Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, với tổng diện tích 6.397,68ha. Trong đó có 10 khu đi vào hoạt động, diện tích trung bình một KCN là 399 ha. Tuy là tỉnh có diện tích nhỏ, nhưng tổng diện tích các KCN cũng như quy mô trung bình 1 KCN đều ở mức cao, chỉ đứng sau Quảng Ninh và Hải Phòng (trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc). Các KCN của Bắc Ninh được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo sức hấp dẫn, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực. Trong đó chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (phần lớn là công nghiệp điện tử), với tổng số dự án đã thu hút được là 1.767 (trong nước là 563 dự án, FDI là 1.204 dự án). Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 23,042 tỷ USD (trong nước là 66.783,07 tỷ đồng tương đương 3,113 tỷ USD; FDI là 19,929 tỷ USD), đưa Bắc Ninh vươn lên đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút.
Hàn Quốc là quốc gia có quy mô vốn đầu tư lớn nhất vào tỉnh Bắc Ninh với hơn 950 dự án, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt khoảng 14 tỷ USD, chiếm 62% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh. Những dự án lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Bắc Ninh là các dự án của Tập đoàn Samsung, Intops, Hanwha Techwin, Amkor... Điều đáng nói đó là mỗi KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạt nhân đại diện những tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới như Canon, Samsung, Foxconn, amkor... kéo theo hệ thống các nhà đầu tư vệ tinh cả trong và ngoài nước, tạo giá trị gia tăng cao. Do đó, giá trị sản xuất các KCN hàng năm chiếm khoảng 80-87% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hơn 80% sản lượng kinh tế của tỉnh đến từ sản xuất công nghiệp, với các sản phẩm chính là điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất). Với sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư quốc tế ngành công nghiệp điện, điện tử đem lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho Bắc Ninh.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, tiết giảm sản xuất, song giá trị sản xuất trong các KCN Bắc Ninh vẫn đạt 1,26 triệu tỷ đồng (chiếm 84% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh). Đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 12.530 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch 9% và chiếm 40,27% số thu ngân sách toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu đạt 38,5 tỷ USD, chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; nhập khẩu đạt 27,4 tỷ USD, chiếm 66,34% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
Công nghiệp điện, điện tử chiếm khoảng 75% tổng giá trị sản xuất.
Hiện nay có 1.170 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp này đã tạo ra giá trị sản xuất là 691.05 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 20,55 tỷ USD, tăng 27% so cùng kỳ và chiếm 84,56% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 16,85 tỷ USD, tăng 44% so cùng kỳ. Tuy nhập khẩu tăng mạnh song cán cân thương mại vẫn dịch chuyển theo hướng xuất siêu với giá trị đạt gần 3,7 tỷ USD. Trong tổng số thu ngân sách toàn tỉnh đạt 16.532 tỷ đồng, thì các KCN đóng góp tới 6.538 tỷ đồng (tăng 26% so cùng kỳ).
Cùng với tạo giá trị gia tăng sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế địa phương, các KCN còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa để chủ động tham gia các chuỗi cung toàn cầu. Đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Lực lượng lao động làm việc ở những vị trí yêu cầu chuyên môn cao có xu hướng gia tăng mạnh hơn so với những ngành nghề chỉ yêu cầu trình độ giản đơn. Các KCN Bắc Ninh đang sử dụng 323.400 lao động, trong đó lao động địa phương là 87.795 người (chiếm 27,1%), lao động nữ là 181.720 người (chiếm 56,2%), lao động nước ngoài 6.382 người (chiếm 1,97%). Thu nhập bình quân chung của người lao động là 8,75 triệu đồng/người/tháng (lao động gián tiếp 9,5 triệu đồng/người/tháng; lao động trực tiếp 8 triệu đồng/người/tháng).
Theo Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Nguyễn Văn Phúc, trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển các KCN, bối cảnh quốc tế và trong nước, tính tới các điều kiện các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô Hà Nội và nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Vì vậy, định hướng thu hút đầu tư vào KCN Bắc Ninh trong thời gian tới sẽ tập trung vào các ngành cơ khí chính xác, ô tô, hóa mỹ phẩm, điện, điện tử (đồ điện gia dụng), công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt chú trọng các ngành nghề đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Ban Quản lý các KCN tiếp tục tham mưu với tỉnh, tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư vào KCN thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp. Tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, chủ động nắm bắt tình hình và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KCN trong quá trình hoạt động; phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ phản ứng 3 nhất” và thực hiện “5 sẵn sàng” (mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch). Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhằm xây dựng và phát triển các KCN gắn với khu đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ, là điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.