Bài 1: Danh thơm muôn thuở còn truyền
Bắc Ninh- Kinh Bắc, nơi truyền thống quyện hòa với hiện đại trong từng hơi thở của sự phát triển. Một miền đất, miền người trù phú, năng động, bật lên sức sống từ những dấu xưa thâm nghiêm của chiều sâu ngàn năm văn hiến. Mạch đất tốt tụ vào đấy, tinh hoa trăm miền họp về đây, thêu dệt nên bản sắc Bắc Ninh- Kinh Bắc đặc trưng không thể trộn lẫn, không thể mai một, tiếp tục lan tỏa trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.
Mạch đất tốt tụ vào đấy...
Bắc Ninh nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, không có núi non trùng điệp, đại ngàn kỳ vĩ nhưng hàm chứa sự thâm nghiêm của một vùng đất cổ hội tụ, giao hòa nhiều nền văn hóa, văn minh, trở thành cái nôi dân tộc Việt.
Từ đầu thời kỳ Bắc thuộc trở về trước, Bắc Ninh-Kinh Bắc đã là một trung tâm đông dân, giàu có của người Việt cổ. Miền đất màu mỡ này sản sinh, chưng cất và nuôi dưỡng văn hóa đặc trưng, đậm bản sắc dân tộc. Nếu bên kia sông Đuống, uy nghiêm lăng mộ Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ; có thành cổ Luy Lâu - Thủ phủ một thời Giao Chỉ, nơi ghi nhận chứng tích đạo Phật và Nho giáo lần đầu đến Việt Nam mà chùa Dâu cùng lăng và đền thờ Sĩ Nhiếp là minh chứng... thì bên này Bắc Đuống có gò đồi Thất Diệu lung linh huyền thoại về An Dương Vương và Cổ Loa thành; có cố hương của các bậc tiên vương triều Lý - triều đại hưng thịnh rực rỡ suốt 216 năm trong lịch sử dân tộc.
Vương triều Lý khai mở nền văn minh Đại Việt khởi đầu từ một quyết định vượt không gian, thời gian của vua Lý Thái Tổ. Năm 1010, với tư duy khoa học, chiến lược của một nhà lãnh đạo tài ba, có ý thức về sự trưởng thành và trường tồn dân tộc, vua Lý Thái Tổ đã ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi là Thăng Long. Từ đây, Đại Việt không còn giữ thế thủ ở đô thành Hoa Lư hiểm trở, chật hẹp mà hiên ngang với một kinh đô giữa đồng bằng cao thoáng để phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, sức mạnh quân sự, để “làm kế cho con cháu muôn vạn đời”. Giới học giả hiện đại đánh giá, đó là một quyết định lịch sử tuyệt đối đúng - trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân. Có lẽ, trên thế giới hiếm có một di sản nào khác thể hiện được tính liên tục lâu dài xuyên thiên niên kỷ như quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ.
Tranh dân gian Đông Hồ, nét văn hóa đặc sắc của Bắc Ninh được bạn bè quốc tế đón nhận tại thành phố Dubai, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhân Ngày Quốc gia Việt Nam tại Triển lãm thế giới (EXPO) 2020.
Bắc Ninh - “mạch đất tốt tụ vào đấy, tinh hoa họp vào đây” nên trở thành một miền quê văn hiến, trù phú, thấm đẫm huyền tích, huyền sử, huyền tình. Những Phật Tích-Lãm Sơn, Tiêu Tương, Tào Khê nước chảy, chùa Bút Tháp, núi Thiên Thai, những làng tranh điệp, hội Lim, những món ngon xứ Bắc, cả những trai Cầu Vồng-Yên Thế, gái Nội Duệ-Cầu Lim tài đảm, đẹp nết đẹp người...
