TÌNH HÌNH VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY KẾT NỐI, GIA TĂNG ẢNH HƯỞNG LAN TỎA CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
09:40 16/11/2017

1. Tình hình chung về thúc đẩy kết nối, gia tăng ảnh hưởng lan tỏa của các KCN

Trong thời gian qua, tuy chưa phát huy hết tiềm năng, chưa thực sự có nhiều mối liên kết KT với bên ngoài nhưng các KCN Bắc Ninh đã có những tác động lan toả tích cực đối với quá trình phát triển KT - XH của địa phương, nhất là các địa phương có KCN. Tạo nên sự chuyển dịch CCKT, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH. Kích thích phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bước đầu có những đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế. Tạo nên sự tăng trưởng nhanh chóng về kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Việc liên kết còn yếu

Sự kỳ vọng về sức lan tỏa của dòng vốn FDI sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước có đủ sức mạnh để vươn lên, nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong các KCN Bắc Ninh hiện nay chưa như mong muốn, Ít DN trong nước được tham gia cung cấp hoặc đáp ứng được yêu cầu, gắn kết theo chuỗi sản xuất với các DN FDI đang hoạt động tại tỉnh. Điều này, DN lớn cho rằng, do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài cho nên các DN FDI ở các KCN Bắc Ninh vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị... Có thể nói, đây là các DN lớn, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng, do đó tạo cơ sở tốt để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế hai DN này hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng thiết bị, phụ tùng nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa hầu hết các sản phẩm chính không cao; rất ít DN trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất của SEV và SDV. Cụ thể, theo khảo sát của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, SEV và SDV sử dụng rất nhiều nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phân theo nhiều nhà cung cấp các cấp; xét theo doanh nghiệp vệ tinh cấp 1 thì có 76 doanh nghiệp, trong đó 75 DN FDI và 01 doanh nghiệp trong nước.

 Tác động lan tỏa chưa nhiều của FDI, trong đó mấu chốt là mối liên kết còn tương đối yếu giữa các DN FDI với cộng đồng DN trong nước, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV).

1.1. Thực trạng tác động lan toả về kinh tế - kỹ thuật

- Về GTSXCN

Năm 2003, khi một số DN KCN chính thức đi vào hoạt động, GTSXCN chưa cao, tỷ trọng GTSXCN của các KCN chỉ chiếm 1,55% GTSXCN toàn tỉnh. Cùng với sự gia tăng nhanh của GTSXCN, tỷ trọng này ngày càng được nâng cao qua các năm, hết tháng 7/2017 có 793 DN đi vào hoạt động SXKD, GTSXCN các KCN đạt 378.507 tỷ đồng, góp phần gia tăng cao vào GTSXCN của toàn tỉnh.

Riêng các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ trong các KCN đã phát huy hiệu quả cao, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, cụ thể:

Tính đến 7/2017, đã có 76 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (các doanh nghiệp vệ tinh cấp 1) hoạt động trong các ngành: điện tử, cơ khí, sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giá trị SXCN: Năm 2016 đạt hơn 2,8 tỷ USD, bằng 11,6% GTSXCN của các KCN (24,7 tỷ USD); 7 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1,7 tỷ USD, bằng 10% GTSXCN của các KCN (17 tỷ USD).

- Về thu nhập bình quân:

Thu nhập bình quân một người một tháng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng dần hàng năm. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đói trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Năm 2007, thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong các KCN Bắc Ninh là 980.000đ/người/tháng thì hết tháng 7/2017 đã tăng lên mức 6.100.000đ/người/tháng. Thu nhập bình quân chung của doanh nghiệp phụ trợ khoảng hơn 8.000.000 đồng/người/tháng.

Trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Ninh là tỉnh có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đứng thứ 3, chỉ sau 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng. Như vậy, sự phát triển của các KCN đã tạo nên sự phát triển của các loại hình phục vụ hoạt động của KCN làm gia tăng thu nhập của người dân địa phương nhất là tại các địa phương có đất thu hồi để xây dựng KCN.

- Về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế:

Cơ cấu nền KT tỉnh Bắc Ninh đã có bước chuyển đổi rõ rệt, bước đầu thể hiện là một tỉnh phát triển CN. Ngành CN và xây dựng cơ bản đã thay thế ngành NN chiếm tỷ trọng lớn trong CCKT, tỷ trọng ngành NN giảm, ngành DV chưa thể hiện được sự phát triển. Năm 1997, khi mới được tái lập, Bắc Ninh là một tỉnh NN, ngành NN chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền KT với 44,7%, ngành DV chiếm 30,9% và ngành CN và xây dựng cơ bản chỉ chiếm 24,4%. Ước cả năm 2017, trong cơ cấu nền KT tỉnh Bắc Ninh, tỷ trọng ngành CN và xây dựng cơ bản chiếm 74,3%; ngành DV chiếm 21% và ngành NN chỉ còn chiếm 4,7%. Cơ cấu nền KT cho thấy Bắc Ninh đã cơ bản tiến đến việc trở thành tỉnh CN

- Về chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế:

Sau gần 19 năm ra đời các KCN, tính đến hết tháng 8/2017, đã có 1.154 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư/đăng ký đầu tư (trong nước là 403, FDI là 751) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 16.204 triệu USD (trong nước là 37.063,55 tỷ đồng tương đương 1.787,7 triệu USD; FDI là 14.416,3 triệu USD). Sau khi đạt mức kỷ lục về giải ngân của tập đoàn Samsung với SDV và SEV hiện nay với 8,032 tỷ USD (SEV: 2,467 tỷ USD; SDV: 5,565 tỷ USD), vốn FDI tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm so cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là kéo theo sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp vệ tinh. Cùng với việc đẩy nhanh việc chuyển dịch CCKT theo ngành, có thể nói các KCN cũng đã góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu nền KT tỉnh Bắc Ninh theo sự chuyển dịch giá trị tổng sản phẩm giữa các TPKT.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo khu vực hành chính:

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính. Các địa phương có KCN đi vào hoạt động (Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành), GTSXCN cao hơn so với các địa phương khác. Năm 2000, GTSXCN của Thành phố Bắc Ninh là 548.319 chiếm 20,07% GTSXCN toàn tỉnh. Tương ứng, huyện Yên Phong chiếm 6,23%, huyện Quế Võ 23,82%, huyện Tiên Du 5,14%, huyện Từ Sơn 35,1%... Với sự góp mặt của các KCN tại các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh, đến năm 2016, GTSXCN của Thành phố Bắc Ninh đạt 766.000 tỷ đồng, huyện Yên Phong 521.000 tỷ đồng, huyện Quế Võ 23.000 tỷ đồng huyện Tiên Du 10.575 tỷ đồng, thị xã Từ Sơn 80.162,3 tỷ đồng, huyện Thuận Thành 6.000 tỷ đồng. Như vậy, việc phát triển các KCN có ảnh hưởng lớn đến quy mô, CCKT giữa các địa phương trong tỉnh, có tác động lớn đến chuyển dịch CCKT trong nội tại của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo hướng CNH, HĐH.

- Về thu nộp ngân sách:

Trong giai đoạn 2003 - 2007, các DN trong KCN chưa phải thực hiện việc nộp thuế thu nhập DN, các khoản thu vào ngân sách nhà nước chủ yếu từ thu thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nên số thu nộp ngân sách chưa cao. Năm 2004 các khoản nộp ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế đạt 26 tỷ đồng, 7 tháng đầu năm 2017 đạt 5.665 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp phụ trợ, nộp ngân sách 80,55 triệu USD, bằng 24% số nộp ngân sách của các KCN (337 triệu USD); 7 tháng đầu năm 2017 đạt 49 triệu USD, bằng 18,55% số nộp ngân sách của các KCN (264 triệu USD).

 

- Về tỷ lệ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh:

Các KCN có sự đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của địa phương kể từ năm 2005 với giá trị là 12,278 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2017 đạt 18.718 triệu USD.

Đối với kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp phụ trợ: Năm 2016 đạt 2,2 tỷ USD, bằng 8,7% giá trị xuất khẩu của các KCN (25,4 tỷ USD); 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1,6 tỷ USD, bằng 8,5% giá trị xuất khẩu của các KCN (18,7 tỷ USD).

- Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội của địa phương:

Sự phát triển nhanh chóng của các KCN Bắc Ninh đã kích thích sự phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương với số lượng và chất lượng ngày càng cao.

Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, năm 1997 khi mới tái lập tỉnh tỷ lệ đô thị hoá là 6,27%, đến năm 2003 đã tăng lên 10,5% và đến năm 2016 là gần 30%. Các Khu đô thị mới đã được triển khai xây dựng đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các bộ phận dân cư tỉnh Bắc Ninh.

1.2. Thực trạng tác động lan toả về mặt xã hội

Năm 2003 khi các KCN đi vào hoạt động, chỉ sử dụng 2.931 lao động, hết tháng 7/2017 đã thu hút được 281.914 lao động vào làm việc. Tốc độ tăng lao động sử dụng trong các KCN bình quân giai đoạn 2010- 2017 tăng rất nhanh.

Về tạo việc làm đối với doanh nghiệp phụ trợ: Năm 2016, tạo việc làm thường xuyên cho 57.559 lao động, bằng 25% tổng số lao động đang làm việc tại các KCN (231.000 người); 7 tháng đầu năm 2017, tạo việc làm thường xuyên cho 64.607 người, bằng 24,3% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN.

Tỷ lệ lao động địa phương làm việc trong các KCN có xu hướng giảm dần, năm 2007 tỷ lệ này là 42,4%, đến nay là 25%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là điều kiện về lao động, chế độ tiền lương, tiền công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, điều kiện sinh hoạt của các DN KCN tương đồng với các DN, cơ sở sản xuất tại các CCN của địa phương; người lao động địa phương chưa có tính tổ chức kỷ luật cao do đó không muốn thực hiện những quy định nghiêm ngặt về tổ chức kỷ luật khi làm việc trong các DN KCN. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng lao động ngày càng lớn mà dân số địa phương trong độ tuổi ngày càng giảm dần.

Bên cạnh việc giải quyết việc làm cho người lao động trực tiếp tại các KCN, các KCN cũng góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương có đất thu hồi xây dựng các KCN hoạt động trong các ngành DV phụ trợ. Số hộ gia định thuộc khu vực có đất thu hồi hoạt động trong những lĩnh vực DV này đã chiếm đến 70% số hộ gia đình của địa phương. Điều đó có ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương trong thời gian qua.

1.3. Thực trạng tác động lan toả về mặt môi trường

- Về tỷ lệ KCN có kết cấu hạ tầng xử lý môi trường:

Tính đến hết tháng 12/2007, Bắc Ninh có 10 KCN được phê duyệt, 04 KCN đi vào hoạt động, 02 KCN mới được thành lập và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, 04 KCN trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thành lập và thu hút chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó có 03 KCN (Tiên Sơn, Quế Võ I, Yên Phong I) đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xử lý môi trường, còn 01 KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn chưa triển khai xây dựng. Đến nay, 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch, 10 KCN đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và lắp đặt cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng xử lý môi trường tại các KCN, như: hệ thống thu gom nước thải tại các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải…

- Về tỷ lệ các DN có kết cấu hạ tầng xử lý môi trường:

Cùng với quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, các DN đều tiến hành xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng xử lý môi trường tại nhà máy. Tại các nhà máy đều được đầu tư hệ thống thu gom nước thải, thoát nước mưa, bể cạn để thu gom chất thải rắn. Nước thải sinh hoạt được lắng lọc qua bể để xử lứ cặn, rác; nước thải từ quá trình sản xuất được thu gom về bể, được lọc dầu qua hệ thống xốp, mút, tiếp đó được xử lý đảm bảo cấp độ B theo đúng quy định về nước thải công nghiệp trước khi thải vào hệ thống thoát nước thải chung của KCN về trạm xử lý nước thải tập trung của KCN. Rác thải sinh hoạt, phế liệu sản xuất, chất thải độc hại được tập kết về bể cạn, được phân loại trước khi Công ty môi trường thực hiện vận chuyển về nơi tập kết rác thải để xử lý.

Hệ thống kết cấu hạ tầng xử lý môi trường tại các DN đều được nghiệm thu và đưa vào vận hành cùng với việc DN đi vào hoạt động nên 100% DN KCN đã đi vào hoạt động đều có hệ thống kết cấu hạ tầng xử lý môi trường. Cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng xử lý môi trường chung của toàn KCN sẽ xử lý tốt các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường phát sinh từ hoạt động của KCN. Do đó, quá trình hoạt động của KCN không tạo ra ảnh hưởng lớn về môi trường đối với môi trường sống của dân cư và diện tích canh tác lúa xung quanh KCN.

- Về diện tích đất bỏ hoang do DN chậm triển khai xây dựng:

Tính đến hết tháng 12/2007, tỷ lệ lấp đầy các KCN Bắc Ninh đạt 61,33%. Tỷ lệ đó bao gồm cả diện tích đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chung của KCN và diện tích đất cho thuê. Với tổng số dự án được cấp GCNĐT là 263 dự án, thuê 638,35ha đất, có 115 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, còn lại 148 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Thì đến nay tỷ lệ lấp đầy của 16 KCN được quy hoạch đạt 74,87%, 10 KCN đi vào hoạt động đạt 81%. Thực tế cho thấy tại các KCN Bắc Ninh vẫn còn diện tích đất chưa được DN triển khai xây dựng nhà máy, diện tích này chủ yếu tập trung tại các KCN có tình trạng thu hút đầu tư kém.

- Mối quan hệ liên kết kinh tế giữa các DN, các KCN chưa cao:

Các DN sản xuất có mối quan hệ KT với nhau còn ít, qua quá trình thực hiện rà soát các DN cho thấy có những DN trong cùng KCN không biết về hoạt động sản xuất của các DN khác (sản phẩm sản xuất) mà hoạt động sản xuất đó có thể liên kết với nhau. Công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu TCT (KCN Tiên Sơn) cần sử dụng bao bì để đóng gói sản phẩm không biết tại KCN có Công ty Tân Thành Đồng chuyên sản xuất bao bì, do đó, Công ty thực hiện việc đặt hàng sản xuất bao bì của một Công ty nằm trong KCN của tỉnh Hải Dương.

Mối quan hệ liên kết KT giữa các DN chủ yếu tập trung vào các DN thuộc lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, là những DN lớn với hệ thống DN vệ tinh kèm theo. Đây cũng chính là các DN thực hiện tốt việc chuyên môn hoá trong sản xuất sản phẩm. Do đó, tuy tỷ lệ ít, nhưng những DN này lại tạo nên giá trị gia tăng cao trong sản xuất tại các KCN.

* Trong tác động lan toả của KCN:

- Tỷ lệ lao động địa phương làm việc trong các KCN thấp:

Tỷ lệ lao động địa phương ngày càng giảm trong các KCN, năm 2003 tỷ lệ này là 65%, đến hết tháng 7 năm 2017 chỉ còn 25%. Điều này là quy luật tất yếu do sự gia tăng nguồn nhân lực của tỉnh có hạn, không theo kịp nhu cầu về lao động của các DN KCN với số lượng ngày càng nhiều DN đi vào hoạt động; chất lượng lao động còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Bên cạnh đó,  việc gắn kết quy hoạch KCN với quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương nhất là việc phát triển các làng nghề truyền thống đã làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cung cấp cho các KCN; mức thu nhập của người lao động trong KCN so với tại các CCN, các làng nghề truyền thống không có sức cuốn hút người lao động; mặt khác người lao động chưa có tác phong lao động CN nên không muốn gò bó theo kỷ luật lao động khi làm việc trong các KCN.

- Số lượng lao động thất nghiệp tự nguyện của địa phương tăng:

Việc số lượng DN đi vào hoạt động ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của các làng nghề, các ngành DV cũng làm giảm bớt số lượng lao động tại các KCN. Người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm nên sẵn sàng chấp nhận thất nghiệp trong 1 thời gian nhất định để có được việc làm tốt với thu nhập cao, phù hợp hơn với khả năng của mình hoặc không làm việc ở nhà làm nội trợ hoặc đi học để tìm kiếm cơ hội tốt hơn trong tương lai. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp tự nguyện của địa phương ngày càng tăng. Có thể lấy ví dụ về số lượng người lao động làm nội trợ làm ví dụ minh hoạ: năm 1997 khi mới tái lập tỉnh, các KCN chưa được quy hoạch, số lượng lao động làm nội trợ của Bắc Ninh là 6.405 người chiếm 8,3% tổng số người trong độ tuổi lao động của tỉnh; năm 2000, số lượng này tăng lên thành 7.454 người, chiếm 8,84%; năm 2016 duy trì ở mức 3,2%.

- Nảy sinh các vấn đề xã hội tiêu cực:

Việc thực hiện chất lượng quy hoạch chưa cao, quá trình triển khai thực hiện đầu tư theo quy hoạch các Khu đô thị, DV chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, mới có 01 số khu nhà ở dành cho công nhân được đầu tư tại KCN Tiên Sơn, Yên Phong, tại khuôn viên của 1 số DN, giá cho thuê nhà so với thu nhập của người lao động còn cao nên chưa phát huy được hiệu quả. Các hạng mục hạ tầng xã hội khác như: bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, DV ăn uống...chưa được đầu tư xây dựng. Đời sống văn hoá tinh thần của người lao động chưa được quan tâm đúng mức, đa số người lao động làm việc tại các KCN thuê nhà trong khu vực dân cư để sống. Người lao động chủ yếu tham gia sinh hoạt với người dân khu vực xung quanh các KCN nên đã nảy sinh nhiều hiện tượng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội như: đánh nhau, cướp giật, trấn lột... Hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các DN chưa hiệu quả, chưa hình thành được các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội tại các KCN.

- Diện tích đất chưa triển khai xây dựng còn lớn:

Diện tích này theo thống kê đã giao của 16 KCN là 2.251,92 ha; 10 KCN là 2.149,72, trong đó đã cho thuê của 16 KCN là 1.567,5 ha, 10 KCN là 1.567,5ha. Như vậy số diện tích chưa cho thuê tương đối lớn (gần 700ha của 16 KCN). Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các KCN Bắc Ninh, tránh lãng phí đất và ứ đọng vốn của các công ty hạ tầng.

2. Giải pháp thúc đẩy kết nối, gia tăng ảnh hưởng lan tỏa của các KCN Bắc Ninh theo hướng bền vững

2.1. Liên kết , gia tăng, tác động lan tỏa về mặt kinh tế - kỹ thuật

Muốn tăng cường mối liên kết này, không những Chính phủ, chính quyền địa phương, các Sở, ngành, DN FDI mà cả DN trong nước đều phải có trách nhiệm phối hợp, trong đó, Chính phủ, Chính quyền địa phương đóng vai trò "yểm trợ" cho các hoạt động liên kết thông qua việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật; đưa ra cơ chế ưu đãi đối với các DN FDI có chiến lược mở rộng quan hệ mua bán linh kiện, phụ tùng và sản phẩm hỗ trợ từ DN trong nước; mở kênh trung gian giúp hàng hóa của DN hai khu vực đến với nhau; tập trung hỗ trợ DN trong nước về vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao,... để đủ điều kiện vươn lên, bắt kịp với những đòi hỏi khắt khe của DN FDI.

Các DN FDI cần chủ động liên kết bằng cách tạo cơ hội cho DN trong nước tìm hiểu những sản phẩm, linh phụ kiện có nhu cầu trong quá trình sản xuất, chủ động chuyển giao công nghệ cho khu vực DN tư nhân tiếp cận chuỗi giá trị. DN trong nước cần mạnh dạn đầu tư máy móc, thay đổi công nghệ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu thị trường,... để tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của DN FDI, từ đó có được cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

2.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả hoạt động của dự án cũng như việc thu hút các dự án đầu tư vào các KCN. Nhân tố con người được xác định có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực của Bắc Ninh chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Nhằm thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bắc Ninh trong thời gian tới cần phải thực hiện các vấn đề sau:

- Tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường công nhân kỹ thuật của tỉnh.

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp từ quản lý đến công nhân kỹ thuật. Đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghề cho người lao động vì nhu cầu lao động có tay nghề chiếm trên 60% số lao động sử dụng trong KCN, tỷ lệ này ngày càng tăng do việc thu hút những dự án đầu tư công nghệ hiện đại ngày càng được tập trung thực hiện.

- Hỗ trợ việc huy động vốn, đẩy nhanh quá trình triển khai các trường đào tạo nghề đã được thành lập trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo nghề cho từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển của các KCN. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề nhằm huy động tất cả các nguồn lực vật chất và trí tuệ. Quá trình thực hiện đào tạo nghề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng lao động nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tránh tình trạng có ngành thừa lao động, có ngành thiếu lao động (đào tạo không phù hợp với mục đích sử dụng).

- Đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng các Khu đô thị, DV nhằm cung cấp nhà ở, DV khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, các DV vui chơi giải trí...nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, thực hiện tốt việc tái sản xuất sức lao động.

2.3. Đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề về môi trường

Ý nghĩa quan trọng trong phát triển KCN chính là phát triển sản xuất, TTKT và đảm bảo vệ sinh môi trường. Một thực tế đang đặt ra hiện nay là các KCN nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh trong khi các nhà máy đã và đang sản xuất. Do vậy vấn đề đặt ra là cần cố gắng giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các KCN.

Theo quy định, các dự án đầu tư vào các KCN phải đăng ký đảm bảo môi trường trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những dự án phải có hạng mục xử lý chất thải thì phải hoàn tất các công trình xử lý chất thải mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, khi vận hành các KCN cần lưu ý đến nguồn gây ô nhiễm ngay trong quá trình xây dựng, giao thông vận tải và việc ảnh hưởng lẫn nhau làm tăng mức độ ô nhiễm.

Để giải quyết vấn đề môi trường trong các KCN, giảm thiểu ô nhiễm cần thực hiện đồng bộ một số vấn đề sau:

- Đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, quá trình triển khai dự án của các nhà đầu tư vào KCN. Kiên quyết trong quản lý các dự án có gây ô nhiễm môi trường bắt buộc phải hoàn thiện các công trình xử lý đảm bảo môi trường mới được đưa vào hoạt động.

- Địa phương cần quy hoạch khu xử lý chất thải rắn và yêu cầu các Công ty đầu tư hạ tầng thực hiện các biện pháp xử lý chất thải rắn thường xuyên và triệt để.

- Có biện pháp phối hợp giữa các KCN và các địa phương trong bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm cho nhau. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh CN, xử lý chất thải, rác thải, nước thải được hoạt động trong KCN.

- Khuyến khích các dự án đầu tư và sản xuất không gây ô nhiễm môi trường trong các KCN.

- Thường xuyên giám sát chặt chẽ việc giải quyết ô nhiễm môi trường của các DN. Định kỳ thực hiện việc quan trắc môi trường để có biện pháp giải quyết kịp thời ô nhiễm phát sinh./

                                                                                                                                                 

                                                                                                                                                                                                                      Hoàng Thị Thu Hải

                                                                                                                                                                                                                        Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION CERTIFICATE OF ELIGIBILITY FOR LABOR SAFETY AND HYGIENE TRAINING ACTIVITIES
Rate exchange