Bắc Ninh ngày nay được biết đến không chỉ là các làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào và đằm thắm mà còn được biết đến là địa phương có tốc độ phát triển nhanh các KCN. Hiện tại, Bắc Ninh có 04 KCN đang vận hành; trong năm 2007 đang xúc tiến thành lập thêm 05 KCN, dự kiến đến năm 2025 Bắc Ninh sẽ phát triển 15 KCN theo mô hình KCN-Đô thị, tổng diện tích khoảng 10.500ha.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp thì việc thu hồi đất để xây dựng các Khu công nghiệp (KCN) là một yêu cầu khách quan, mang tính tất yếu. Thu hồi đất để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và Đô thị hóa cũng là cơ hội tốt nhất để chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Quá trình chuyển dịch lao động đáp ứng yêu cầu phát triển các KCN của Bắc Ninh đang đặt ra những vấn đề lớn cần được quan tâm nghiên cứu và giải quyết bằng các chính sách xã hội cụ thể.
1. Thực trạng về lao động tại các KCN Bắc Ninh
1.1. Về cơ cấu lao động
- Theo ngành nghề: Lao động ngành điện tử là 4.760 chiếm 32,3% tổng số lao động; ngành chế biến nông sản thực phẩm, dệt may là 3.859 chiếm 26,3%; ngành điện, cơ khí là 1.253 chiếm 8,6%; ngành vật liệu xây dựng là 645 chiếm 4,4%; còn lại là các ngành nghề khác. Tỷ lệ lao động trong ngành điện tử là cao nhất, điều này cũng phù hợp với định hướng của tỉnh. Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, đất chật, có hệ thống các làng nghề truyền thống năng động tạo nhiều việc làm. Do đó các KCN tập trung chủ yếu thu hút các dự án thâm dụng vốn và công nghệ nên cần tuyển dụng lao động công nghệ hơn là nhiều lao động phổ thông.
- Theo độ tuổi: yêu cầu của phần lớn doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động chủ yếu trong độ tuổi từ 18¸ 25 chiếm khoảng 70%, độ tuổi 25¸ 30 chiếm khoảng 20%, còn lại lao động trên 30 tuổi là lao động quản lý, yêu cầu phải có kinh nghiệm và thâm niên công tác.
- Theo trình độ: lao động phổ thông tốt nghiệp PTTH trở xuống chiếm khoảng 60%, lao động có tay nghề đào tạo chiếm 30% còn lại lao động quản lý có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chất lượng nguồn lao động tại Bắc Ninh đã được nâng cao, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đóng trên dịa bàn: Lao động có trình độ tốt nghiệp PTTH chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, còn mang nặng phong cách của lao động làng nghề, chưa đáp ứng được những yêu cầu của công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại của các doanh nghiệp. Mặt khác, công tác đào tạo nghề chỉ tập trung đào tạo đại trà, chưa tập trung đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Do vậy, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp kỹ thuật trở lên còn ít, thiếu lực lượng công nhân lành nghề về điện tử, khuôn mẫu, cơ khí, xây dựng. . . Mặt khác các chuyên ngành kinh tế, khoa học xã hội và lao động phổ thông thừa rất nhiều.
1.2. Công tác tuyển và sử dụng lao động địa phương và lao động ngoại tỉnh
- Trong tổng số 14.646 lao động tại các KCN, tỷ lệ lao động địa phương là 49%. Mặc dù lao động hàng năm tại các KCN Bắc Ninh tăng nhanh (do ngày càng có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động) nhưng tỷ lệ lao động địa phương đang có xu hướng giảm dần từ 53% năm 2005 xuống 50% năm 2006 và 49% của 6 tháng đầu năm 2007, dự báo sự biến động giảm sẽ gia tăng theo tốc độ phát triển các KCN.
* Lao động địa phương:
- Lao động địa phương Bắc Ninh được các doanh nghiệp đánh giá là thông minh, khéo tay, cần cù, siêng năng, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Điển hình là công ty Canon trong ngành điện tử tổng số lao động là 2.383 thì số lao động địa phương chiếm đến 70%.
- Điểm mạnh, yếu của lao động địa phương:
+ Điểm mạnh: Bắc Ninh là vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng nên lao động rất khéo tay, thông minh và tiếp thu kỹ năng lao động mới nhanh; lao động địa phương có thể chấp nhận mức thu nhập thấp do gần nhà không phải chi phí cho các khoản tiền ăn, ở; doanh nghiệp ít phải lo việc bố trí nhà ở cho công nhân, tiết kiệm chi phí của doanh nghiệm.