Bắc Ninh-Kinh Bắc, một danh xưng gợi về phẩm chất, cốt cách nghiêm cẩn, tài hoa của người Quan họ; những giá trị văn hóa, lịch sử, một không gian đậm đặc chùa tháp, đình đền, lăng tẩm, lễ hội truyền thống, phong phú loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian và bác học đặc sắc như: Tuồng, chèo, ca trù, trống quân, múa rối nước... mà đỉnh cao là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những làn điệu dân ca vang-rền-nền-nảy, vừa trữ tình, vừa uyên bác mê hoặc lòng người đã vượt khỏi không gian vùng quê Kinh Bắc, vượt sông Cầu, sông Đuống hòa nhập trong dòng chảy văn hóa nhân loại, mãi mãi trường tồn và lan tỏa.
Nhân tài như thể bách hoa
Bởi đất thiêng, người giỏi mà quê hương Bắc Ninh địa linh đời nào cũng có nhân kiệt. Từ thời Hùng Vương thứ 6, Bắc Ninh-Kinh Bắc đã hun đúc nên một “Tứ bất tử của Việt Nam” - Thánh Gióng - người anh hùng của huyền thoại và sử thi. Hình tượng cậu bé Thánh Gióng vụt lớn, đứng lên cưỡi ngựa sắt, nhổ tre ngà đánh đuổi ngoại xâm đã khắc in đậm nét trong những trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà tiền nhân Cao Bá Quát từng cảm khái: “Đánh giặc còn hiềm ba tuổi muộn/ Lên mây chín tầng hận chưa cao”.
Bắc Ninh còn tạc vào tâm thức dân gian và sử xanh dân tộc tên tuổi những vị tướng tài ba, tiêu biểu là Cao Lỗ Vương- tác giả của tòa thành kiên cố Cổ Loa, người đã sáng chế “nỏ thần” Liên Châu đánh tan giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi Âu Lạc. Liên tiếp nhiều thế kỷ sau đó, Bắc Ninh-Kinh Bắc là chiến trường trọng yếu của các cuộc chiến tranh vệ quốc: Lý Thường Kiệt đánh Tống, Trần Quốc Tuấn cản phá quân Nguyên, phần lớn đều dùng biền dũng người Bắc Ninh...
Đền thờ Kinh Dương Vương-Đức Thủy tổ Việt Nam tại xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) là nơi tôn nghiêm, được nhân dân thờ phụng. (Ảnh T.L)
Với truyền thống hiếu học, người Bắc Ninh “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” đã góp tạo cho đất nước những văn thần, võ tướng tài danh. Kể từ Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ đầu kì thi Minh kinh bác học dưới triều Lý (năm 1075), với tài ngoại giao xuất sắc của ông, nhà Tống phải trao trả lại toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng. Đến thời Trần có Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang-người “ném đá ao bèo dọa tướng giặc khiếp sợ”, rồi Nguyễn Thuyên làm thơ Nôm đuổi cá sấu trên sông Thái Bình, có Huyền Quang-Lý Đạo Tái là một trong Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử. Thời Lê có Nguyễn Thiên Tích ba lần đi sứ đều đem lại vẻ vang cho quê hương, có Nguyễn Đăng Đạo định lại được biên giới vùng Tuyên Quang, Nguyễn Công Hãng phá lệ cống tượng người vàng và nước giếng Cổ Loa... Sau này có Nguyễn Tư Giản, Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Cao thời Nguyễn... đều một lòng tận trung với nước.
Gần 1.000 năm khoa cử (1075-1919), người Bắc Ninh-Kinh Bắc đã làm sáng thêm nơi cửa Khổng sân Trình đã giành được vị trí hàng đầu, nhận được sự cảm phục của giới trí thức cả nước. Thời nào Bắc Ninh cũng đào tạo, cung cấp cho đất nước nhiều nhà quản lý, nhà chính trị lỗi lạc, cùng đội ngũ nhân sĩ trí thức nổi tiếng hiểu rộng biết nhiều, có nhãn quan tinh tế nhạy bén, luôn thao thiết góp tạo, cống hiến xây đắp quốc gia hưng thịnh, đúng là “Nhân tài như thể bách hoa/ Hoa sen thơm ngát, hoa trà đẹp tươi”...
Sử gia Phan Huy Chú nhận định: “... Bắc Ninh- Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng từ phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi...” |
Tô thắm truyền thống yêu nước, cách mạng
Cùng chiều dài lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng là dòng chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ người dân Bắc Ninh. Từ rất sớm, những thanh niên, học sinh và trí thức yêu nước của Bắc Ninh đã tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào địa phương. Trong đó có những người đã trở thành lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng, tiêu biểu như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo… cùng triệu triệu người con ưu tú đã ngã xuống, tô thắm lý tưởng cộng sản.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Bắc Ninh là An toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều làng xã thuộc Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du là nơi bao bọc, nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo của Đảng, nơi tổ chức các hội nghị quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thực tiễn cách mạng ở Bắc Ninh làm sáng lên chân lý, Đảng gần dân, tin dân thì dân theo Đảng, bảo vệ Đảng như cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo lúc sinh thời thường nhắc lại lời Tổng Bí thư Trường Chinh: “Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người. Núi đá chưa chắc đã vững chãi bằng núi người”. “Núi người” ở đây chính là hình ảnh thế trận lòng dân. Thông qua sách lược sáng suốt, táo bạo và đầy tự tin khi gây dựng cơ sở cách mạng An toàn khu ở Bắc Ninh, liền kề với Thủ đô Hà Nội vẫn tạo sự an toàn cho cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch.
|
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Ninh với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân ở 10 phủ, huyện trong tỉnh đã được tiến hành nhanh gọn và giành thắng lợi hoàn toàn chỉ trong 5 ngày, từ 17 đến 22-8-1945. Với tâm thế của người làm chủ quê hương, đất nước, nhân dân Bắc Ninh cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, sâu sát của Tỉnh ủy Bắc Ninh, nhân dân trong tỉnh, già trẻ gái trai ra sức bám đất, bám làng, bất chấp giặc càn, bắn phá vẫn vừa sản xuất vừa anh dũng chiến đấu: “Chắt chiu đượm vải quê nhà/Dệt từ Đại Mão gửi ra chiến trường/Giặc Tây đánh phá xóm làng/Phá làm sao nổi canh tràng tiếng thoi”...
Chính từ thực tiễn chiến đấu gian khổ, sáng tạo, mưu trí của quân và dân Bắc Ninh thông qua các chiến dịch “Tổng giải tán hội tề” hay chiến thắng Cầu Khoai, Cầu Đào... ở Nam phần Bắc Ninh là cơ sở nền tảng sinh động giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc rút kinh nghiệm quý báu về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và chỉ đạo kháng chiến.
Bằng nhiều hình thức chỉ đạo tác chiến phù hợp, sáng tạo, đi từ làng chiến đấu lên khu du kích, từ các đội tự vệ, dân quân, du kích đến đoàn chủ lực địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp đánh hơn 4500 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hơn 24 nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng quê hương, góp phần làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tháng 9-1947, tại Hội nghị quân sự lần thứ tư, sau khi nghe báo cáo “Những hiện tượng mới về cuộc chiến đấu của ta ở vùng đất bị chiếm đóng Nam phần Bắc Ninh”, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói “... Như một trang sách mới mở ra trước mắt tôi” và ngay sau đó, đồng chí đã quyết định phát động chiến tranh du kích...” (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (1926-2008), NXB Chính trị Quốc gia)
|
Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bắc Ninh vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, quân và dân ra sức thi đua lao động sản xuất để chi viện cho miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, đồng thời kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Từ 1965 - 1972 trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 454 trận đánh địch; bắn rơi 162 máy bay Mỹ; diệt và bắt sống 92 giặc lái...
Từ ngày có Đảng lãnh đạo, Bắc Ninh luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng, là nơi cung cấp sức người, sức của cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Bắc Ninh nhiều tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc. Hiếm có vùng đất nào được vinh dự đón Bác Hồ về thăm 18 lần như Bắc Ninh.
Ngay trong những ngày đầu tiên của nền dân chủ cộng hoà, dù đang bộn bề công việc kiến quốc cấp bách trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian về thăm quê hương nhà Lý và căn dặn đồng bào hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Liên tiếp nhiều lần sau đó, đất Bắc Ninh được in dấu chân Bác, người Bắc Ninh được trực tiếp gặp Bác và nghe Bác huấn thị.
Ngày 26-7-1960, khi về thăm đê Thống Thượng (xã Việt Thống, Quế Võ), Bác xắn quần rồi xuống sát mép nước sông Cầu, di chân vào một mạch sủi đã được dân làng đánh dấu và ân cần hướng dẫn dân quân hộ đê: “Những chỗ dò thấm qua thân đê như thế này người canh đê phải thật chú ý kiểm tra phát hiện sớm, đề phòng, kịp thời báo cáo, khi nước lên to sẽ rất nguy hiểm”... Đọng lại trong ký ức bao lớp người Bắc Ninh là những hình ảnh giản dị, gần gũi với tiếng nói ấm áp thân thương, trìu mến, chứa đựng sự quan tâm sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại đã dành trọn cuộc đời vì nước, vì dân... |
Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa.
Nhìn mới, nghĩ mới và làm mới
Bản lĩnh, ý chí cùng sự năng động, sáng tạo của người Bắc Ninh lại một lần nữa được “thử lửa” và khẳng định trong hành trình đổi mới. Sự hài hòa giữa ý Đảng lòng dân đã tạo thời cơ cho Bắc Ninh kết hợp được cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Từ đó, “đánh thức” phẩm chất năng động, sáng tạo, nhạy bén trong mỗi người dân với những cách nghĩ mới, nghe mới, nhìn mới và làm mới, nhờ thế đã đem đến một sức vóc, diện mạo mới cho quê hương.
Vốn là vùng đất điển hình của những làng tiểu nông đa canh, đa nghề với chủ nhân là người nông dân Bắc Ninh vừa thạo làm ruộng vừa sành nghề thủ công, lại hoạt bát, năng động trong giao thương buôn bán. Làng xã Bắc Ninh vì thế không khép kín tĩnh lặng, mà luôn sôi động hoạt động kinh tế, văn hóa trong mối liên kết với các làng xã trong vùng, trong nước và mở mang ra thế giới. Những nghệ nhân, thợ giỏi ở các làng nghề truyền thống có nhiều sáng kiến, tìm tòi nguyên liệu, mở rộng thị trường, tiêu biểu như dệt, thêu ren, đúc đồng, mây tre, chạm bạc, chạm gỗ với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ...
Khắp nơi trong tỉnh nhộn nhịp hoạt động nông công thương, phong phú các công trình phúc lợi, văn hóa làng, xã được bảo tồn, đậm đặc quần thể văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, các nghi lễ, phong tục văn hóa truyền thống và nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được cộng đồng trân trọng thực hành, gìn giữ...
Sức vóc, thành quả, tiềm lực của Bắc Ninh hôm nay hiển hiện dấu ấn chồng xếp của quá khứ- hiện tại, của lớp lớp thế hệ dày công vun đắp... Sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Bắc Ninh qua 25 năm tái lập tỉnh khiến nhiều người liên tưởng đến sức vươn Phù Đổng. Đó là hành trình bắt đầu từ một vết chân lớn, trải qua tháng năm thai nghén hạnh phúc và vất vả, đợi chờ và hy vọng của người mẹ Kinh Bắc, để cùng với sự chung sức, chung lòng, chung khát vọng của toàn dân đã rèn đúc, nuôi dưỡng cậu bé Gióng trưởng thành, vươn vai vụt lớn với sức mạnh phi thường như thế!...