Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm cùng các cơ quan chức năng trong Tỉnh và các nhà đầu tư hạ tầng KCN tỉnh Bắc Ninh tại Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và định hướng thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh trong thời gian tới” |
PV: Thưa ông, được biết bên cạnh những thành tích nổi bật trong phát triển các KCN của tỉnh Bắc Ninh thời gian qua, thực tế cho thấy trong quá trình đầu tư, phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Ông có thể cho biết nguyên nhân chủ yếu nào đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KCN của Tỉnh?
Phó Trưởng ban Nguyễn Đức Long: Bên cạnh những kết quả đạt được của các KCN Tỉnh trong thời gian vừa qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh (Ban Quản lý) đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế do khách quan và chủ quan tác động, làm ảnh hưởng lớn công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN và thu hút đầu tư, trong đó có một số nguyên nhân chính là:
Thứ nhất, việc quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển một số KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải điều chỉnh nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, có sự chồng lấn giữa các quy hoạch.
Ví dụ, quy hoạch KCN Nam Sơn-Hạp Lĩnh phải điều chỉnh 03 lần trong giai đoạn từ năm 2014-2018 và việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh, đã dẫn đến quy hoạch khu đô thị chồng lấn lên toàn bộ diện tích quy hoạch KCN Nam Sơn-Hạp Lĩnh. Do vậy, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Nam Sơn-Lạp Lĩnh chưa có cơ sở triển khai thực hiện được, mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Điều này cho thấy công tác xây dựng, lập và quản lý quy hoạch của Tỉnh vẫn còn bất cập, dẫn đến chất lượng quy hoạch không cao, thiếu tầm nhìn tổng thể và dài hạn.
Việc triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển KCN chậm triển khai, chưa thực sự quyết liệt. Điều này, một mặt gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, mặt khác cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai thực hiện đầu tư các dư án hạ tầng KCN; gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh...
Thứ hai, qua rà soát, đối chiếu cho thấy diện tích quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chưa được cập nhật đầy đủ trong chỉ tiêu sử dụng đất KCN của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010-2020.
Cụ thể, chỉ tiêu sử dụng đất KCN quốc gia phân bổ cho tỉnh Bắc Ninh được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 07/5/2018 là 6.298 ha, thấp hơn 99,68 ha so với diện tích quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP19 (6.397,68 ha).
Thứ ba, chất lượng quy hoạch ở một số KCN còn thấp, việc thực hiện quy hoạch chưa triệt để; dẫn đến tình trạng hiện nay tại các KCN còn thiếu các công trình hạ tầng xã hội (như bãi đỗ xe, không có đất làm nhà ở cho công nhân, thiếu các khu vui chơi, giải trí, nhà trẻ...). Đặc biệt là cao độ quy hoạch một số KCN còn thấp, việc tiêu thoát nước còn kém dẫn đến tình trạng mưa to thì xảy ra ngập úng, ảnh hưởng đến việc đi lại của công nhân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN.
Thứ tư, tồn tại một số hạng mục công trình trong các KCN nhiều năm chưa được triển khai xây dựng; Công tác cấp phép xây dựng và quản lý giám sát các công trình xây dựng trong một số KCN vẫn còn tình trạng công trình có sai phạm (như chủ đầu tư triển khai xây dựng trước khi được cấp phép, xây dựng chưa đúng với giấy phép được cấp).
Thứ năm, một số doanh nghiệp chưa ý thức cao về vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, công tác đatm bảo an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuê và cho thuê nhà xưởng còn xảy ra tình trạng xây dựng cơi nới, mở rộng, phát sinh các hạng mục phụ trợ dẫn đến không đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng, xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng vẫn còn tồn tại.
Thứ sáu, ý thức chấp hành pháp luật về công tác bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp còn chưa cao, vẫn còn để xảy ra tình trạng xả thải vượt tiêu chuẩn quy định của pháp luật về Môi trường...
PV: Để giải quyết “Bài toán khó” trên, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã có những giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
Phó Trưởng ban Nguyễn Đức Long: Để tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN. Trước hết, chúng tôi tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách đồng bộ, thực chất và toàn diện.
Trong công tác cải cách hành chính, Ban Quản lý tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã được rút ra trong năm 2021; chú trọng đến công tác cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí việc làm, bố trí sắp xếp lại các vị trí làm việc cho phù hợp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai số hóa, chuyển đổi số gắn với xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin về quản lý các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Cùng với đó, Ban luôn đồng hành và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN. Kịp thời tham mưu cho UBND Tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn Tỉnh; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; Tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng trong các KCN; Quản lý việc sử dụng hiệu quả diện tích đất đã được quy hoạch phát triển các KCN.
Tích cực sáng tạo linh hoạt trong công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư; Chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, đúng trọng tâm, tăng trưởng cả chất và lượng, thu hút được những dự án lớn có tính chất lan toả, phù hợp với tình hình Covid-19 hiện nay; Kiên định thực hiện tiêu chí: ‟hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một khôngˮ. (Hai ít là sử dụng lao động ít, sử dụng đất ít; Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao; Năm sẵn sàng là: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; Một không là không ô nhiễm môi trường).