+ Điểm yếu: tính kỷ luật của lao động chưa cao, hay tự ý bỏ việc vào các dịp lễ, tết; nguy cơ cao hơn so với lao động ngoại tỉnh về ý thức chấp hành kỷ luật lao động trong doanh nghiệp, nhiều vụ việc mất cắp, gây rối tại doanh nghiệp hầu hết do lao động địa phương gây ra.
Tuyển dụng lao động tại địa phương về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ lao động địa phương cao hơn so với mức trung bình trong cả nước (49% so với 30% bình quân cả nước) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết công ăn việc làm cho các nhân dân địa phương có đất thu hồi làm KCN. Theo khảo sát trung bình thu hồi 01ha đất nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp sẽ có 13 lao động nông thôn bị mất việc; vậy theo tính toán trên, Bắc Ninh hiện tại với 04 KCN đang vận hành, tổng diện tích đất thu hồi 1513ha (tất cả diện tích đều thu hồi từ đất nông nghiệp) thì phải giải quyết công ăn việc làm cho 1.513 x 13 = 19.669 lao động địa phương. Thực tế tại các KCN mới chỉ tuyển dụng được 7.174 lao động địa phương, tức là 36,5% (7.174/19.669) nhu cầu thực tế của nhân dân tại địa phương.
* Lao động ngoại tỉnh: chiếm tỷ lệ 51%, là lực lượng cần thiết bổ sung phần thiếu về lượng và chất, rất cần nghiên cứu thu hút với tỷ lệ lao động hợp lý để đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững KCN.
Đánh giá ưu, nhược điểm của lao động ngoại tỉnh:
- Ưu điểm của lao động ngoại tỉnh: tận dụng được lao động đã qua đào tạo của các trường ngoài tỉnh; bổ sung thâm hụt lao động địa phương; tăng tính cạnh tranh với lao động địa phương đảm bảo doanh nghiệp sản xuất ổn định; tăng dịch vụ cho nhân dân địa phương có đất thu hồi (cho thuê nhà ở, làm quán ăn bình dân, các dịch vụ vui chơi, giải trí).
- Nhược điểm của lao động ngoại tỉnh: kéo theo yêu cầu phát triển hạ tầng xã hội đi theo như nhà ở, dịch vụ, bệnh viện, trường học; hệ quả về an ninh trật tự xã hội; yêu cầu về lương của lao động ngoại tỉnh cao hơn lao động địa phương do họ phải lo nhiều khoản chi phí trực tiếp hơn….
Phát triển KCN phải đi cùng thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng lao động địa phuơng gắn với giải quyết việc làm khi thu hồi đất đáp ứng yêu cầu lao động tại chỗ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tiến kiệm chi phí đầu tư hạ tầng xã hội thì đồng thời cũng phải chú trọng tuyển dụng lao động địa phương khác để đảm bảo phát triển cân đối nhịp nhàng.
Tóm lại quá trình chuyển đổi lao động cần công tác đào tạo theo các cấp độ khác nhau, muốn vậy hệ thống đào tạo phải được củng cố, chương trình phải cải tiến tích ứng với trình độ công nghệ. Người lao động rất muốn vậy, song học nghề gì? học ở đâu? Ai sử dụng? Là những câu hỏi phải được cơ quan nhà nước, các trường đào tạo nghiên cứu và trả lời để định hướng cho lao động.
1.3. Công tác đào tạo:
Hệ thống cơ sở dạy nghề trong tỉnh:
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 10 cơ sở đào tạo nghề (5 trường, 4 trung tâm dịch vụ việc làm, 1 trung tâm dạy nghề cấp huyện).
Các cơ sở dạy nghề ngày càng dược củng cố cả về quy mô, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Trong đó, Trường Công nhân Kỹ thuật Bắc Ninh đã được Tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hột đầu tư và được công nhận là trường trọng điểm của khu vực. Có thể nói, trong những năm qua quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo công lập ngày càng tăng, chất lượng đào tạo được nâng lên, các hình thức đào tạo, ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, phong phú, nhưng chương trình đào tạo chưa được cải tiến sát với thực tế, để đáp ứng nhu cầu thị trường về lao động.
Công tác dạy nghề.
Trong những năm qua, công tác dạy nghề đã được xã hội hoá mạnh và được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo với nhiều hình thức như: đào tạo nghề dài hạn, ngắn hạn, tập huấn truyền nghề, kèm cặp… Tỉnh cũng đã có những chính sách về công tác đào tạo nghề như: Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tuyển lao động vào để đào tạo trước khi sử dụng. Tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường CNKT và một số cơ sở dạy nghề của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đồng thời xây dựng qui hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2001-2010 để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh cũng đã bước đầu triển khai công tác dạy nghề cho nông dân trong tỉnh để có nguồn lao động đi trước, đón đầu cung ứng cho các doanh nghiệp.
