Giai đoạn 2000 – 2005 thu hút lao động làm việc trực tiếp tại các KCN là 8.168 người (lao động địa phương chiếm 53,96%), thu nhập bình quân người lao động 1,05 tr.đồng/người/tháng; Thì giai đoạn 2006-2009 lao động làm việc trực tiếp tại các KCN là 33.155 người (lao động địa phương chiếm 52,75%), thu nhập bình quân người lao động 1,3 tr.đồng/người/tháng. Luỹ kế đến hết năm 2009 lao động làm việc trực tiếp tại các KCN là 41.323 người với tỷ lệ 53% lao động địa phương; 62% lao động nữ, chủ yếu doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực điện, điện tử; Trình độ lao động: 21,7% Đại học, cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật; 78,3% lao động phổ thông. Các số liệu cho thấy chất lượng lao động trong các KCN Bắc Ninh chưa cao, đa phần lao động phổ thông và đang có xu hướng tăng về số lượng, phải đào tạo lại sau khi đã nhận vào làm việc và khó tuyển dụng lao động nữ ở độ tuổi 18 - 22 theo yêu cầu của các doanh nghiệp điện tử.

Theo khảo sát của Bộ Lao động, TB&XH thì khả năng thu hút lao động và giải quyết việc làm cho lao động xã hội từ phát triển các KCN còn lớn hơn nhiều. Hệ số lan toả của các KCN từ 1,3 – 1,5, tạo ra các loại lao động ở các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là hoạt động dịch vụ ngoài hàng rào KCN, vùng phụ cận có đất thu hồi phát triển KCN (nhà ở, ăn uống, sản xuất và chế biến thực phẩm, vận chuyển...); theo hệ số này, các KCN hiện nay có thể tạo việc làm cho khoảng 53.720 – 61.984 lao động (kể cả trực tiếp và gián tiếp). Ước tính trung bình 01 ha đất nông nghiệp thu hồi chuyển sang đất công nghiệp sẽ có 13 lao động nông thôn bị mất việc, hiện có 09 KCN đang đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động với diện tích đã thu hồi 2.283,38ha thì phải giải quyết việc làm cho 2.283,38 x 13 = 29.684 lao động địa phương. Thực tế tại các KCN, 53% là lao động địa phương (21.900 lao động) cộng với lao động gián tiếp (tính theo hệ số lan toả) thì đã giải quyết việc làm cho khoảng 28.470 – 32.850 lao động địa phương. Như vậy, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương có đất thu hồi phát triển các KCN.

Các KCN phát triển góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; tham gia vào tổ chức đời sống xã hội mới với việc thiết lập mô hình KCN, đô thị đã góp phần hình thành các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và kiến tạo bộ mặt nông thôn mới. Thúc đẩy hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà ở, nhu cầu về dịch vụ văn hoá, thể thao… góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội.  

Qua 10 năm xây dựng và phát triển các KCN đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo diện mạo mới cho ngành công nghiệp. Các KCN đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trên hai con số và trở thành nhân tố quyết định quá trình CNH, HĐH. Từ các thành tựu đã đạt được cho thấy:

- Thứ nhất: Việc hoàn thiện, ổn định quy hoạch phát triển các KCN đã đáp ứng được yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh kinh tế công nghiệp, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Chủ động kế hoạch sử dụng đất hàng năm, 5 năm có hiệu quả và tiết kiệm; Triển khai kế hoạch hàng năm theo hướng tập trung xây dựng thành công mô hình KCN – Đô thị và mở đường thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng trong và ngoài KCN.

Tuy nhiên, quy mô từng KCN còn mang nặng định tính, chưa lượng hoá quy mô KCN phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh; Chức năng KCN chuyên ngành còn chưa rõ, chủ yếu là đa ngành, cho nên trong thời gian tới cần cơ cấu lại, chuyển đổi theo hướng chuyên ngành ở một số KCN trọng điểm sau khi lấp đầy KCN.

- Thứ hai: Kết quả thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh đã tập trung vào hướng phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn (Điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến công nghệ cao) và xuất hiện cụm công nghiệp phụ trợ (điện tử). Ngành điện tử, cơ khí tuy chủ yếu còn ở trình độ công nghệ lắp ráp nhưng đã mở ra hướng đi đúng, muốn phát triển lên trình độ cao hơn đòi hỏi phải có đội ngũ lao động bậc cao nhiều hơn và thu hút nhiều doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, cơ khí.

- Thứ ba: Lao động và cơ cấu lao động đã giải quyết được bài toán gắn xây dựng, phát triển KCN với giải quyết việc làm tại chỗ và thu hút lao động từ nơi khác. Đồng thời, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường KCN đã mở đường cho giải quyết vấn đề môi trường về lâu dài một cách bài bản.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển các KCN nhanh, hiệu quả, bền vững theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, Đề án phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đặt ra một số vấn đề cần phải tập trung giải quyết, đó là bài toán "Bốn thu": Thu hút đầu tư; Thu hồi đất; Thu hút lao động và Thu ngân sách trong việc xem xét tiêu chí đánh giá về trình độ công nghệ, mức độ bảo vệ môi trường và trình độ lao động, hệ số thâm dụng lao động của dự án đầu tư vào KCN.

a/ Nếu lựa chọn dự án đầu tư có trình độ công nghệ tiến tiến và không gây ô nhiễm môi trường (mức độ tốt):

Hiện nay, dự án đầu tư vào các KCN đạt mức độ tốt chủ yếu là dự án FDI tập trung giai đoạn 2006 – 2009 với suất đầu tư 5,6 tr.USD/ha và 14,66 tr.USD/dự án vào lĩnh vực điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo. Số lượng các dự án này chiếm khoảng 10% số dự án cấp phép và 20% số lượng dự án FDI đi vào hoạt động (Canon 02 dự án; Samsung; ABB...) đã tạo ra sự liên kết phát triển cao theo chuỗi các nhà đầu tư, chiếm phần lớn về giá trị SXCN, giá trị xuất khẩu (dự án FDI với 40% số dự án đi vào hoạt động, chiếm khoảng 80% giá trị SXCN, 90% giá trị xuất khẩu và 68% tổng số lao động). Các dự án này, hiện nay được hưởng ưu đãi khuyến khích đầu tư ở mức cao nhưng có khả năng tạo ra nguồn thu ngân sách lớn trong trung và dài hạn (Ví dụ dự án Honda, Yamaha đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc sau 10 năm mới tạo ra nguồn thu ngân sách lớn); Hiệu quả sử dụng đất cao; Sử dụng lao động có những đòi hỏi khắt khe hơn (Kỷ luật, trình độ, giới tính, sức khoẻ, độ tuổi). Các dự án kể trên có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH theo định hướng của tỉnh.

Các dự án thâm dụng vốn và công nghệ chủ yếu đến từ các quốc gia: Nhật Bản; Hàn Quốc; Singapore... có trình độ quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại và nghiêm chỉnh thực hiện khá tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn có một số dự án đến từ Đài Loan; Trung Quốc ý thức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường chưa tốt.

Lựa chọn các dự án đầu tư vào KCN đạt yêu cầu trên, thì:

- Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư cần tập trung vào các dự án FDI; Xác định đối tượng mới, xây dựng tiêu chí mới để xúc tiến đầu tư theo hướng tạo lập các cụm công nghiệp phụ trợ trong KCN. Như vậy, phải điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, 5 năm theo hướng có thể phải giảm chỉ tiêu số lượng dự án cấp mới, gia tăng suất đầu tư/ha vào ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm ngành công nghiệp điện tử.

- Rà soát, điều chỉnh giảm quy mô các KCN đã được quy hoạch phát triển, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất công nghiệp.

- Trọng tâm thu hút lao động bậc cao (chủ yếu lao động ngoại tỉnh), phải tạo quỹ nhà cho người lao động và các điều kiện hạ tầng xã hội khác.

- Để tăng thu ngân sách cần làm tốt công tác quản lý các sắc thuế, chống hoạt động chuyển giá làm giảm lợi nhuận hoặc hạch toán "Lỗ công ty con, lãi công ty mẹ".

- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và điều chỉnh chính sách ưu đãi theo nguyên tắc: Các dự án FDI được hưởng ưu đãi cao về kết cấu hạ tầng, thuế, dịch vụ công… thì phải tham gia vào xây dựng hạ tầng xã hội, trước hết là phục vụ người lao động tại doanh nghiệp hoặc KCN trên địa bàn đầu tư.

b/ Nếu lựa chọn dự án đầu tư có trình độ công nghệ trung bình và chấp nhận ô nhiễm môi trường cục bộ (Mức độ trung bình).

Dự án đầu tư vào các KCN Bắc Ninh với mức độ trung bình tập trung giai đoạn 2000 – 2005, thời kỳ đầu xây dựng các KCN với suất đầu tư thấp 1,53 tr.USD/ha và 3,98 tr.USD/dự án vào nhiều lĩnh vực khác nhau: May mặc; Cơ khí; vật liệu xây dựng; chế biến nông sản thực phẩm... và một số dự án FDI (chủ yếu dự án đến từ Trung Quốc, Đài Loan) với mục đích di chuyển công nghệ từ nước khác, phục vụ cho một số quy trình sản xuất đơn giản. Đối với dự án trong nước đa phần công nghệ sản xuất cũng chỉ ở mức trung bình thấp; công nghệ di dời từ bên trong các thành phố lớn ra ngoài nên máy móc thiết bị đã qua sử dụng; một số dự án quy mô đầu tư lớn, thậm chí nhập khẩu công nghệ mới từ Nhật Bản... không kém dự án FDI nhưng do hạn chế về kiến thức công nghệ của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật nên công nghệ sản xuất đa phần cũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí công nghệ chắp vá và thay thế bằng thiết bị dẻ tiền từ Trung Quốc.

Các dự án trên, liên kết phát triển thấp, không tạo ra được chuỗi giá trị gia tăng, không có khả năng tạo lập công nghiệp phụ trợ nên giá trị gia tăng thấp; Quy mô đầu tư theo chiều rộng, sử dụng đất lớn; Thu hút nhiều lao động phổ thông, dễ tuyển dụng; Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước nên tạo nguồn thu ngân sách ngay trong ngắn hạn; Ý thức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường chưa cao, lảng tránh, thậm chí rất kém, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường cục bộ.

Lựa chọn dự án đầu tư vào KCN ở mức độ trên, thì:

- Thu hút đầu tư vào các KCN thuận lợi, nhanh lấp đầy các KCN với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

- Diện tích thu hồi đất lớn, hiệu quả sử dụng đất công nghiệp chưa cao.

- Nhu cầu sử dụng lao động phổ thông, dễ tuyển dụng.

- Tạo ra nguồn thu ngân sách ngay trong ngắn hạn.

Lựa chọn dự án đầu tư ở mức độ trung bình chỉ có thể ưu tiên thu hút giai đoạn đầu xây dựng các KCN, góp phần giải quyết các vấn đề về việc làm, thu hút lao động địa phương có đất thu hồi phát triển KCN và tạo tiền đề thu hút dự án FDI giai đoạn sau. Do đó, các dự án này mới chỉ thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, chứ chưa thúc đẩy công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế.

c/ Nếu lựa chọn dự án đầu tư có trình độ công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường xung quanh (Mức độ kém).

Không thể áp dụng cho KCN tập trung; Hiện nay chỉ có thể chấp nhận ở mức độ nhất định vào cụm công nghiệp làng nghề nên không được lựa chọn.

Với thành tựu đã đạt được và một số vấn đề rút ra từ thực tiễn, để tiếp tục thu hút dự án FDI, nâng cao giá trị, hiệu quả vốn FDI, trong thời gian tới tập trung một số định hướng sau:

- Tạo lập công nghiệp phụ trợ trong KCN; Thu hút lao động bậc cao (chủ yếu lao động ngoại tỉnh); Thiết lập hạ tầng xã hội liên kết giữa các KCN với hệ thống giao thông nội tỉnh, khu đô thị mới, dịch vụ để triển khai thành công mô hình KCN – Đô thị; Đồng thời thu hút vốn FDI từ các doanh nghiệp trong KCN tham gia xây dựng hạ tầng xã hội (nhà ở, đào tạo, chăm sóc sức khẻo…).

- Xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các KCN gắn với hình ảnh tỉnh Bắc Ninh. Gắn thương hiệu một số tập đoàn đa quốc gia với hình ảnh tỉnh Bắc Ninh theo hướng tạo lập ngành mũi nhọn (điện tử) như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc)... nhằm phát huy lợi thế, hình ảnh riêng biệt các KCN Bắc Ninh.

- Tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; quản lý thuế, chống hoạt động chuyển giá, hạch toán "Lỗ công ty con, lãi công ty mẹ".

- Tăng cường giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường và có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp KCN.

- Phối hợp tăng cường công tác an ninh trật tự xã hội trong và vùng phụ cận KCN góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh./.

"Bốn thu": Thu hút đầu tư; Thu hồi đất; Thu hút lao động và Thu ngân sách

STT

Chỉ tiêu

Giai đoạn

2000-2005

Giai đoạn

2006-2009

Luỹ kế đến

tháng 12/2009

1

Suất đầu tư/ha (Tr.USD/ha)

1,53

4,6

3,27

2

Suất đầu tư/DA (Tr.USD/DA)

3,98

10,17

7,74

3

Tỷ lệ lấp đầy/diện tích QH có thể cho thuê (%)

65,23

29,53

42,53

4

Tỷ lệ lấp đầy/diện tích đất thu hồi có thể cho thuê (%)

76,78

47,34

60,22

5

Thu hút lao động/DA đi vào hoạt động (Người/DA)

148,5

243,8

216

6

Thu ngân sách/DA đi vào hoạt động (Tr.đồng/DA)

927,2

5.882,35

4.188,42

Ghi chú: Chỉ tiêu thứ 3 "diện tích quy hoạch" là diện tích quy hoạch chi tiết được phê duyệt

Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Đăng ký kết nối làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh Công ty Tân Phát
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Tỷ giá ngoại tệ