Chặng đường 10 năm phát triển BQL các KCN Bắc Ninh
10:48 24/09/2010
Trong suốt chiều dài lịch sử, Bắc Ninh - Kinh Bắc là một vùng đất văn hiến và cách mạng, cái nôi của những nét đẹp văn hóa truyền thống, của những làn điệu dân ca quan họ và những làng nghề nổi tiếng,… Hôm nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, Bắc Ninh lại được biết đến nhiều hơn với vị thế là một tỉnh năng động trong phát triển kinh tế, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành quả ấy minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và đúng hướng về phát triển kinh tế - xã hội của Lãnh đạo tỉnh, là sự hợp lực của các Sở, ban, ngành chức năng và chính quyền, nhân dân các địa phương. Trong đó, không thể không kể đến vai trò vô cùng quan trọng của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh với dấu mốc 10 năm hình thành và phát triển.


Đ/c Ngô Văn Luật - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh

Sau ngày tái lập tỉnh, về cơ bản Bắc Ninh là một tỉnh thuần nông, nhưng Lãnh đạo tỉnh đã xác định công nghiệp là động lực rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh. Song phát triển công nghiệp Bắc Ninh như thế nào là bài toán khó. Trước nhiệm vụ đó, ngày 14 tháng 5 năm 1997, đồng chí Ngô Văn Luật - Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 219/CT thành lập Tổ xúc tiến dự án khả thi các KCN tập trung tỉnh Bắc Ninh, gồm 5 đồng chí sau:

Đ/c Phạm Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổ trưởng;

Đ/c Đặng Văn Hướng - Phó Văn phòng UBND tỉnh: Tổ viên;

Đ/c Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở TN và MT): Tổ viên;

Đ/c Vũ Đức Quyết - Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh: Tổ viên;

Đ/c Nguyễn Như Lan - Chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổ viên.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh thu thập tài liệu, quan hệ với các Bộ, các cơ quan Trung ương giúp đỡ tư vấn và thẩm định dự án, xúc tiến nhanh việc lập dự án khả thi trình Chính phủ phê duyệt và tư vấn giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện dự án sau khi được phê duyệt.

Đ/c Nguyễn Thế Thảo - Trưởng ban (từ 1998-2000)

Ngày 25 tháng 8 năm 1998, Thủ tuớng Chính phủ ký Quyết định số 152/1998/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, đã trở thành một ngày trọng đại không chỉ với riêng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban quản lý các KCN, mà còn trở thành một ngày thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển và xây dựng các KCN Bắc Ninh. Sau 5 tháng chuẩn bị, ngày 9 tháng 1 năm 1999, đ/c Ngô Văn Luật - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 30/1999/QĐ-UB thành lập, tổ chức bộ máy Ban quản lý các KCN Bắc Ninh. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh bao gồm:

- Lãnh đạo Ban:

+ Trưởng ban (Đ/c Nguyễn Thế Thảo: Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng ban).

+ Phó Trưởng ban (Đ/c Bùi Vĩnh Kiên).

+ Các ủy viên kiêm nhiệm.

- Các phòng chuyên môn

+ Văn phòng

+ Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường

+ Phòng Quản lý Đầu tư.

Đ/c Bùi Vĩnh Kiên - Trưởng ban (từ 2000-2004)

Vào thời điểm mới thành lập, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh chỉ có 11 cán bộ, công chức và 03 đơn vị chuyên môn đã phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các KCN trên địa bàn tỉnh đòi hỏi Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hoàn thiện về bộ máy tổ chức, tăng cường chức năng nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước để vận hành hoạt động KCN được thông suốt, đạt hiệu quả cao. Bộ máy, tổ chức Ban quản lý các KCN từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp hoá, phân công bố trí cán bộ đủ năng lực để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trên cơ sở thành lập mới các phòng chuyên môn: Phòng Quản lý Doanh nghiệp thành lập tháng 4/2000, Trung tâm dịch vụ KCN (đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Ban) thành lập tháng 10/2001. Năm 2000, đ/c Nguyễn Thế Thảo được bầu làm chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đ/c Bùi Vĩnh Kiên được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Ban quản lý.