Chất lượng dạy nghề:
Các cơ sở đào tạo ngày càng được đầu tư cả về số lượng và chất lượng, các hình thức đào tạo ngày càng được đa dạng, phong phú. Tuy nhiên quy mô đào tạo còn nhỏ, chủ yếu đào tạo theo chỉ tiêu được giao, không căn cứ vào nhu cầu thực tế, chưa đa dạng hoá các nội dung và chương trình đào tạo để thích ứng với nhu cầu và cấp độ khác nhau của người lao động.
Thời gian qua, việc đào tạo đang chưa theo kịp thực tế phát triển của các KCN, đặc biệt là đào tạo công nhân kỹ thuật. Trong số lao động của địa phương chỉ có 21% đã qua các trường đào tạo nghề, còn lại là các lao động do chính các doanh nghiệp tự đào tạo. Có một thực tế là có công nhân được đào tạo qua các trường nghề không đáp ứng được trình độ đòi hỏi của KCN bởi các trang thiết bị của nhà trường nghề đã quá lạc hậu không theo kịp quá trình phát triển. Hiện nay, vẫn còn có những Trung tâm, Trường tiến hành việc đào tạo các chuyên ngành không phù hợp với các chuyên ngành trong KCN như Trường công nhân xây dựng, Trường công nhân hoá chất-mỏ, dẫn đến phải đào tạo lại tại các doanh nghiệp trong KCN.
Tính phù hợp với KCN
Thực tế tuyển dụng tại các doanh nghiệp cho thấy: thừa các chuyên ngành kinh tế, khoa học xã hội và lao động phổ thông trong khi đó lại thiếu lực lượng công nhân lành nghề như cơ điện, cơ khí, điện tử; m?t số ngành nghề như: chế tạo khuôn mẫu, tự động hoá, hàn nâng cao, sơn … các cơ sở chưa đào tạo được nên doanh nghiệp phải tìm lao động tại các trường đào tạo nghề ở tỉnh khác hoặc phải tự đào tạo.
2. Dự báo sự phát triển các KCN Bắc Ninh:
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng nhanh. Các KCN tỉnh Bắc Ninh đã chuẩn bị được những tiền đề cơ bản để phát triển. Dự báo đến năm 2010, các KCN tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát triển theo hướng phát triển bền vững, cụ thể là:
- Các KCN sẽ được xây dựng theo hướng đa ngành, gắn với qui hoạch phát triển đô thị. Mỗi KCN sẽ thu hút được một số nhà doanh nghiệp sản xuất đầu đàn, theo đó nhiều doanh nghiệp vệ tinh và phụ trợ sẽ được thu hút theo.
- Đến năm 2010, các KCN sẽ thu hút được khoảng 400 dự án. Các doanh nghiệp trong KCN sẽ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 11-12 nghìn tỷ đồng (chiếm 65¸ 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), kim ngạch xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD (bằng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).
- Về số lượng KCN: Dự kiến đến năm 2015, Bắc Ninh sẽ phát triển 15 KCN, tổng diện tích quy hoạch 8.500ha. Các ngành nghề phát triển sẽ tập trung vào các ngành công nghệ như điện, điện tử, tự động hoá… Vì vậy, sẽ thiên về lao động đã qua đào tạo những nghề trên.
- Nếu phát triển các KCN như trên, dự báo nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp về lao động sẽ là:
+ Đối với lao động phổ thông: phải được đào tạo cơ bản về pháp luật lao động và tác phong, kỹ thuật lao động công nghiệp, có kỹ năng thao tác cơ bản trên dây truyền công nghiệp lắp giáp, đóng gói, di chuyển thành phẩm.
+ Đối với lao động kỹ thuật: thiên về lao động kỹ thuật có tay nghề cao; các ngành nghề đào tạo sẽ thu hút nhiều lao động như chế tạo khuôn mẫu, tự động hoá, hàn nâng cao, sơn … cần được đào tạo chuyên sâu thích ứng với tổ chức lao động tự động hoá hặc bán tự động hoá.
+ Đối với lao động cao (cao đẳng, đại học trở lên): sau thời gian gia nhập WTO, sẽ ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt nam, đòi hỏi phải có một lực lượng lao động có trình độ phù hợp, thích ứng với tính năng động của nền kinh tế thị trường và có vốn ngoại ngữ thông thạo, sử dụng tốt các ứng dụng công nghệ tin học.
