Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,8% trong 6 tháng đầu năm 2022. |
Thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, công tác điều hành đảm bảo nhanh, kịp thời. Các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 đều nhắn tin ngay đến sở ngành, cấp huyện, cấp xã, thôn, khu phố và hơn 6000 Tổ COVID cộng đồng; mạnh dạn triển khai các giải pháp chưa có tiền lệ, phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Bắc Ninh đã bảo vệ được nguồn nhân lực để duy trì sản xuất theo hướng “3 cùng” và phương án “một cung đường, hai điểm đến”, kết hợp nhiều biện pháp khác để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh tổ chức ngay hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Thành lập tổ phản ứng nhanh, mục tiêu là tư vấn doanh nghiệp hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất và chống dịch an toàn nhất. Cùng với đó, chú trọng việc bảo vệ các tập đoàn lớn từ công tác phòng, chống dịch cho đến việc vận chuyển hàng hóa, bảo đảm lực lượng làm việc, càng tạo mức độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội tỉnh thì mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong hoạt động xét nghiệm và phòng, chống dịch đạt 96%; mức độ hài lòng về vận chuyển hàng hóa khoảng 84,85%; mức độ hài lòng bảo đảm lao động 88,17%; mức độ hài lòng về đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc đạt 94,68%.
Vượt qua thử thách, sau 7 tháng năm 2021, chịu tác động 2 đợt dịch tấn công, Bắc Ninh không chỉ đẩy lùi dịch mà còn duy trì, bảo vệ được chuỗi sản xuất và đời sống của công nhân. Các doanh nghiệp cơ bản trở lại bình thường, sản lượng nâng lên. Đơn cử như doanh thu tháng 7 của Samsung tăng lên 1,5 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với tháng 6; của Canon tăng 10 lần so với tháng trước. Các ngành công nghiệp thực phẩm, dược liệu tăng tới 30% so với tháng 6. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng hơn 31% so với tháng 6, xuất khẩu tăng 13%. Tiếp đến, sau 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,7%; xuất khẩu tăng 23,7%; Thu nội địa đạt đạt 73,8% dự toán; Thu hút đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 628 triệu USD…
Linh hoạt trong chỉ đạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, với những giải pháp thực hiện sáng tạo chưa từng có tiền lệ, Bắc Ninh kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân và phát triển sản xuất kinh doanh, không làm gián đoạn chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng toàn cầu đưa kinh tế tăng trưởng vượt kế hoạch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Kết quả năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 6,9% so với năm 2020. Trong đó, quy mô GRDP, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 33,05 nghìn tỷ đồng, vượt 18,6% dự toán năm đứng thứ 8 cả nước, hai chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (đạt 1,5 triệu tỷ đồng) và kim ngạch xuất khẩu (đạt khoảng 45 tỷ USD), cùng với thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước.
Bước tiến mới về chất lượng điều hành, vừa linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”, đồng thời tạo đột phá về cải cách hành chính; triển khai đề án “5 tại chỗ”, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) vượt lên đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 9/63 (tăng 7 bậc); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI duy trì trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất. Bắc Ninh tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới của các dự án trong và ngoài nước đạt 2,2 tỷ USD (cao nhất trong những năm vừa qua). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và điều chỉnh xếp thứ 5 toàn quốc, trong đó có bước đột phá thu hút đầu tư dự án của Công ty Amkor Technology, Inc (Amkor), hình thành cụm ngành công nghiệp điện tử - bán dẫn.
Sang năm 2022, nhận diện rõ những khó khăn ngay từ đầu năm đó là, dịch COVID-19 với biến chủng mới diễn ra trên diện rộng; chiến tranh Nga - Ukraine, ảnh hưởng lạm phát và suy thoái kinh tế trên toàn cầu, tác động mạnh đến Việt Nam là giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao… Bắc Ninh tập trung triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của chủ đề năm 2022: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiểm soát tốt dịch COVID-19; phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”. Tiếp tục xây dựng yếu tố nền tảng, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, lan tỏa cao nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.
Kinh tế Bắc Ninh đang trong giai đoạn khôi phục mạnh mẽ, song những khó khăn phía trước không phải là ít, đó là các rủi ro từ đại dịch COVID-19; áp lực lạm phát gia tăng, các vấn đề chính trị toàn cầu gây áp lực cho các nền kinh tế, nhất là đối với Bắc Ninh, địa phương có nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng thì sức ảnh hưởng càng thể hiện rõ…Trên cơ sở đánh giá toàn diện các yếu tố, tỉnh đã điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 với dự báo mức tăng trưởng có thể đạt từ 8 đến 10%/năm. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế sau đại dịch. Tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp mới sẵn sàng mặt bằng đón nhà đầu tư mới; tăng cường mối quan hệ với các Đại sứ quán một số quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Châu Âu,… để kêu gọi đầu tư. Lựa chọn xúc tiến đầu tư trực tiếp, phù hợp với nhu cầu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển cho năm 2022 và những năm tiếp theo.