Đ/c Vũ Đức Quyết - Trưởng ban Ban quản lý các KCN Bắc Ninh (từ tháng 7/2004)

Năm 2004 thành lập thêm các phòng mới: Phòng Quản lý Lao động; Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Văn phòng đại diện KCN Tiên Sơn. Tháng 7/2004, đ/c Bùi Vĩnh Kiên chuyển công tác, giữ chức vụ Phó chủ tịch tỉnh, đ/c Vũ Đức Quyết - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban BQL. Tổ chức cơ sở Đảng, với vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cơ quan thực hiện nhiệm vụ cũng dần lớn mạnh: từ Chi bộ Ban quản lý các KCN với 03 đảng viên vào năm 2000; đến năm 2008 thành lập Đảng bộ Ban quản lý các KCN với 35 đảng viên. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn TN,…) cũng được thành lập, kiện toàn và phát triển.

Sau có khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX và KKT, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 09/5/2008 v/v quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh. Đến nay, bộ máy tổ chức Ban quản lý các KCN Bắc Ninh gồm 08 đơn vị chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, Phòng QL Đầu tư, Phòng QL Quy hoạch và Xây dựng, Phòng QL Môi trường, Phòng QL Doanh nghiệp, Phòng QL Lao động, Phòng đại diện các KCN) và 01 Trung tâm dịch vụ KCN (là đơn vị sự nghiệp có thu). Tổng số cán bộ, công chức viên chức trong Ban hiện nay là 59 người. Trình độ chuyên môn: 4 thạc sỹ; 52 đại học, cao đẳng; 03 trung cấp; tuổi đời bình quân: 35; Đảng viên 35 đồng chí, trong đó 31 chính thức và 4 dự bị. Về trình độ lý luận: Cử nhân chính trị 01 đ/c, cao cấp chính trị 02 đ/c, trung cấp chính trị 06 đ/c, sơ cấp 26 đồng chí.

Đ/c Vương Đình Linh - Phó Trưởng ban (tháng 4/2002)

Đ/c Bùi Hoàng Mai - Phó Trưởng ban (tháng /2004)

Đ/c Nguyễn Đăng Sản - Phó Trưởng ban (tháng 6/2006)

 

Những thành tựu đạt được trong 10 năm qua

Việc xây dựng và phát triển các KCN được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, được cụ thể hoá qua quá trình triển khai các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết 04/NQ/TU ngày 25/5/1998; Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 03/02/2000; Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 04/5/2001 khoá XVI và 02-NQ/TU ngày 29/5/2006 khoá XVII của BCH Đảng bộ tỉnh), xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng thời kỳ.

1. Quá trình hình thành và phát triển các KCN

Kết quả đầu tiên của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh là tham mưu với UBND tỉnh thành lập KCN Tiên Sơn, tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 19/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ v?i diện tích giai đoạn I là 134ha và được khởi công tháng 12/2000. Ti?p theo, thành lập KCN Quế Võ, tại Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ v?i diện tích giai đoạn I là 336ha, kh?i công ngày 27/4/2003. Sau đó, lần lượt các KCN: Đại Đồng - Hoàn Sơn; Yên Phong I; VSIP Bắc Ninh; Quế Võ II được thành lập. Theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006, Bắc Ninh hiện có 10 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.459ha (khu công nghiệp 5.475ha và khu đô thị 984ha), gồm: Tiên Sơn (410ha), Quế Võ 1 (756ha), Đại Đồng - Hoàn Sơn (572ha), Yên Phong 1 (351ha), Quế Võ 2 (270ha), VSIP Bắc Ninh (700ha), Nam Sơn - Hạp Lĩnh (1.000ha), Đại Kim (1.000ha), Thuận Thành (200ha), Yên Phong 2 (1.200ha). Trong đó: 04 KCN đã đi vào hoạt động (Tiên Sơn, Quế Võ I, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Yên Phong I với tỷ lệ lấp đầy bình quân 73,5%, vốn đầu tư thực hiện đạt trên 50%); 02 KCN mới khởi công xây dựng (VSIP Bắc Ninh, Quế Võ II); 03 KCN đang đền bù và chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng (Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Đại Kim, Yên Phong II); 01 KCN đang khảo sát, lập quy hoạch (Thuận Thành I). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ ngày 07/7/2008 phê duyệt bổ sung 06 KCN với diện tích 1.423,9ha nâng tổng số các KCN Bắc Ninh đến năm 2015 ÷ 2020 lên 16 KCN với diện tích 6.759ha đất công nghiệp. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 950ha đất đô thị đi liền với các KCN (VSIP Bắc Ninh 200ha; Yên Phong II 200ha; Nam Sơn - Hạp Lĩnh 200ha; Đại Kim 350ha). Các KCN dự kiến quy hoạch thành lập mới, mở rộng đến năm 2020 gồm: Gia Bình 200ha; Thuận Thành II 250ha; Thuận Thành III 300ha; Từ Sơn 300ha; Quế Võ III 200ha; Hanaka 74ha. Tỉnh chủ trương quy hoạch khoảng 500ha đất đô thị đi liền các KCN này.

