Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp Bắc Ninh
13:58 12/11/2010
Bắc Ninh với lợi thế gần thủ đô Hà Nội, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam nên ngay từ khi tái lập tỉnh đã khẳng định trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội là tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các KCN, cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc xây dựng và phát triển các KCN được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, được cụ thể hoá qua quá trình triển khai các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết 04/NQ/TU ngày 25/5/1998; Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 03/02/2000; Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 04/5/2001 khoá XVI và 02-NQ/TU ngày 29/5/2006 khoá XVII của BCH Đảng bộ tỉnh), xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng thời kỳ nhất định.

Bắc Ninh với lợi thế gần thủ đô Hà Nội, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam nên ngay từ khi tái lập tỉnh đã khẳng định trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội là tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các KCN, cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc xây dựng và phát triển các KCN được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, được cụ thể hoá qua quá trình triển khai các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết 04/NQ/TU ngày 25/5/1998; Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 03/02/2000; Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 04/5/2001 khoá XVI và 02-NQ/TU ngày 29/5/2006 khoá XVII của BCH Đảng bộ tỉnh), xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng thời kỳ nhất định.

Để triển khai xây dựng các KCN, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 152/1998/QĐ-TTg ngày 25/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ đầu tiên là tham mưu với UBND tỉnh lập quy hoạch KCN Tiên Sơn, chỉ đạo Chủ đầu xây dựng cơ sở hạ tầng KCN. Kết quả là KCN Tiên Sơn được khởi công xây dựng tháng 12/2000, là điểm đột phá đánh dấu sự phát triển các KCN Bắc Ninh cả về quy mô và chất lượng. Sau 10 năm hoạt động tích cực với sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và trực tiếp từ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, hoạt động của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Khi mới thành lập Ban quản lý các KCN Bắc Ninh chỉ có 11 cán bộ, công chức với 03 đơn vị chuyên môn (Văn phòng, Phòng quản lý đầu tư, Phòng quản lý quy hoạch và môi trường), thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo quy định tại Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ. Sự phát triển các KCN đòi hỏi hoạt động của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hoàn thiện về bộ máy tổ chức, tăng cường nâng cao công tác quản lý Nhà nước để vận hành hoạt động KCN được thông suốt, đạt hiệu quả cao. Bộ máy tổ chức Ban quản lý các KCN từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp hoá, phân công bố trí cán bộ đủ năng lực để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trên cơ sở thành lập mới các phòng chuyên môn (Phòng quản lý doanh nghiệp tháng 4/2000; Trung tâm dịch vụ KCN tháng 10/2001; Năm 2004 tiếp tục thành lập Phòng quản lý lao động; Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Văn phòng đại diện KCN Tiên Sơn). Cùng với việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được thành lập, kiện toàn và phát triển (Năm 2000 thành lập Chi bộ Ban quản lý các KCN với 03 đảng viên đến năm 2008 thành lập Đảng bộ Ban quản lý các KCN với 32 đảng viên).

Sau có khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX và KKT, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 09/5/2008 v/v quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh. Đến nay, bộ máy tổ chức Ban quản lý các KCN Bắc Ninh có 08 đơn vị chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, Phòng quản lý đầu tư, Phòng quản lý quy hoạch và xây dựng, Phòng quản lý môi trường, Phòng quản lý doanh nghiệp, Phòng quản lý lao động, Phòng đại diện các KCN) và 01 Trung tâm dịch vụ KCN với tổng số biên chế là 36 người. Trình độ chuyên môn: 04 Thạc sỹ; 29 đại học; 03 cao đẳng, trung cấp; tuổi đời bình quân: 34; Đảng viên 32 đ/c, trong đó 29 chính thức và 03 dự bị. Về trình độ lý luận: Cử nhân chính trị 01 đ/c, cao cấp chính trị 04 đ/c, trung cấp chính trị 05 đ/c, sơ cấp 22 đ/c.

