Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh ước đạt 86%; công nghiệp điện tử có tỷ trọng chiếm tới hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp trong nước được quan tâm, tháo gỡ khó khăn với các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng xanh, bền vững… Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp điện tử Bắc Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố cơ bản, quan trọng và là khâu đột phá chiến lược. Vì vậy, trong thời gian qua, lao động ngành điện tử tại Bắc Ninh có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực. Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh học nghề 60.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 3.800 người, trung cấp 4.500 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 51.700 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77% (tăng 1% so với năm 2021)…
Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo, có kỹ năng còn thiếu. Công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung- cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả, chuyên nghiệp, nhất là từ đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Mặt khác, trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề ngày càng tăng nhưng chưa có mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách chính thống và bền vững.
Lao động phổ thông chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong các KCN Bắc Ninh.
Thực tế hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tác động không nhỏ đến mọi lĩnh vực, ngành sản xuất, nhưng bên cạnh một số ngành nghề biến mất thì một số nghề mới mà máy móc không thể thay thế con người vẫn phải cần được đào tạo. Dự báo, tới năm 2025, cả nước có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có trong thời điểm hiện nay. Vấn đề này sẽ gây sức ép vô cùng lớn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường. Nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng mới và có trình độ cao, nhất là lao động ngành công nghiệp điện tử đang đặt ra thách thức ngày càng lớn cho thị trường lao động không chỉ ở Bắc Ninh mà là cả nước nói chung. Người lao động cần có những kỹ năng mới, kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp, sử dụng thành thạo các phương tiện CNTT, có trình độ ngoại ngữ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt và có tính thích ứng cao với sự thay đổi của nhiều công việc khác nhau. Văn hóa nghề nghiệp cũng được đề cao như: tính trung thực, đạo đức nghề nghiệp…
Do vậy phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho lao động nói chung, đặc biệt là ngành điện tử là vấn đề tất yếu để thích ứng với quá trình toàn cầu hóa và CMCN 4.0. Người lao động và năng lực sản xuất sẽ là yếu tố quyết định nền sản xuất công nghiệp, đồng thời phải liên tục thay đổi, đáp ứng, thích nghi, học hỏi để tồn tại và phát triển. Hiện thực hóa mục tiêu này cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo và chính bản thân người lao động. Theo đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý-chìa khóa trong mọi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới đào tạo theo mô hình trường học thông minh. Đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào; Tăng cường gắn kết giữa nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp và phát triển cơ sở vật chất, thiết bị; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học ứng dụng. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp…. để “biến thách thức thành thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội”. CMCN 4.0 là một cơn bão, đừng đợi cơn bão tan mà hãy học cách nhảy múa trong cơn bão.