Công tác quy hoạch các KCN luôn đi trước một bước, quy hoạch mang tính tổng thể, mô hình phát triển KCN gắn liền với Khu đô thị dân cư và dịch vụ kèm theo để phát triển thành Đô thị công nghiệp, đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, đảm bảo sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững các KCN. Về mặt phân bố các KCN đã tham gia vào việc thực hiện phân vùng kinh tế giữa phía Bắc sông Đuống (phát triển công nghiệp và dịch vụ) và phía Nam sông Đuống (phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá cao sản). Để khắc phục sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh đã quy hoạch một số KCN phía Nam tỉnh (04 KCN) phục vụ chủ yếu làm đòn bẩy kích thích và hỗ trợ nông nghiệp nông thôn phát triển.

2. Thu hút các dự án đầu tư

Đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước, tạo nguồn vốn đầu tư quan trọng đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư có những bước phát triển vượt bậc cả về hình thức, quy mô và chất lượng dự án. Tính đến 30/6/2008 đã thu hút được 310 dự án với tổng vốn đăng ký 2.433,19 tr.USD, thuê 759,78ha đất công nghiệp, suất đầu tư trung bình là 3,2 tr.USD/ha và 7,85 tr.USD/dự án, hình thức vốn đầu tư chủ yếu là các dự án đầu tư nước ngoài (121 dự án với tổng vốn đăng ký 1.715,5 tr.USD, chiếm 39% số dự án và 70,5% vốn đăng ký). Tỷ lệ vốn đầu thực hiện bình quân đạt trên 40%.

Đặc biệt đã thu hút được một số dự án đầu tư hạ tầng KCN lớn: VSIP Bắc Ninh (Singapore), Tập đoàn ORIX (Nhật Bản), Tập đoàn IGS (Hàn Quốc), Foxconn (Honghai)… Đã chuyển hướng xúc tiến đầu tư theo chuỗi (các tập đoàn lớn và cụm các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, nhà đầu tư tài chính) để kéo theo nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác tạo giá trị gia tăng cao, thay thế hình thức xúc tiến đơn lẻ trước đây. Các dự án lớn (FDI) gần đây chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông công nghệ cao của các tập đoàn Canon 2 dự án, Sumitomo, Foxconn, Samsung, Longtech, Mitac… là cơ sở định hướng phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

3. Hoạt động sản xuất kinh doanh

Tính đến 31/6/2008 đã có 135 dự án đi vào hoạt động, giá trị SXCN 6 tháng đầu năm 2008 đạt 5.049,2 tỷ đồng (chiếm trên 50% giá trị SXCN toàn tỉnh), nộp ngân sách đạt 159,45 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 246 tr.USD. Các dự án có vốn đầu nước ngoài đạt hiệu quả cao khi chỉ chiếm 38,2% tổng số dự án, 70,3% tổng vốn đăng ký, 40% dự án đi vào hoạt động nhưng đóng góp trên 86% giá trị SXCN và 96% giá trị xuất khẩu.

Các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ kỹ thuật cao, quy mô đầu tư lớn vào các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông… đã tạo ra hình ảnh mới đối với các KCN Bắc Ninh, tạo sự cân bằng giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đảm bảo sự phát triển ổn định của các KCN. Theo tốc độ tăng bình quân, đến năm 2010 giá trị SXCN chiếm 65-70% giá trị SXCN toàn tỉnh (14.078 tỷ đồng), giá trị xuất khẩu đạt 800÷900 tr.USD (chiếm 85-90% toàn tỉnh), các KCN từng bước khẳng định vị trí, vai trò chủ yếu quyết định sự phát triển và tăng trưởng kinh tế công nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên còn tồn tại một số dự án đầu tư vào các KCN không đủ năng lực, triển khai chậm tiến độ theo cam kết, hoạt động kém hiệu quả và vi phạm các chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tăng cường rà soát, kiểm tra và loại bỏ các dự án trên. Đến thời điểm 30/6/2008 đã thụ lý hồ sơ thu hồi 37 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 86,62 tr.USD (30 dự án đầu tư trong nước; 7 dự án đầu tư nước ngoài). Việc thu hồi do các nguyên nhân chủ yếu sau: Dự án quy mô nhỏ, năng lực thấp, không có khả năng đầu tư dẫn đến triển khai dự án chậm tiến độ so với cam kết; dự án xác định mục tiêu đầu tư dàn trải, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp dẫn đến hoạt động cầm chừng, phải chuyển sang cho thuê nhà xưởng hoặc chuyển nhượng tài sản trên đất cho nhà đầu tư khác; dự án hoạt động kinh doanh không lành mạnh, chiếm đất với diện tích lớn nhằm mục đích đầu cơ trục lợi, gây lãng phí nguồn lực về đất đai, nhà xưởng, lao động và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư trong KCN.

4. Lao động trong các KCN

Tính đến 31/6/2008 số lượng lao động làm việc tại các KCN tăng nhanh lên đến 26.049 người (lao động địa phương chiếm 42%). Việc cung cấp lao động cho các doanh nghiệp KCN đang gặp mâu thuẫn là thừa "cầu" và thừa cả "cung" do thiếu lao động có kỹ năng trong khi lại thừa lao động phổ thông.

Phân tích cơ cấu lao động: Lao động ngành điện, điện tử chiếm tỷ lệ cao nhất (26,5%); theo độ tuổi chủ yếu từ 18-25 chiếm 70%; theo trình độ chủ yếu lao động phổ thông (80%), lao động quản lý có trình độ cao đẳng đại học trở lên (10,3%). Chất lượng nguồn lao động tại Bắc Ninh đã được nâng cao nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn: Lao động tốt nghiệp PTTH chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, mang nặng phong cách lao động làng nghề, chưa đáp ứng được những yêu cầu của công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại của doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề chỉ tập trung đào tạo đại trà, chưa tập trung đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Do vậy số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên còn ít, thiếu lực lượng công nhân lành nghề về điện tử, khuôn mẫu, cơ khí, xây dựng… trong khi các chuyên ngành kinh tế, khoa học xã hội và lao động phổ thông thừa nhiều.

Tỷ lệ lao địa phương đang có xu hướng giảm dần từ 52% năm 2005 xuống 50% năm 2006, 42,4% năm 2007 và 42% trong 6 tháng đầu năm 2008, dự báo sự biến động giảm lao động địa phương sẽ tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển các KCN. Lao động ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ 58%, là lực lượng cần thiết bổ sung phần thiếu về lượng và chất, rất cần nghiên cứu thu hút với tỷ lệ lao động hợp lý để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững KCN.

5. Bảo vệ môi trường

Đã có 6 KCN phê duyệt tổng thể Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các KCN còn lại đang tiến hành ĐTM; thẩm định và phê duyệt ĐTM cho 31 dự án và phê duyệt Bản cam kết bảo vệ môi trường 126 dự án; chấp thuận nghiệm thu các công trình xử lý nước thải cho 24/115 doanh nghiệp đi vào hoạt động năm 2007. Tiến hành điều tra tổng thể chất thải tại 2 KCN Tiên Sơn và Quế Võ đang hoạt động từ trước năm 2006 đến tháng 1/2007. Đặc biệt Chủ đầu tư KCN Tiên Sơn đã đưa trạm xử lý nước thải (giai đoạn I) đi vào hoạt động tháng 5/2008 với công suất thiết kế 2.000m3 nước thải/ngày đêm; Trạm xử lý nước thải KCN Quế Võ I đang hoàn thiện lắp đặt thiết bị với công suất 4.800m3 nước thải/ngàyđêm sẽ đưa vào vận hành thử tháng 8/2008. Các trạm xử lý này tập trung nước thải do các doanh nghiệp thải ra để xử lý bảo vệ môi trường. Các dự án được bố trí theo quy hoạch nằm trong quy hoạch tổng thể chung của KCN nên thuận lợi cho công tác giám sát, quản lý, hướng dẫn, kiểm soát ô nhiễm và có biện pháp xử lý kịp thời đối với hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp KCN. Song song với việc xây dựng các trạm xử lý nước thải các dải cây xanh được chú trọng trong việc quy hoạch các KCN góp phần tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp.

6. Đảm bảo an ninh trật tự các KCN

Việc đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội trong KCN góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh và Công an tỉnh đã ký quy chế phối hợp về công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trong các KCN trên địa bàn tỉnh (ngày 4/6/2002). Ban quản lý các KCN Bắc Ninh là đầu mối trực tiếp thu nhận thông tin và xử lý thông tin từ doanh nghiệp, các địa phương có KCN; chỉ đạo doanh nghiệp triển khai công tác an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, chủ động phòng ngừa và có biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến an ninh trật tự KCN để phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, công an huyện có KCN và Cụm an ninh KCN (Tiên Sơn, Quế Võ) xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra. Kết quả về an ninh chính trị cơ bản được giữ vững ổn định, không để xảy ra vụ việc gì có liên quan đến an ninh quốc gia; trật tự an toàn xã hội trong KCN và vùng phụ cận KCN không còn xảy ra những vụ việc phức tạp như trộm cắp, cờ bạc, gây gối trật tự, chống người thi hành công vụ… trật tự xã hội được giữ vững.

7. Hoàn thiện hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 36/CP (ngày 24/4/1997).

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý đối với KCN như: Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với KCN Bắc Ninh; Quy định thủ tục hồ sơ, quy chế phối hợp thẩm định hồ sơ dự án cấp Giấy phép đầu tư vào KCN; các Điều lệ quản lý KCN, quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết KCN… Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã phối hợp các Sở, ban, ngành để ban hành các quy chế phối hợp thực hiện từng lĩnh vực quản lý cụ thể đối với KCN. Hiện Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đang bám sát thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo tinh thần Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã thực hiện tốt cơ chế "một cửa, tại chỗ", cải cách các thủ tục hành chính rút ngắn thời gian, thông thoáng, dễ thực hiện, chính xác, đảm bảo đúng quy định tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho nhà đầu tư, giám sát tình hình thực hiện dự án, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp suốt vòng đời dự án, ứng dụng và khai thác hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin (mạng LAN, Internet, các phần mềm quản lý, Website…), từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với KCN. Do thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được UBND tỉnh chọn làm một trong 8 đơn vị làm điểm về xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và được cấp chứng nhận vào tháng 12/2007 với 43 quy trình, quy định chính thức ban hành và triển khai thực hiện. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã được UBND tỉnh ra Quyết định xếp hạng I ngày 11/01/2008.

8. Khen thưởng

Sau 10 năm hoạt động tích cực với sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và trực tiếp từ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, hoạt động của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh khen thuởng:

- Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3 năm 2005.

- Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2003 và 2006; Bằng khen năm 2003.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng cờ thi đua năm 2004, 2005 và 2007; Bằng khen năm 2002.

- UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2001; 2003; 2005; Cờ thi đua năm 2007.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng bằng khen 04 đơn vị trực thuộc Ban quản lý các KCN Bắc Ninh các năm 2004÷2007; 12 Cá nhân được tặng Bằng khen từ năm 2003÷2007.

- UBND tỉnh tặng bằng khen cho đơn vị trực thuộc Ban quản lý các KCN Bắc Ninh: năm 2000 (01 đơn vị); 2001 (02); 2002 (02); 2003 (02); 2004 (02); 2005 (02); 2006 (02); 2007 (02). Cá nhân được tặng Bằng khen: năm 2000 (03); 2001 (03); 2002 (02); 2003 (03); 2004 (04); 2005 (04); 2006 (04); 2007 (03).

Từ năm 2000÷2007 các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội luôn đạt trong sạch, vững mạnh.

Với thành tựu đã đạt được và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, để đạt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh xây dựng mục tiêu đến năm 2015 các KCN Bắc Ninh cần đạt được là: Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các KCN; Tạo lập mặt bằng và hạ tầng cơ bản các Khu đô thị; Thu hút khoảng 600-700 dự án sản xuất công nghiệp với số vốn 3,5-4 tỷ USD; Giá trị SXCN khoảng 2-2,5 tỷ USD tương đương 32.000-40.000 tỷ VND; Giá trị xuất khẩu đạt 1,5-2 tỷ USD tương đương 24.000-32.000 tỷ VND; Lao động việc làm thu hút khoảng 15-20 vạn người có thu nhập ổn định; Thu ngân sách thông qua các khoản thuế 3.000-3.200 tỷ VND (180-200 tr.USD).

Với bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từng bước được củng cố, kiện toàn và hoàn thiện đã xây dựng tập thể Ban quản lý các KCN Bắc Ninh ngày càng lớn mạnh đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tích đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình CNH, HĐH./.

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION
Rate exchange