Trong các năm qua Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997. Theo quy định, các Bộ, ngành TW đã uỷ quyền cho Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư cho các dự án FDI vào KCN Bắc Ninh đến 40 tr.USD; Bộ Thương mại uỷ quyền phê duyệt kế hoạch xuất, nhập khẩu và quản lý hoạt động thương mại; Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội uỷ quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, phê chuẩn nhân sự chủ chốt của các doanh nghiệp FDI; Bộ Xây dựng uỷ quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án vốn ĐTNN nhóm A có quy mô nhỏ, nhóm B và C; Bộ Tài chính uỷ quyền chấp thuận chế độ kế toán; UBND tỉnh uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư các dự án trong nước…

Để thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền và những nhiệm vụ quản lý Nhà nước khác đối với các KCN, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý đối với KCN như: Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với KCN Bắc Ninh; Quy định thủ tục hồ sơ, quy chế phối hợp thẩm định hồ sơ dự án cấp Giấy phép đầu tư vào KCN; các Điều lệ quản lý KCN, quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết KCN… Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã phối hợp các Sở, ban, ngành để ban hành các quy chế phối hợp thực hiện từng lĩnh vực quản lý cụ thể đối với KCN. Hiện Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đang bám sát thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo tinh thần nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT.

Theo đó Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã thực hiện tốt cơ chế "một cửa, tại chỗ", cải cách các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định nhưng thông thoáng, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, giám sát tình hình thực hiện dự án, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp suốt vòng đời dự án. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với KCN. Do thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được UBND tỉnh chọn làm một trong 8 đơn vị làm điểm về xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và được cấp chứng nhận vào cuối tháng 12/2007 với 43 quy trình, quy định chính thức ban hành triển khai thực hiện. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã được UBND tỉnh ra Quyết định xếp hạng I ngày 11/01/2008. Đây là kết quả phấn đấu rất nỗ lực của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, đánh dấu giai đoạn mới trong công tác xây dựng cơ quan gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển các KCN Bắc Ninh.

Hoạt động của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh trong những năm qua đạt được thành tích thi đua khen thưởng như sau:

- Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3 năm 2005.

- Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2003 và 2006; Bằng khen năm 2003.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng cờ thi đua năm 2004, 2005 và 2007; Bằng khen năm 2002.

- UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2001; 2003; 2005; Cờ thi đua năm 2007.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng bằng khen 04 đơn vị trực thuộc Ban quản lý các KCN Bắc Ninh các năm 2004÷2007; 12 Cá nhân được tặng bằng khen từ năm 2003÷2007.

- UBND tỉnh tặng bằng khen cho đơn vị trực thuộc Ban quản lý các KCN Bắc Ninh năm 2000 (01); 2001 (02); 2002 (02); 2003 (02); 2004 (02); 2005 (02); 2006 (02); 2007 (02). Cá nhân được tặng bằng khen năm 2000 (03); 2001 (03); 2002 (02); 2003 (03); 2004 (04); 2005 (04); 2006 (04); 2007 (03).

Từ năm 2000÷2007 các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội luôn đạt trong sạch, vững mạnh.

Với bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từng bước được củng cố, kiện toàn và hoàn thiện đã xây dựng tập thể Ban quản lý các KCN Bắc Ninh ngày càng lớn mạnh đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tích đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình CNH, HĐH. Những thành tựu được thể hiện trên các mặt sau:

* Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các KCN:

Ban đầu KCN Tiên Sơn được thành lập theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 19/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích phê duyệt giai đoạn I: 134ha và khởi công tháng 12/2000. Đến nay có 10 KCN với tổng diện tích 6.459ha (KCN 5.475ha và Khu đô thị 984ha) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QQĐ-TTg ngày 21/8/2006 quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó: 04 KCN đã đi vào hoạt động (Tiên Sơn, Quế Võ I, Đại Đồng – Hoàn Sơn, Yên Phong I); 02 KCN mới khởi công xây dựng (VSIP Bắc Ninh, Quế Võ II); 03 KCN đang đền bù và chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng (Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Đại Kim, Yên Phong II); 01 KCN đang khảo sát, lập quy hoạch (Thuận Thành I). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ ngày 07/7/2008 phê duyệt bổ xung 6 KCN với diện tích 1.423,9ha nâng tổng số các KCN Bắc Ninh đến năm 2015¸ 2020 lên 16 KCN với diện tích 6.759ha đất công nghiệp. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 950ha đất đô thị đi liền với các KCN (VSIP Bắc Ninh 200ha; Yên Phong II 200ha; Nam Sơn - Hạp Lĩnh 200ha; Đại Kim 350ha). Các KCN dự kiến quy hoạch thành lập mới, mở rộng đến năm 2020 gồm: Gia Bình 200ha; Thuận Thành II 250ha; Thuận Thành III 300ha; Từ Sơn 300ha; Quế Võ III 200ha; Hanaka 74ha. Tỉnh chủ trương quy hoạch khoảng 500ha đất đô thị đi liền các KCN này.

Công tác quy hoạch các KCN luôn đi trước một bước, quy hoạch mang tính tổng thể, mô hình phát triển KCN gắn liền với Khu đô thị dân cư và dịch vụ kèm theo để phát triển thành Đô thị công nghiệp, đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, đảm bảo sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững các KCN. Về mặt phân bố các KCN đã tham gia vào việc thực hiện phân vùng kinh tế giữa phía Bắc sông Đuống (phát triển công nghiệp và dịch vụ) và phía Nam sông Đuống (phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá cao sản). Để khắc phục sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh đã quy hoạch một số KCN phía Nam tỉnh (04 KCN) phục vụ chủ yếu làm đòn bầy kích thích và hỗ trợ nông nghiệp nông thôn phát triển. Việc quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các KCN theo đúng trình tự, tạo mặt bằng có hạ tầng tốt, đón bắt được cơ hội, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tạo nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn với tỷ lệ lấp đầy bình quân chung 04 KCN đi vào hoạt động 73,5%, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng KCN đạt trên 50%.

* Công tác xúc tiến đầu tư:

Đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước, tạo nguồn vốn đầu tư quan trọng đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư có những bước phát triển vượt bậc cả về hình thức, quy mô và chất lượng dự án. Nếu như giai đoạn từ năm 2000¸ 2005 thu hút được 162 dự án với tổng vốn đăng ký 604,22 tr.USD, thuê 465,2ha đất công nghiệp, đạt 1,3 tr.USD/ha và 3,73 tr.USD/dự án, hình thức vốn đầu tư chủ yếu dự án đầu tư trong nước (127 dự án với tổng vốn đăng ký 429,46 tr.USD, chiếm 78,4% số dự án và 71,1% vốn đăng ký). Thì từ năm 2006 đến nay thu hút được 148 dự án với tổng vốn đăng ký 1.828,97 tr.USD, thuê 294,58ha đất công nghiệp, đạt 6,2 tr.USD/ha và 12,36 tr.USD/dự án, hình thức vốn đầu tư chủ yếu dự án đầu tư nước ngoài (86 dự án với tổng vốn đăng ký 1.540,74 tr.USD, chiếm 58,1% số dự án và 84,24% vốn đăng ký). Như vậy, tính đến 30/6/2008 đã thu hút được 310 dự án với tổng vốn đăng ký 2.433,19 tr.USD, thuê 759,78ha đất công nghiệp, đạt 3,2 tr.USD/ha và 7,85 tr.USD/dự án, hình thức vốn đầu tư chủ yếu dự án đầu tư nước ngoài (121 dự án với tổng vốn đăng ký 1.715,5 tr.USD, chiếm 39% số dự án và 70,5% vốn đăng ký). Tỷ lệ vốn đầu thực hiện bình quân đạt trên 40%.

Đặc biệt đã thu hút được một số dự án đầu tư hạ tầng KCN lớn: VSIP Bắc Ninh (Singapore), Tập đoàn ORIX (Nhật Bản), Tập đoàn IGS (Hàn Quốc), Foxconn (Honghai)… Đã chuyển hướng xúc tiến đầu tư theo chuỗi (các tập đoàn lớn và cụm các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, nhà đầu tư tài chính) để kéo theo nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác tạo giá trị gia tăng cao, thay thế hình thức xúc tiến đơn lẻ trước đây. Các dự án lớn (FDI) gần đây chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông công nghệ cao của các tập đoàn Canon 2 dự án, Sumitomo, Foxconn, Samsung, Longtech, Mitac… là cơ sở định hướng phát triển nghành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

* Công tác quản lý đối với doanh nghiệp KCN:

Tổng hợp giai đoạn từ năm 2000¸ 2005 có 55 dự án đi vào hoạt động (42 dự án đầu tư trong nước, 13 dự án đầu tư nước ngoài), giá trị SXCN năm 2005 đạt 1.800 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 19,1 tr.USD, nộp ngân sách 51 tỷ đồng. Đến nay đã có 135 dự án đi vào hoạt động, giá trị SXCN 6 tháng đầu năm 2008 đạt 5.049,2 tỷ đồng (chiếm trên 50% giá trị SXCN toàn tỉnh), nộp ngân sách đạt 159,45 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 246 tr.USD. Trong số dự án đi vào hoạt động phải kể đến dự án có vốn đầu nước ngoài chỉ chiếm 38,2% tổng số dự án, 70,35 tổng vốn đăng ký, 40% dự án đi vào hoạt động nhưng đóng góp trên 86% giá trị SXCN và 96% giá trị xuất khẩu.

Các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ kỹ thuật cao, quy mô đầu tư lớn vào các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông… đã tạo ra hình ảnh mới đối với các KCN Bắc Ninh, tạo sự cân bằng giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đảm bảo sự phát triển ổn định của các KCN. Theo tốc độ tăng bình quân đến năm 2010 giá trị SXCN chiếm 65¸ 70% giá trị SXCN toàn tỉnh (14.078 tỷ đồng), giá trị xuất khẩu đạt 800¸ 900 tr.USD (chiếm 85¸ 90% toàn tỉnh), các KCN từng bước khẳng định vị trí, vai trò chủ yếu quyết định sự phát triển và tăng trưởng kinh tế công nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên còn tồn tại một số dự án đầu tư vào các KCN không đủ năng lực, triển khai chậm tiến độ theo cam kết, hoạt động kém hiệu quả và vi phạm các chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tăng cường rà soát, kiểm tra và loại bỏ các dự án trên. Đến thời điểm 30/6/2008 đã thụ lý hồ sơ thu hồi 37 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 86,62 tr.USD (30 dự án đầu tư trong nước; 7 dự án đầu tư nước ngoài). Các dự án thu hồi GCNĐT chủ yếu tập trung thời kỳ đầu xây dựng các KCN, quan tâm nhiều đến số lượng dự án đầu tư, chưa có điều kiện lựa chọn dự án đầu tư tốt, chủ yếu dự án đầu tư trong nước nên chất lượng dự án thấp (28 dự án cấp GCNĐT từ năm 2001÷2005; 9 dự án cấp GCNĐT sau năm 2005). Việc thu hồi do các nguyên nhân chủ yếu sau: Dự án quy mô nhỏ, năng lực thấp, không có khả năng đầu tư dẫn đến triển khai dự án chậm tiến độ so với cam kết; dự án xác định mục tiêu đầu tư dàn trải, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp dẫn đến hoạt động cầm chừng, phải chuyển sang cho thuê nhà xưởng hoặc chuyển nhượng tài sản trên đất cho nhà đầu tư khác; dự án hoạt động kinh doanh không lành mạnh, chiếm đất với diện tích lớn nhằm mục đích đầu cơ trục lợi, gây lãng phí nguồn lực về đất đai, nhà xưởng, lao động và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư trong KCN.

* Công tác quản lý lao động:

Nếu như giai đoạn từ năm 2000¸ 2005 tổng số lao động làm việc tại các KCN là 8.168 người (lao động địa phương chiếm 52%). Đến nay số lượng lao động làm việc tại các KCN là 26.049 người (lao động địa phương chiếm 42%). Việc cung cấp lao động cho các doanh nghiệp KCN đang gặp mâu thuẫn khó tuyển dụng, đó là thiếu lao động kỹ thuật, có tay nghề trong khi số lao động cần tạo công ăn việc làm còn rất dư thừa.

Phân tích cơ cấu lao động cho thấy: Theo ngành nghề thì lao động ngành điện, điện tử chiếm tỷ lệ cao nhất (26,5%); theo độ tuổi chủ yếu từ 18¸ 25 chiếm 70%; theo trình độ chủ yếu lao động phổ thông (80%), lao động quản lý có trình độ cao đẳng đại học trở lên (10,3%). Chất lượng nguồn lao động tại Bắc Ninh đã được nâng cao nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn: Lao động tốt nghiệp PTTH chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, mang nặng phong cách lao động làng nghề, chưa đáp ứng được những yêu cầu của công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại của doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề chỉ tập trung đào tạo đại trà, chưa tập trung đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Do vậy số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên còn ít, thiếu lực lượng công nhân lành nghề về điện tử, khuôn mẫu, cơ khí, xây dựng… trong khi các chuyên ngành kinh tế, khoa học xã hội và lao động phổ thông thừa nhiều.

Tỷ lệ lao địa phương đang có xu hướng giảm dần từ 52% năm 2005 xuống 50% năm 2006, 42,4% năm 2007 và 42% trong 6 tháng đầu năm 2008, dự báo sự biến động giảm lao động địa phương sẽ tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển các KCN. Lao động địa phương tính kỷ luật chưa cao, hay tự ý bỏ việc vào các dịp lễ tết; nhiều vụ việc mất cắp, gây rối tại doanh nghiệp hầu hết do lao động địa phương gây ra.

Lao động ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ 58%, là lực lượng cần thiết bổ sung phần thiếu về lượng và chất, rất cần nghiên cứu thu hút với tỷ lệ lao động hợp lý để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững KCN. Lao động ngoại tỉnh thường phải sống và làm việc trong điều kiện rất khó khăn, phải thuê nhà ở khu vực xung quanh KCN với điều kiện sống tạm bợ. Việc triển khai xây dựng nhà ở cho người lao động nhìn chung rất chậm, nhiều KCN chưa triển khai, một phần chủ đầu tư KCN chưa mạnh dạn đầu tư vốn nhiều sợ thu hồi vốn chậm và triển khai thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhiều doanh nghiệp nhận thức cần thiết phải lo nhà ở cho người lao động nhưng do khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất… nên chưa triển khai được.

Việc thực hiện các chính sách pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp KCN nhất là các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp xử lý kỷ luật, sa thải công nhân một cách tuỳ tiện, trái pháp luật. Nhiều doanh nghiệp chưa ký kết thoả ước lao động tập thể hay hợp đồng lao động và chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

* Công tác quản lý môi trường:

Đã có 6 KCN phê duyệt tổng thể Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các KCN còn lại đang tiến hành ĐTM; thẩm định và phê duyệt ĐTM cho 31 dự án và phê duyệt Bản cam kết bảo vệ môi trường 126 dự án; chấp thuận nghiệm thu các công trình xử lý nước thải cho 24/115 doanh nghiệp đi vào hoạt động năm 2007… tiến hành điều tra tổng thể chất thải tại 2 KCN Tiên Sơn và Quế Võ đang hoạt động từ trước năm 2006 đến tháng 1/2007. Đặc biệt Chủ đầu tư KCN Tiên Sơn đã đưa trạm xử lý nước thải (giai đoạn I) đi vào hoạt động tháng 5/2008 với công suất thiết kế 2.000m3 nước thải/ngày đêm; Trạm xử lý nước thải KCN Quế Võ I đang hoàn thiện lắp đặt thiết bị với công suất 4.800m3 nước thải/ngàyđêm sẽ đưa vào vận hành thử tháng 8/2008. Kết quả trên đã góp phần nhất định vào việc bảo vệ môi trường KCN, tập trung các chất thải do các doanh nghiệp thải ra để xử lý, các dự án được bố trí theo quy hoạch nằm trong quy hoạch tổng thể chung của KCN nên thuận lợi cho công tác giám sát, quản lý, hướng dẫn về môi trường trong việc kiểm soát ô nhiễm và có biện pháp xử lý kịp thời đối với hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp KCN. 

* Công tác đảm bảo an ninh trật tự:

Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội trong KCN góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh và Công an tỉnh đã ký quy chế phối hợp về công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trong các KCN trên địa bàn tỉnh (ngày 4/6/2002). Ban quản lý các KCN Bắc Ninh là đầu mối trực tiếp thu nhận thông tin và xử lý thông tin từ doanh nghiệp, các địa phương có KCN; chỉ đạo doanh nghiệp triển khai công tác an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, chủ động phòng ngừa và có biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến an ninh trật tự KCN để phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, công an huyện có KCN và Cụm an ninh KCN (Tiên Sơn, Quế Võ) xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra. Kết quả về an ninh chính trị cơ bản được giữ vững ổn định, không để xảy ra vụ việc gì có liên quan đến an ninh Quốc gia; trật tự an toàn xã hội trong KCN và vùng phụ cận KCN còn xảy ra nhiều vụ việc phức tạp như trộm cắp, cờ bạc, gây gối trật tự, chống người thi hành công vụ… đã được giải quyết ổn định, trật tự xã hội được giữ vững.

Tóm lại

- Phải có quan điểm nhất quán về xây dựng và phát triển KCN. Quan điểm đó được quán triệt từ tư tưởng chỉ đạo của cấp uỷ Đảng đến hoạt động điều hành các cấp chính quyền. Theo đó công tác quy hoạch phát triển các KCN phải vững chắc theo trình tự từ tổng thể (Nghị quyết tỉnh uỷ, HĐND, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch vùng hoặc không gian kinh tế - xã hội, đô thị…) đến chi tiết (dự án quy hoạch chi tiết, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật…) và được kiểm định lại sự phù hợp từ chi tiết đến tổng thể. Vì vậy các quy hoạch phân vùng kinh tế, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị cần được ưu tiên và thể chế hoá.

- Cụ thể hoá, chi tiết hoá mô hình Khu công nghiệp – Đô thị theo những mục tiêu và tiêu chí nhất định phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương để xây dựng cấu trúc cho từng KCN nhằm phát huy lợi thế và hình ảnh riêng biệt các KCN Bắc Ninh. Dự báo việc phát triển mô hình trên trong tương lai sẽ thúc đẩy tỉnh Bắc Ninh trở thành Đô thị công nghiệp.

- Định hướng thu hút đầu, lựa chọn nhà đầu tư, xác định những dự án ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng tạo lập, quy hoạch KCN chuyên ngành mũi nhọn (điện, điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, chế biến lương thực, thực phẩm công nghệ cao) và tạo lập chuỗi công nghiệp phụ trợ. Với kết quả đầu tư các dự án FDI vào lĩnh vực điện, điện tử trong thời gian qua là cơ sở định hướng phát triển nghành công nghiệp điện tử mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.

- Cần xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động các KCN, các mô hình phát triển KCN làm cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển các KCN. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện mô hình trát triển các KCN Bắc Ninh theo đúng định hướng, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

- Có cơ chế cụ thể để đa dạng hoá các hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng KCN nhằm điều hoà hợp lý các lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng - Doanh nghiệp thuê đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ - cá nhân, tổ chức có đất bị thu hồi; khuyến khích và ưu tiên lợi ích theo mục tiêu phát triển của địa phương.

- Cần kết hợp giữa khâu cấp phép và khâu giám sát, kiểm tra, thanh tra theo hướng giải quyết việc cấp phép nhanh gọn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư nhưng thực hiện chặt chẽ và thường xuyên công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, chế độ báo cáo của các doanh nghiệp tới cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp lành mạnh, đúng pháp luật.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, gồm cả cán bộ quản lý KCN các cấp theo chương trình, chiến lược đào tạo cụ thể. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh đến làm việc.

- Tăng cường hơn nữa công tác an ninh trật tự, an ninh kinh tế trong KCN góp phần tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Vấn đề đầu tiên khi KCN khởi công là phải đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Việc phát triển KCN sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sống và làm việc tại địa phương. Họ sẽ mang theo ít nhiều văn hoá, tập quán từ nhiều nơi đến là nguyên nhân xảy ra những sung đột trong sinh hoạt cộng đồng. Do đó giữ gìn an ninh trật không chỉ giải quyết vụ việc mà còn phải coi trọng hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, tạo lập môi trường giao lưu các hoạt động văn hoá cộng đồng giữa người nước ngoài, lao động ngoại tỉnh và dân cư lân cận.

- Cơ cấu tổ chức bộ máy Ban quản lý các Khu công nghiệp phải được hoàn thiện theo tốc độ và quy mô phát triển các KCN. Việc chuyên nghiệp hoá các nghiệp vụ được thực hiện tại Ban quản lý các KCN đảm bảo sự thông suốt, phân cấp rõ ràng và tránh chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và thuận lợi thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ” theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP. Nhưng việc phân cấp phải đi đôi với cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính tương ứng để đảm bảo phát huy được tính ưu điểm, đi trước trong qúa trình thực hiện cải cách hành chính. Ban quản lý các KCN cần tăng cường gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, tổ chức hộ nghị giao ban để lắng nghe và giải quyết những vướng mắc, kịp thời hỗ trợ những khó khăn phát sinh tại doanh nghiệp.

Với thành tựu đã đạt được và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, để đạt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc B?. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh xây dựng mục tiêu đến năm 2015 các KCN Bắc Ninh cần đạt được là: Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các KCN; Tạo lập mặt bằng và hạ tầng cơ bản các Khu đô thị; Thu hút khoảng 600 ¸ 700 dự án sản xuất công nghiệp với số vốn 3,5 ¸ 4 tỷ USD; Giá trị SXCN khoảng 2 ¸ 2,5 tỷ USD tương đương 32.000 ¸ 40.000 tỷ VND; Giá trị xuất khẩu đạt 1,5 ¸ 2 tỷ USD tương đương 24.000 ¸ 32.000 tỷ VND; Lao động việc làm thu hút khoảng 15 ¸ 20 vạn người có thu nhập ổn định; Thu ngân sách thông qua các khoản thuế 3.000 ¸ 3.200 tỷ VND (180 ¸ 200 tr.USD)./.

ThS. Vũ Đức Quyết - Trưởng ban quản lý các KCN Bắc Ninh

, sau 10 năm xây dựng và phát triển các KCN Bắc Ninh đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo diện mạo mới cho ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong quá trình CHN, HĐH. Từ những thành tựu trên rút ra một số kinh nghiệm để các KCN Bắc Ninh ngày càng phát triển đúng định hướng như sau:
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Văn bản, chính sách mới Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks
Tỷ giá ngoại tệ