Kiểm soát tốt dịch bệnh, hỗ trợ nhập cảnh, cách ly lao động là người nước ngoài; Dự báo tốt nhu cầu sử dụng lao động; Phối hợp tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; duy trì hoạt động hiệu quả của tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đường dây nóng... góp phần duy trì ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý môi trường. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về môi trường, 100% doanh nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo tiêu chuẩn.
Đồng thời tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, khôi phục hoạt động trở lại của bộ phận đại diện tại các KCN. Phối hợp với Trung tâm Hành chính công Tỉnh tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình “Một cửa, tại chỗ” ngay tại các KCN nhằm phát hiện kịp thời, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết có hiệu quả những vụ việc phát sinh có vướng mắc ngay tại các doanh nghiệp trong các KCN; Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ được phát hiện và khắc phục kịp thời, không để xảy ra các trường hợp cháy nổ nghiêm trọng xảy ra.
Bên cạnh đó, quan tâm động viên kịp thời các doanh nghiệp KCN, tổ chức phát động các phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp trong KCN; nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất giỏi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tạo động lực phấn đấu để mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
PV: Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Quản lý cần triển khai thực hiện trong thời gian tới?
Phó Trưởng ban Nguyễn Đức Long: Trong thời gian tới, Ban Quản lý xác định một số nhiệm vụ quan trọng cần đẩy mạnh thực hiện đó là:
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra việc quy hoạch và thành lập KCN, cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua, để làm rõ các tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm. Đồng thời đề xuất phương án xử lý các vấn đề phát sinh, trong đó có các văn bản, Quyết định ban hành chưa đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, trình UBND Tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền.
Rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các dự án trong KCN; làm rõ nguyên nhân của việc chưa cập nhật đầy đủ diện tích quy hoạch phát triển các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Nghị quyết số 35/NQ-CP. Trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh các Quyết định đã ban hành, đảm bảo tổng diện tích quy hoạch phát triển các KCN phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp phân bổ cho tỉnh Bắc Ninh.
Giải quyết kịp thời những vướng mắc kiến nghị thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý; đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong các KCN, làm cơ sở xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc trong KCN theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Rà soát triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 17/KL-TTr của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh; rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trong các KCN.
Công nhân đang làm việc tại Nhà máy Samsung Việt Nam, KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
PV: Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh trong công tác quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý có những đề xuất, kiến nghị gì để tỉnh Bắc Ninh quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan và tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ Ban có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị một cách nhanh chóng, hiệu quả?
Phó Trưởng ban Nguyễn Đức Long: Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý và phát triển các KCN theo đúng định hướng của tỉnh Bắc Ninh đề ra, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh mong muốn và đề nghị UBND Tỉnh quan tâm chỉ đạo và thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Một là, chỉ đạo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, chú trọng liên kết giữa các địa phương nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển và phát triển mô hình liên kết theo thế mạnh đặc trưng của mỗi địa phương. Phát triển các khu công nghệ cao trên cơ sở nền tảng của các KCN nhằm khắc phục sự thiếu tập trung, liên kết phát huy hiệu quả cao nhất các công trình đầu tư hạ tầng.
Toàn cảnh KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Hai là, chỉ đạo các địa phương có các KCN tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đang triển khai còn vướng mắc và những dự án mới được thành lập, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư theo đúng kế hoạch; tiếp tục quan tâm đề ra những chính sách thực sự phù hợp theo đúng quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bên ngoài tường rào các KCN và các chính sách ưu đãi của tỉnh đối với nhà đầu tư.
Ba là, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh, các huyện, thành phố, chính quyền địa phương có biện pháp quản lý các bãi rác thải sinh hoạt tự phát trong các khu dân cư xung quanh các KCN, không để xảy ra hiện tượng đốt rác tạo ra khói bụi và mùi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến môi trường, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN.
Bốn là, chỉ đạo Tổng công ty Viglavera - CTCP và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc-CTCP là các đơn vị đầu tư hạ tầng KCN (KCN Quế Võ, KCN Tiên Sơn) sớm hoàn thiện thủ tục thành lập các KCN (KCN Tiên sơn mở rộng, trong đó cập nhật KCN Tân Hồng-Hoàn Sơn; Quế Võ trong đó cập nhật khu phát triển 2; Quế Võ mở rộng trong đó cập nhật khu liền kề 2).
Năm là, cho phép Ban Quản lý tổ chức lại hoạt động của Bộ phận đại diện tại các KCN, gắn với việc thực hiện cơ chế “Một cửa tại chỗ” ngay tại các KCN; bổ sung nguồn lực công chức, viên chức cho Ban Quản lý trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn.
Sáu là, cho phép Ban Quản lý tiếp tục duy trì trở lại việc xác nhận hợp đồng nguyên tắc và xác nhận việc chuyển nhượng đất và công trình trên đất trong các KCN.
Bảy là, bổ sung kế hoạch sử dụng đất cho phát triển KCN trên địa bàn Tỉnh, đặc biệt là đối với huyện Lương Tài./.