Chi phí thời gian là một trong những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Kết quả phân tích cụ thể cho thấy, thực trạng chi phí thời gian của các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh cải thiện ở khá nhiều chỉ tiêu: doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký tăng từ 73,15% lên 77,78%; cán bộ công chức thân thiện tăng từ 81,51% lên 82,35%. Nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các giấy tờ, Trung tâm Hành chính công tỉnh phối hợp các sở, ngành rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục mang tính chất liên thông. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh còn 1.396, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí thời gian của các tổ chức, cá nhân trong công việc. Cùng với đó, tích cực triển khai thực hiện phương châm 5 tại chỗ và quy trình điện tử góp phần đơn giản hóa, hợp lý hóa, tiện lợi, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho cả đơn vị giải quyết và công dân, tổ chức tham gia giao dịch.
Điểm số tính năng động của Bắc Ninh có nhiều cải thiện khi đạt 7,27 điểm, tăng 0,72 điểm so năm 2020 và tăng 11 bậc từ thứ hạng 23 (năm 2020) lên thứ hạng 12 (năm 2021). Riêng tính năng động tiên phong (linh hoạt, sáng kiến) của lãnh đạo tỉnh cao nhất từ trước tới nay và thuộc nhóm cao nhất nước, là năm đầu tiên tạo ra chuyển động hệ thống mạnh mẽ hơn trong thực thi ở cấp dưới. Bên cạnh đó, chỉ số Tính minh bạch cũng có sự cải thiện đáng kể. Năm 2021, Chỉ số Tính minh bạch của Bắc Ninh cải thiện ở hầu hết các chỉ tiêu so với năm 2020; cụ thể: khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch tăng từ 2,60 lên 2,65; Thông tin mời thầu được công khai tăng từ 41,38% lên 84,62%…
Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển. Ảnh: Sản xuất phụ kiện ĐTDĐ tại Công ty CP CrucialTec Vina (KCN Yên Phong).
Trong khuôn khổ Hội thảo cải thiện các chỉ số về quản trị và điều hành địa phương được UBND tỉnh phối hợp tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, để đạt được những kết quả trên, những năm qua, Bắc Ninh tập trung cải cách hành chính. Đặc biệt, vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và các huyện, thành phố, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính của từng ngành, thực hiện tốt mô hình “một cửa liên thông hiện đại” ở cấp huyện, các ngành cấp tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính, công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương. Nhờ vậy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã có những cải tiến mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hướng đến vì người dân, doanh nghiệp. Ông Trần Văn Sỹ, đại diện Công ty Goertek Vina (KCN Quế Võ) nhận xét, chỉ số PCI của Bắc Ninh trong những năm qua đã phản ánh chất lượng cải cách hành chính, đổi mới của tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh thực sự chủ động, sáng tạo và quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh; giúp các doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng đầu tư, phát triển sản xuất.
Mặc dù đạt được sự cải thiện đáng kể trong môi trường kinh doanh, nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính… song nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh ở Bắc Ninh vẫn còn những vấn đề cần đặt ra. Cụ thể như năm 2021, điểm số Tiếp cận đất đai của Bắc Ninh đạt 7,14 điểm, tăng 0,07 điểm so năm 2020, tuy nhiên giảm 15 bậc từ thứ hạng 13 (năm 2020) xuống thứ hạng 28 (năm 2021). Hoặc diễn biến cải thiện điểm chỉ số thành phần Chi phí không chính thức của Bắc Ninh cho thấy, giai đoạn 2015-2017 là giai đoạn cải thiện điểm khi tăng lên 5,90 điểm; đến năm 2018 có sự sụt giảm điểm số thứ hạng, song năm 2019 lại vương lên và năm 2020 đạt thứ hạng 4/63 địa phương.
Năm 2022, những thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh Bắc Ninh đề ra từ rất sớm. Với quyết tâm xây dựng chính quyền lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ, mục tiêu tỉnh Bắc Ninh đề ra là cần cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của các chỉ số chính. Một trong những giải pháp quyết liệt nâng cao chỉ số PCI là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy các sáng kiến mới, tạo chuyển động trong cả hệ thống để thực thi tốt tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh ở cấp dưới. Riêng đối với những chỉ số thành phần giảm điểm, tỉnh yêu cầu các ngành tập trung giải quyết có hiệu quả những vướng mắc về đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan… nhằm xây dựng hình ảnh cơ quan nhà nước thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.