3. Một số giải pháp đáp ứng lao động cho phát triển KCN
Về đào tạo
Cần tăng cường chất lượng công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp KCN để có kế hoạch đào tạo cụ thể. Kế hoạch đào tạo phải gắn liền với giải quyết việc làm thực tế cho nhân dân địa phương có đất nông nghiệp thu hồi làm đất công nghiệp. Theo tính toán, đến năm 2015 có 8.500ha đất nông nghiệp thu hồi thì sẽ phải chuyển đổi nghề nghiệp cho 110.000 lao động nông nghiệp từ các địa phương thu hồi đất, đồng thời phải tiếp nhận khoảng 50.000 lao động ngoài tỉnh đây là thách thức và cũng là cơ hội để chuyển đổi, nâng cao chất lượng lao động. Do đó cần thực hiện phân c?p, phân công từng loại hình đào tạo, cụ thể.
* Phân cấp, phân công loại hình đào tạo:
- Đối với lao động phổ thông: Đây là lực lượng chiếm số đông tới 60% chưa được quan tâm chăm sóc và đào tạo. Do tỉnh quản lý công tác đào tạo; tỉnh có thể giao cho đơn vị tham mưu, giúp tỉnh quản lý về lao động (Sở LĐ TB&XH, Ban quản lý các KCN) tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn. Mô hình này hiện nay đã và đang được áp dụng tại tỉnh Bắc Ninh, là kết quả triển khai của đề tài khoa học "Các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm cho dân cư các vùng Nhà nước thu hồi đất phát triển các KCN tập trung và Đô thị tại tỉnh Bắc Ninh trong những năm tới” do BQL KCN chủ trì đã mở các lớp “đào tạo cơ bản về Pháp luật lao động và kỹ năng trả lời phỏng vấn tuyển dụng”, bước đầu đã đào tạo cho hơn 1.000 lao động và đạt được những kết quả khả quan tỷ lệ trúng tuyển cao. Mặt khác nên gắn vào công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh PTTH. Nội dung, chương trình linh hoạt cho từng tỉnh hoặc khu vực để sau khi tốt nghiệp có thể tham gia lao động ngay tại các KCN của địa phương.
- Đối với lao động kỹ thuật: Cần đa dạng hoá các loại hình đào tạo, nâng cấp các cơ sở đào tạo cả về số lượng nhưng phải yêu cầu cao hơn và thực tế hơn về chất lượng. Các chương trình dạy học áp dụng thực hành nhiều hơn để các lao động quen dần với các dây truyền công nghệ hiện đại. Từ định hướng phát triển các ngành nghề ưu tiên của tỉnh, mà đặt hàng với các trường đào tạo nghề để ưu tiên đào tạo các ngành đó.
- Lao động có trình độ (cao đẳng, đại học trở lên): do trung ương quản lý, có những kiến nghị để các trường đại học, cao đẳng nâng cao trình độ của sinh viên trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng giao tiếp, đàm phán đặc biệt là kỹ năng mô tả công việc để thực hiện mục tiêu. Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm.
Điểm chung cho cả 03 nhóm trên là phải chú trọng vào kỹ năng lao động; có trình độ chưa hẳn đã giỏi về kỹ năng; kỹ năng giỏi chỉ khi được thực hành, tiếp xúc nhiều với công việc thực hành. Đây cũng là điểm yếu của nền giáo dục nước ta khi chỉ chú trọng về lý thuyết, không đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiếu cơ hội cho sinh viên được thực hành nhiều.
* Mô hình đào tạo: thực hiện mô hình Trường - Nhà đầu tư - Nhà nước.
+ Trường học đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp;
+ Nhà nước định hướng ưu tiên lao động chuyển đổi và tạo lập hành lang pháp lý;
+ Doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động và trợ giúp công tác thực hành.
Để cụ thể hoá một mô hình, có thể thí điểm việc giao cho Ban quản lý các Khu công nghiệp thành lập Trung tâm đào tạo nghề với sự tham gia của các doanh nghiệp dưới dạng góp vốn bằng tiền và cơ sở vật chất kỹ thuật. Các kỹ sư, chuyên viên giỏi của các Doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp có thể tham gia giảng dạy để đào tạo chuyên gia, công nhân lành nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp./.
Vũ Đức Quyết
:: Với 04 KCN đang vận hành, Bắc Ninh đã thu hút được 227 GCNĐT, trong đó có 102 doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tuyển dụng 14.646 lao động, trong đó: 7.174 lao động địa phương (chiếm 49%), lao động nữ 7.033 (chiếm 48%). Phân tích cơ cấu lao động cho chúng ta thấy: