ĐÁNH GIÁ THÀNH TỰU SAU 15 NĂM TÁI LẬP TỈNH CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KCN BẮC NINH
16:16 26/12/2011

PHẦN A

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Ngay sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH tỉnh Bắc Ninh là tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngày 25/8/1998, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 152/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các KCN tập trung của tỉnh trên cơ sở Nghị định số 36/1997/NĐ-CP ngày 24/4/1997, đến năm 2008 thực hiện theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế.

Hiện tại, Ban quản lý có 9 phòng, đơn vị trực thuộc: Văn phòng, Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Phòng Quản lý Doanh nghiệp, Phòng Quản lý Lao động, Phòng Quản lý Môi trường, Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp, Thanh tra và Phòng đại diện các KCN. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Ban 59 đ/c. Tuổi đời bình quân 40 tuổi. Về trình độ chuyên môn: 10 Thạc sỹ, 42 đại học, 5 cao đẳng, trung cấp và 2 lái xe.    

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ BQL các KCN Bắc Ninh. Đảng bộ BQL các KCN có 3 Chi bộ trực thuộc với tổng số 44 đảng viên, trong đó 42 chính thức và 2 dự bị. Đảng uỷ BQL gồm 7 đ/c, trong đó 1 đ/c Bí thư và 1 đ/c Phó Bí thư. Trình độ lý luận: Cao cấp chính trị 8 đ/c, trung cấp chính trị 6 đ/c, sơ cấp 30 đ/c.

PHẦN B

ĐÁNH GIÁ THÀNH TỰU SAU 15 NĂM TÁI LẬP TỈNH

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Từ khi thành lập và phát triển, với sự ủng hộ và hướng dẫn kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; dưới sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thành một tập thể vững mạnh với nhiều thành tích đáng ghi nhận, tự hào, thể hiện cụ thể trên các mặt công tác sau:

1. Công tác quản lý Nhà nước trong các KCN

1.1. Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các KCN

Tháng 12/2000, KCN Tiên Sơn - KCN tập trung đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Từ đó, công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong các KCN được thực hiện theo đúng trình tự, quy định và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh lập “Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020“ đã thông qua HĐND, UBND tỉnh và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Xây dựng mô hình KCN - đô thị hiện đại, góp phần điều chỉnh lại không gian kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện ở việc thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết (giao thông, điện, viễn thông,…); tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai khu vực Bắc - Nam sông Đuống và kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô Hà Nội. Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 15 KCN tập trung nằm trong danh mục KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tổng diện tích 6.847 ha; đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng diện tích 5.961 ha, đạt 87,06% (5.961ha/6.847ha). 9 KCN đã đi vào hoạt động, các KCN còn lại đang làm thủ tục triển khai xây dựng. Tính đến thời điểm báo cáo, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch đạt 58,16% (1.217ha/2.093ha), tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt 75,38% (1.217ha/1.615ha).

1.2. Công tác thu hút, cấp giấy chứng nhận đầu tư

Đã soạn thảo, thiết kế và biên tập lại tài liệu, brochure, đĩa VCD giới thiệu về các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh để phục vụ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư về cả hình thức và nội dung hoạt động, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến đầu tư. Chú trọng công tác tiếp cận các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản,… Các KCN Bắc Ninh đã thu hút được các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thu hút nhiều lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, có thương hiệu và uy tín trong khu vực và trên thế giới như: Samsung, Canon, ABB, Nokia,… Từ đó, xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo lập KCN chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ.

Lũy kế đến nay có 527 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 4,1 tỷ USD, thuê 1.152ha đất công nghiệp. Suất đầu tư đạt 7,73 triệu USD/dự án và 3,56 triệu USD/ha.

1.3. Hiệu quả hoạt động KCN

Tính đến thời điểm báo cáo, các KCN Bắc Ninh có tổng số 263 dự án đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Riêng năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN (không tính công ty ĐTPTHT) đạt 142.704 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 6.512 triệu USD, nộp ngân sách tỉnh 2.653 tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các KCN Bắc Ninh hiện là 87.053 lao động; trong đó, số lao động địa phương là 35.655 lao động chiếm 41% tổng số lao động, lao động nữ là 61.575 người, chiếm 71%; mức thu nhập bình quân 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả thu hút đầu tư và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN cho thấy việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh tập trung vào lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến công nghệ cao và xác lập mô hình công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thường xuyên tiến hành rà soát các doanh nghiệp chậm triển khai xây dựng, không triển khai theo đúng tiến độ đăng ký,… Từ đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp KCN. Đến nay đã thu hồi 68 dự án không có khả năng triển khai xây dựng hoặc đầu tư trong các KCN. Đồng thời, Ban cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, với công nhân để giải đáp thắc mắc, góp phần ổn định tình hình ANTT, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong mỗi doanh nghiệp.

Về vấn đề xây dựng nhà ở cho người lao động tại các KCN trên địa bàn toàn tỉnh: hiện có 6 dự án với tổng diện tích 115.733 m2, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 16.512 lao động.

Tổ chức công đoàn cơ sở - cầu nối giữa người lao động với chủ doanh nghiệp phát triển mạnh tại các KCN. Tính đến nay có tổng số 158 công đoàn cơ sở tại các KCN với 34.967 đoàn viên. Công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân lao động và chủ doanh nghiệp, thực hiện công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ và ổn định trong các doanh nghiệp KCN.

1.4. Công tác quản lý môi trường

Công tác quản lý môi trường đối với các KCN trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã đi vào nền nếp. Ban đã xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường trong KCN với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Thực hiện quan trắc tổng thể về môi trường đối với các KCN và doanh nghiệp KCN Bắc Ninh, hướng dẫn và thẩm định báo cáo ĐTM và bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp KCN. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong tỉnh và với các công ty đầu tư phát triển hạ tầng KCN thực hiện tuyên truyền pháp luật về môi trường trong KCN, tiến hành giải quyết các vướng mắc về xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp KCN. Chủ trì, tham gia kiểm tra, giám sát về môi trường trong các KCN Bắc Ninh.

1.5. Công tác thanh tra, kiểm tra

Tiến hành xây dựng và thực hiện hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp KCN. Phối hợp và chuẩn bị tốt phục vụ công tác thanh tra trách nhiệm Trưởng ban, chủ trì hoặc tham gia các đoàn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các nội dung liên quan đến các lĩnh vực như môi trường, quy hoạch sử dụng đất, lao động,.. đối với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh.

Ban quản lý các KCN cũng đã tiến hành bố trí Phòng tiếp công dân, Nội quy tiếp công dân và nghiêm túc thực hiện lịch tiếp công dân hàng năm của cơ quan, đơn vị.

1.6. Công tác An ninh trật tự trong các KCN: Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, công an huyện, thị, thành phố, các đồn công an KCN và các công ty hạ tầng KCN đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn trong các KCN, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng.

Hiện tại số lượng công nhân gia tăng, tình hình ANTT tại các KCN có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Ban quản lý đã chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời.

1.7. Hoạt động dịch vụ của TTDV KCN

- Công tác quản lý dự án: Tiến hành xây dựng và thực hiện bàn giao quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kỹ thuật Khu liền kề KCN Quế Võ cho Tổng Công ty PTĐT Kinh Bắc - CTCP; KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn: Khối lượng thi công xây lắp ước đạt 40 tỷ đồng đạt 125% kế hoạch đề ra.

 - Chủ động thực hiện công tác tư vấn và làm dịch vụ giải phóng mặt bằng cho các KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN.

- Công tác tư vấn các thủ tục đầu tư, các bước triển khai dự án cho các doanh nghiệp thứ cấp góp phần tạo môi trường thông thoáng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về các lĩnh vực như: đầu tư, môi trường, lao động,..

- Tiến hành các hoạt động dịch vụ khác như cung ứng lao động, làm đại lý vé máy bay.

2. Các công tác khác

2.1. Công tác tổ chức - cán bộ

Thực hiện nghiêm túc Luật cán bộ, công chức và các Nghị định, văn bản hướng dẫn. Tiến hành từng bước hoàn thiện bộ máy, sắp xếp hợp lý vị trí cán bộ, công chức, viên chức nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực, trình độ cán bộ và đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ban.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong cơ quan tham gia học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ, tin học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

2.2. Công tác tài chính: Đảm bảo thực hiện chế độ thu chi tài chính của cơ quan, đơn vị theo đúng Luật NSNN và các quy định khác có liên quan.

2.3. Công tác cải cách hành chính

- Xây dựng, ban hành và sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban qua từng thời kỳ theo đúng Nghị định của Chính phủ, Quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh. Tiến hành phân công nhiệm vụ Lãnh đạo Ban quản lý, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các phòng, đơn vị trực thuộc và chi tiết nhiệm vụ đến từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức của Ban.

Xây dựng, áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của Ban. Hiện đã hoàn thành việc nâng cấp theo phiên bản mới ISO 9001:2008 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho phù hợp với tình hình hoạt động mới. Tham gia thực hiện các giai đoạn I, II và III Đề án 30 - Rà soát thủ tục hành chính của tỉnh, đơn giản hoá 40% thủ tục hành chính tại Ban. Duy trì tốt hoạt động của bộ phận “một cửa” - nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, được khách hàng đánh giá cao. Công khai các thủ tục hành chính và kết quả giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của Ban quản lý.

2.4. Công tác Thi đua - Khen thưởng

- Thực hiện tốt công tác TĐ-KT của Ban: quán triệt đến các phòng, đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị về Luật TĐKT cũng như ý nghĩa của việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; chế độ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, của các tổ chức chính trị trong việc tham gia và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; việc tổ chức thi đua khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm xây dựng đăng ký thi đua và ký giao ước thi đua trong Khối. Ngoài việc tập trung cao độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mỗi năm; chính quyền phối hợp với các tổ chức đoàn thể dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng đã tổ chức tốt phong trào thi đua toàn diện: về học tập chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị; về rèn luyện phấn đấu đạo đức, tác phong; về phong trào hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao cũng như tham gia các phong trào thi đua khác, tạo ra không khí làm việc hăng say và thi đua sôi nổi hăng hái trong nội bộ cơ quan, nâng cao hiệu quả công tác, làm tăng hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước của cơ quan, đồng thời góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Kết quả, hàng năm tập thể Ban và các tổ chức đoàn thể trong Ban đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc, được các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh biểu dương và khen thưởng. Năm 2005 và 2011, tập thể Ban quản lý các KCN Bắc Ninh lần lượt được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì của Chủ tịch nước. Đ/c Trưởng ban Ban quản lý các KCN Bắc Ninh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

- Triển khai công tác TĐ-KT hàng năm tới các doanh nghiệp KCN nhằm động viên, khuyến khích và nêu cao vai trò của các doanh nghiệp KCN trong việc thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời khuyến khích, ghi nhận và biểu dương các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt các văn bản pháp luật Nhà nước trên địa bàn tỉnh;

2.5. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khác

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành trong tỉnh xây dựng và hoàn thiện Quy chế phối hợp một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong các KCN Bắc Ninh trình UBND tỉnh Ban hành (Quyết định số 100/2009/QĐ-UBND ngày 14/7/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh). Quy chế phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững của các công ty hạ tầng KCN và các doanh nghiệp thứ cấp.

- Tham gia Chương trình xúc tiến đầu tư vào các KCN, KCX, KKT các tỉnh phía Bắc tổ chức tại Bắc Ninh; tham gia xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư khác tại nước ngoài.

- Xây dựng và triển khai nghiên cứu, thực hiện 4 Đề tài khoa học, 1 Đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước của Ban.

II. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CÒN TỒN TẠI

1. Công tác quy hoạch KCN được chú trọng, tuy nhiên quy mô KCN chưa được lượng hoá cho phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, chức năng KCN chuyên ngành chưa rõ rệt, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp mũi nhọn.

2. Lao động và cơ cấu lao động cơ bản được giải quyết, tuy nhiên, trình độ tay nghề, kỹ năng và ý thức làm việc của người lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp phải tốn một khoản chi phí không nhỏ cho việc đào tạo lại lao động.

3. Một số doanh nghiệp được cấp phép nhưng không triển khai xây dựng, triển khai chậm tiến độ hoặc cầm chừng, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư. Một số doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo, thống kê, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo, phân tích và dự báo của  các cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Các công ty đầu tư hạ tầng KCN chưa có khu lưu trữ chất thải tạm thời theo quy định, hệ thống xử lý nước thải tập trung xây dựng chậm so tiến độ đề ra. Vẫn còn doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Công tác bồi thường GPMB chậm, có nhiều KCN chưa triển khai được, điển hình là KCN Gia Bình; Yên Phong 2.

6. Số doanh nghiệp đi vào hoạt động ngày càng nhiều, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn; Công tác ANTT ngày càng diễn biến phức tạp, phát sinh thêm các vụ việc cướp tài sản và cháy lớn tại các KCN.

PHẦN C

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Một trong những giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH tỉnh Bắc Ninh, đó là xây dựng và phát triển bền vững các KCN Bắc Ninh. Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Hoàn thiện đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN Bắc Ninh đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 nhằm phát triển đồng bộ, hiệu quả và bền vững giữa đầu tư, xây dựng các KCN trên địa bàn tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác, tham gia vào việc phân bố, điều chỉnh lại không gian kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong tỉnh, là cơ sở để Bắc Ninh hội nhập và phát triển bền vững.

2. Tham mưu tích cực UBND tỉnh trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng hiệu quả và tạo điều kiện phát triển bền vững: tập trung vào các thị trường lớn, tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật,…; tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao… Thúc đẩy việc phát triển các KCN chuyên ngành, tạo lập ngành công nghiệp mũi nhọn (điện tử, viễn thông) và công nghiệp hỗ trợ.

3. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước sau đầu tư.

- Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ, bảo đảm cho công tác sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển ổn định. Đối với các dự án không có điều kiện thực hiện, kiên quyết thu hồi hoặc tạo điều kiện chuyển đổi.

- Nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật, quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp KCN. Xây dựng hệ thống đào tạo liên kết, coi trọng tính thực tế trong giáo dục hướng nghiệp. Chăm lo, đời sống người lao động, tạo môi trường làm việc hiệu quả, có phương pháp hợp lý khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

- Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các KCN xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng các KCN gắn với các công trình phúc lợi xã hội: Nhà ở cho người lao động, trường học, công viên, chợ, nhà trẻ, trung tâm văn hoá thể thao, cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, nhằm đảm bảo cho các KCN phát triển bền vững, nêu cao hình ảnh về các KCN Bắc Ninh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.

- Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong các KCN. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

4. Nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiến tới giải quyết các thủ tục hành chính và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, tổng hợp qua mạng internet nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp KCN.

5. Tiếp tục hoàn thiện xây dựng quy chế phối hợp với các ngành liên quan.

6. Tập trung công tác BTGPMB các KCN: Thuận Thành 2, Yên Phong 2, Gia Bình để tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư vào các KCN này.

7. Tích cực thực hiện các phong trào thi đua; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn cơ quan, đơn vị./.

Top
Advertisment
Business connection
Văn bản, chính sách mới Tiếng Anh Hỗ trợ thông tin đất-xưởng Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Sở Xây dựng Tiếng Anh CERTIFICATE OF CAPACITY OF CONSTRUCTION CERTIFICATE OF ELIGIBILITY FOR LABOR SAFETY AND HYGIENE TRAINING ACTIVITIES
Rate exchange