Thật vậy, ban đầu KCN Tiên Sơn khởi công xây dựng tháng 12/2000, đến nay đã hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 15 KCN, tổng diện tích 7.525ha, trong đó: KCN 6.541ha và Khu đô thị 984ha; 10 KCN đang triển khai xây dựng, đi vào hoạt động với số vốn đầu tư hạ tầng 587 triệu USD, giải ngân đạt trên 50%; tỷ lệ lấp đầy 45,88% trên diện tích quy hoạch chi tiết được duyệt, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất đã thu hồi là 65%. Việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đã tham gia vào việc phân bố, điều chỉnh lại không gian kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, đã thiết lập mô hình KCN gắn với đô thị nhằm phát huy lợi thế, tạo hình ảnh riêng biệt và diện mạo KCN hiện đại, góp phần hình thành chuỗi không gian kinh tế đô thị trên địa bàn tỉnh, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội.
Luỹ kế đến tháng 6/2010, thu hút được 422 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký 3,23 tỷ USD, đạt 3,38 triệu USD/ha và 7,67 triệu USD/dự án, trong đó: 184 Dự án FDI chiếm 2,3 tỷ USD; Vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo với trình độ công nghệ tiến tiến của các tập đoàn đa quốc gia, riêng lĩnh vực điện tử chiếm khoảng 52,0% tổng vốn đăng ký, là cơ sở xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Công tác thu hút đầu tư có bước điều chỉnh, kết hợp thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội ngay từ đầu xây dựng mỗi KCN, đảm bảo sự hỗ trợ, tương tác, thúc đẩy phát triển các KCN nhanh, bền vững. Mặt khác, công tác thu hút đầu tư theo hướng xây dựng hình ảnh đặc trưng cho các KCN. Mỗi KCN có nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thương hiệu toàn cầu để kéo theo chuỗi các công ty vệ tinh trong lộ trình nội địa hoá, tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập KCN chuyên ngành, công nghiệp phụ trợ để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các KCN.
Hiệu quả hoạt động các KCN, đến tháng 6/2010 có 205 dự án đi vào hoạt động SXKD; dự kiến năm 2010, giá trị SXCN chiếm 45÷50%, giá trị xuất khẩu chiếm 85÷90% toàn tỉnh, thu hút gần 50.000 lao động trực tiếp, trong đó khoảng 50% là lao động địa phương. Các KCN từng bước khẳng định vị trí, vai trò chủ yếu quyết định sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong những năm tới. Đặc biệt, các dự án FDI có công nghệ tiên tiến, quy mô đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia như: Canon, Samsung, ABB... vào các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông đã đi vào hoạt động, đang tiếp tục đầu tư mở rộng sẽ tạo ra sự đột phá về giá trị SXCN, xuất khẩu, sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao và tăng thu ngân sách.
Các KCN đã đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm đất đai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương có đất thu hồi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; góp phần hình thành các khu đô thị, khu dân cư, dịch vụ gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội.
Tóm lại, qua 10 năm phát triển các KCN đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo vị thế mới của tỉnh công nghiệp. Các KCN đã trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trên hai con số và trở thành nhân tố quyết định quá trình CNH, HĐH. Từ thành tựu đạt được cho thấy:
- Thứ nhất: Việc hoàn thiện, ổn định quy hoạch phát triển các KCN đã đáp ứng được yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh kinh tế công nghiệp, tạo tiền đề đến năm 2020 là một trong những tỉnh tốp đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
- Thứ hai: Kết quả thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh đã tạo tiền đề xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn và bước đầu hình thành, phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử. Ngành điện tử, cơ khí, hiện nay mới ở trình độ công nghệ lắp ráp nhưng đã mở ra hướng đi đúng, muốn phát triển lên trình độ cao hơn đòi hỏi phải có đội ngũ lao động bậc cao và thu hút nhiều doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ trong thời gian tới.
- Thứ ba: Lao động, cơ cấu lao động được gắn trong quy hoạch phát triển KCN; giải quyết nhiều việc làm tại chỗ và thu hút lao động từ địa phương khác. Đồng thời, việc tổ chức quản lý bảo vệ môi trường trong KCN như hiện nay đã mở đường để tiếp tục hoàn thiện cách thức giải quyết vấn đề môi trường một cách bài bản, theo tiêu chí KCN bền vững.
Về phương hướng, mục tiêu tổng quát đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại trang 27 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 là: “... Phát triển các Khu công nghiệp – Đô thị hiện đại với công nghệ cao, công nghệ sạch... Đẩy mạnh CNH, HĐH phát triển thành trung tâm công nghệ cao và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020”.
Phát triển mỗi KCN theo mô hình KCN – Đô thị là quá trình gắn kết đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN với hệ thống kết cấu hạ tầng các Khu đô thị, khu dân cư, dịch vụ để hình thành không gian kinh tế, đô thị; việc hình thành các khu đô thị, khu dân cư, dịch vụ còn góp phần giải quyết nhu cầu của người lao động trong KCN về ăn, ở, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá cộng đồng… Các KCN gắn với đô thị sẽ hình thành chuỗi đô thị và không gian kinh tế đô thị.
Thực tế, ngay từ đầu, định hướng phát triển KCN – Đô thị được thể hiện trong Quyết định số 48/1998/QĐ-VB năm 1998 của UBND tỉnh v/v phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010. Định hướng đó còn được khẳng định trong Nghị quyết số 12-NQ/TU năm 2000; Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2001 và Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 tiếp tục khẳng định: “…Xây dựng mô hình KCN thân thiện với môi trường trong đó nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn ISO 14000, công nghệ hiện đại, cảnh quan xanh, sạch đẹp, đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, dịch vụ; hình thành và kết nối đô thị công nghiệp, khu đào tạo, nghiên cứu, xây dựng thương hiệu các khu công nghiệp…”.
Từ thực tiễn 10 năm phát triển các KCN và yêu cầu về định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, đặt ra một số vấn đề cần tập trung giải quyết cho các KCN, đó là bài toán “Bốn thu”: Thu hút đầu tư; Thu hồi đất; Thu hút lao động và Thu ngân sách trong việc xem xét tiêu chí đánh giá về trình độ công nghệ, mức độ bảo vệ môi trường và trình độ lao động, hệ số thâm dụng lao động. Giải quyết tốt bài toán “Bốn thu” là giải pháp lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển các KCN – Đô thị hiện đại, đẩy mạnh CNH, HĐH, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đã đề ra. Do vậy, trong thời gian tới tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đã được phê duyệt đến năm 2015÷2020 theo hướng điều chỉnh quy mô hợp lý cho từng KCN để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất công nghiệp;
- Tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đưa toàn bộ 15 KCN đi vào hoạt động. Xây dựng thương hiệu các KCN gắn với thương hiệu một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon... nhằm góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Ninh;
- Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tập trung tạo lập công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, vật liệu mới; phấn đấu đến năm 2015, giá trị SXCN chiếm 65÷70%, giá trị xuất khẩu chiếm 90÷95% toàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong KCN tham gia xây dựng nhà ở, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động…;
- Thu hút lao động đáp ứng yêu cầu phát triển các KCN, phát triển hệ thống hạ tầng xã hội “giữ chân” người lao động để góp phần đảm bảo dân số và cơ cấu dân số hợp lý cho thành phố công nghiệp tương lai;
- Thực hiện liên kết nhanh hơn hạ tầng kỹ thuật giữa các KCN với khu đô thị để tự chuyển hoá mô hình KCN – Đô thị thành Đô thị công nghiệp trong tiến trình đô thị hoá;
- Tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng thu ngân sách, chống hoạt động chuyển giá, chuyển nhượng bất hợp pháp, chống hạch toán “Lỗ công ty con, lãi công ty mẹ”;
- Tăng cường giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường và công tác an ninh trật tự xã hội; có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường; tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh.
Đồng thời, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và điều chỉnh chính sách ưu đãi theo nguyên tắc: Các dự án được hưởng ưu đãi cao về kết cấu hạ tầng, thuế, dịch vụ công… có trách nhiệm tham gia vào xây dựng hạ tầng xã hội, trước hết là phục vụ người lao động tại doanh nghiệp hoặc KCN trên địa bàn./.