Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã rút khỏi thị trường vì gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Theo Sở KH-ĐT, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 322 DN, đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh đăng ký giải thể giải thể (tăng 38,8% so với cùng kỳ); hơn 1500 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 46,2%. Chưa kể đến hàng nghìn DN, đơn vị trực thuộc tạm dừng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh mà không thông báo với cơ quan chức năng. 2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 938 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký giải thể và tạm ngừng hoạt động (trong khi chỉ có 521 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thành lập mới và 206 đơn vị đăng ký hoạt động trở lại).
Dự kiến tình hình khó khăn có thể sẽ kéo dài đến Quý III- 2023, do đó các DN phải có giải pháp phù hợp để duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN cho hay, họ đang phải cố gắng cầm cự, chấp nhận sản xuất đơn hàng hoặc kinh doanh không lợi nhuận để vượt qua thời điểm này và hy vọng thời gian tới tình hình sẽ khá hơn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH May Hoàng Nam (huyện Quế Võ) chia sẻ: “Công ty có hơn 30 lao động, chuyên may gia công một số chi tiết cho các công ty sản xuất quần áo xuất khẩu. Hoạt động 5 năm, nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện tại. Hơn 3 tháng nay, Công ty không nhận được đơn hàng nên đã tạm dừng hoạt động, đợi qua năm sau tình hình kinh tế khá hơn, có đơn hàng trở lại mới tiếp tục khôi phục sản xuất”.
Sản xuất bao bì carton tại Công ty Cổ phần Giấy Liên Việt (Tiên Du).
Thống kê cho thấy, các DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động kinh doanh có ngành nghề đa dạng như: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, chế biến nông sản, xây dựng... Những DN trên hầu hết có quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5-30 người, vốn ít nên gặp khó khăn trong vài tháng liền rất khó trụ nổi, vì không kham được chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động.
Tuy có nhiều DN phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, nhưng năm 2022, vẫn có hơn 2.700 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy cơ hội và thách thức luôn đan xen, vẫn có nhiều DN tìm ra thời cơ để phát triển sản xuất kinh doanh. Dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động, khó khăn đến giữa năm 2023, các DN phải có những giải pháp riêng để phục hồi và phát triển.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Thành cho biết: “Trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, giúp DN tìm thêm các đối tác cung ứng hàng hóa cho nhau và mở rộng xuất khẩu. Sở đề xuất UBND tỉnh bố trí thêm nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, giúp DN vừa và nhỏ trong nước quảng bá sản phẩm, tăng lượng tiêu thụ trong nước, xuất khẩu... Như vậy, DN sẽ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với những thị trường dự tính sẽ đưa hàng hóa vào”.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí. Cùng với đó giúp DN tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước như: Giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu, giảm tiền điện (những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh) tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi và phát triển.