Nhất quán quan điểm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng tổ chức nhiều buổi gặp mặt và đối thoại để tiếp tục tìm ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc; trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của tỉnh đã và đang triển khai để các doanh nghiệp đóng góp, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, để linh hoạt thực hiện mục tiêu kép, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức hàng trăm buổi gặp gỡ, đối thoại nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp. Nhất là những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như: giải phóng mặt bằng (GPMB), đất đai, tín dụng, những vấn đề liên quan đến môi trường, lao động… Trong thời gian đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh nửa cuối năm 2021, tất cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp và hơn 40 Tổ Công tác đã đến doanh nghiệp, trực tiếp đối thoại, giải quyết, đưa ra những quyết định “chưa có tiền lệ” tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất.
Nhờ thực hiện tốt công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Sản xuất các sản phẩm điện thoại di động tại Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam (KCN Yên Phong).
Thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp tại địa phương, UBND tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính thường xuyên được thực hiện. Đẩy mạnh triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành; các chính sách, thủ tục hành chính được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử và được niêm yết tại trụ sở các cơ quan, đơn vị để người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện.
Trung tâm Hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố đổi mới hoạt động theo hướng “5 tại chỗ”, tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính công khai, minh bạch và đúng quy định, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng xây dựng, điều chỉnh trên cơ sở rà soát đồng bộ từ các sở, ngành, địa phương, đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trung bình không quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; hạn chế việc hình sự hóa các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Nhà máy Sữa Tiên Sơn (Công ty CP Sữa Việt Nam) tại KCN Tiên Sơn được lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến đối thoại, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ này đạt hiệu quả cao và rõ nét hơn, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, cơ chế, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu; thủ tục hải quan, đăng ký kinh doanh… Để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, việc tổ chức đối thoại cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đổi mới, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Các cơ quan chức năng cần nắm rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nghiên cứu vận dụng những quy định của pháp luật để đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kết thúc đối thoại, thông báo rõ giải pháp tháo gỡ, trách nhiệm cơ quan giải quyết, tiến độ, thời gian giải quyết; tổng hợp các kiến nghị còn tồn đọng giao các cơ quan chức năng giải quyết và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải quyết những nội dung thông báo tại hội nghị đối thoại.
Việc đối thoại với doanh nghiệp thể hiện sự cầu thị, sẵn sàng lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và hiến kế, phối hợp doanh nghiệp để tỉnh có thể đưa ra những quyết sách kịp thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp đổi mới, cải cách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của số đông người dân, doanh nghiệp, vượt qua thách thức hiện tại, đón thời cơ mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển và phục vụ.